Xuyên suốt lịch sử, con người chưa bao giờ phải sống trong bầu không khí như hiện nay

Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Một 20203:00 SA(Xem: 3463)
Xuyên suốt lịch sử, con người chưa bao giờ phải sống trong bầu không khí như hiện nay
bau-khong-khi-696x282

Theo Science Alert, nghiên cứu mới về đất cổ hiện đã xác nhận lượng carbon dioxide trong 60 năm qua đang ở mức cao nhất mà chúng ta từng trải qua trong lịch sử loài người.

Trong suốt toàn bộ kỷ nguyên Pleistocene – bắt đầu từ 2.580.000 năm trước – các tác giả nhận thấy nồng độ trung bình của khí CO2 là khoảng 250 phần triệu (ppm).

Tuy nhiên, trong sáu mươi năm qua, sự nhất quán đó đã nhanh chóng biến đổi. Ngày nay, phát hiện cho thấy, nồng độ CO2 trên hành tinh chúng ta lần đầu tiên đạt tới mức 415 ppm sau 2,5 triệu năm.

“Theo nghiên cứu này, lần đầu tiên từ thời Homo erectus, có niên đại từ 2,1 đến 1,8 triệu năm trước, cho đến năm 1965, chúng ta đã sống trong một môi trường nồng độ carbon dioxide thấp – nồng độ dưới 320 ppm”, nhà địa chất học Yige Zhang của Đại học Texas A & M giải thích.

“Vì vậy, môi trường carbon dioxide cao hiện nay không chỉ là một thử nghiệm cho khí hậu và môi trường – nó còn là một thử nghiệm cho chính chúng ta”.

Nồng độ CO2 trong không khí đang ở mức 415 ppm, mức cao nhất sau 2,5 triệu năm qua

Để tìm ra tương lai chúng ta sẽ ra sao, trước tiên chúng ta phải quay ngược về quá khứ. Nghiên cứu về khí hậu trong quá khứ, Zhang nói, có thể cung cấp một số thông tin và giúp chúng ta có thể điều hướng tương lai của mình.

Các nhà khoa học khí hậu thường nghiên cứu các lõi băng để hiểu về các kỷ lục mức độ CO2 trong lịch sử bầu khí quyển. Nhưng những mẫu này chỉ đúng ở giới hạn hàng trăm ngàn năm chứ không phải hàng triệu năm.

Để đi sâu hơn vào lịch sử Trái đất, Zhang và các đồng nghiệp đã chuyển sang tìm hiểu đất. Là một phần tự nhiên của chu trình carbon trên Trái đất, đất tạo ra carbonate khi nó được hình thành và những dấu vết nhỏ bé này có thể hữu ích, giúp các nhà khoa học tìm ra chỉ số của khí hậu trong quá khứ.

Phân tích carbonate trong đất hóa thạch từ Cao nguyên hoàng thổ ở Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã có thể tái tạo lại lượng CO2 từ hàng triệu năm trước.

“Cao nguyên hoàng thổ là một nơi đáng kinh ngạc để tìm hiểu về gió, sự tích tụ của bụi và đất”, Zhang nói.

Mặc dù carbonate đất chỉ là một phần khí hậu cổ đại, kết quả từ Cao nguyên hoàng thổ dường như phù hợp với các ước tính khác, được thực hiện bằng cách sử dụng lõi băng và hồ sơ băng xanh.

Tuy nhiên, Zhang và nhóm của ông vẫn không hài lòng. Họ có kế hoạch cải tiến các kỹ thuật phân tích đất để cải thiện ước tính của họ hơn nữa, có khả năng sử dụng kỹ thuật này trên đất có tuổi đời 23 triệu năm.

“Quá khứ là chìa khóa cho tương lai của chúng ta”, Zhang nói.

“Trái đất có một lịch sử lâu dài, và rất nhiều thứ từ khí hậu, cuộc sống và môi trường đã thay đổi. Vì vậy, vấn đề rất quan trọng khi chúng ta tìm hiểu về quá khứ và có thể dự đoán tương lai”.

 Theo vnreview

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn