Lãnh đạo Liên Xô Andropov 'từng muốn cải cách'

Thứ Hai, 19 Tháng Mười 20207:31 CH(Xem: 3696)
Lãnh đạo Liên Xô Andropov 'từng muốn cải cách'

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các diễn biến 30 năm trước tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Đông Đức đã dẫn tới sự tan vỡ của Liên Xô cuối 1991.

Cho đến nay vẫn có nhiều cách nhìn lý giải vì sao 'thành trì của chủ nghĩa xã hội' sụp đổ.

Ngoài các vấn đề kinh tế như thời kỳ trì trệ kéo dài dưới thời Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, khủng hoảng giá dầu, các thách thức dân tộc chủ nghĩa nội bộ, cuộc chiến Afghanistan... người ta nói nhiều đến vai trò của Mikhail Gorbachev.

Các ý kiến chỉ trích ông Gorbachev, gồm cả một số nhà lý luận tại Việt Nam, coi nhà lãnh đạo trẻ của Liên Xô khi ấy hoặc đã “ngây thơ tin rằng chủ nghĩa cộng sản còn có thể cứu vãn, đổi mới được”, hoặc cố ý “phản bội ý thức hệ cộng sản”.

Trên thực tế, các nguồn tư liệu sau này nêu ra cả những nhân vật quan trọng khác của Liên Xô trước Gorbachev đã muốn cải cách hệ thống Xô Viết, và xu thế cải tổ họ lựa chọn đã đưa Gorbachev lên nối nghiệp.

Con đường Liên Xô đã chọn không thể đi ngược lại 180 độ

Ngay từ giữa Chiến tranh Lạnh, một số trí thức nổi tiếng ở Liên Xô, như viện sĩ Andrei Sakharov (1968), đã kêu gọi để trí thức Liên Xô được “sống với lương tâm”, không phải tuân theo ý thức hệ của Đảng Cộng sản.

Đến năm 1974, nhà văn Alexander Solzhenitsyn lại kêu gọi hệ thống hãy vì quyền lợi quốc gia mà bỏ đi giáo điều XHCN.

Nhưng ngay trong hệ thống chính trị Liên Xô, các nhân vật cấp cao cũng đã nhận thấy vấn đề là mô hình kinh tế kế hoạch hóa và kiểm soát xã hội có vấn đề.

Không phải ai khác mà ông trùm an ninh KGB, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Yuri Andropov (1914-1984), đã có tư duy cải tổ rất sớm.

TASS / Getty

Nguồn hình ảnh, TASS / Getty

Chụp lại hình ảnh,

Yuri Andropov từng nắm lực lượng KGB trước khi giữ các chức vụ then chốt trong Đảng CS. Trong hình là ông hồi năm 1983, thời điểm ông đang là Tổng Bí thư

Richter Scale trong bài “Nhân vật KGB đã cải tổ nước Nga ra sao”, so sánh Vladimir Putin với Yuri Andropov và ngợi ca trình độ hiểu biết của cựu lãnh đạo KGB từ những ngày Liên Xô còn hùng mạnh, ít là là nhìn từ bên ngoài:

“Andropov là người học cao, có văn hóa, cứng rắn nhưng đọc nhiều biết rộng. Người ta tin rằng ông đọc tất cả những gì giới bất đồng chính kiến ở Nga đọc mà KGB cấm với công chúng. Ông hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ chết nếu không có cải tổ sâu rộng.”

Theo James Rodgers, tác giả cuốn “Assignment Moscow: Reporting on Russia from Lenin to Putin" (I.B. Tauris, 2020), cựu phóng viên BBC tại Moscow, thì ngay khi lên làm tổng bí thư năm 1982, Andropov đã muốn cải cách hệ thống kinh tế và bộ máy Đảng ở Liên Xô.

Dù tên tuổi của Andropov bị coi là rất xấu xa tại Đông Âu do vai trò chỉ đạo vụ đàn áp khởi nghĩa Budapest năm 1956 và vì ông nắm bộ máy KGB nhiều năm, thực ra, theo nghiên cứu của Richard Sakwa (The Soviet Collapse: Contradictions and Neo-modernisation, Journal of Eurasian Studies 01/2013) thì Yuri Andropov đã từng có tiếng là một cán bộ lãnh đạo cởi mở.

“Từ cuối thập niên 1950, một thế hệ các nhân vật biết phê bình, có tư duy cởi mở hơn trong Đảng được Yuri Andropov cho thăng tiến khi ông nắm Ban Nội chính Trung ương thời Nikita Khrushchev.”

Nhóm cộng tác viên thân thiết của Andropov gồm Alexander Bovin, Yuri Shakhnazarov, Georgy Arbatov và Nikolai Shishlin.

Họ đăng các bài chuyên đề trong nội bộ Đảng, tìm cách nới rộng khuôn khổ của giáo điều Leninist mà Liên Xô theo đuổi từ ngày lập quốc.

Nhưng đáng tiếc là sang thời Brezhnev, các sáng kiến cải tổ từ bên trong đã bị chỉ đạo phải dừng lại.

Các công tác chuẩn bị để cải cách kinh tế mà nhóm của Andropov biên soạn đã đưa tới một số hoạt động khiêm tốn, được trao cho Thủ tướng Andrei Kosygin, một nhà kinh tế, đem vào thực hiện bước đầu.

Nhưng sang những năm 1960, mọi cải cách sơ khai đó đã bị xóa bỏ, và Mikhail Suslov, lý luận gia hàng đầu của Đảng CS Liên Xô, người đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ Khrushchev, đưa Brezhnev lên nắm quyền, đã làm tất cả để dẹp các thảo luận để cải tổ Đảng này.

Điều đáng chú ý là chính Andropov, xuất thân từ ngành nội chính và an ninh, và trực tiếp chỉ đạo đàn áp khởi nghĩa Budapest, lại khuyến khích Liên Xô học các cải cách kinh tế bán tư nhân của Hungary từ 1958, cho công ty tư nhân được phép hoạt động.

Không chỉ có vậy, các tài liệu sau này giải mật còn cho thấy Andropov muốn Liên Xô hướng tới một mô hình cải cách của Đảng Cộng sản.

Không phải ông muốn xóa bỏ Đảng mà rất quan tâm tới mô hình Cộng sản kiểu châu Âu (Eurocommunism – đảng cộng sản theo chủ nghĩa Marxist tham gia nghị trường ở Pháp, Ý, Hy Lạp).

Là người chỉ đạo các hoạt động gián điệp của KGB trên toàn châu Âu, gồm cả Tây Âu, Andropov có đủ thông tin về các đảng phái ở Phương Tây hơn là một lãnh đạo bình thường tại Liên Xô.

Theo cây bút Nga Andrei Konchalovsky viết trên trang OpenDemocracy thì vào thập niên 1980, không phải Gorbachev, mà chính Andropov mới là “nhân vật cải cách hàng đầu” của Liên Xô.

Còn James Rogers thì cho rằng vị trí nắm bộ máy an ninh, chỉ điểm rộng khắp trên toàn Liên Xô cho Andropov thấy bức tranh thực tế là các lỗi hệ thống của Liên Xô đã quá lớn, cần cải tổ gấp để tránh sụp đổ.

Người đưa Gorbachev 'về trung ương'

Một trong những quyết định quan trọng của Andropov là đưa Gorbachev từ một cán bộ cấp tỉnh về Moscow để nắm các chức vụ quan trọng cấp liên bang.

Nhưng Gorbachev không phải là người duy nhất được Andropov lựa chọn.

Khi lên làm lãnh tụ tối cao của Liên Xô năm 1982, Andropov mời ngay Heydar Aliyev, lãnh đạo Azerbaijan về Moscow làm Phó Thủ tướng phụ trách cải tổ kinh tế.

Trước đó, được Andropov khuyến khích, Aliyev đã học mô hình cải cách kinh tế Hungary để áp dụng vào diện hẹp tại Cộng hòa XHCN Azerbaijan, gồm doanh nghiệp công tư phối hợp, khoán sản phẩm.

Chi tiết này cho thấy một số giải pháp của phong trào Đổi mới ở Việt Nam hay 'sáng kiến' khoán sản phẩm thực ra đã được Liên Xô áp dụng từ trước, ở diện hẹp.

Nắm chức Phó Chủ tịch Sovmin (Hội đồng Bộ trưởng), Aliyev chưa kịp làm được gì nhiều thì đã mắc trọng bệnh.

Theo Konchalovsky, chỉ vì Aliyev không đảm lãnh được vai trò lớn, ban lãnh đạo Liên Xô mới chọn để cho nhân vật trẻ tuổi hơn, Gorbachev (sinh năm 1931) lên vị trí cao nhất, sau khi cả Yuri Andropov và Konstantin Chernenko thay nhau qua đời.

Vẫn theo tác giả này thì Andropov quen Gorbachev khi đi nghỉ, chữa bệnh thận ở miền Nam nước Nga.

Andropov đưa Gorbachev từ vị trí bí thư đảng tại Stavropol về Moscow và giới thiệu với Brezhnev để giao chức Bí thư chuyên ngành nông nghiệp khi Gorbachev mới ngoài 40 tuổi.

Tuy thế, về sau này, Andropov không tin tưởng rằng Gorbachev có thể nắm vị trí cao nhất Liên Xô.

Điều các nhà bình luận ngày nay nói tới là Gorbachev thất bại vì quá tin tưởng vào công cuộc cải cách.

Khi ông lên cầm quyền (1985), nhiều lãnh đạo Nga khác tin rằng chương trình cải tổ Gorbachev tung ra cũng như vô số khẩu hiệu đã được công bố, chẳng ai tin vào chúng.

Nhưng nào ngờ, Gorbachev làm thật, và đã xóa bỏ vai trò của bộ máy tuyên giáo, cho phép đối thoại giới hạn trong nội bộ để tìm cách làm mới chính sách.

Ông muốn cứu chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô nhưng cuộc Perestroika chỉ làm nổi bật thêm ra các nghịch lý và sai lầm của nó, và “ông ta đã giết chết chủ nghĩa cộng sản”, sử gia Anh gốc Hungary Victor Sebestyen, viết trong cuốn “Revolution 1989: The Fall of the Soviet Empire” (2009).

Gorbachev muốn xóa bỏ giáo điều mà nhiều thế hệ đảng viên và lãnh đạo Đảng CSLX lặp đi lặp lại vô ý thức.

Vì Andropov qua đời trước Gorbachev, người ta không thể biết nếu vẫn thúc đẩy cải cách nội bộ mạnh tay một chút nữa thì liệu Andropov có lại làm đúng như Gorbachev đã làm hay không?

Sự thực là Andropov mới chỉ làm được một ít và Liên Xô vào thập niên 1980 đã bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn nội bộ.

Điều chắc chắn là không chỉ Andropov và nhiều nhân vật cao cấp nhất của Liên Xô thời đó đã biết rất rõ mô hình chính trị của họ khó bền vững trước các thách thức bên trong, và bên ngoài.

Nay có ý kiến rằng trên thực tế, Liên Xô tan rã vì bị va đập bởi làn sóng sớm nhất của Toàn cầu hóa cuối thế kỷ 20, với máy điện toán xuất hiện, luồng thông tin tăng nhanh trên toàn thế giới, giao lưu hàng hóa phát triển khắp nơi.

Một thế giới khác chuyển biến khiến mô hình kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc và cách kiểm soát đều óc người dân, cán bộ Đảng CS kiểu Moscow áp dụng khi đó, không còn phù hợp.

Các nhân vật lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, cho dù là ai, cũng chỉ là nạn nhân của một mô hình đã lỗi thời và rất nhiều người trong số họ không còn tin tưởng vào “tính ưu việt” của Liên Xô sau nhiều năm tồn tại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn