Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa

Thứ Năm, 20 Tháng Tám 202011:00 SA(Xem: 5173)
Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa

Trong giới leo núi nhà nghề quốc tế, đạt được danh hiệu "Explorers Grand Slam" chính là chinh phục được những chiến tích vĩ đại nhất trong hành trình đặt chân đến Bắc Cực, Nam Cực và 7 đỉnh núi cao nhất 7 lục địa Trái Đất, trong đó hẳn nhiên có "nóc nhà thế giới" Everest cao 8.848 mét.

Đỉnh cao của cuộc phiêu lưu bao trùm tất cả các góc của hành tinh, Explorers Grand Slam xứng đáng là danh hiệu cao quý nhất mọi thời đại dành cho một nhà thám hiểm/leo núi nhà nghề. Chiến tích vĩ đại này đòi hỏi cá nhân phải bỏ ra nhiều năm trời kiên trì khổ luyện mới thành.

Explorers Grand Slam hội tụ tổng thể tố chất của một nhà thám hiểm vĩ đại: Sự quả cảm hơn người, sức bền bỉ bứt phá mọi thử thách của tự nhiên cùng một ý chí đạt đến đỉnh cao không gì có thể lay chuyển tụ hội ở một cá nhân. Đó là lý do, trong 7,8 tỷ người trên Trái Đất, số người đạt được danh hiệu cao quý này chưa đến con số 100.

Explorers Grand Slam hay Adventurers Grand Slam là một thử thách phiêu lưu vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi một cá nhân phải hoàn thành series các thử thách: Leo đủ 7 đỉnh núi cao nhất của 7 lục địa trên thế giới - Đi đến 2 điểm xa nhất Trái Đất tại Bắc Cực và Nam Cực (những nơi có đặc điểm kỳ lạ như la bàn chỉ chỉ hướng Nam/Bắc, nhiệt độ dưới mức đóng băng).

Năm 1998, lịch sử thám hiểm thế giới ghi nhận David Hempleman-Adams - nhà thám hiểm người Anh sinh năm 1956 trở thành người đầu tiên hoàn thành thử thách Explorers Grand Slam. Sau chiến tích vang danh lịch sử này, David Hempleman-Adams được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ (gọi là Sir David Hempleman-Adams).

Trong số 69 nhà thám hiểm đạt danh hiệu Explorers Grand Slam tính từ năm 1998 đến nay, phải kể đến cái tên Victor Vescovo - nhà thám hiểm vĩ đại sinh năm 1966 của Mỹ - khi ông là người duy nhất trên thế giới vừa hoàn thành Explorers Grand Slam (năm 2017), vừa cùng tàu lặn lặn xuống hơn 5 rãnh đại dương sâu nhất hành tinh (năm 2019) trong Đại hải trình mang tên Five Deeps (mời độc giả đọc chi tiết tại đây).

Ảnh trái: Sir David Hempleman-Adams - Ảnh phải: Victor Vescovo. 

Còn rất nhiều cái tên được Explorers Grand Slam vinh danh khác trên thế giới. Họ đến từ Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada, Australia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland... 

Cảm giác đặt đỉnh Everest dưới đôi chân rồi phóng tầm mắt từ "nóc nhà thế giới" để ngắm nhìn vạn vật đã là giây phút khó quên của cuộc đời, vậy mà, vẫn có những nhà thám hiểm (nam có, nữ có) hoàn thành Explorers Grand Slam một cách ngoạn mục. 

Hãy xem 69 con người vĩ đại ấy đã trải qua những thử thách kiệt cùng gì của tự nhiên để chứng minh: Tuy sức vóc nhỏ bé nhưng ý chí của con người vẫn cao hơn tự nhiên!


ĐẶT CHÂN ĐẾN 2 ĐIỂM XA NHẤT TRÁI ĐẤT

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 3.

Cực Bắc địa lý và Cực Nam địa lý.

Cùng với việc leo đủ 7 đỉnh cao nhất 7 lục địa, các nhà thám hiểm phải đặt chân đến 2 điểm xa nhất Trái Đất, điểm cực bắc (ở Bắc Cực) và điểm cực nam (ở Nam Cực) thì danh hiệu Explorers Grand Slam sẽ thuộc về họ.

1. Bắc Cực

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 4.

Điểm cực bắc trên Trái Đất được tìm thấy ở vĩ độ 90 ° Bắc, nơi tất cả các kinh tuyến gặp nhau (điểm xuất phát tất cả kinh tuyến) và tại đây mọi hướng đều là hướng Nam, và tất cả các đường kinh độ hội tụ ở đó. Nó nằm ở giữa Bắc Băng Dương giữa vùng nước sâu 4.000 m được bao phủ bởi lớp băng biển liên tục dày 2-3 m.

Nhiệt độ vào mùa Đông tại đây dao động từ −43 °C đến −34 °C.

2. Nam Cực

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 5.

Điểm cực nam trên Trái Đất, được tìm thấy ở vĩ độ 90 độ Nam, nằm trên lục địa Nam Cực có kích thước gấp 1,5 lần nước Mỹ, gấp đôi nước Úc và gấp 58 lần Vương quốc Anh. 

Nơi đây chứa 90% băng của thế giới và 70% nước ngọt của thế giới. Và tại đây mọi hướng đều là hướng Bắc.

Nơi đây nằm phía trên mực nước biển 2.835 m nhưng lớp băng phía dưới của nó cũng sâu 2.700 m.


CHINH PHỤC 7 ĐỈNH CAO NHẤT 7 LỤC ĐỊA TRÁI ĐẤT

1. Đỉnh Everest - 8.848 m, cao nhất châu Á

Là ngọn núi cao nhất trên Trái Đất và cao nhất châu Á, Everest nằm ở trung tâm dãy núi Himalaya - dãy núi cao nhất hành tinh. 

Everest được mệnh danh là "Tử địa lộ thiên lớn nhất thế giới", bởi nơi đây sở hữu những thử thách khắc nghiệt nhất trong tất cả các đỉnh núi cao còn lại của Trái Đất: Sở hữu "Ngưỡng chết" (Death Zone) bắt đầu từ độ cao 8.000, có thể trở thành mồ chôn cho mọi nhà thám hiểm. Tại vị trí này, oxy là thứ xa xỉ, đắt đỏ nhất đối với lá phổi và tế bào của con người. Đó là chưa kể đến tốc độ gió cực mạnh lên đến 161 km/giờ kết hợp cùng tuyết lở, sông băng và tuyết lạnh đến thấu xương, có thể cướp mạng bất cứ nhà leo núi nào.

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 7.

"Tại Death Zone, ngay cả khi đeo bình dưỡng khí, người ta vẫn thấy khó thở như đang chạy trên máy tập (tốc độ nhanh nhất) mà chỉ được hít thở qua ống hút vậy." - David Breashears, người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chinh phục Everest hơn 1 lần cho biết.

Ngày 29/5/1953, lịch sử lần đầu tiên ghi nhận nhóm nhà thám hiểm 2 người là Sir Edmund Hillary (người New Zealand, mất năm 2008) và Tenzing Norgay (người Nepal, mất năm 1986) chinh phục thành công "nóc nhà thế giới".

2. Đỉnh Kilimanjaro - 5.895 m, cao nhất châu Phi

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 8.

Là đỉnh núi cao nhất ở châu Phi, Kilimanjaro tuy xếp thứ 4 trong 7 đỉnh của Explorers Grand Slam, nhưng nếu xét vị trí độc lập của nó thì Kilimanjaro là ngọn núi đứng một mình cao nhất thế giới.

Đỉnh Kilimanjaro nằm ở đông bắc Cộng hòa Thống nhất Tanzania, ở phía đông của lục địa, gần xích đạo và cách biên giới với Kenya một khoảng cách ngắn. Leo đỉnh Kilimanjaro cho phép nhà thám hiểm trải nghiệm 5 vùng khí hậu riêng biệt, từ điều kiện xích đạo nóng và khô cằn ở chân núi, đến điều kiện lạnh giá như Bắc Cực trên đỉnh núi.

Hans Meyer, nhà leo núi người Đức là người đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Kilimanjaro năm 1889.

3. Đỉnh Denali - 6.193 m, cao nhất Bắc Mỹ

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 9.

Còn có tên đỉnh McKinley, Denali là ngọn núi cao nhất ở Bắc Mỹ, nằm ở Alaska - tiểu bang của Mỹ, trong Công viên Quốc gia Denali. 

Đặc điểm nổi bật nhất của đỉnh núi cao nhất lục địa Bắc Mỹ này là thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới và hầu như duy trì trạng thái thử thách này quanh năm, đó là lý do Denali xếp hàng đầu trong 7 đỉnh của Explorers Grand Slam. 

Những nhà leo núi người Mỹ là Hudson Stock, Harry Karstens, Walter Harper và Robert Tatum chinh phục Denali thành công đầu tiên vào ngày 7/6/1913.

4. Đỉnh Aconcagua - 6.961 m, cao nhất Nam Mỹ

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 10.

Aconcagua - thuộc dãy Andes - sở hữu 4 kỷ lục về độ cao: Là ngọn núi cao nhất Nam Mỹ; Cao nhất ở Tây Bán cầu; Cao nhất Nam Bán cầu; Cao nhất thế giới bên ngoài dãy Himalaya. 

Đỉnh núi này nằm trong lãnh thổ Argentina gần biên giới với Chile. Mặc dù cao gần 7000 m, Aconcagua được coi là một ngọn núi khá an toàn cho các nhà leo núi trong Explorers Grand Slam vì tuyến đường dễ đi. Dẫu vậy, việc thiếu oxy ở độ cao có thể gây ra vấn đề cho các nhà leo núi nghiệp dư.

Năm 1897, nhà leo núi người Thụy Sĩ Matthias Zurbriggen là người đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Aconcagua.

5. Đỉnh Vinson Massif - 4.892 m, cao nhất Nam Cực

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 11.

Trong 7 đỉnh của Explorers Grand Slam, Vinson Massif là đỉnh núi lạnh nhất với nhiệt độ luôn duy trì ở mức âm 68 độ C. 

Cách Cực Nam của Trái Đất 1200 km, Vinson Massif thuộc dãy Ellsworth gần Bán đảo Nam Cực và nằm trong lãnh thổ do Chile quản lý theo Hiệp ước Nam Cực. 

Năm 1966, một đội leo núi người Mỹ gồm Barry Corbet, John Evans, William Long và Pete Schoening đã chinh phục thành công đỉnh núi lạnh thấu xương này.

6. Đỉnh Elbrus - 5.641 m, cao nhất châu Âu

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 12.

Là ngọn núi cao nhất ở châu Âu (không phải Mt Blanc như thường nghĩ), Elbrus nằm trong dãy núi Kavkaz ở Nga, gần biên giới Georgia và Armenia. 

Không chỉ cao nhất châu Âu, Elbrus còn là ngọn núi lửa tầng cao nhất ở Á-Âu và thuộc top 10 đỉnh núi nổi bật nhất thế giới.

Một cáp treo đã được chính phủ Nga xây dựng chạy từ chân núi đến độ cao 3.657 m, giúp cho việc leo núi trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều. 

Tháng 7/1874, nhà leo núi người Anh, Crauford Grove, và một hướng dẫn viên người Thụy Sĩ, Peter Knubel là hai người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh núi Elbrus.

7. Đỉnh Kosciuszko - 2.228 m, cao nhất châu Úc

Địa điểm kỳ lạ nhất hành tinh: Nơi la bàn chỉ quay đúng một hướng và nhiều thứ khác nữa - Ảnh 14.

Kosciuszko nằm trong dãy núi Snowy ở biên giới của các bang New South Wales và Victoria của Úc, gần thủ đô Canberra. 

Đây là đỉnh núi "thấp bé nhẹ cân" nhất, dễ leo nhất trong Explorers Grand Slam, với việc leo lên đỉnh mất khoảng 7 giờ.

Người ta tin rằng thổ dân địa phương là những người đầu tiên leo lên đỉnh Kosciuszko, nhưng người phương Tây đầu tiên lên đỉnh này là một nhà leo núi người Ba Lan, Edmund Strzelecki, vào năm 1840.

Sau khi chinh phục đủ 7 đỉnh cao nhất 7 lục địa thế giới, các nhà thám hiểm phải đặt chân đến 2 điểm xa nhất Trái Đất, điểm cực bắc (ở Bắc Cực) và điểm cực nam (ở Nam Cực) thì danh hiệu Explorers Grand Slam sẽ thuộc về họ.

[Xem danh sách 69 người đạt được danh hiệu Explorers Grand Slam, tại đây].

Bài viết sử dụng nguồn: Explorersgrandslam.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn