Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

'Trẻ trung 900 tuổi', câu khẩu hiệu táo bạo khắc vào bên hông xe điện khi nó lao xao chạy qua khu Phố Cổ lịch sử của thành phố Freiburg im Breisgau.

Kỷ niệm 900 năm ra đời kể từ khi bắt đầu là khu định cư của thương nhân vào năm 1120, thành phố có từ thời Trung Cổ của Đức nép mình dưới chân Rừng Đen, gần tam giác biên giới giữa Thụy Sĩ, Pháp và Đức này phải nói là khá lâu đời.

Cái nôi của sáng tạo

Tuy nhiên, thành phố này vẫn đầy sức sống thanh xuân.

Khoảng 10% trong số 220.000 cư dân thành phố theo học tại Đại học Albert Ludwig danh giá, khiến nơi đây nằm trong nhóm dân số trẻ nhất nước Đức.

Thị trưởng Martin Horn còn chưa đến 34 tuổi khi ông khai trương tòa nhà Tòa Thị chính hồi năm 2018.

Những ngôi nhà bán mộc sặc sỡ và những con đường lát đá cuội không xe nằm dọc theo Phố Cổ, trên thực tế, còn khá mới, do chúng đã được tái thiết một cách khá nguyên bản sau khi bị đánh bom trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Tất cả những yếu tố này khiến Freiburg trở thành một trong những thành phố đáng sống, cấp tiến, bền vững và thân thiện với trẻ em nhất của Đức, nếu không muốn nói là của thế giới.

Vì vậy, vào lúc thành phố nhớ về lịch sử 900 năm qua của nó, tôi có mặt ở đó để tìm hiểu xem điều gì giúp Freiburg trở thành một thành phố của tương lai.

Đối với hầu hết mọi người, bước ngoặt bền vững của thành phố có thể được truy về tháng 2/1975.

Hàng ngàn người biểu tình đã cắm trại trong vòng chín tháng trên một miếng đất cách Freiburg 30km về phía bắc, nằm sâu trong Rừng Đen.

"Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa vào thời điểm đó có gốc rễ đoàn kết sâu xa," Axel Mayer, người tham gia sự kiện này và hiện là giám đốc điều hành của BUND (Liên đoàn Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Đức) cho biết.

Mặc dù phong trào này là do người dân địa phương dẫn đầu, nhưng nhóm biểu tình trung dung đã mở rộng ra để đón nhận các nhà hoạt động cánh tả, người trồng nho nấu rượu ở Alsace, người trượt tuyết, nông dân, kiến trúc sư, bác sĩ, nhà giáo dục, nhà báo, nhà soạn nhạc giao hưởng và cảnh sát Đức, tất cả đoàn kết trong sứ mạng ngăn chặn đề xuất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Wyhl.

Khi những chiếc xe tải lăn bánh trở ra chín tháng sau đó và việc xây dựng bị dừng lại vĩnh viễn, ví dụ thành công của việc vận động do công dân lãnh đạo này đã khiến Freiburg trở thành cái nôi cho cách nghĩ sáng tạo và sản sinh ra phong trào xanh.

Trong những thập kỷ tiếp theo, Freiburg đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm nghiên cứu kinh tế môi trường và năng lượng mặt trời với lý lịch xanh đầy ắp thành tích:

  • 1994: xây Heliotrope, ngôi nhà bội năng lượng đầu tiên trên thế giới
  • 2002: Bầu thị trưởng Đảng Xanh đầu tiên của nước Đức, Dieter Salomon
  • 2002: Giành giải thưởng quốc tế Dubai Cách làm Tốt nhất dành cho phát triển bền vững
  • 2010: Giành giải thưởng toàn quốc dành cho nỗ lực bảo vệ khí hậu
  • 2012: Được vinh danh là thành phố bền vững nhất ở Đức
  • 2017: Tòa thị chính mới trở thành công sở đầu tiên trên thế giới sản xuất năng lượng dư thừa

Thành phố của xe đạp

Năm ngoái, Freiburg đã mời khoảng 25.000 quan chức và nhà quy hoạch đô thị từ khắp nơi trên thế giới đến học tham khảo các dự án đột phá này.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhờ sự chia sẻ kiến thức này mà Padua, một thành phố chị em ở bắc Ý, đã thiết lập trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất Ý; trong khi thành phố Madison ở bang Wisconsin, Mỹ, hiện đang quy hoạch một Trung tâm Bền vững dựa trên mô hình Trung tâm Năng lượng Mặt trời ở Freiburg.

Nhiều người trong số những vị khách này đã được hướng dẫn viên của tôi trong ngày, Andrea Philipp từ cơ quan bền vững Aiforia, đưa đi thăm các nơi.

"Chúng tôi tổ chức rất nhiều tour, đôi khi bốn tour một ngày," cô nói với tôi. "Chúng tôi đã phải hứa với người dân địa phương là chúng tôi sẽ không mở tour vào các ngày Chủ Nhật nữa để cho họ nghỉ ngơi."

Lúc đó chúng tôi đang ở trạm xe đạp Freiburg, một tòa nhà hình trụ đồ sộ ngay phía sau nhà ga xe lửa chính.

"Tôi không có xe hơi và tôi không cần xe hơi. Bạn có thể đạp xe đi khắp nơi ở Freiburg," Philipp nói thêm, khi tôi mở khóa chiếc xe đạp thuê. Với 400km đường dành cho xe đạp và số lượng xe đạp gấp đôi ô tô, Freiburg là thiên đường của người đi xe đạp.

Thiết kế có chủ ý này có thể bắt nguồn từ thời kỳ hậu chiến. Trong khi các thành phố khác của Đức đang tập trung vào việc xây dựng lại thành phố hiện đại vốn xem xe hơi là trọng tâm của giao thông trong tương lai, thì các nhà quy hoạch ở Freiburg đã có cách tiếp cận khác, đưa thiết kế của họ tập trung vào giao thông công cộng.

Bởi vậy, họ mở rộng các con đường để xe điện có thể chạy và làn đường dành cho xe đạp, bao gồm cả khu vực rộng lớn dành cho khách bộ hành.

Tại thời điểm phần lớn nước Đức đang xây dựng đường cao tốc rộng lớn và những bãi đỗ xe trải rộng, Freiburg đã đưa ra chính sách giao thông đô thị đầu tiên vào năm 1969 vốn tập trung vào các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sau khi tham khảo bản đồ Thành phố Xanh miễn phí trình bày tất cả các sáng kiến xanh của thành phố, chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan, băng qua cầu Wiwilíbrücke màu xanh mang đầy tính biểu tượng và đi tới Chợ Nhà Nông ở Quảng trường Thánh đường.

Dưới bóng của tòa tháp Gothic thế kỷ 13, mỗi buổi sáng (trừ Chủ Nhật), quảng trường tấp nập với các nông sản tại chỗ từ 96 chủ gian hàng địa phương.

Phần lớn các sản phẩm bày bán là nông sản hữu cơ, nhờ việc công ty đăng ký là thành viên của hệ thống hợp tác xã Bio-Städte của Đức, vốn khuyến khích canh tác hữu cơ.

Tốt với môi trường

Sau khi ăn thử món xúc xích Lange Rote (có nghĩa là đỏ dài) dài 35cm, biểu tượng yêu thích của thành phố, chúng tôi rời Phố Cổ dọc theo FR1, đường cao tốc dành riêng cho xe đạp vốn cho phép 15.000 người chạy xe mỗi ngày dọc theo lộ trình dài 10km.

Khi chúng tôi đạp xe dọc theo dòng sông Dreisam chảy xiết, Philipp nói với tôi về một dự án hồi phục thiên nhiên mang tính có qua có lại về môi trường để bù đắp cho việc mở rộng tuyến đường xe lửa gần đó.

"Họ đang để dòng sông tràn qua phía hữu ngạn để mở rộng gấp đôi lòng sông và chào đón chim chóc và côn trùng trở lại," cô nói.

Vào những ngày có trận đấu bóng đá, một biển người hâm mộ bóng đá đi dọc theo đường FR1 để đến sân Schwarzwald-Stadion, sân cỏ 24.000 chỗ ngồi chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của Đức, vốn là sân nhà của các người hùng địa phương của đội bóng SC Freiburg.

Kể từ khi các tấm pin mặt trời được lắp vào mái của khán đài chính vào năm 1993, sân bóng đã sản xuất 250.000 kilowatt giờ mỗi năm, cung cấp năng lượng cho sân bóng và chuyển lượng dư thừa nào vào lưới điện địa phương.

Cũng mượn phương châm thiết kế này, sân vận động Freiburg mới vốn rất được chờ đợi cũng tích hợp các tấm pin mặt trời lên mái nhà và tái chế năng lượng được tạo ra từ một nhà máy sản xuất gần đó để sưởi ấm sân vận động.

Mở rộng thêm 10.000 chỗ ngồi nữa, sân cỏ này sẵn sàng để tổ chức trận đấu đầu tiên vào cuối năm 2020.

Đối với người dân địa phương theo đuổi những sở thích gần với thiên nhiên hơn, Rừng Đen bao quanh thành phố là nơi ẩn dật chào đón họ.

Dãy núi rộng lớn có các lối đi bộ, vườn cộng đồng, vườn phân bổ, đường chạy BMX dành cho xe đạp và những túp lều nhỏ trong rừng của mấy trường mẫu giáo.

Konstantin Hoffmann, vốn sinh ra ở Freiburg thiết tha nhớ lại ông đã có mối liên hệ như thế này với thiên nhiên thời thơ ấu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Lớn lên ở Freiburg có nghĩa là cho dù ở bất cứ nơi đâu, bạn đều có thể thấy núi với rừng," ông nói. "Khi tôi còn nhỏ xíu, trường mẫu giáo thường dẫn chúng tôi vào khu rừng gần nhất. Tôi có thể nói rằng bởi vì tôi có sự ràng buộc sớm với thiên nhiên như thế, môi trường và sự bền vững đã ăn sâu vào suy nghĩ của tôi."

Nằm cách trung tâm thành phố chỉ 3km, khu dân cư Vauban được quy hoạch ở ngoại ô vốn được ca ngợi nhiều cốt lõi cũng có triết lý ý thức về môi trường như thế.

Ở đây, sự tham gia của công dân đi đôi với 'công trình tập thể' - nơi người dân cùng nhau mua một mảnh đất và xây dựng tòa nhà căn hộ, thay vì mỗi người mua một căn hộ từ một công ty phát triển địa ốc - và chính sách môi trường đầy tham vọng.

Về cơ bản, "người dân ở đây sống xanh hơn, tìm giải pháp thay thế nhiều hơn và mang tính xã hội hơn," Hoffmann cho biết.

Cộng đồng 5.500 cư dân của Vauban sống trong các căn hộ tập thể, hộ cá thể hoặc nhà ở xã hội gắn kết chặt chẽ nằm trải rộng trên diện tích 40 ha ở ngoại ô.

Tất cả các nhà ở đều tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng tiêu thụ ít năng lượng thấp của Freiburg là 65 kWh/m2, và năng lượng tối thiểu được đưa vào là năng lượng sản xuất tại chỗ từ các hệ thống sưởi ấm chạy bằng gỗ dăm nằm trong khu vực.

Thành phố không xe hơi

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các khu vườn giữa các sân thượng, kho trữ đựng thực phẩm dùng chung, bể phân hủy chất hữu cơ, hội thảo về cách giải quyết xung đột và siêu thị hợp tác xã, không thể nào mà liệt kê hết các dự án xã hội mà cộng đồng này điều hành, nên thay vào đó Philipp nói cho tôi nghe về một thứ mà thành phố không có: xe hơi.

Ở Vauban, tỷ lệ sở hữu xe hơi vào khoảng 172 xe trên 1.000 dân, so với 393 ở vùng Freiburg mở rộng và 531 ở khu đô thị công nghiệp Stuttgart gần đó.

Nhiều đường phố nơi bạn nghĩ là sẽ có xe đậu đã được mô phỏng lại như một sân chơi ngõ cụt dành cho trẻ em.

Điều hiển nhiên là sở hữu xe hơi là cách dễ dàng nhất để tự sát xã hội ở Vauban. "Thường xuyên xảy ra chuyện giữa hàng xóm với nhau nếu có ai đó đậu xe ở khu vực đó quá lâu hoặc không cho biết họ có xe hơi," Philipp nói.

Những người khác còn đi xa hơn một bước là giấu xe của họ ở các thị trấn lân cận để tránh những ánh nhìn buộc tội.

Trong thị trấn, 50 Bugginger Strasse là địa chỉ của một trong những dự án trẻ hóa tham vọng nhất của thành phố.

Tòa cao ốc 16 tầng sừng sững trên đầu dường như không có gì ấn tượng, với sự kết hợp các ban công bên ngoài ốp các tấm màu xanh lá cây và xanh nước biển - yếu tố duy nhất bắt mắt.

Nhưng Philipp giải thích rằng thực ra đây là tòa cao ốc năng lượng thụ động đầu tiên trên thế giới mà trong đó nhiệt được tạo ra từ các thiết bị điện bên trong, thân nhiệt và những thứ như bóng đèn thay vì hệ thống sưởi ấm truyền thống.

Nguồn hình ảnh, Kat Barber

Mười năm trước, các nhà quy hoạch đô thị Stadtbau đã bắt tay vào một dự án tái phát triển khổng lồ mà theo đó ​​90 căn hộ ban đầu được thiết kế lại để có chỗ cho 139 căn nhà trước tình trạng thiếu hụt nhà ở ở Freiburg.

Thông qua hệ thống chiếu sáng và thang máy tiết kiệm năng lượng, các tấm pin mặt trời, cửa sổ ba lớp và hệ thống năng lượng từ nhiệt thải thụ động mới trên gác mái, họ đã giảm sử dụng năng lượng đến 78%, giúp tòa nhà được xây vào năm 1968 này tuân theo những tiêu chuẩn ngặt nghèo của thành phố.

Mọi người thậm chí còn nghĩ đến tính kết dính xã hội. "Nếu ai đó chuyển đi, cư dân ở các tầng sẽ bỏ phiếu xem ai là người mà họ muốn cho chuyển vào ở. Cho nên, nếu bạn không muốn có một hàng xóm chơi guitar, bạn có thể nói không," Philipp cười nói.

Nằm cách 2 km về phía đông, có lẽ không có bằng chứng nào thuyết phục hơn về cam kết bền vững của thành phố là Tòa Thị chính mới.

Bên trong thoáng và sáng, nơi này trông giống như sân trong rộng rãi của một thương xá hiện đại hơn là tòa nhà chính phủ.

Bên ngoài tòa nhà được lắp 4.000 mét vuông các module năng lượng mặt trời, đem lại cho nó vinh dự là công sở bội năng lượng đầu tiên trên thế giới - có nghĩa là nó sinh ra lượng năng lượng nhiều hơn nó cần và chuyển năng lượng dư thừa vào lưới điện của thành phố - khi nó khánh thành vào năm 2017.

Được thai nghén trong thời kỳ lãnh đạo 16 năm của cựu thị trưởng Đảng Xanh Dieter Salomon, các tấm pin mặt trời của tòa nhà sản xuất 560 megawatt giờ điện trong năm đầu tiên - bằng với mức sử dụng hàng năm của 140 hộ gia đình bốn người.

Vậy thì, tương lai đối một thành phố đã đẩy lùi các giới hạn sẽ như thế nào?

Thành phố này đã ghi nhận nhiều ca sinh hơn những người mới đến vào năm ngoái, vì vậy theo thời gian càng ngày nó lại càng trẻ hơn.

Với mục tiêu mới là phát thải CO2 ít hơn 50% trước năm 2030 và 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo trước năm 2050, Freiburg đang tự tin tiếp tục hướng tới một tương lai xanh hơn nữa.