Khô hạn đe dọa hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á

Chủ Nhật, 03 Tháng Giêng 202111:00 SA(Xem: 4113)
Khô hạn đe dọa hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á

Mực nước giảm mạnh tại hồ Tonle Sap ở Campuchia đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể động vật hoang dã và cuộc sống của người dân bản địa.

Một vùng đất ngập nước quanh hồ Tonle Sap. Ảnh: AFP.

Một vùng đất ngập nước quanh hồ Tonle Sap. Ảnh: AFP.

Được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của UNESCO vào năm 1997, hồ Tonle Sap chứa đựng một lượng lớn các vùng sinh thái liên kết với nhau và có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Nó cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm ở Campuchia và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của một số lượng lớn cư dân sống trên hoặc xung quanh hồ.

Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này phụ thuộc vào sự "đảo ngược bất thường" theo mùa. Vào mùa khô, nó thoát nước vào sông Mekong qua một huyết mạch chảy xiết, nhưng khi những cơn mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, dòng sông Mekong hùng vĩ lại dâng lên, mang nước chảy ngược về Tonle Sap, khiến kích thước của hồ mở rộng gấp 4 lần, có thể đạt 14.500 km2 ở đỉnh lũ, theo Ủy ban sông Mê Kông (MRC).

Tuy nhiên, các dòng chảy ngược đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu và những dự án xây đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Năm ngoái, lượng nước chảy vào hồ đã giảm 1/4 so với mức trung bình vào khoảng đầu thế kỷ. MRC nhấn mạnh hiệu ứng dòng chảy ngược đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1997, dẫn đến "tình trạng cực kỳ khô hạn".

Sự thay đổi của mực nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng đất ngập nước xung quanh hồ, dẫn đến sự suy giảm các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Theo một báo cáo mới của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, gần 1/3 môi trường sống tự nhiên của Tonle Sap đã biến mất trong vòng 25 năm qua và một nửa diện tích vùng ngập lũ của hồ hiện đã khô hạn đến mức không thể trồng lúa.

Ngư dân Leng Vann đánh bắt cá trên hồ Tonle Sap. Ảnh: AFP.

Ngư dân Leng Vann đánh bắt cá trên hồ Tonle Sap. Ảnh: AFP.

Mực nước thấp cũng khiến trữ lượng cá trong hồ giảm mạnh, buộc 2.600 hộ gia đình ở Koh Chivang - một cộng đồng ngư dân sống trong các ngôi làng nổi trên hồ - phải vào bờ để trồng ớt và các loại cây khác để kiếm sống. Điều này cũng khiến các cánh rừng xung quanh bị chặt phá nhiều hơn để làm nông nghiệp.

"Ngư dân chúng tôi sống nhờ nước và cá. Khi cá và nước không còn, chúng tôi có thể hy vọng gì khác?", Leng Vann (43 tuổi), một trong những cư dân cố gắng bám trụ tại các ngôi làng nổi ở Koh Chivang, chia sẻ.

"Nếu không có hành động khẩn cấp để bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên, chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai", lãnh đạo địa phương Hun Sotharith nhấn mạnh.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn