Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Từ thời thập niên 1970 cho tới tận thời đầu thập niên 2000, Cảng Victoria luôn bốc mùi nồng nặc.

Sự tăng trưởng chưa từng thấy đã biến vùng lãnh thổ có tên Hương Cảng - xứ cảng thơm - thành một con hổ kinh tế.

Thế nhưng dân số ngày càng tăng cũng như tình trạng không ngừng mở rộng công nghiệp và nông nghiệp đã biến bến cảng nơi đây trở thành một bể phốt khổng lồ.

Cảng biển chứa đầy phân người và nước thải từ các trang trại nuôi lợn, gà, cũng như chất thải chứa nhiều hóa chất và kim loại chưa được xử lý từ các nhà máy công nghiệp dệt và mạ đặt ở khu vực Tân Giới của Hong Kong.

Các xét nghiệm cho thấy nước có chỉ số vi khuẩn coliform rất cao, trong đó có cả khuẩn E. coli, dấu hiệu cho thấy tình trạng ô nhiễm nặng nề do phân người thải ra, khiến môi trường nước trở thành mối nguy hại cho sức khỏe.

Năm 1989, chính quyền tiết lộ trong một văn kiện rằng trong hai triệu tấn rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp do Hong Kong xả ra mỗi ngày, chỉ 10% là có qua một số phương thức xử lý sinh học; 40% được lọc một phần rồi thải ra qua các ống ngầm dài vài chục mét ra bên ngoài đê biển. 50% còn lại tống thẳng ra biển, ngay sát bờ và không hề qua khâu xử lý nào.

Nhiều khu vực bên trong đảo cũng được phát triển ồ ạt mà không có đường ống nước thải thích hợp; trong năm nhà máy xử lý nước thải thì có đến bốn không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết.

Virendra Anand sống trên một chiếc tàu trong Khu Tránh bão ở Vịnh Causeway từ năm 1991 đến năm 1993.

"Thời đó, những người có tàu như chúng tôi không bao giờ được cọ rửa, mà thông thường thì cứ hai đến ba năm một lần tàu phải được vệ sinh sạch sẽ để chống hà sống bám dính, ăn thủng thân tàu," Anand, người có công ty tham gia vào sáng kiến về sau trở thành Chương trình Xử lý Nước thải Khu vực Cảng biển Hong Kong, nói.

"Hồi đó người ta hay nói đùa là làm gì có thứ bám vào mạn tàu mà sống được, vì tàu của chúng tôi nổi lềnh phềnh trên một bể nước thải."

Tài liệu năm 1989 này cuối cùng đã tạo cơ sở cho một hệ thống xử lý đầy tham vọng gồm ba giai đoạn, theo đó nước thải sẽ được gom từ các khu vực khác nhau của Hong Kong và chảy đến một nhà máy xử lý, được đề xuất xây dựng trên đảo Stonecutter, nằm ở phía tây Cảng Victoria.

Dự án gây tranh cãi

Nhưng đó là một dự án gây tranh cãi.

Trung Quốc phản đối kế hoạch xử lý nước thải, với lý do kinh phí 1,55 tỷ đô la vào thời điểm đó là quá đắt và sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường biển của vùng Đồng bằng Châu Giang.

Một số nhà bảo vệ môi trường địa phương cho biết kế hoạch xử lý chất thải này chưa tính toán đủ tầm chiến lược dài hạn, và sẽ thật nguy hiểm nếu nước thải mới được xử lý một phần lại cho chảy thẳng trở lại ra biển.

Nhưng sự phản đối của Trung Quốc cũng làm dấy lên mối quan ngại từ những nhà hoạt động vì môi trường như Joanna Ruxton, người lo rằng dự án sẽ bị đình trệ sau thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, năm 1997, bởi vì lúc đó người ta thấy rằng Trung Quốc không ưu tiên bảo vệ môi trường.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Vào thập niên 1980, một nửa lượng nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp của Hong Kong được đổ thẳng ra biển mà không qua xử lý

Bất chấp sự phản đối chính trị, việc xây dựng hệ thống đường cống ngầm xử lý chất thải được khởi công vào năm 1995, dẫu gặp phải điều kiện địa chất đầy thách thức - các đường ống sẽ phải xây dựng trong lòng vỉa đá granite cứng và đá núi lửa.

Dự án đã bị đình chỉ vào tháng 12/1996 vì các nhà thầu gặp khó khăn trong thi công công trình.

Những người chỉ trích cáo buộc Sở Cấp Thoát Nước Hong Kong đã thực hiện các cuộc khảo sát địa điểm không đầy đủ, thiếu tính đến các cấu trúc ngầm đã tồn tại từ trước.

Tới thời điểm này, các nhà khoa học nghiên cứu về ô nhiễm ở Cảng Victoria lưu ý rằng chỉ số vi khuẩn trong nước biển vẫn còn tương đương như trong nước thải chưa xử lý.

"Vạn sự khởi đầu nan", sau một năm trục trặc dự án đã tiếp tục chuyển động vào năm 1997, nhưng những thách thức ghê gớm mà nó phải đối mặt vẫn còn đó.

Các đường cống ngầm cần phải tránh mê cung của hệ thống giao thông công cộng MTR Hong Kong, các đường hầm xuyên cảng, phần móng của các tòa nhà và mạng lưới ngầm các đường ống dẫn khí, hệ thống cáp điện và viễn thông.

Do đó, các đường cống dẫn nước thải sẽ phải được xây dựng trong độ sâu từ 70 đến 160m dưới mực nước biển, khiến chúng có nguy cơ bị tràn nước.

Để vượt qua những thách thức này, các nhà thầu đã sử dụng phương pháp "khoan, nổ", và xây dựng các kết cấu thích hợp để duy trì độ ổn định của từng phần nền móng. Tổng cộng, các nhà thầu đã dùng khoảng 2.000 tấn chất nổ để hoàn thành công việc này.

Khi tuyến ống ngầm đầu tiên được hoàn thành vào năm 2001, Hong Kong đã có một mạng lưới đường cống liên thông, tổng cộng dài 23,6km, trong đó bao gồm hệ thống dẫn nước thải và một nhà máy xử lý nước thải tại đảo Stonecutter sẵn sàng đi vào hoạt động.

Công trình giai đoạn một hoàn thành đã ngay lập tức giải vây cho cảng Victoria vốn bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Việc nâng cấp các công trình xử lý nước thải và mạng lưới ống cống ngầm rộng lớn đã loại bỏ 70% chất ô nhiễm hữu cơ và 80% chất thải rắn bị lắng đọng xuống.

Giai đoạn đầu tiên của dự án đã giúp giảm 50% lượng vi khuẩn E. coli.

Giai đoạn thứ hai, là giai đoạn được hoàn thành vào 12/2015, đã xây dựng thêm 21km đường cống ngầm, nối các phần còn lại của Hong Kong với nhà máy xử lý nước thải.

Tổng cộng, dự án đã bổ sung một hệ thống dẫn nước thải quan trọng, dài 45km, sâu 160m dưới mực nước biển nối vào hệ thống xử lý nước thải đã có sẵn của Hong Kong.

Ngày nay, hệ thống này gom 93% chất thải của toàn bộ Hong Kong, dẫn tới nhà máy xử lý ở đảo Stonecutter.

Lượng vi khuẩn E. coli trung bình ở Cảng Victoria trong giai đoạn 2016-2018 thấp hơn 92,5% so với giai đoạn 1997-2001, theo ghi nhận của Kenneth Leung Mei-Yee, giáo sư tại Viện Khoa học Hàng hải Swire thuộc Đại học Hong Kong.

Điều này đã cho phép vận động viên bơi lội Edie Hu xuống biển vào năm 2018, trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên hoàn thành chuyến bơi dài 45 km quanh đảo Hong Kong để gây quỹ từ thiện.

Hu đã không có bất kỳ triệu chứng sức khỏe xấu nào sau khi bơi một khoảng thời gian khá dài trong nước biển Hong Kong.

Nhưng, cho đến nay, dự án mới chỉ được thực hiện một nửa.

Năm 2017, chính quyền Hong Kong đã quyết định gác lại giai đoạn tiếp theo của dự án, là phần lẽ ra sẽ xây dựng tiếp một nhà máy xử lý sinh học thứ cấp.

Thay vào đó, Hong Kong nay đang tìm cách xử lý các chất ô nhiễm từ cống thoát nước mưa và xả thải bất hợp pháp, chảy thẳng ra Cảng Victoria.

"Rất nhiều thứ gây ô nhiễm biển đến từ những cơn mưa lớn, cuốn trôi mọi thứ ra khỏi hệ thống thoát nước đô thị," Stephen Davis, nhà nghiên cứu hàng hải tại Đại học Hong Kong cho biết.

"Vì vậy, ngay sau một đợt mưa lớn là nước biển trở nên ô nhiễm kinh hoàng. Nước mưa rửa trôi mọi đường chảy hoặc cống mở trên các sườn đồi, và những dòng chảy này chứa đầy túi nhựa, giấy gói đồ ăn ngọt, tất cả rác rến đều được cuốn trôi ra, nổi bập bềnh hoặc chìm lửng lơ dưới mặt nước biển."

Bên cạnh nhựa sử dụng một lần còn có rác thải biển, dầu tràn từ các tàu ra vào cầu cảng xếp dỡ hàng hóa, tảo đã phân hủy, cũng như các trầm tích được tìm thấy gần các cửa thoát nước và dưới đáy biển.

Ngoài ra, cũng có những thách thức được đặt ra bởi các khu vực dân cư đông đúc trên Đồng bằng Châu Giang nữa.

Các chuyên gia như Davis và Leung cảnh giác trước ảnh hưởng của thủy triều.

"Khi thủy triều lên cao, nước biển sạch từ phía đông Hong Kong tràn vào cảng. Nhưng khi thủy triều xuống, nước từ sông Châu chảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước của cảng," Leung nói.

Christine Loh, cựu thứ trưởng môi trường, tin rằng Hong Kong có thể giữ cho nước sạch, song cũng cần nhìn vào bức tranh tổng thể hơn.

"Cảng Victoria, giống như bất kỳ vùng nước nào, phải được nghiên cứu trong bối cảnh toàn diện. Tất cả các hoạt động đều có thể gây ô nhiễm và gián đoạn môi trường. Ô nhiễm cục bộ có thể được kiểm soát tốt hơn nhưng sự gián đoạn lại gây ra thông qua những thay đổi vật lý, chẳng hạn như việc lấn biển cũng phải được xem xét cẩn thận," bà Loh nói.

"Việc lấn biển có thể gây ra thay đổi dòng chảy, từ đó gây ra những vùng đất chết."

Bà Loh cũng nhấn mạnh rằng Hong Kong không thể làm điều này một mình được.

"Chính sách của Trung Quốc có liên quan đến kinh tế biển cần phải được áp dụng thống nhất với Hong Kong," bà nói, để hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển được quy hoạch hợp lý đối với toàn khu vực.

Có thể phải mất hàng thập kỷ và hàng tỷ bảng Anh để đạt được điều đó, nhưng kết quả của đường cống ngầm công phu phức tạp tạo nên hệ thống thoát nước là điều không thể bác bỏ.

Thay vì trước kia nước biển quanh Hong Kong chỉ sạch hơn nước thải một chút, giờ đây môi trường nước này là nơi mà những người bạo dạn có thể thoải mái bơi lội, ít nhất là khi thủy triều ở mức phù hợp.