Một người lính Anh trong trận đầu giữa Mỹ và Bắc Việt tháng 11/1965

Thứ Ba, 01 Tháng Mười Hai 20208:00 CH(Xem: 3523)
Một người lính Anh trong trận đầu giữa Mỹ và Bắc Việt tháng 11/1965
voatiengviet.com

Một người lính Anh trong trận đầu giữa Mỹ và Bắc Việt tháng 11/1965

Nguyễn Hùng

Tháng này 55 năm về trước, quân đội Hoa Kỳ và lực lượng chính quy của Bắc Việt Nam dàn quân đánh lớn lần đầu ở thung lũng Ia Drang tại Cao nguyên Trung phần, nay là Tây Nguyên. Nhà báo Hoa Kỳ duy nhất trực tiếp chứng kiến trận đánh này, Joe Galloway, nói chỉ trong bốn ngày đêm đầu tiên từ 14-17/11, 234 lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng và 250 bị thương.

Nhưng thương vong đối với lực lượng cộng sản được cho là cao hơn rất nhiều, với tổng số trên 3500 trong cả chiến dịch Ia Drang so với dưới 600 của phía Hoa Kỳ. Bắc Việt dường như chấp nhận lấy vài mạng đổi một và còn tiếp tục trong nhiều năm sau đó cho tới khi lực lượng Hoa Kỳ rút đi vào năm 1973.

Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Nhà báo Joe Galloway cũng là đồng tác giả cuốn Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ đã được dựng thành phim hồi năm 2002. Tác giả khác của sách chính là Tướng Hal Moore, người chỉ huy quân Hoa Kỳ ở Ia Drang cách đây 55 năm khi ông còn là Trung tá.

Trung uý người Anh

Điều khiến tôi chú ý khi đọc lại sách của Joe Galloway và Hal Moore nhân kỷ niệm 55 trận đánh quy mô đầu tiên giữa hai quốc gia cựu thù là sự xuất hiện tại Ia Drang của một người Anh, sinh ra ở vùng đất thơ mộng Cornwall thuộc xứ Wales. Ảnh người lính ở bìa cuốn sách cũng chính là của người Anh này.

Dù là đồng minh của Hoa Kỳ nhưng Anh từ chối gửi quân tới Việt Nam tham chiến trong những năm 1965-1973 và sự xuất hiện của Thượng uý người Anh Rick Rescorla là điều hiếm hoi. Ông Rescorla tới Việt Nam chỉ hai năm sau khi từ Anh qua Hoa Kỳ hồi năm 1963 sau sáu năm phục vụ trong lực lượng quân đội và cảnh sát Anh.

Ông Rescorla được tặng thưởng nhiều huân chương vì sự quả cảm trong trận Ia Drang và trong thời gian dài phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ cho tới cuối thập niên 1980 khi ông lên cấp Đại tá.

Dù vượt qua những hòn tên mũi đạn ở Việt Nam, ông Rescorla qua đời khi Toà tháp đôi sụp đổ vì khủng bố tấn công hôm 11/9/2001 sau khi chỉ đạo cuộc sơ tán thành công 2.700 nhân viên hãng Morgan Stanley, công ty mà ở đó ông giữ chức giám đốc phụ trách an ninh. Nhưng đó sẽ là đề tài của bài viết trong tuần tới. Bài này sẽ điểm lại trải nghiệm của Trung uý Rescorla về trận Ia Drang qua lời kể của chính ông cho hai tác giả sách Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ.

Đánh giáp lá cà

Ia Drang là trận đầu Hoa Kỳ dùng trực thăng vượt hàng chục cây số tới nơi ẩn náu của lực lượng Bắc Việt trong rừng rậm sát biên giới Cam Pu Chia. Do mỗi trực thăng chỉ chở được sáu lính và bãi đỗ mang tên X-Ray đủ rộng cho chừng trên 15 chiếc hạ cánh cùng lúc, lúc đầu chừng 100 binh lính Hoa Kỳ của Tiểu đoàn 1/7 phải đương đầu với hiểm họa từ lực lượng lớn gấp nhiều lần của phía cộng sản hôm 14/11. Sự mất tương xứng trong cán cân lực lượng khiến phòng tuyến của Trung tá Moore có lúc bị chọc thủng trong ngày giao tranh thứ hai và hai bên đánh giáp lá cà.

Trung uý Rescorla, khi đó 26 tuổi, từ tiểu đoàn 2/7 thuộc lực lượng tăng viện sau hai ngày giao tranh đầu tiên và nhớ lại cảnh tượng ông nhìn thấy tại Ia Drang: “Xác lính Mỹ và lính Bắc Việt nằm khắp nơi. Vùng tôi tới là nơi trung đội của Trung uý Geoghegan [đã thiệt mạng trong hai ngày giao tranh đầu] có mặt trước đó. Vài xác lính Bắc Việt nằm quanh chốt chỉ huy của anh. Một người lính đã chết vẫn trong tư thế chạm trán với tử thi Bắc Việt, hai tay bóp cổ đối thủ. Hai lính – một da đen, một gốc Tây Ban Nha – sát cánh bên nhau. Dường như họ chết khi đang giúp nhau. Rất nhiều xác chết của lính Bắc Việt. Họ cắt tóc ngắn, trên đỉnh đầu tóc rất dày. Vũ khí của họ nằm la liệt khắp nơi.”

Những người lính Mỹ tham gia trận Ia Drang kể lại nhiều cảnh tượng kinh hoàng họ chứng kiến. Có người bị thương đủ mọi chỗ, từ chân, tay, bụng và đầu. Người bị đạn bắn xuyên qua miệng nhưng vẫn may mắn sống sót. Người mất luôn cả mảng lưng. Người may mắn hơn bị đạn trúng khẩu súng họ đang cầm khiến súng tan từng mảnh chỉ còn mỗi phần đang cầm trong tay.

Phải làm sao nếu phòng tuyến bị chọc thủng?

Sau khi thu dọn chiến trường và gom xác binh sĩ Hoa Kỳ, Trung uý Rescorla chuẩn bị tinh thần cho trung đội ông chỉ huy và đi thị sát chiến trường trước khi đêm xuống để ngắm trận địa từ góc nhìn của quân thù trong lúc hưu chiến. Ông cho quân lùi lại vài chục mét khỏi các bụi cây cỏ để rút ngắn phạm vi phải canh gác và khiến lính Bắc Việt phải rời khỏi chỗ ẩn nấp và tiến vài chục mét nếu muốn tấn công quân Hoa Kỳ.

Trung uý Rescorla nói trong cuốn Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ: “Vì phòng tuyến ngắn hơn, tôi giảm số hố công sự. Các hố ba người được đào sâu. Súng máy M-60 được đặt ở các hướng tấn công chính mà từ đó có thể chuyển sang tư thế bắn sát mặt đất để phòng thủ, các khẩu này bắn đan xiên nhau bên cạnh súng máy ở hai bên sườn. Hố công sự và gờ bảo vệ phía trên được kiểm tra kỹ lưỡng.”

Lính của ông Rescorla cũng còn cài lựu đạn và dây phát sáng ở vòng ngoài để bẫy quân địch. Sau khi chuẩn bị xong, ông hỏi đùa một nhóm lính của trung đội kế bên: “Khi súng nổ liệu các cậu có trụ lại không đấy? Nếu định chuồn thì cho tôi biết.” Một người đáp: “Thưa sếp, sáng ra chúng tôi vẫn còn ở đây” và nói anh hy vọng trung đội của Rescorla không chạy trước. Một người khác chỉ vào con dao giắt thắt lưng của Rescorla và nói: “Nếu tôi định chuồn tôi sẽ tới mượn con dao đó của sếp.”

Vị Trung uý người Anh nói ông cảm nhận được sự tự tin của binh lính qua những đối đáp này và nói với họ: “Chúng sẽ tiến đánh nhanh và ở tầm thấp. Sẽ không có mục tiêu dễ chơi đâu. Giữ tầm bắn ở độ cao của người đang bò. Bắt chúng vượt qua bức tường thép. Đó là cách duy nhất giữ chúng khỏi hố công sự của các cậu.” Trước câu hỏi của một người lính 19 tuổi từ Los Angeles về chuyện nếu phòng tuyến bị xuyên thủng thì sao, ông Rescorla trả lời: “Nếu họ tràn qua và đè lên chúng ta, hãy để lựu đạn quanh hố. Đặt chúng [lựu đạn] quanh gờ bảo vệ và đừng thò đầu lên. Nằm ngửa trong hố. Xả đạn vào mặt chúng. Nếu chúng ta chiến đấu tốt, chúng không thể tiến xa thế đâu.”

Hát cho binh lính

Ông Rescorla nhớ rằng đó là một đêm trăng tròn của tháng 11/1965. Vị trung uý khuyến khích binh sỹ trò chuyện với nhau cho đỡ căng thẳng. Mỗi khi quá yên tĩnh, ông lại hát bài “Wild Colonial Boy”, tạm dịch là “Cậu bé Thuộc địa Hoang dại” và bài hát yêu thích của Cornwall quê ông – “Going Up Camborne Hill”, tức “Lên Đồi Camborne”. Đáp lại, binh lính hô những khẩu hiệu thể hiện khí thế sẵn sàng chiến đấu.

Khoảng bốn giờ sáng các thiết bị chống xâm nhập và dây phát sáng cảnh báo địch quân đang di chuyển. Về sau này Tướng Hoàng Phương của Việt Nam tiết lộ với hai tác giả sách Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ rằng lính của Tiểu đoàn 7 thuộc Trung Đoàn 66 quay trở lại cùng quân tiếp viện để tấn công lính Mỹ ở điểm đổ quân X-Ray. Họ được sự tiếp sức của Tiểu đoàn H-15 của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Đại uý Myron Diduryk, người gốc Ukraina tham gia trận Ia Drang cùng phòng tuyến với Rescorla, nhớ lại: “Trung đội ở trung tâm và bên trái tôi bị một tiểu đoàn Bắc Việt tấn công dữ dội. Lũ chúng tiến tới như sóng biển, biển người. Chúng tôi chào đón chúng với bức tường thép. Tôi gọi pháo sáng. Trung tá [Bill] Lund gọi hỗ trợ trực tiếp từ bốn tổ pháo Howitzer 105 ly. Các tổ pháo này bắn yểm trợ liên tục với đạn nổ khi tiếp xúc hay đạn nổ trên không. Các cây cỏ xung quanh khiến cả hai loại này đều có tác dụng. Chúng tôi cũng bắn cả phốt-pho trắng nữa.”

Súng tắc

Giữa những tiếng la hét, gào thét và tiếng còi xung trận, Trung uý Rescorla nhận thấy nhiều khẩu M-16 bị tắc khiến cứ ba người lính lại phải có một người thông súng. Lính Bắc Việt tiếp tục tràn tới dù đợt tấn công đầu của chừng 300 tay súng miền Bắc bị đẩy lùi trong 10 phút. Ánh sáng từ dù của Máy bay C-123 thả xuống khiến lực lượng Hoa Kỳ thấy rõ đối phương và buộc đối thủ phải giảm tốc độ tiến công. Mặc dù vậy, lực lượng được cho là có “kỷ luật cực kỳ cao” của cộng sản tiếp tục tràn lên và dùng xác đồng đội làm vỏ bọc. Nhưng họ đã không thể lặp lại chuyện chọc thủng phòng tuyến của phía Hoa Kỳ như trong đêm trước đó do sự chuẩn bị kỹ càng và quân số được tăng thêm của đối thủ.

Đó chỉ là những ngày đầu của chiến dịch Ia Drang kéo dài hơn một tháng. Ngay trong ngày ngày tiếp theo, hôm 17/11, Tiểu đoàn 2/7 của Hoa Kỳ còn tình cờ chạm trán lực lượng Bắc Việt trong tình trạng mệt mỏi và thiếu sự chỉ huy hữu hiệu khiến trên 150 lính Hoa Kỳ thiệt mạng và gần 130 người bị thương. Chiến dịch này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara khẳng định với Tổng thống Lyndon Johnson rằng quân đội Hoa Kỳ không có cơ hội chiến thắng và cái giá để cầm hoà cũng rất lớn. Ông McNamara còn đưa ra gợi ý rút quân ngay trong năm 1965 để giữ thể diện nhưng ông Johnson không nghe và ông McNamara cũng không đi tới cùng trong việc thuyết phục vị tổng thống. Về phần Trung uý, sau là Đại tá Rick Rescorla, ông đã được Tổng thống Trump truy tặng huy chương trong tháng 11 năm ngoái vì sự quả cảm ở Việt Nam và trong ngày 11/9/2001 khi ông giúp gần 3.000 người sơ tán an toàn khỏi Toà Tháp đôi trước khi bị thiệt mạng trong lúc tìm vài người còn lại. Mời quý vị đón đọc trong tuần sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn