Ngôi làng cổ sống lại nhờ thu phí khách tham quan

Thứ Tư, 23 Tháng Chín 20203:00 CH(Xem: 4195)
Ngôi làng cổ sống lại nhờ thu phí khách tham quan

Ngôi làng cổ từng hồi sinh nhờ du lịch, nay lại phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phát sinh từ ngành công nghiệp không khói.

Nằm trên cao nguyên đá được bao quanh bởi các khe núi dốc ở vùng Lazio, Civita di Bagnoregio (hay còn gọi Civita) - ngôi làng cổ nổi tiếng bậc nhất Italy - gần như tách biệt với phần còn lại của thế giới.

Để đến ngôi làng được mệnh danh là “vùng đất mặt trời” này, du khách phải băng qua một cây cầu chỉ dành cho người đi bộ dài 366 m.

Sự độc đáo của Civita không chỉ nằm ở vị trí địa lý. Ngôi làng cổ với hơn 2.500 năm tuổi là nơi duy nhất tại Italy, đồng thời là điểm du lịch hiếm hoi trên thế giới thu phí vào cổng đối với du khách.

ngoi lang thu phi khach tham quan anh 1

Làng cổ Civita di Bagnoregio - thuộc vùng ngoại ô thành phố Bagnoregio - đón 1 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: National Geographic.

Khoản phí tham quan khoảng 1,78 USD/khách được đưa ra vào năm 2013. Bốn năm sau, mức phí tăng lên 3,5 USD vào các ngày trong tuần và 6 USD vào chủ nhật hoặc ngày lễ. Du khách có thể phải trả thêm nếu muốn một chuyến tham quan riêng hay thưởng thức một ly bruschetta hoặc rượu vang.

Thị trưởng của Bagnoregi, Francesco Bigiotti, nói rằng việc thu phí được đưa ra để giải quyết tình trạng quá tải du khách và thực tế nó tỏ ra hiệu quả vì đã làm tăng chất lượng du lịch tại địa phương.

"Rõ ràng khi bạn trả tiền cho một thứ gì đó, nó sẽ trở nên quý giá hơn. Du khách giờ đây chu đáo, có trách nhiệm và biết tôn trọng hơn”, ông nhận định.

Phép lạ ở "ngôi làng sắp chết"

Civita từng được gọi là "la città che muore" hay "ngôi làng sắp chết". Đó là nơi địa hình không ổn định với cấu trúc đất cát, đất sét dễ vỡ. Xói mòn, sạt lở xảy ra quanh năm đã đẩy toàn bộ ngôi làng ngày càng lún sâu hơn.

Năm 1990, Civita thực sự bị bỏ hoang.

Đầu bếp địa phương Maurizio Rocchi cho biết: “Civita luôn xung đột với tự nhiên. Vì vậy, mọi người gọi nó là ngôi làng sắp chết”.

ngoi lang thu phi khach tham quan anh 2

Làng cổ hồi sinh nhờ sự phát triển của du lịch. Ảnh: Bfe.

Vào năm 2013, Thị trưởng Francesco Bigiotti, đã có một ý tưởng táo bạo: bán vé tham quan Civita. Trong 3 năm sau đó, ông không ngừng tổ chức các sự kiện nghệ thuật và lễ hội văn hóa nhằm thúc đẩy du lịch ở ngôi làng cổ.

Khoản phí tượng trưng ban đầu chưa đến 2 USD không chỉ là vấn đề tiền bạc. Đó cũng là một chiêu quảng bá giúp Civita được du khách biết đến nhiều hơn.

Năm 2009-2010, Civita đón khoảng 40.000 du khách. Năm 2018, con số này đã tăng lên 1 triệu.

“Điều gì đó phi thường đã xảy ra. Giờ đây, thay vì là ‘ngôi làng sắp chết’, người ta gọi Civita là ‘ngôi làng muốn sống’”, ông Bigiotti nói.

Khoản phí thu từ du khách trở thành tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Điều đó có nghĩa cư dân ở cả Civita và Bagnoregio được miễn thuế địa phương (họ vẫn phải đóng thuế quốc gia).

Du lịch phát triển còn kéo theo sự đi lên của hàng loạt ngành nghề khác, tạo ra công ăn việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 10% vào năm 2010 xuống dưới 1% vào năm 2019.

Không phải du khách nào cũng văn minh

Maurizio Rocchi, người có gia đình đã làm việc trên vùng đất xung quanh Civita từ thế kỷ 16, rất vui mừng trước sự thay đổi của ngôi làng.

Sự xuất hiện của du lịch không chỉ giúp gia đình Rocchi trở lại làng - họ đã rời đến Bagnoregio vào những năm 1950 - mà còn đem đến cho ông công việc kinh doanh phát đạt.

Alma Civita, nhà hàng của Rocchi, chuyên phục vụ các món ăn truyền thống lạ mắt, luôn trong tình trạng hết bàn. Nếu muốn ăn ở đây, du khách chắc chắn phải đặt trước.

Rocchi nói rằng ông rất biết ơn du lịch đã đem đến sự khởi sắc cho quê hương và nhấn mạnh du khách đã mang lại cuộc sống và sự thịnh vượng cho ngôi làng. Thế nhưng, không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió.

ngoi lang thu phi khach tham quan anh 3

Quá đông khách du lịch đổ về Civita di Bagnoregio khiến cư dân địa phương gặp nhiều rắc rối. Ảnh: Sylvia Poggioli.

Không phải khách du lịch nào cũng văn minh, lịch sự. Đôi khi, nhiều người rất thiếu tôn trọng, vô ý thức, sẵn sàng xâm phạm tài sản cá nhân.

“Thật khó khăn khi ngôi làng nhỏ bé này phải tiếp đón 1 triệu du khách mỗi năm. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng mọi người ngồi ăn trên bậc thềm nhà thờ, trèo lên tường để chụp ảnh. Du lịch cũng gây ô nhiễm tiếng ồn”, người đàn ông nói.

Không chỉ Rocchi, nhiều cư dân khác tại Bagnoregio cũng cảm thấy mệt mỏi vì du lịch. Họ thích sự yên tĩnh của Civita 10 năm trước hơn. Còn bây giờ, ngôi làng gần như chẳng còn gì vì sự tấn công dữ dội của du khách.

Tất cả đều lo lắng cho tương lai của Civita. Lũ lụt, động đất, xói mòn không ngừng khiến cấu trúc ngôi làng dần thay đổi. Thế nhưng, du khách vẫn tấp nập đổ về đây để khám phá “vùng đất mặt trời”.

ngoi lang thu phi khach tham quan anh 4

Các quá trình tự nhiên, sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch quá mức đe dọa sự tồn tại của Civita di Bagnoregio. Ảnh: Getty.

Francesco Bigiotti, người đang chịu trách nhiệm mở rộng "mô hình Civita" ra khu vực xung quanh, nói rằng "các biện pháp can thiệp" đã được thực hiện để ổn định ngôi làng. Dù vậy, vẫn chưa có gì được tiến hành kể từ khi khoản phí tham quan được áp dụng vào năm 2013.

Ông Bigiotti nói rằng các khoản thu từ khách du lịch sẽ sớm được sử dụng khi các chuyên gia sửa chữa đưa ra được một biện pháp can thiệp mới, hiệu quả.

Và trong thời gian chờ đợi điều đó, du lịch, hay cụ thể hơn là kiếm tiền từ du khách, vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Không thuế, không thất nghiệp, phép lạ đã xảy ra với Civita nhờ du lịch. Nhưng trong kịch bản tương lai, điều đó có lẽ sẽ không lặp lại.

Các quá trình tự nhiên, sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng có thể diễn ra chậm hơn nhưng không bao giờ dừng lại hoàn toàn. Chính vì vậy, nếu thiếu các giải pháp bảo tồn, nâng cấp, ngày Civita thực sự chết sẽ không còn xa, theo các chuyên gia từ Bảo tàng Địa chất và Lở đất được đặt tại ngôi làng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn