Hang động nước ngọt sâu nhất hành tinh

Thứ Năm, 10 Tháng Chín 20201:00 SA(Xem: 3303)
Hang động nước ngọt sâu nhất hành tinh

CzechNhờ thiết bị và công nghệ hiện đại, các nhà nghiên cứu ước tính hang Hranice Abyss sâu ít nhất 1 km.

Hranice Abyss - hang động nước ngọt sâu nhất hành tinh - nằm trong rừng cây ở Czech. Ảnh: IFL Science.

Hranice Abyss - hang động nước ngọt sâu nhất hành tinh - nằm trong rừng cây ở Czech. Ảnh: IFL Science.

Nhóm nhà khoa học tại Viện hàn lâm Khoa học Czech sử dụng nhiều công nghệ địa vật lý để đánh giá hang ngầm Hranice Abyss từ phía trên như đo lực hấp dẫn, thăm dò điện trở suất và áp dụng các kỹ thuật địa chấn. Điều này giúp họ phác thảo bản đồ sơ lược của hang động, hé lộ nó sâu ít nhất 1 km, IFL Science hôm 2/9 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Earth Surface.

Hranice Abyss nằm gần thị trấn Hranice, huyện Prerov, Cộng hòa Czech, được cho là hang động nước ngọt sâu nhất hành tinh. Năm 2016, thợ lặn Krzysztof Starnawski cùng một nhóm chuyên gia tới thám hiểm hang và kết luận nó sâu ít nhất 404 m. Tuy nhiên, số liệu này được đưa ra do các thiết bị lặn khi đó chỉ có thể xuống tới độ sâu như vậy. Độ sâu thực sự của Hranice Abyss vẫn là một bí ẩn.

Hranice Abyss không đơn giản là chiếc hố sâu đầy nước mà là một hệ thống phức tạp gồm nhiều hang động ngầm. Những hang động dưới nước phức tạp như vậy, thường hình thành khi nước tan từ băng tuyết và nước mưa có tính axit nhẹ chảy qua, dần dần làm tan đá vôi.

Trước đây, các chuyên gia cho rằng Hranice Abyss có thể hình thành do các lực tác động từ dưới lên. Theo phân tích trên National Geographic năm 2015, chiếc hang có khả năng sinh ra khi nước ngầm có tính axit bị lớp phủ của Trái Đất nung nóng ở sâu trong lòng đất, sau đó thấm lên như núi lửa, làm tan đá vôi từ bên dưới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới phát hiện một số bằng chứng cho thấy có những cấu trúc hang động cũng hình thành nhờ lực tác động từ phía trên.

Con người đã cố gắng tìm hiểu độ sâu của Hranice Abyss qua nhiều thế kỷ. Theo các tài liệu lịch sử, một người từng thử xác định độ sâu của nó năm 1580 bằng cách nhịn thở để lặn xuống đáy. Nỗ lực này tất nhiên không thành công.

Sự phát triển công nghệ cho phép các nhà khoa học và thợ lặn ngày càng đi xuống sâu hơn. Tuy nhiên, lặn dưới hang sâu và tối vẫn là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là khi loại nước giàu CO2 và có tính axit tại đây có thể gây hại cho da và thiết bị của thợ lặn. Độ sâu 1 km chỉ là ước tính mới nhất. Khi khoa học phát triển, có thể các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra độ sâu chính xác hơn.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn