Pomona Pictures

Nguồn hình ảnh, Pomona Pictures

Bên rìa phía đông của lòng chảo núi lửa Campi Flegrei, khu vực khảo cổ phía trên mặt đất của Baiae nhìn ra biển.

Là một lát cắt của cổng vòm, tường và bậc thang, nơi đây một thời từng là điểm nghỉ dưỡng cực điểm xa hoa cho người giàu và giới quý tộc La Mã, một kiểu Las Vegas trong thời cổ đại.

Giờ đây, những khối đá thạch cao, bích họa và tượng điêu khắc đã bị gỡ đi - rất nhiều trong số đó giờ trưng bày trong Viện bảo Tàng Khảo cổ Campi Flegrei - tòa nhà trông như thể đã trải qua hàng thiên niên kỷ.

Những đầu cột duyên dáng, làm ngắn cột và những trang trí hoa văn trên tường, điểm xuyết bằng hình ảnh thiên nga và thiên thần, gợi nhắc về sự sang trọng xa xỉ thời xa xưa.

Khi tôi đi qua khu vực khảo cổ với nhà khảo cổ học Michele Stefanile từ Đại học Naples L'Orientale, ông chỉ cho tôi thấy mỗi cấu trúc trước đây từng là gì: một biệt thự, nhà tắm, nhà hát.

Trong một căn phòng, tôi nhón chân bước vòng qua những hoa văn tranh ghép màu trắng và đỏ. Ở phòng khác, chúng tôi trầm trồ ngắm bức bích họa trên tường, vẫn còn rực rỡ với màu thổ hoàng và đỏ rực.

Người La Mã đến nơi này với mục đích giống chúng tôi: vì sức hấp dẫn của biển Địa Trung Hải lấp lánh, của thời tiết ôn hòa và cây cỏ xanh biếc.

Họ cũng bị thu hút đến đây vì suối nước nóng trong vùng - tất nhiên, đó là hệ quả từ hoạt động núi lửa dưới chân.

Khi Baiae lần đầu tiên được lịch sử ghi chép vào năm 178 trước Công Nguyên, nơi đây được gọi là Vùng biển Cumanae [Aquae Cumanae].

Nhưng Baiae không chỉ là khu nghỉ dưỡng. Đó là một thị trấn tiệc tùng, nơi người Roma đến tắm và tiệc tùng, tán tỉnh và vui chơi. Trong một trong nhiều khúc bi ca dành cho tình nhân và nguồn cảm hứng Cynthia, thậm chí nhà thơ Sextus Propertitus, không chút che giấu, đã viết thật đau thương trong tác phẩm vào năm 25 trước Công Nguyên:

"Nhưng em phải nhanh chóng rời gót khỏi Baiae hoang đàng,

nơi bờ bãi trở thành chốn cắt chia lứa đôi,

nơi biển khơi thù nghịch nữ nhi đoan chính

nơi hiện diện lời nguyền Baie, làm tủi hổ tình yêu!"

Khi Cộng hòa La Mã bành trướng thành đế quốc, sự khét tiếng của Baiae ngày càng vang xa.

Vào năm 39 sau Công Nguyên, Caligula xây một cây cầu, làm từ những chiếc tàu buôn kết nối lại gần nhau, sau đó phủ đất lên trên - nối từ Baiae đến Pozzuoli, kéo dài ba dặm, rồi ông cưỡi chiến xa do ngựa kéo chạy qua.

Vào năm 59 sau Công Nguyên, bạo chúa Nero giết mẹ mình, Agrippina, trong biệt thự của bà ở nơi này.

Vị hoàng đế La Mã tiếp theo, Hadrian, có thời gian cuối đời sống yên bình nơi đây; ông qua đời vì tuổi già ở cung điện Baiae vào năm 138 sau Công Nguyên.

Những người La Mã đứng đắn khác thì tránh xa nơi này, hoặc ít ra thì đó cũng là điều mà thiên hạ nghĩ.

"Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi những người như Seneca chẳng hạn, quyết định xây dinh thự không phải ở Baiae mà là trên ngọn đồi quay về hướng đó - chỉ để được sống yên thân một chút," Stefanile giải thích cho tôi và chỉ tay về phía bên kia vịnh.

Thậm chí đến cuối đời vào năm 65 sau Công Nguyên, nhà triết học này vẫn nói rằng: "Baiae là nơi nên tránh, bởi dù có một số điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng nơi đó đã biến thành một khu nghỉ dưỡng đặc biệt xa xỉ."

Nói "xa xỉ" quả là chính xác.

Không vừa lòng với việc xây dựng trên cạn, người giàu có thời La Mã đã dựng những ngọn tháp và xây dựng biệt thự trực tiếp trên mặt biển.

Horace, thận trọng hơn Propertitus, vào năm 23 trước Công Nguyên đã khiển trách người xứ sở ông về những hành vi phóng đãng như sau:

"Ngươi, trước bờ cõi chết chóc

Chạm tay vào cẩm thạch mộ bia

Phớt lờ đi cái chết đang gặm nhấm

Để xây đền đài ngay trên bờ biển

trong tiếng gầm của sóng Baiae -

Bởi đất liền không thỏa lòng tham."

Dù bỏ lời nhắc nhở của Horrace qua một bên, thì hiệu ứng vẫn lộng lẫy. "Trong tất cả những dinh thự đó, cấu trúc phức hợp được xây dựng để có thể nhìn thấy từ phía biển," Stefanile giải thích khi chúng tôi đứng trên bậc thang. Bên dưới lớp tàn tích là nền nhà màu phấn nhạt, qua khỏi đó là làn nước lấp lánh. Ở cự ly gần, lưng núi lửa Vesuvius có màu tím trong lớp bụi mờ mùa hè.

"Ta luôn phạm lỗi lẫm khi đứng trên nền đất này," Stefanile giải thích. "Nhưng điểm nhìn hoàn hảo để chiêm ngưỡng nơi này là từ biển. Hãy tưởng tượng ta đứng trên Vịnh Baiae và nhìn về nơi nghỉ dưỡng này với tất cả những bậc thang, hồ nước và con người tụ tập nơi đây."

Thậm chí khi Đế quốc La Mã ở phương tây suy tàn, thì người La Mã và sau đó là người Visigoths, người Vandals (là các nhóm người Đức cổ đại) vẫn tiếp tục đến tắm tại Baiae.

Nhưng đến thời mà nó được Giovanni Boccaccio mô tả trong quyển tiểu thuyết viết năm 1334 - "không có nơi nào dưới ánh mặt trời đẹp hơn và dễ chịu hơn nơi đây," ông viết - thì những nhà tắm và dinh thự tuyệt đỉnh của Baiae đã dần suy tàn.

Sự huy hoàng dưới đáy biển

Vì tình trạng mặt đất chìm dần, rất nhiều phần của nơi này giờ đây nằm dưới đáy biển.

Trong hơn 2000 năm qua, hầu hết khu vực đã chìm sâu xuống 4-6m; ở một số nơi, nó chìm xuống hơn 10m. Khoảng 50% các khu vực được xây dựng giờ đây được cho là đã nằm nơi đáy biển.

Một số hiện vật bị cát bao phủ, khiến cả con người và động vật không biết tới.

Nhưng một số khác không may mắn như vậy. Có nhiều chuyện kể lại khi ngư dân thả lưới và kéo lên tượng điêu khắc cổ, và những hiện vật quý giá bị đem bán ở chợ đen. Vì không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu hiện vật trong khu vực này, không ai có thể biết chính xác bao nhiêu hiện vật đã bị lấy đi.

Vào năm 2002, khu vực dưới đáy biển rộng 17 hectares được quy định là Khu Bảo tồn Hải dương.

Mặc dù thợ lặn có chứng chỉ thì được phép khám phá khu vực này, nhưng họ phải làm vậy với một trong những cửa hàng hướng dẫn và cung cấp thiết bị lặn có đăng ký, những người tự coi mình là người bảo vệ cho di sản nơi đây. Ngày nay các nhà khảo cổ học đã bớt lo ngại về tình trạng trộm cổ vật. Nhưng nhiều thách thức khác vẫn còn.

"Đây không phải một công viên khảo cổ học thông thường," Stefanile cho biết. "Bạn không thể xây hàng rào nó lại. Bạn không thể đóng cửa. Nó luôn mở cửa. Và nó bị tác động bởi sinh vật biển, bị ảnh hưởng bởi sóng, thủy triều và cả sự hiện diện của con người."

Barbara Davidde, sếp của Stefanile và là giám đốc đơn vị khảo cổ dưới đáy biển tại Viện nghiên Cứu Trung Tâm về Phục Chế ở Ý, đã làm việc ở Baiae từ năm 1993.

Theo bà, một trong những vấn đề chính với hiện vật chìm dưới đáy biển đó là sinh vật biển. Vi khuẩn, các loài hai mảnh, bọt biển - vô số các sinh vật hữu cơ không chỉ sống dưới đáy biển mà chúng còn đặc biệt thích thú bám vào đá và chất liệu cẩm thạch.

"Nếu bạn để yên những hiện vật này nằm phơi ra (ví dụ như, không bị cát che phủ), thì sinh vật biển ngay lập tức chiếm hữu, sống bám vào nó trên bề mặt. Chúng bắt đầu phá hủy và tấn công chất liệu," bà giải thích.

Sau đó, tại phòng thí nghiệm ở Rome, bà Davidde giải thích rõ hơn cho tôi nghe ý của bà: khi một viên gạch khảm trông có vẻ chẳng hư hại gì dưới mắt thường, thì dưới kính hiển vi mỗi hoa văn khảm đã có hẳn một mạng lưới đầy lỗ và vết trầy xước.

Tại Bảo tàng Khảo cổ Campi Flegrei, từ tác phẩm này đến tác phẩm khác cho thấy dấu vết bị hư hại vì sinh vật gây ra.

Dù tình trạng tượng điêu khắc thời La Mã thường có thể mất cánh tay hay mất đầu là phổ biến, nhưng những hiện vật trong bộ sưu tập ở đây lại khác. Một phụ nữ đeo mạng che mặt bị hư hỏng đến mức hình dáng của bà không còn gì, đến mức trông như con ma; một bệ đá dâng lên Hoàng đế Hadrian mất tất cả kiểu dáng ở trên đỉnh, trông như một cây nến đang cháy dở.

Tuy nhiên, bức tượng mà tôi thích nhất là tượng thần Zeus trên ngai vàng, cao 74cm.

Tượng được tạc từ Thế kỷ 1 trước Công Nguyên, phần bên phải tượng bị phủ bởi những thứ màu trắng trông nguệch ngoạc, di vết của tình trạng bị sinh vật biển xâm thực.

Nhiều lỗ xuất hiện trên thân mình đã biến cánh tay phải của tượng thành một khối trông như bọt biển không có tay. Phần bên kia tượng - vốn từng bị chôn vùi dưới cát - gần như còn nguyên vẹn, những nếp gấp trên chiếc áo choàng La Mã ông mặc vẫn còn sắc nét.

Bức tượng thần Zeus có vẻ như đã bị bọn săn đồ cổ trộm.

Ông xuất hiện trong bộ sưu tập ở Bảo tàng J Paul Getty ở Los Angeles, do một giám tuyển thu lại sau khi bị truy tố vì âm mưu buôn bán cổ vật bất hợp pháp. Bức tượng được đưa trở lại Bảo tàng Campi Flegrei vào năm 2018.

Những tượng điêu khắc khác ở bảo tàng giờ đây đã an toàn khỏi sự tàn phá của sinh vật biển. Nhưng với những hiện vật vẫn nằm dưới lòng biển, bao gồm cả nền quý giá làm nên bộ sưu tập khảm lớn nhất thời La Mã ở dưới nước trên thế giới, đều đang bị đe dọa.

"Tôi không nghĩ bạn có thể tìm ra bất cứ khu khảo cổ nào trên thế giới giống Baiae," Davidde nhận định. "Chúng ta phải tìm cách bảo vệ nơi này."

Musas, một dự án liên ngành do Davidde lãnh đạo nhằm ứng dụng công nghệ vào những khu khảo cổ dưới nước đang thực hiện việc đó.

Công nghệ bảo tồn đáy biển

Nằm ở phần bị che khuất trên núi Monte Nuovo, Trung tâm Lặn Centro Sub Campi Flegrei khá nhộn nhịp ngày tôi tới thăm.

Một nhóm nhà nghiên cứu, kỹ sư và nhà khảo cổ học đang thiết lập thiết bị - hôm đó không chỉ có bình khí lặn scuba và thiết bị lặn, mà còn có máy tính bảng chống nước, cáp và thậm chí một thiết bị thăm dò dưới nước.

Lãnh đạo của nhóm là bà Chiara Petrioli, giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Rome La Sapienza, và là người điều phối khoa học của dự án Musas. Bà là người đứng đằng sau một trong những khía cạnh tham vọng hơn của Musas: đó là mạng lưới cảm biến không dây dưới biển của dự án.

Khi nói đến một khu vực dưới biển, thách thức lớn là về thông tin liên lạc. Nhiều loại mạng mà ta phụ thuộc trên mặt đất như mạng truyền dữ liệu, mạng không dây wifi, hay sóng radio - đều không hiệu quả dưới nước. Mạng wifi lắp đặt cáp và chỉ có thể liên lạc vài cm. Mạng cáp quang không dây tốt hơn nhưng cũng chỉ phủ sóng được vài mét.

Tác động từ việc nhà khảo cổ có thể học hỏi được bao nhiêu về khu vực này, cũng như làm sao để bảo vệ nơi này tốt nhất, sẽ cực kỳ to lớn.

Hãy tưởng tượng bạn là nhà khảo cổ đi khai quật di tích dưới biển. Ví dụ như bạn cần công cụ mới. Bạn sẽ phải bơi lên mặt biển, yêu cầu lấy thiết bị, hy vọng là có sẵn trên tàu, và bơi ngược trở lại. Quá trình tới lui này rất tốn thời gian và nguy hiểm hơn hẳn.

Có lẽ sau tất cả những việc đó, bạn sẽ tìm ra một bức hoa văn khảm mới. Bạn bắt đầu khai quật nó, nhưng tất cả những gì bạn có thể làm là đánh dấu những ghi chú cơ bản lại trong một tấm bảng thô sơ, có lẽ chụp vài tấm ảnh bằng máy ảnh chụp dưới nước.

Nếu bạn muốn trao đổi với ai, bạn phải đợi cho đến khi bơi ngược lên mặt nước. Không có vị trí GPS chính xác, bạn khó có thể đánh dấu lại vị trí nơi khảo cổ. Khi bạn quay lại một ngày sau đó, cát đã dịch chuyển, đáy biển thay đổi. Làm sao bạn dám chắc có thể tìm thấy nó lại lần nữa?

Các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời cho tất cả những điều trên đó là cố gắng bắt chước cách giao tiếp của các loài động vật biển có vú: đó là dùng sóng âm.

"Bạn cần sử dụng cách liên lạc dùng sóng âm," Petrioli cho biết. "Điều này thực sự là thách thức, vì các thông số dưới biển có thể thay đổi."

Chỉ với những yếu tố bên ngoài cũng có thể gây nhiễu cuộc liên lạc của cá voi sát thủ hay cá heo, tình trạng tương tự cũng xảy ra khi con người dùng sóng âm liên lạc.

Nhiệt độ, độ mặn nước biển và gió điều có thể ảnh hưởng đến kết nối giữa hai thiết bị. Vì vậy những âm thanh khác cũng gây ảnh hưởng, như khi có tàu đi qua, hay một chiếc cano phản lực.

"Rất phức tạp, nhưng chúng tôi đã nghĩ ra một cách. Hãy sử dụng lưới mắt cáo, như dạng mạng lưới nhiều dây, và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thay đổi giao thức mà ta sử dụng."

Nếu cáp điện thoại gửi tin nhắn từ A đến B qua đường dây truyền thẳng, thì mạng lưới mắt cáo giống như mạng nhện - trong trường hợp này nó được làm từ các cảm biến không dây dưới nước, hay còn gọi là điểm giao.

Khi thông tin liên lạc được gửi đi, có rất nhiều cách nó có thể đi từ điểm A đến điểm B - cho phép tin nhắn tìm được đường hiệu quả nhất để đến được người nhận cuối cùng. Và khi những thông số ở biển thay đổi, thì hệ thống liên lạc cũng thay đổi. Trong tuần thứ hai của tháng 7/2020, phương pháp mà họ thử nghiệm cho phép liên lạc đến khoảng cách 2km.

Mạng lưới cảm biến không dây dưới nước mở ra một số khả năng. Thợ lặn giờ đây có thể trao đổi theo thời gian thực, cả trao đổi với nhau và với người trên mặt nước, bằng cách sử dụng máy tính bảng chống nước.

Nhóm nghiên cứu có thể xác định chính xác thợ lặn đang ở vị trí nào - và vị trí chính xác mà khu vực khảo cổ hay hiện vật đang hiện diện.

Mạng lưới này còn cho phép thu thập dữ liệu trong thời gian thực, và tình trạng bảo tồn khu vực này - trong đó có cả việc gửi hình ảnh đến chuyên gia trên mặt bờ.

Và thông qua việc quan sát mọi thứ từ chất lượng nước biển đến nồng độ CO2, họ có thể đem lại thêm thông tin về hoạt động của núi lửa Campi Flegrei.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm tất cả các loại công nghệ khi tôi đến thăm, với hy vọng lắp đặt cảm biến lâu dài vào mùa hè 2020. Dù việc này đã bị hoãn lại vì đại dịch virus corona, người ta vẫn hi vọng mọi việc sẽ diễn ra vào năm nay, và không chỉ ở Baiae: Masas cũng tiếp tục triển khai công nghệ mới tại các khu vực khảo cổ dưới biển thời cổ đại khác ở Ý như tại Puglia và Ponza.

Nhưng với hiện nay, tôi không rõ điều gì còn có thể hấp dẫn hơn: cơ hội để cuối cùng cũng được xem những bức tranh khảm dưới nước và di tích tôi từng nghe kể rất nhiều, hay tự thay thử công nghệ cho phép thợ lặn liên lạc với nhau như cá heo.

Chạm vào di sản cổ đại

Cuối ngày hôm đó, tôi nhảy xuống biển, theo sau thợ lặn hướng dẫn Enzo Maione. Khi lặn xuống độ sâu 5m, chúng tôi bơi lên một bức tường ngày xưa từng là tường dinh thự. Thật lạ lùng khi thấy một phế tích như vậy, với rong biển mọc trên tường thay vì rêu xanh và cá cá bơi túa ra quanh các viên gạch.

Cả hai chúng tôi đều có máy tính bảng. Tôi nhìn vào máy của mình: "Thử máy," tin nhắn từ trên tàu gửi xuống. "Thử máy OK," tôi gõ lại.

Khi chúng tôi bơi đi, tượng điêu khắc bắt đầu xuất hiện từ trong làn nước xanh mờ đục.

Tôi ngừng lại và cảm thấy bị mê hoặc. Đây là Đài Vinh danh Hoàng đế Claudius, một nơi mà các hoàng đế từ Thế kỷ 1 sau Công Nguyên thường đi dạo quanh và ca ngợi tượng điêu khắc.

Những bức tượng nằm đây thời nay đều là tượng sao chép; tượng thật đã được đưa vào bờ để giữ an toàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Khi bơi qua trong làn nước, nhìn những gương mặt tượng khi cá phóng quanh chúng tôi, cảm giác thật ma mị và siêu việt.

Tôi nhấn một nút trên máy tính bảng và nâng máy tính lên. Một hình ảnh 3D của đài vinh danh xuất hiện trên màn hình. Đây là một trong những mục tiêu chính của Musas: giúp thợ lặn hiểu về di tích mà họ đang nhìn thấy.

Nhưng điều tuyệt nhất vẫn chưa xuất hiện. Maione dừng lại ở đáy biển và bắt đầu xua cát ra xa. Với mỗi lần quét, một phần của bức tranh khảm dần xuất hiện cho đến khi chúng tôi đang bơi bên trên một bảng hoa văn phức tạp nhiều hình tròn và hình lục giác. Ngày xưa nơi đây từng là nền nhà trong một căn phòng ngay bên ngoài sảnh trung tâm của một dinh thự lộng lẫy, có từ thời Thế kỷ 2 sau Công Nguyên.

Chúng tôi đã dạo quanh khá lâu đến mức nhóm trên bờ muốn kiểm tra. "Mọi thứ ổn chứ?" Tôi gửi lại họ hình mặt cười.

Khi đến cuối hành trình lặn, một nền nhà dát đá cẩm thạch và bức tranh khảm thứ hai hiện ra - tôi tìm xem thử chúng với sự kinh ngạc.

Một thiết bị lặn tự động điều khiển từ xa hình vuông lớn bơi qua làn nước. Nó bắt đầu đi theo chúng tôi, với đèn trước chiếu thẳng vào tôi với vẻ rất chăm chú, tôi cảm thấy mình rơi vào một bộ phim Pixar. Đây là một trong những thiết bị khác trong kho "đồ chơi" của nhóm nghiên cứu: một cách để người trên bờ có thể quan sát di tích bên dưới.

Ở chặng cuối hành trình, nước biển trông rất lạ: những cột nhỏ trôi ra khỏi lòng đất, dâng lên gần giống ngọn lửa, trông chất lỏng có vẻ đặc hơn, gần như dầu. Một lỗ thoát hơi núi lửa. Tôi đặt tay mình lên chỗ đó: nước rất ấm.

Đó còn hơn một lời cảnh báo rằng chúng tôi không chỉ đang lặn trong một khu nghỉ dưỡng thời La Mã cổ đại, mà còn là ở gần một siêu núi lửa - một núi lửa có thể quét sạch tất cả những thứ này chỉ trong khoảnh khắc.

Nhưng lý do chúng tôi có mặt ở đây là nhờ vào sự sáng tạo của con người. Và chính là sự sáng tạo - và kiên trì - đã khiến Baiae có cơ hội tồn tại qua nhiều thế hệ đến tương lai.

Tôi nhớ Petrioli nói với tôi sau khi lên bờ, khi nhìn qua những chiếc tàu xếp đầy bình lặn và cáp và máy tính bảng. "Rất nhiều người liên tục nói với chúng tôi. 'Các cô không làm được đâu,'" bà kể lại. "Chúng tôi đang chứng minh cho họ thấy là họ đã sai.

"Những gì từng không thể giờ đây đã là có thể."