Kế hoạch đòi Trung Quốc khoản nợ 1,6 nghìn tỉ USD được đưa lên Thượng viện Mỹ

Thứ Bảy, 15 Tháng Tám 20209:00 CH(Xem: 3328)
Kế hoạch đòi Trung Quốc khoản nợ 1,6 nghìn tỉ USD được đưa lên Thượng viện Mỹ
Thượng nghị sĩ McSally nói: “Trung Quốc đã nhiều lần không tôn trọng nghĩa vụ của mình đối với Mỹ, lấy tiền và việc làm của các gia đình Mỹ. Chà, việc lợi dụng cần kết thúc ở đây. Chúng tôi buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho khoản nợ của họ và vì đã khiến coronavirus phát tán trên thế giới. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải trả lại 1,6 nghìn tỉ USD mà họ nợ các gia đình Mỹ”. 
dHJ1bXB4aQ==
Ông Trump có đòi nợ được từ ông Tập? - Ảnh: Internet

Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Martha McSally đến từ bang Arizona đã trình lên Thượng viện lời kêu gọi đòi Trung Quốc trả nợ trái phiếu cho người Mỹ, ước tính hơn 1,6 nghìn tỉ USD gồm cả lãi suất. Đây là trái phiếu được phát hành trước khi nhà nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949.

Lời kêu gọi này nhận được sự cam kết ủng hộ từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marsha Blackburn đến từ bang Tennessee và Hạ nghị sĩ cũng thuộc đảng Cộng hòa Mark Green đến từ bang Tennesse. Những lời kêu gọi tương tự đã từng có trong quá khứ nhưng lần này, nó trở thành sự kiện đáng chú ý khi quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng.

Đặc biệt, quan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan đã ở mức không thể xấu hơn. Ngày 9.8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Alex Azar cùng phái đoàn đáp chuyên cơ xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, đánh dấu đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng của Mỹ đến thăm Đài Loan sau khi hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao kể từ năm 1979.

Các trái phiếu, được đảm bảo bằng vàng, đã được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc phát hành cách đây hơn trăm năm, chính xác vào năm 1912. Sau khi thua trận trước quân đội của Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc đã chạy đến Đài Loan. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói và món nợ trái phiếu sẽ phải do Đài Loan trả nợ nếu hòn đảo này là quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ trước đến nay luôn kiên định lập trường rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc mà theo luật quốc tế, các chính phủ kế nhiệm phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của các chính phủ tiền nhiệm. Điều đó có nghĩa là khi Bắc Kinh tuyên bố họ là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc thì họ cũng phải gánh trách nhiệm món nợ từ nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc.

Thượng nghị sĩ McSally nói: “Trung Quốc đã nhiều lần không tôn trọng nghĩa vụ của mình đối với Mỹ, lấy tiền và việc làm của các gia đình Mỹ. Chà, việc lợi dụng cần kết thúc ở đây. Chúng tôi buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho khoản nợ của họ và vì đã khiến coronavirus phát tán trên thế giới. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải trả lại 1,6 nghìn tỉ USD mà họ nợ các gia đình Mỹ ”.

“Chúng tôi rất vui mừng”, Chủ tịch Quỹ những người nắm giữ trái phiếu Mỹ (ABF) Jonna Bianco, người có giấy ủy quyền của 95% trong số hàng nghìn trái chủ của Mỹ cho biết. “Chúng tôi rất vui khi người trong Thượng viện của chúng tôi đang bày tỏ sự ủng hộ trong việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, nhất quán với thông điệp của tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc: Hãy buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm”.

Trước đó, bà Bianco nhấn mạnh việc buộc Trung Quốc phải thanh toán khoản nợ hơn một thế kỷ này “không phải là đòn trả đũa” mà đơn giản chỉ là việc thực hiện các quy định cơ bản của tài chính quốc tế.

Theo ABF, đã có tiền lệ trong chuyện này với Trung Quốc. Năm 1987, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher yêu cầu Trung Quốc phải thanh toán nợ trái phiếu trước năm 1949, nếu không sẽ bị chặn đường tiếp cận thị trường vốn nước này. Chính quyền Trung Quốc khi đó đã đạt thỏa thuận chi trả 23,5 triệu bảng Anh.

Theo phân loại tín dụng của các tổ chức uy tín như Fitch Moody’s, Standard & Poors và Fitch, nếu đã trả nợ cho một số trái chủ mà không trả cho những người khác, về mặt kỹ thuật, Bắc Kinh đang trong tình trạng vỡ nợ có chọn lọc. Khi đó, Trung Quốc không thể tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế cho đến khi thanh toán cho những chủ sở hữu còn lại.

Theo giáo sư luật thuộc Đại học Cornell, không dễ để Mỹ đòi món nợ trăm năm từ Trung Quốc. "Về mặt kỹ thuật, các loại trái phiếu này chưa hết hiệu lực, nhưng thực tế thì phức tạp hơn. Cần tìm hiểu rõ cơ sở pháp lý để đòi nợ", ông tỏ thái độ dè dặt.

Bà Bianco nghiên cứu về vấn đề này trong một năm và đã làm việc với Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang và nhiều nghị sĩ từ khi ABF được thành lập vào tháng 8.2001.

Bà đã gặp Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào năm 2018 để thảo luận về vấn đề này. Khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Thời điểm ấy, Mỹ không làm gắt với Trung Quốc vụ này vì ngại ảnh hưởng tới đại cục. Nhưng hiện tại, hai bên đã không còn phải kiêng nể gì nhau nữa nên mọi việc đều có thể đặt hết lên bàn cân. Nếu Mỹ làm căng vụ này, cho dù họ không thể đòi tiền từ Trung Quốc nhưng cũng khiến Bắc Kinh mất mặt trên trường quốc tế và ảnh hưởng nặng nề uy tín. Đặc biệt, Mỹ sẽ có cớ để Trung Quốc gặp vô số thử thách khi tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế.

Trước thời Dân Quốc (1912-1949) thì triều đình nhà Thanh bắt đầu bán trái phiếu. Những trái phiếu như Đường xe lửa Hồ Bắc dùng để gây quỹ cho dự án đường ray kéo dài từ Hán Khẩu đến Tứ Xuyên phát hành dưới thời nhà Thanh của Trung Quốc đang được hàng nghìn người dân Mỹ nắm giữ.

 

Sau khi Dân Quốc lên thay nhà Thanh thì theo luật quốc tế, họ phải chịu trách nhiệm với các khoản trái phiếu do nhà Thanh phát hành. Trong vài chục năm nắm quyền Trung Quốc thì đến lượt chính quyền Dân quốc lại tung thêm trái phiếu và người Mỹ mua tiếp.

 

Nếu tính cả lạm phát, lãi suất và bồi thường, số tiền Bắc Kinh sẽ phải thanh toán cho Washington là 1.600 tỉ USD. Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận số nợ này mặc cho các nỗ lực đòi thanh toán trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Anh Tú (theo Fox)

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 17 Tháng Tám 202012:40 SA
Khách
" ... no khong dam danh,thi moc luoi cau vao ham,keo no di danh..."
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn