Vladimir Kryuchkov: Vì sao KGB không cứu được Liên Xô tan vỡ?

Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai 202010:26 CH(Xem: 3282)
Vladimir Kryuchkov: Vì sao KGB không cứu được Liên Xô tan vỡ?
bbc.com

Vladimir Kryuchkov: Vì sao KGB không cứu được Liên Xô tan vỡ? -

Chairman of the Committee for State Security KGB Vladimir Kryuchkov (1924 - 2007) during session of the USSR Supreme Soviet of XII convocation in Moscow, Soviet Union, July 1989

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Ủy ban An ninh Nhà nước KGB Vladimir Kryuchkov (1924 - 2007) trong phiên họp của Liên Xô khóa XII tại Moscow, Liên Xô, tháng 7 năm 1989

Vladimir Aleksandrovich Kryuchkov (1924-2007) lưu lại dấu ấn trong lịch sử Liên Xô và nước Nga như một lãnh đạo thời suy tàn của Ủy ban An ninh Liên Xô, KGB, và là người phản bội lại cấp trên.

Sinh năm ở thành phố Stalingrad anh hùng trong gia đình lao động, có bà ngoại là người Đức (dân thiểu số Đức vùng sông Volga), Kryuchkov tốt nghiệp ngành luật và làm nhà ngoại giao Liên Xô.

Làm bí thư thứ ba tại Đại sứ quán Liên Xô ở Budapest năm 1956 dưới quyền Đại sứ Yuri Andropov, ông được cấp trên để ý nhờ tài tổ chức và kiến thức rộng.

Andropov lên làm Chủ tịch Ủy ban An ninh Nhà nước (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti-KGB) từ 1964 và đưa Kryuchkov vào cơ quan đầy quyền lực này.

Tháng 8/1991, Vladimir Kryuchkov là lãnh đạo KGB và nhân vật chủ chốt lập mưu hạ bệ TBT Mikhail Gorbachev trong cuộc đảo chính thất bại.

'Chần chừ và run tay'

Vào 6 giờ sáng ngày 19/08, đài Moskva và hãng TASS, theo lệnh của Ủy ban Khẩn cấp (nhóm đảo chính) tuyên bố Gorbachev vì sức khoẻ yếu đã không thể thực hiện nghĩa vụ và Gennady Yanayev, phó tổng thống lên thay.

Ông Yanayev đứng đầu một Ủy ban tám người, gồm Vladimir Kryuchkov (KGB), Valentin Pavlov (Thủ tướng), Boris Pugo (Bộ trưởng Nội vụ), Dmitry Yazov (Bộ trưởng Quốc phòng)...và một số người khác.

Tuy thế, người chủ mưu là Kryuchkov và cuộc đảo chính đi vào lịch sử như sáng kiến của KGB.

Sự thất bại nhanh chóng của nó cũng chứng tỏ KGB không giỏi và đáng sợ như người ta vẫn nghĩ.

Nhóm đảo chính không chuẩn bị tốt mà chỉ phản ứng trước kế hoạch của Moscow ký hiệp ước mới ngày 20/08, chuyển nhiều quyền cho 15 nước trong liên bang.

Các lãnh đạo phe đảo chính không thuyết phục được nội bộ các ban ngành của họ.

Dù bộ trưởng quốc phòng đứng về phe đảo chính, các tư lệnh quân đoàn, gồm cả sư đoàn xe tăng họ cử vào Moscow, đã quay nòng súng, bảo vệ chính phủ hợp pháp.

Tại Leningrad, lãnh đạo KGB địa phương ủng hộ thị trưởng Anatoly Sobchak chống lại tướng quân đội Viktor Samsonov thuộc phe đảo chính và ủy ban lâm thời của ông ta.

Trong tuyên bố gửi nhân dân Liên Xô, nhóm đảo chính nói dối rằng ông Gorbachev không đủ sức khoẻ để cầm quyền.

Nhưng trước sự phản đối của dân và thái độ kiên quyết của Tổng thống Nga Boris Yeltsin, đến chiều cùng ngày, 'tổng thống tự xưng' Yanayev lại lên đài phát biểu rằng ông “trông đợi Gorbachev mau chóng trở về vị trí”.

Trong lúc phát biểu, ông Yanayev lộ rõ sự lúng túng trước quốc dân với giọng nói hốt hoảng, hai bàn tay run bắn.

Giáo hội Chính thống Nga qua lời Đại trưởng lão Aleksey II đã lên án phe đảo chính, và sang ngày 20/08 Boris Yeltsin ra lệnh tước quyền của quân đội và KGB trên lãnh thổ Nga.

Cuộc đảo chính tan rã và cả nhóm thực hiện bị bắt.

Sau khi đón Gorbachev trở về, Xô Viết Tối cao Liên Xô tuyên bố ông vẫn là tổng thống Liên Xô và hủy mọi quyết định của Ủy ban Khẩn cấp.

'Vừa kính trọng, vừa căm ghét Gorbachev'?

Quan hệ giữa Gorbachev và Kryuchkov, người lãnh đạo KGB, 'chiếc khiên và thanh kiếm bảo vệ Đảng' tưởng như phải thuận lợi từ ban đầu.

Năm 1985, khi Gorbachev lên nắm chức tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Liên Xô, Vladimir Kryuchkov tỏ ra hăng hái ủng hộ chính sách đổi mới perestroika.

Ở vị trí Cục trưởng Tình báo nước ngoài, Kryuchkov đã chỉ huy 12 nghìn nhân viên, gồm cả Vladimir Putin, và có uy tín trong KGB.

Các yếu tố đó, cộng với mối liên hệ chung của sếp cũ, cố TBT Yuri Andropov, người cất nhắc Gorbachev từ cấp tỉnh về trung ương, Kryuchkov được Gorbachev tin tưởng.

Gorbachev loại lãnh đạo KGB Viktor Cherbikov, một nhân vật khá bảo thủ, để trao chức đó cho Kryuchkov vào năm 1988.

Nhưng Gorbachev càng đổi mới thì Kryuchkov càng mất niềm tin vào perestroika, thậm chí đã bí mật nghe lén, theo dõi Gorbachev, đặt cho vị tổng bí thư mã số 'Đối tượng 110'.

Kryuchkov liên kết với phái bảo thủ tổ chức cuộc đảo chính tháng 8/1991.

Sau thất bại, ông bị xử tù và từ nhà giam, Kryuchkov viết thư kêu xin lên lãnh đạo, nói ông luôn luôn “vô cùng kính trọng Gorbachev”.

Năm 1994, được Duma Quốc gia ân xá, Kryuchkov ra tù, và thêm một lần nữa ông đổi ý và đổ hết cho Gorbachev “làm mất Đông Âu”, làm “Liên Xô sụp đổ”.

Năm 2007, Vladimir Kryuchkov qua đời, thọ 83 tuổi và được hầu hết các báo Phương Tây nhắc tên như người chủ mưu (chief plotter) trong cuộc đảo chính nhằm cứu vãn hệ thống Liên Xô.

Vì sao KGB không cứu được Liên Xô?

Ngày nay, nhiều sử gia đặt câu hỏi vì sao ở vị trí đầy quyền lực và có nguồn thông tin từ bên ngoài, KGB không đánh giá được “các mối đe dọa” dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô, để cảnh báo lãnh đạo.

Một cựu nhân viên KGB, Oleg Gordievsky, người cộng tác với tình báo Anh, và sau bỏ trốn sang Phương Tây đã đưa ra một lý do giải thích thực trạng KGB trong cuốn sách viết chung với sử gia Christopher Andrew “Comrade Kryuchkov’s Instructions: Top Secret Files on KGB Foreign Operations 1975–1985” (tạm dịch: Chỉ thị của đồng chí Kryuchkov: Hồ sơ tối mật của hoạt động ngoại tuyến KGB 1975-1985).

Theo ông Gordievsky, vào giai đoạn ông Kryuchkov lãnh đạo KGB, tổ chức này đã rất tệ, các trưởng trạm tình báo thường xuyên “nuôi quân trên giấy” (paper agents) để có ngân sách và những báo cáo “tuyệt mật” họ gửi về Moscow đa phần chỉ là lượm lặt từ báo chí Phương Tây hoặc qua dò hỏi giới nhà báo “vào bữa ăn trưa”.

Căn bệnh chung của KGB là chỉ báo cáo lên lãnh đạo những gì vừa tai họ về tình hình bên ngoài và bên trong đất nước.

Tổ chức này mất đi khả năng dự báo dài hạn và thường phản ứng đầy bạo lực theo thói quen khi gặp phải thách thức mà không nhìn thấy hậu quả chính trị.

Thông tin sai lệch từ cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô được Kryuchkov chuyển lên lãnh đạo cao nhất.

Theo Amy Knight trong 'The KGB, Perestroika and the Collapse of the Soviet Union' (2003), chính Vladimir Kryuchkov từ 1990 đã đóng vai trò mở ra con đường đẩy Liên Xô đến chỗ sụp đổ (destructive path).

Không chỉ che dấu tình hình thực ở các nước Baltic, Kryuchkov tự ra các mật lệnh cứng rắn cho cấp dưới và lập ra các nhóm KGB vũ trang, sẵn sàng trấn áp phe đòi độc lập ở địa phương.

Tháng 1/1991, vụ tấn công vào đài truyền hình ở Vilnius, Lithuania đã làm chết 14 thường dân và một sĩ quan KGB. Gorbachev đổ lỗi cho KGB đã đánh giá sai tình hình và phản ứng quá mạnh nhưng vụ việc khiến uy tín của Moscow tại vùng Baltic đã tan vỡ. Việc ly khai chỉ còn là vấn đề thời gian.

Các quan chức KGB cũng đề xuất phương pháp trấn áp khi xảy ra xung đột Armenia-Azerbaijan, suýt nữa dẫn tới nội chiến lớn.

Mặt khác, vì lý do ý thức hệ, KGB của Vladimir Kryuchkov phóng đại 'mối đe dọa' từ các nhóm bất đồng chính kiến trong trí thức, văn nghệ sĩ Liên Xô mà bỏ qua hẳn sự thay đổi tư duy của các lãnh đạo cao cấp có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, gồm cả ba tổng thống các nước cộng hòa Nga, Ukraine và Belarus.

Chính họ, cùng lãnh đạo Kazakhstan đã đồng lòng ký hiệp ước giải tán Liên Xô cuối năm 1991.

KGB Liên Xô được nước Nga tiếp quản và đổi tên thành Cục Phản gián Liên bang (FSK), và sau là Cục An ninh Liên bang (FSB).

Tuy thế, cũng thật oan nếu người ta đổ hết lỗi cho KGB.

Toàn bộ bộ máy chính trị Liên Xô vào giai đoạn cuối đều suy thoái nghiêm trọng, như chính lời thủ tướng Liên Xô, Nikolai Ryzhkov viết về năm 1985:

“Tình hình đạo lý [nravstennoe] của xã hội chúng ta là thế này. Chúng ta tự ăn cắp của chính mình, trao và nhận hối lộ, báo cáo láo, cả trong văn bản, trên báo đài, từ bục diễn giả, trao huân chương cho nhau và khen ngợi nhau về những lời dối trá. Và thực tế là chuyện đó xảy ra từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên...(all of this — from top to bottom and from bottom to top).”

Điều an ủy duy nhất cho KGB là đối thủ sừng sỏ của họ, CIA cũng không hề dự báo được sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô, ngoài những báo cáo chung chung về tình trạng kinh tế đi xuống của hệ thống XHCN những năm 1988-91.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn