Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy

Thứ Sáu, 25 Tháng Chín 20207:00 SA(Xem: 3658)
Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 2.

Viết về cuộc đời, sự nghiệp Đức Tả quân Lê Văn Duyệt nhân ngày giỗ của ngài (ngày 30/7, 1 và 2/8 âm lịch hàng năm), kẻ hậu sinh thực khó hướng ngòi bút cho dễ dàng được.

Bởi chăng qua thời gian, từ chính sử thời nhà Nguyễn cho tới nay, đã có nhiều tài liệu viết, đánh giá về con người Đức Tả quân. Khả dĩ chăng nhân ngày giỗ ngài, chi bằng mượn lời của người xưa và đương thời nhận định, đánh giá về danh thơm của Đức Tả quân, để độc giả cùng chiêm nghiệm vậy.

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 3.

Về tiểu sử, sự nghiệp Đức Tả quân, xin theo Đại Nam liệt truyện và một số tài liệu khác, lược chép vài dòng để độc giả cùng nhớ về vị khai quốc công thần triều Nguyễn. Khi chép tiểu sử Đức Tả quân, Liệt truyện có ghi: "Duyệt là huân cựu đại thần, được dự nhận lời vua dặn lại, triều đình dựa làm trọng".

Điểm qua cuộc đời vị Tả quân, theo Việt Nam nhân thần giám cho biết, ngài gốc người đất Quảng Ngãi, theo Gia Long Nguyễn Ánh từ năm Kỷ Mùi (1799). Ở đây đáng chú ý là, ngài là người "ẩn cung" làm thái giám, nhưng vượt lên trên tất cả, sau này trở thành một vị tướng tài nơi sa trường, khí chất mạnh mẽ hơn người. Xét trong sử Nam ta, có trường hợp của Thái úy Lý Thường Kiệt và Tả quân Lê Văn Duyệt thực khác người thường. 

Ở Đức Tả quân, qua nhiều tài liệu, ta chú ý đến oai uy của ngài thực khác biệt, mà cũng là điểm riêng có hiếm ai bì. Điếu cổ hạ kim thi tập chép: "Tánh ngài ngay thẳng thanh bạch, hiệu lịnh nghiêm minh, các tướng sĩ và các quan không dám ngước mặt lên mà ngó ngài, mỗi khi nào ngài lại kính bái yết vua, thì các quan đại thần nội trào cả thảy đều sợ". 

Choi Byung Wook trong nghiên cứu Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng có lời "những thuộc hạ và binh lính bình thường không thể trực tiếp nói chuyện với ông. Ngay cả đồng nghiệp cũng thường không dám gọi ông bởi vì ông quá cứng rắn, lạnh lùng".

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 4.

Tượng Tả quân Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh: Trần Đình Ba

Theo Gia Long Nguyễn Ánh bao phen vào sinh ra tử chốn binh lửa, Đức Tả quân lập nhiều công tích nơi chiến trường, trở thành một chiến tướng đáng sợ của đội quân khôi phục vương triều. Vẫn lời Việt Nam nhân thần giám, kể từ sau khi được mộ quân đánh nhau với Tây Sơn năm Ất Tỵ (1785), "từ đó đi đánh đâu cũng là được". Trong những chiến tích trên lưng ngựa, nổi bật nhất theo Liệt truyện cho hay, là trận đánh Tây Sơn ở đất Thị Nại.

Cùng quân tướng chúa Nguyễn Ánh đối địch với nhà Tây Sơn, đến năm Nhâm Tuất (1802), quân Nguyễn đánh thắng quân tướng Tây Sơn. Giang sơn gấm vóc nối liền một dải, vương triều Nguyễn được tạo lập. Đất nước thái bình, Đức Tả quân được vua Gia Long, rồi Minh Mạng trọng dụng. Với uy danh của mình, ngài nhiều lần dẹp yên dân loạn đất Thanh Nghệ, Thạch Bích… Dấu ấn thời bình đáng lưu ý nhất của ngài, phải nói về thời gian làm Tổng trấn Gia Định thành. 

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 5.

Nói về dấu ấn của Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất phương Nam, đáng kể và đậm nét nhất chính là thời gian ngài làm Tổng trấn Gia Định thành hai lần: 1812 - 1815 và 1820 - 1832. Trong tác phẩm Gia Định xưa và nay, Huỳnh Minh có nhận định khá xác đáng: "Trong hàng Tổng trấn thành Gia Định khi xưa, nổi tiếng nhất là Tả quân Lê Văn Duyệt".

Khi làm Tổng trấn lần thứ nhất ứng với dạo vua đầu triều Gia Long trị vì, Đại Nam liệt truyện ghi về ngài: "Vua dụ cho Duyệt biết việc xử lý Xiêm, Lạp, lập tức sai Duyệt ra lĩnh Gia Định Tổng trấn, lại kiêm lĩnh cả hai trấn Bình Thuận, Hà Tiên". Với vai trò Tổng trấn, ngài không chỉ cai quản Gia Định thành, tùy nghi xử việc, mà trong việc ngoại giao với các quốc gia lân bang như Xiêm La, Chân Lạp, với uy thế và danh tiếng của mình, Tổng trấn Lê Văn Duyệt cũng giúp cho vùng biên giới với hai nước này được yên ổn.

Trong lần Tổng trấn thứ hai nhằm thời vua Minh Mạng, vẫn Liệt truyện cho hay: "Minh Mạng năm thứ nhất (1820) tháng 5, Duyệt ra lĩnh Tổng trấn Gia Định thành, tất cả các việc thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại, việc thành, mưu kế ngoài biên, đều được tiện nghi làm việc". Có thể thấy trong đánh giá vai trò, vị thế của vị khai quốc công thần, vua Gia Long, Minh Mạng đều tỏ ra tin tưởng ở uy thế, khả năng cai trị của Lê Văn Duyệt, bởi thế cả hai lần giữ chức Tổng trấn, ngài hầu như được toàn quyền hành động.

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 6.

Lăng Ông Bà Chiểu chụp đầu thế kỷ XX

Nhìn về thời gian quản lĩnh đất Gia Định thành của vị Tổng trấn họ Lê, Đại Nam liệt truyện đánh giá ngắn gọn: "Lấy lợi trừ hại, dân tình yên ổn lắm". Đời sau Trương Vĩnh Ký khi viết Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) đã nhận xét: "Ông được toàn quyền, được trao phó đặc nhiệm, là nhà cai trị bất khả xâm phạm, được miễn trừ tội chết. Ông có quyền xử trảm và cho thi hành bản án trước khi xin chuẩn định của bộ hình. Ông chỉ phải báo cáo theo thủ tục tiền trảm hậu tấu".

GS. Nguyễn Văn Trung trong Hồ sơ về Lục châu học ghi: "Ông cho rằng bổn phận phải mở đầu cho việc làm Tổng trấn Gia Định bằng cách áp dụng nghiêm khắc và cứng rắn tối đa luật pháp chống lại các tội phạm hình sự". Rất nhiều vụ xử án của ông nơi đất này đều thể hiện sự nghiêm minh, cơ động để thực hiện chính sách an dân.

Nguyễn Liên Phong qua Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đã diễn thơ về những công tích ông để lại nơi đất này:

Ông Lê Văn Duyệt rất hay.
Phan An tọa trấn sửa xây kim thành.

Làm quan cai trị, trên hết thảy, ta thấy Tả quân đặt dân lên trên hết khi thể hiện hành động vì dân mà cai quản. Chẳng thế mà Trương Vĩnh Ký có lời ca ngợi là "đối với dân Nam thì ông tỏ ra tốt bụng, công bằng và không khoan nhượng". Trong khi ấy Nhật Nham trong bài "Tả quân Lê Văn Duyệt" đăng trên Tri Tân tạp chí, số 28 ngày 19/12/1941 ghi: "Trong khi cầm vận mệnh thành Gia Định, Lê vẫn luôn nghĩ đến tình dân vừa qua cơn binh lửa, nên hết sức mở mang trong xứ. Lòng người ai cũng kính phục. Uy chấn tứ phương".

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 7.

Phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ. Ảnh: Trần Đình Ba

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 8.

Dân gian ta có câu đúc rút "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Nếu nghiệm câu ấy vào trường hợp Đức Tả quân thì rõ ràng, thân dù đã nằm dưới nấm mồ nơi Lăng Ông, nhưng tiếng thơm của ngài, thì còn lưu truyền mãi cho hậu thế trong sự ngưỡng vọng, tôn kính.

Sau dạo bị oan khuất bởi bản án khép tội của vua Minh Mạng, kể từ đời vua Thiêu Trị rồi Tự Đức, danh tiếng, công lao của vị khai quốc công thần được khôi phục. Và kể từ đó đến nay, hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt trong sự đánh giá của nhân dân vẫn cao đầy. Học giả Trương Vĩnh Ký khi viết về đời Tả quân, đã ghi : "Khôn ngoan biết bao khi làm đại thần, cương quyết khi làm tướng, khéo léo và nghiêm khắc khi làm quan cai trị".

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 9.

Cổng vào Lăng Ông với ba chữ đề "Thượng công miếu". Ảnh: Trần Đình Ba

Ở đất Gia Định xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, lăng Ông Bà Chiểu, tên gọi dân gian chỉ lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, còn thường gọi là Lăng Ông với tên chữ là Thượng công miếu上公廟 luôn được nhân dân khắp nơi hương khói, chiêm bái. Lăng nằm ở số 1 đường Vũ Tùng thuộc quận Bình Thạnh.

Chuyên khảo về tỉnh Gia Định của Hội Nghiên cứu Đông Dương viết về lòng dân hướng về vị Tả quân: "Ông được tôn thờ, được coi là một trong những vị thần quyền năng nhất trong các thần bản xứ. Bên cạnh lăng của ông ở Bình-hòa, một trong những lăng lớn nhất đã được xây dựng, người ta cũng dựng lên một ngôi miếu để thờ ông những người sùng bái ông đến thờ cúng".

"Lại có nhiều khi, người mình có ức hiếp điều chi, thì thường thách nhau vô lăng ông thề; ấy là lăng của quan Tả quân vậy; bởi lúc ngài còn sống là một vị trung quân ái quốc, đến chết thì hiển thánh thành thần". Ấy là lời của Việt Nam danh tướng yếu mục về vai trò trọng tài tâm linh của Đức Tả quân. Còn Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cho hay "người Hoa coi ông như một vị phúc thần mà lúc sinh thời làm Tổng trấn, đã có nhiều chủ trương, chính sách nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp".

Vị Tả quân hiếm có, 2 lần làm Tổng trấn Gia Định, tướng sĩ không dám ngó, đại thần thảy sợ uy - Ảnh 10.

Lễ gắn biển tên đường Lê Văn Duyệt ngày 16/9. Ảnh: Công an TP.HCM.

Hiện nay, cứ mỗi dịp lễ tết, hội hè, đặc biệt là lễ giỗ Đức Tả quân, nơi Lăng Ông này lại thu hút đông đảo dân chúng. Chẳng nói đâu xa, ngày 16/9/2020 vừa qua, đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đi qua Lăng Ông đã được trả tên khi mang tên đường Lê Văn Duyệt, cũng là một trong những minh chứng cho sự đánh giá công bằng của chính quyền, nhân dân hiện tại đối với công lao của ngài nơi đất Nam Bộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn