Lần duy nhất trong lịch sử Mỹ can thiệp quân sự vào Nga

Thứ Ba, 15 Tháng Mười Hai 20209:00 CH(Xem: 3046)
Lần duy nhất trong lịch sử Mỹ can thiệp quân sự vào Nga
Chú thích ảnh
Quân đội Mỹ ở Vladivostok, Nga tháng 9/1918. Ảnh: Heritage Images

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, nhà nước Nga Xô viết ra đời. Tuy nhiên, Hồng quân Liên Xô đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phong trào Bạch Vệ của những người ủng hộ Sa Hoàng nuôi hy vọng khôi phục đế quốc Nga, dẫn đến nội chiến bùng nổ.

Ngày 3/3/1918, chính quyền Bolshevik ở Nga ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ tại Brest-Litovsk với Đức, rời khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và khép lại Mặt trận phía Đông.

Lo sợ ảnh hưởng của nước Nga Xô viết lan rộng khắp châu Âu, phe Hiệp ước với 4 nước chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật quyết định hỗ trợ lực lượng Bạch Vệ đối đầu với chính quyền Bolshevik non trẻ. Quân đội các nước phương Tây bắt đầu tập hợp lực lượng hòng hậu thuẫn cho quân Bạch Vệ.

Chú thích ảnh
Lính Mỹ tại Nga năm 1919. Ảnh: RBTH

Ngày 2/8/1918, một trung đoàn bộ binh Anh đổ bộ lên Arkhangelsk ở cực bắc của vùng duyên hải Nga nhằm chiếm thành phố này, biến nó thành bàn đạp để mở rộng các chiến dịch quân sự. Arkhangelsk có vị trí chiến lược, là nơi cất trữ hàng hóa hậu cần của quân Hiệp ước nhằm hỗ trợ chiến dịch của Nga chống quân Đức vào năm 1917. Vào thời điểm quân Anh tới, những người Bolshevik đã thu giữ các lô hàng này, vì thế hai bên đã nhanh chóng rơi vào đụng độ.

Một tháng sau, trung đoàn bộ binh 339 Mỹ, tiểu đoàn bộ binh 1 thuộc trung đoàn công binh 310 và một số đơn vị khác từ sư đoàn 85 Mỹ với biệt danh "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" được điều tới Arkhangelsk để hỗ trợ quân Anh.

Mục tiêu của "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" Mỹ là hội quân với Quân đoàn Tiệp Khắc gồm 40.000 lính Séc và Slovakia đang kiểm soát tuyến đường sắt xuyên Siberia có vai trò chiến lược. Đây là lực lượng đào ngũ khỏi quân đội Áo – Hung, giành được quyền kiểm soát những vùng rộng lớn ở Siberia với dã tâm thành lập một nhà nước riêng sau chiến tranh. Ban đầu, người Bolshevik và Quân đoàn Tiệp Khắc đã ký hiệp ước không xâm phạm, nhưng tới năm 1918, Quân đoàn này bắt đầu can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến, đứng về phía Bạch vệ để chống phá chính quyền Xô viết.

Chú thích ảnh
Một doanh trại bộ binh Mỹ ở Siberia, Nga tháng 12/1918. Ảnh: Heritage Images

Khi tới nơi, lực lượng Mỹ, Anh đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân ở Siberia. Cuộc chiến diễn ra trên hai mặt trận dọc sông Dvina và tuyến đường sắt Vologda. Liên quân Mỹ - Anh giao tranh với Hồng quân suốt 6 tuần trong chiến dịch mùa Thu. Cả hai mặt trận ở xa và khó khăn để tiếp tế.

Ngoài ra, quân Mỹ khó giữ được chiến tuyến bởi địa hình đồng bằng rộng lớn của Nga khác xa với chiến tranh chiến hào mà họ đã quen thuộc ở châu Âu. Các cuộc đột kích của Hồng quân bắt đầu làm gián đoạn thường xuyên các đường tiếp tế của liên quân. Khi mùa Đông khắc nghiệt tới, quân Mỹ càng bị đẩy vào thế phòng thủ, gần như không thể kết nối được với Quân đoàn Tiệp Khắc.

Trong khi đó, Hồng quân tiếp tục phát động tiến công trong những tháng đầu mùa Đông ở mặt trận sông Dvina, giáng đòn nặng nề vào liên quân Mỹ - Anh, buộc họ phải rút lui để tổ chức lại lực lượng.

Ngay sau đó, quân Đức đầu hàng. Tin tức về Thế chiến I kết thúc lan rộng khiến mọi binh sĩ Mỹ đều thấy nhớ nhà và cảm thấy cuộc chiến đấu ngày càng vô nghĩa. Trước tình trạng thương vong ngày càng lớn, tâm lý nổi loạn trong lực lượng viễn chinh bắt đầu sôi sục khi binh sĩ yêu cầu được trở về Mỹ. Nhưng cảng Arkhangelsk bị đóng băng trong những tháng mùa Đông đầu năm 1919, khiến hầu hết lính Trung đoàn 339 rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Cuối cùng, vào tháng 5/1919, 4.000 lính tình nguyện Anh được cử tới để giải nguy cho lực lượng Mỹ bị kẹt ở Arkhangelsk. Sau đó lực lượng Mỹ được sơ tán và cùng với phần còn lại của liên quân đóng tại miền Bắc Nga, chấm dứt cuộc can thiệp. Những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Nga vào tháng 4/1920.

Chú thích ảnh
Binh sĩ và thủy thủ liên quân Mỹ Anh tại Vladivostok, Nga tháng 9/1918. Ảnh: Heritage Images

Một bản báo cáo vào tháng 10/1919 ghi nhận 210 lính Mỹ thương vong, trong đó 110 người thiệt mạng khi giao tranh, 30 người mất tích, 70 người chết vì bệnh tật trong cuộc đối đầu trực tiếp duy nhất với Hồng quân Liên Xô. 90% số này bị mắc cúm Tây Ban Nha. Ngoài ra có 305 tay súng trong "Đội Viễn chinh Gấu Bắc cực" bị thương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn