Đột nhập cướp mộ, kẻ trộm bỏ quên cổ vật trị giá 1.000 tỷ đồng ( VN )

Thứ Hai, 12 Tháng Mười 20203:01 SA(Xem: 4470)
Đột nhập cướp mộ, kẻ trộm bỏ quên cổ vật trị giá 1.000 tỷ đồng ( VN )

Ngôi mộ đơn sơ

Tháng 8/2008, một công nhân xây dựng đang làm việc trên quốc lộ Elingzheng (thành phố Trung Khánh, Tây Nam Trung Quốc) thì đào được một mảnh sứ vỡ có hoa văn tinh xảo khác thường. Nhận thấy điều kì lạ, người thợ gọi cả đội thi công cùng đào sâu vào vị trí đó thì phát hiện dấu vết của một ngôi mộ cổ cách mặt đất 0,6m.

Đột nhập cướp mộ, kẻ trộm bỏ quên cổ vật trị giá 1.000 tỷ đồng chôn ở nơi không ai ngờ tới - Ảnh 1.

Bên trong ngôi mộ không còn món đồ tùy táng nào giá trị. (Ảnh: QQ)

Cán bộ giám sát công trình lập tức báo cáo cho chính quyền thành phố, chỉ vài giờ sau, các chuyên gia khảo cổ đã có mặt tại hiện trường để tiến hành khai quật.

Họ nhanh chóng đào được một hầm mộ nhỏ có chiều dài 2,4m, rộng 1,35m và cao 1,3m (số liệu được cung cấp bởi Sina), mộ được xây dựng từ thời nhà Thanh (1644 - 1912).

Tuy nhiên, khi đứng trước nắp hầm mộ, các thành viên đội khảo cổ đều sững sờ vì nhìn thấy một vài hố đào trộm. Điều này chứng tỏ lăng mộ đã bị xâm phạm, bên trong "lành ít dữ nhiều", có lẽ không còn thứ gì giá trị nữa.

Quả nhiên, bên trong lăng chỉ có cỗ quan tài mục nát và một bộ xương khô nằm trơ trọi.

Trong lúc tất cả mọi người ở hiện trường đều tỏ ra thất vọng, một nhà khảo cổ đột nhiên nhớ ra điều gì đó, anh ta lặng lẽ đi vòng quanh và gõ nhẹ vào lớp đất đắp ở nắp hầm mộ hòng tìm ra một cấu trúc bí ẩn.

Nhà khảo cổ đã thực sự đã khám phá ra một bí mật: Bức tường trên nắp hầm mộ được làm bằng sứ, hay chính xác hơn là 2.000 chiếc bát sứ xếp chồng lên nhau thành hình vòm. Những chiếc bát sứ được tìm thấy chính là sản phẩm sứ Thanh Hoa nức tiếng.

...và bức tường trị giá hơn 1.000 tỷ đồng

Sứ Thanh Hoa là đồ sứ trắng được chế tác tinh xảo với hoa văn bằng nước men xanh lam. Sứ bắt đầu xuất hiện từ đời Đường (618 - 907), trở nên dần phổ biến trong thời đại thống trị của nhà Nguyên (1271 - 1368) và đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Khang Hy của nhà Thanh.

Những chiếc bát tìm thấy trong lăng có đường kính khoảng 16cm, mặt ngoài vẽ họa tiết hoa lá, mặt trời... Đường nét trên bát vẫn còn nguyên vẹn nhờ lớp tráng men khéo léo, chứng tỏ tay nghề của người thợ thủ công cực kỳ điêu luyện.

Đột nhập cướp mộ, kẻ trộm bỏ quên cổ vật trị giá 1.000 tỷ đồng chôn ở nơi không ai ngờ tới - Ảnh 2.

Bức tường đắp mộ được làm từ 2.000 chiếc bát sứ Thanh Hoa. (Ảnh: Kknews)

Theo các chuyên gia khảo cổ, 2.000 chiếc bát sứ đều được chế tác tại một lò nung dân gian, ở trong tình trạng mới tinh và không có dấu vết sử dụng, có lẽ chúng được đặt làm riêng để chôn theo ngôi mộ.

Bát được chồng khít lên nhau và gắn kết bằng loại vữa gạo nếp độc đáo (loại vữa làm từ cát thô, vôi, hồ gạo nếp,... có độ kết dính siêu việt) khiến chồng bát cứng như bê tông. Các chuyên gia đã phải dùng tới hóa chất để nấu chảy gạo nếp nhằm tách rời những cổ vật này.

Theo Kuaibao, sứ Thanh Hoa nhà Thanh tuy không giá trị bằng sứ từ thời nhà Nguyên những cũng là di vật lịch sử vô cùng quý giá. Các chuyên gia nhận định, 2.000 chiếc bát sứ tìm thấy trong lăng sẽ có giá khoảng 300 triệu NDT (tương đương khoảng hơn 1.000 tỷ VND).

Đột nhập cướp mộ, kẻ trộm bỏ quên cổ vật trị giá 1.000 tỷ đồng chôn ở nơi không ai ngờ tới - Ảnh 3.

Bát sứ Thanh Hoa được tìm thấy trong ngôi mộ. (Ảnh: QQ)

Những bức tường cổ mộ được tìm thấy từ trước tới nay đều xây bằng vật liệu chắc chắn như đất nện, đá hay gạch xanh, vậy lý do gì khiến chủ nhân ngôi mộ sử dụng bát sứ để xây tường?

Theo QQ, chủ nhân xây "mộ bát" không phải vì muốn nổi bật mà do phong tục dân gian tại địa phương: Chôn theo bát đũa để người chết luôn được no đủ.

Cũng có lời đồn đoán chủ nhân ngôi mộ là một nghệ nhân gốm sứ và ông muốn được chôn cùng những kiệt tác của mình khi chết.

Tại thời điểm mai táng, giá trị của những chiếc bát sứ Thanh Hoa thấp hơn hiện nay rất nhiều nên chủ mộ cũng không thể ngờ rằng mình đã chôn theo cả một kho báu trong ngôi mộ đơn sơ.

Bài viết tham khảo từ QQ, Sina, Kuaibao

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn