Tại sao hồ Baikal lại có nhiều loài đặc hữu như vậy?

Thứ Tư, 28 Tháng Mười 20201:00 CH(Xem: 3395)
Tại sao hồ Baikal lại có nhiều loài đặc hữu như vậy?

Hồ Baikal là một hồ nước khổng lồ ở Siberia, có diện tích tương đương với Bỉ. Trên thực tế, nếu tính theo thể tích, nó là hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới, chứa khoảng 26.000km khối nước ngọt. Và hơn thế nữa, trong lòng hồ là một tổ hợp đa dạng sinh học, chứa hàng nghìn loài đặc hữu – hầu hết trong số đó không được tìm thấy ở đâu khác.

Loài đặc hữu nổi tiếng nhất của hồ Baikal chính là hải cẩu Baikal, hay còn gọi là nerpa – một loài hải cẩu nước ngọt duy nhất trên thế giới và là loài hải cẩu nhỏ nhất còn sống hiện nay. Về nguồn gốc bí ẩn của chúng, quý độc giả có thể theo dõi bài viết ở đây: Làm thế nào mà một quần thể hải cẩu có thể sống sót ở Hồ Baikal?

Hải cẩu Baikal.
Hải cẩu Baikal.

Ngoài ra, hồ Baikal cũng có ba họ cá đặc hữu. Trong số này, loài phổ biến và thú vị nhất là golomyankas. Còn được gọi là cá dầu Baikal. Chúng không có vảy, không có sắc tố da, không có vây bụng, không có báng bơi và không có tế bào hình nón trong mắt. Khoảng 70% cá ở Baikal thuộc một trong hai loài golomyanka.

Gần 40% trọng lượng cơ thể của golomyanka chỉ là dầu béo, được sử dụng thay cho bàng bơi để điều chỉnh mức độ chìm nổi. Có lẽ, chúng là loài cá nước ngọt kỳ lạ nhất trên thế giới với khả năng “bơi” đặc biệt.

Còn nhiều loài đặc hữu khác ở Baikal mà wikicabinet có thể tiếp tục liệt kê dưới đây. Nhưng trước tiên, chúng ta cùng giải quyết câu hỏi chính – tại sao hồ này lại có hàng nghìn loài đặc hữu như vậy? Một phần của câu trả lời là sự cô lập. Hồ nước là nơi trú ẩn đối với các sinh vật sống dưới nước, đảo là chốn cư ngụ đối với những sinh vật sống trên đất liền. Bao quanh hồ nước ngọt này là những dãy núi đồ sộ. Phía bắc là Dãy núi Baikal, đông bắc là dãy Barguzin, rừng Taiga bao quanh và hồ được bảo vệ bởi rất nhiều các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Vì vậy, khi các quần thể sinh vật chỉ có thể sinh sống trong hồ, rất ít sự kết hợp di truyền xảy ra với các đồng loại của chúng bên ngoài hồ. Không lâu sau, một loài mới xuất hiện và nó không thể rời khỏi Baikal, vì bị cô lập.

Hơn nữa, hồ Baikal còn là hồ cổ xưa nhất trên thế giới. Nó được hình thành cách đây khoảng 25–30 triệu năm, khi mảng Á-Âu tách rời khỏi mảng Amur, tạo ra một khe nứt ở giữa chứa đầy nước ngọt. Như vậy, hồ đã bị cô lập trong một thời gian rất dài, khoảng thời gian đó đủ để phát triển vô số loài đặc hữu.

Thứ hai, đó là yếu tố chiều sâu của hồ. Baikal giữ nhiều kỷ lục thế giới – không chỉ là hồ nước ngọt đồ sộ nhất, cổ xưa nhất, một trong những hồ nước trong nhất trên thế giới mà còn là hồ nước ngọt sâu nhất hành tinh. Điểm sâu nhất của nó là khoảng 1.642 mét dưới bề mặt, điều này thật đáng kinh ngạc.

Khi bạn di chuyển xuống dưới một hồ nước rất sâu, áp suất tăng lên nhanh chóng. Nếu cá bị áp lực nước nhiều hơn (hoặc ít hơn) so với mức mà cơ thể chúng thích nghi, nó sẽ chết. Vì mỗi loài nhất định chỉ có thể tồn tại trong một dải độ sâu nhất định, các hồ sâu hơn luôn có nhiều loài hơn.

Nói tóm lại, kết hợp sự cô lập với đất liền và độ sâu đáng kinh ngạc đã tạo nên những điều kiện hoàn hảo cho loài đặc hữu ở Baikal. Đặc biệ hơn cả, trong số tất cả nước ngọt trên bề mặt Trái đất, 1/5 trong số đó được tìm thấy trong cái hồ này. Điều này có nghĩa là lượng nước ngọt chứa trong hồ Baikal nhiều hơn tất cả các hồ lớn trên thế giới cộng lại!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn