Đằng sau hợp tác gượng ép của Roosevelt, Churchill và Stalin trong Thế chiến 2

Chủ Nhật, 27 Tháng Mười Hai 20201:00 CH(Xem: 2347)
Đằng sau hợp tác gượng ép của Roosevelt, Churchill và Stalin trong Thế chiến 2
Chú thích ảnh
Từ trái qua: Ba nhà lãnh đạo Joseph Stalin, Franklin Roosevelt và Winston Churchill tại Hội nghị Tehran (Iran) năm 1943 nhằm hoạch định chiến lược đi đến chiến thắng trong Thế chiến 2.

Trong Thế chiến 2, Mỹ, Anh và Liên Xô sẽ không bao giờ là đồng minh tay ba nếu họ không có chung một kẻ thù nguy hiểm là Adolf Hitler.

Người Mỹ là những người theo chủ nghĩa độc lập, người Anh là theo chủ nghĩa đế quốc và Liên Xô là những người Cộng sản. Nhưng khi Đức Quốc xã quyết liệt với kế hoạch thống trị thế giới, các nhà lãnh đạo của “Ba ông lớn” (Big Three) – gồm Tổng thống Mỹ Franklin Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin - đã hiểu rằng cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa phát xít là đặt sự khác biệt chính trị và cá nhân sang một bên, để cùng đứng dưới ngọn cờ an ninh toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là, mỗi nhà lãnh đạo sẽ sẵn sàng hy sinh đến đâu để liên minh hoạt động hiệu quả.

ROOSEVELT, VỊ TỔNG THỐNG THỰC DỤNG VÀ TIẾN BỘ

Chú thích ảnh
Các thành viên nội các theo dõi với những cảm xúc lẫn lộn khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký tuyên bố phát động chiến tranh chống Nhật Bản lúc 16h10 ngày 8/12/1941 (giờ Washington D.C). Ảnh: Getty Images

Khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra vào năm 1939, Franklin D. Roosevelt đang tiến tới nhiệm kỳ thứ ba lịch sử, với tư cách là một tổng thống nổi tiếng tiến bộ. Quốc hội và người dân Mỹ đã hy vọng sẽ yên ổn ngồi nhìn cuộc chiến diễn ra ở nước ngoài. Nước Mỹ cảm thấy họ đã hy sinh quá nhiều sinh mạng trong Thế chiến thứ Nhất và không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột đẫm máu khác ở châu Âu.

Sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9/1939, bất chấp những đề nghị trực tiếp từ Anh và Pháp, Tổng thống Roosevelt vẫn từ chối tham chiến, tuyên bố nước Mỹ trung lập. Ngay cả khi quân Đức đã xâm chiếm Bỉ, Hà Lan và Luxemburg vào mùa Xuân năm 1940, khiến Churchill phải kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, Roosevelt và Quốc hội Mỹ vẫn từ chối không hỗ trợ gì khác ngoài cung cấp một số ủng hộ tài chính và thiết bị quân sự cho lực lượng Đồng minh.

Mối quan hệ giữa Frank D. Roosevelt và Churchill, đại diện cho hai nền dân chủ phương Tây lớn nhất thời điểm đó, rơi vào căng thẳng. Về mặt xã hội, họ là đôi bạn hoàn hảo, hướng ngoại và quý phái, với sự tinh tế khi trò chuyện. Nhưng Churchill, một người lính, một sĩ quan được trao nhiều huân chương, chắc chắn là người bảo vệ trung thành của Đế quốc Anh, khi đó vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn từ châu Phi đến Ấn Độ và Viễn Đông. Trong khi Frank D. Roosevelt lại là người chỉ trích gay gắt những gì ông gọi là “ác quỷ của chủ nghĩa đế quốc”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Roosevelt (trái) và Thủ tướng Anh Churchill trong cuộc gặp tại Casablanca, Maroc tháng 1/1943.

Tất nhiên không có mối quan hệ xã hội thuận lợi như vậy giữa Frank D. Roosevelt và lãnh đạo Liên Xô Stalin. Nhưng Tổng thống Roosevelt đã sớm nhận ra lợi ích chính trị của mối quan hệ tích cực giữa Mỹ và Liên Xô, đặc biệt khi Liên Xô được xem như một bước đệm chống phát xít Nhật. Trên thực tế, trong năm đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, Roosevelt đã sớm công nhận Liên Xô và bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao với Điện Kremlin.

Trong suốt năm 1940 và hầu hết năm 1941, Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập ngay cả khi máy bay Đức dội bom đánh sập các thành phố của Anh trong những cuộc tấn công hàng đêm, nhằm vào cả mục tiêu quân sự lẫn dân sự. Trong cùng thời gian đó, Hitler đã huỷ bỏ Hiệp ước Không Xâm phạm với Stalin và phát động tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Phản ứng chủ đạo của Roosevelt trong cả hai tình huống trên chỉ là gia hạn các thỏa thuận cho vay với Churchill và Stalin để cung cấp vũ khí và vật tư do Mỹ sản xuất.

Sau đó, vào ngày 7/12/1941, quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, buộc Mỹ phải tuyên chiến với Nhật Bản. Đức và Ý, hai cường quốc khác trong Trục phát xít, tuyên chiến với Mỹ vào ngày 11/12 cùng năm. Kết quả là Mỹ đã tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai dù muốn hay không.

“CUỘC HÔN NHÂN BA BÊN” CHÓNG VÁNH

Vào ngày 1/1/1942, chưa đầy một tháng sau trận Trân Châu Cảng, Vương quốc Anh và Liên Xô đã ký “Tuyên bố của Liên hợp quốc”, một tài liệu không ràng buộc về mặt pháp lý, đưa “Big Three” vào một liên minh lớn để đảm bảo sự tồn tại trước thế lực phát xít. Không ai trong số ba cường quốc có thể tự mình đánh bại Hitler, nhưng họ sẽ cùng nhau chia rẽ và làm suy yếu các lực lượng dường như không thể ngăn cản của Đức.

Churchill không tin tưởng lắm lãnh đạo Liên Xô Stalin, còn Stalin thì không tin tưởng bất cứ ai. Ngay từ đầu, Frank D. Roosevel đã thấy mình kẹt ở giữa, ông phải trấn an nỗi e ngại của Churchill về việc Liên Xô có thể tiếp quản châu Âu, đồng thời nuôi dưỡng khát vọng của Stalin về việc đưa Liên Xô lên đỉnh cao quyền lực chính trị và kinh tế.

Trong một tin nhắn riêng cho Churchill khi bắt đầu “cuộc hôn nhân ba bên” căng thẳng, Tổng thống Roosevel đã thừa nhận mối e ngại của Thủ tướng Anh, đồng thời đưa ra phương án chấp nhận thỏa hiệp. “Tất cả chúng ta đều đồng ý... vì sự cần thiết phải có Liên Xô như một thành viên được chấp nhận đầy đủ và bình đẳng của một hiệp hội các cường quốc được thành lập với mục đích ngăn chặn chiến tranh thế giới. Có thể thực hiện điều này bằng cách điều chỉnh sự khác biệt của chúng ta thông qua sự thỏa hiệp của tất cả các bên liên quan”, Tổng thống Mỹ Roosevelt viết cho Churchill năm 1944.

HỘI NGHỊ LỊCH SỬ TEHRAN

Chú thích ảnh
Bộ ba Joseph Stalin, Franklin Roosevelt, Winston Churchill (từ trái sang) họp tại Tehran, Iran vào cuối năm 1943. Ảnh: Getty Images

Ba nhà lãnh đạo Franklin Roosevelt, Churchill và Stalin đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11/1943 tại Hội nghị lịch sử Tehran (Iran).

Từ thời điểm người Mỹ tham chiến, Stalin đã thúc đẩy một chiến dịch tấn công phối hợp với Anh và Mỹ ở Tây Âu để thu hút binh lính Đức khỏi mặt trận phía Đông, nơi Liên Xô đang chịu tổn thất lớn. Tại Tehran, Mỹ và Anh đã cam kết thực hiện một cuộc đổ bộ lớn vào năm 1944 ở bờ biển Pháp (Chiến dịch Overlord) để đổi lấy lời hứa của Stalin, tham gia cuộc chiến chống phát xít Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Lực lượng Đồng minh đổ bộ 156.000 quân xuống bãi biển Normandy ngày 6/6/1944 (D-Day). Ảnh: National Geographic

Tại Tehran, Roosevelt cũng đã gặp riêng với Stalin để thảo luận về vai trò trung tâm của Liên Xô trong Liên hợp quốc thời hậu chiến. Ông chia sẻ tầm nhìn của mình với Stalin về một thế giới hòa bình được dẫn sắt bởi “bốn cảnh sát” gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô, và cho Moskva thấy rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Liên Xô vì lợi ích hai bên.

“Những gì Stalin muốn làm là hồi sinh nước Nga như một cường quốc thế giới”, Susan Butler, tác giả cuốn "Roosevelt and Stalin: Portrait of a Partnership", nói. “Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng Roosevelt là người duy nhất mà Stalin tin tưởng”.

Chú thích ảnh
Tù binh người Romania bị bắt trong Trận Stalingrad (Nga) vào cuối năm 1942, đầu 1943.

Lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng ba nhà lãnh đạo gặp nhau là tại Hội nghị Yalta vào tháng 2/1945. Cuộc gặp này rất khác với Hội nghị Tehran, bởi lúc này Roosevelt đã xuất hiện triệu chứng rõ ràng của bệnh bại liệt và một chiến thắng của quân Đồng minh trước Đức Quốc xã đã trong tầm tay.

“Vào thời điểm đó, Roosevel, Churchill và Stalin quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn chặn Thế chiến thứ Ba”, tác giả Susan Butler nói. Họ nghĩ rằng có khả năng lớn là Đức sẽ một lần nữa tìm cách thống trị thế giới. "Sự hình thành Liên hợp quốc thời hậu chiến là mối quan tâm hàng đầu của Roosevelt, đó là lý do tại sao ông kêu gọi tổ chức hội nghị Yalta”.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo Đồng minh tại Hội nghị Yalta được tổ chức tại Cung điện Livadia, miền Nam Ukraine, vào tháng 2/1945. Ảnh: Getty Images

Tại Yalta, ba nhà lãnh đạo cho rằng Chiến tranh với Nhật Bản sẽ còn kéo dài rất lâu sau khi Hitler đầu hàng. Để đảm bảo sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô chống lại Nhật Bản và giành được sự hợp tác toàn diện của Stalin tại Liên hợp quốc, Roosevelt và Churchill đã đồng ý một số nhượng bộ. Theo đó, sau chiến tranh, Liên Xô sẽ giữ quyền kiểm soát một phần nước Đức và sẽ có quyền tự do gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng Đông Âu và châu Á.

Từng có nhiều hy vọng rằng tinh thần hợp tác của Đại Liên minh sẽ tồn tại sau Thế chiến II, nhưng với cái chết của Franklin Roosevelt chỉ hai tháng sau Hội nghị Yalta, nước Mỹ, lúc này dưới sự chỉ huy của vị Tổng thống cứng rắn Harry Truman, đã từ bỏ lời hứa của Roosevelt về cho Liên Xô vay tiền để khôi phục nền kinh tế. Cộng với nỗi sợ hãi của Mỹ, Anh về sự thắng thế của Chủ nghĩa Xã hội ở Đông Âu và châu Á, giai đoạn này là tiền đề của cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài nhiều thập niên sau đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn