bbc.com

Đảo South Georgia, thiên đường nơi địa cực

Bella Falk BBC Travel

Bella Falk

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Lãnh thổ xa xôi của Anh Quốc

Nằm ngoài khơi xa trên vùng Nam Đại Tây Dương, ở giữa Argentina và Nam Cực, những đỉnh núi phủ băng tuyết và đồng cỏ gợn sóng xanh rờn ở Đảo South Georgia tạo thành khung cảnh cực kỳ kịch tính.

Dù hòn đảo có hình trăng lưỡi liềm này được coi là Lãnh thổ Hải Ngoại thuộc Anh, nhưng người Argentina cũng tuyên bố nơi đây là của họ.

Vì hòn đảo quá xa xôi và cực kỳ khó đến nên nhiều người dân Anh chưa bao giờ nghe nói về nơi này.

Ở đây không có sân bay, cách đến duy nhất là đi tàu đi từ Tierra del Fuego hay từ Quần đảo Falkland, một chuyến đi trên biển kéo dài ít nhất hai ngày đêm, đi qua một trong số những vùng biển dữ dội nhất thế giới.

Nhưng địa điểm xa xôi của South Georgia cũng là ơn phước bí mật mà hòn đảo này có được, vì nhờ xa cách với con người mà thiên nhiên bừng nở.

Trong thực tế, South Georgia có hệ sinh thái kỳ vĩ và đáng kinh ngạc đến mức ốc đảo gần Nam Cực này thường được ví von là "Quần đảo Galapagos của Địa Cực."

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Băng tuyết và chim cánh cụt

Nằm cách Quần đảo Falkland khoảng 1.000km về phía đông, South Georgia là đốm lớn nhất trong các quần đảo South Georgia và South Sandwich đẹp ngoạn mục như tranh, nhưng cũng là nơi có điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Có chiều dài từ đầu này đến đầu kia là 160km, với diện tích khoảng 3.527km2, hòn đảo có kích cỡ khoảng chừng tương đương vùng Cornwall của Anh.

Các thủy thủ lần đầu tiên phát hiện ra hòn đảo vào Thế kỷ 17, nhưng mãi đến năm 1775 thì Thuyền trưởng James Cook mới đáp lên đảo lần đầu tiên.

Ông tuyên bố chủ quyền hòn đảo thuộc về Anh Quốc và đặt tên hòn đảo là Georgia để vinh danh nhà vua George III.

Vào năm 1916, nhà thám hiểm người Anh, Huân tước Ernest Shackleton băng qua South Georgia khi ông kiếm tìm cứu hộ trong chuyến hành trình xấu số xuyên Nam Cực. Ông sau đó qua đời trên hòn đảo.

Nơi đây khắc nghiệt nhưng môi trường thật kỳ vĩ, có những dãy núi tuyết phủ với độ cao 2.000m và chìm sâu xuống những vịnh hẹp, và băng hà xanh biếc như pha lê vỡ, rơi vào vùng nước lạnh băng trong tiếng rì rầm như sấm rền.

Ba phần tư hòn đảo có băng vĩnh cửu và tuyết che phủ, và bởi không có vùng đất lớn nào ở lân cận để bảo vệ, cho nên nơi đây thường xuyên bị những trận cuồng phong dữ dội của vùng Nam Đại Tây Dương rít gào vùi dập.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Đích đến một lần trong đời

South Georgia là nơi không có con người sinh sống dài hạn. Khoảng 30 người sống ở đây tạm thời, gồm các nhà khoa học tại khu nghiên cứu King Edward Point và nhân viên quản lý trung tâm dành cho du khách và viện bảo tàng trong mùa hè dành cho một số du khách sẵn sàng và dủ khả năng tham gia hành trình dài.

Họ đến trên những con tàu nhỏ hoặc thuyền buồm, đi từ Ushuaia, Argentina đến Quần đảo Falkland và sau đó đến Nam Cực.

Nhưng ở đây không có khu vực lưu trú cho du khách, và đường vào bị cấm, chỉ giới hạn cho phép khoảng 100 người đáp xuống bờ biển, mà không được ở quá vài giờ mỗi lần.

Tất cả những yếu tố này khiến South Georgia là một trong những điểm du lịch ít người ghé thăm nhất trên thế giới, chỉ có khoảng 10.000 du khách năm ngoái.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Thế giới tự nhiên phong phú

Điều đáng nói là những khối băng đá khắc nghiệt này là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên hành tinh.

Năm 2011, một nghiên cứu từ Cục Khảo sát Nam cực Anh Quốc xác định có khoảng 1.500 loài động vật khác nhau sống trên đảo và xung quanh đảo - từ những con sâu nhỏ xíu đến cá voi xanh ma mút - và các nhà khoa học kết luận rằng South Georgia có hệ sinh thái đa dạng hơn cả Quần đảo Galapagos.

Đời sống tự nhiên đa dạng đến kinh ngạc ở Đảo South Georgia bắt nguồn từ việc nơi này có vị trí gần với Vòng Nam Cực, ranh giới tự nhiên nơi nước biển ấm từ Đại Tây Dương gặp vùng biển lạnh Nam Đại Dương.

Kết quả là những dòng chảy màu mỡ đã tạo ra điều kiện hoàn hảo cho loài nhuyễn thể Nam Cực phát triển, và thu hút những loài ăn mồi như cá, cá voi, hải cẩu và chim cánh cụt đến đây.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Ngành công nghiệp đánh bắt cá voi ở South Georgia

Hòn đảo này không phải lúc nào cũng là ốc đảo cho thiên nhiên hoang dã.

Vào Thế kỷ 19 và 20, South Georgia là trung tâm của ngành công nghiệp đánh bắt cá voi và hải cẩu ở Nam Đại Dương, với khu Grytviken là trạm đánh bắt cá voi lớn nhất trong số bảy trạm được thiết lập trên đảo.

Từ khi được thành lập năm 1904 đến hơn 60 năm sau, hàng chục ngàn con cá voi đã bị bắt, đưa lên bờ và chế biến để lấy dầu.

Hàng trăm ngàn con chim cánh cụt và hải cẩu cũng bị giết để lấy dầu, lông và thịt.

Ngày nay, di tích lò đun hình trụ cao và rỉ sét là những gì còn lại từ kiểu nấu mỡ cá voi, ở đây người ta lóc mỡ khỏi cá voi và đun lên dưới áp lực hơi nước trong 5 giờ để chảy thành dầu.

Loại dầu chất lượng tốt nhất được sử dụng làm xà bông, mỡ ăn và margarine, các loại mỡ thứ phẩm được dùng làm nhiên liệu và chế biến glycerine và chất nổ.

Các sản phẩm thu được từ một con cá voi có thể đem lại 2.500 bảng Anh - tương đương với khoảng 300 ngàn bảng Anh ngày nay.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Công nghiệp hóa hoạt động sát sinh

Những con tàu hơi nước giống chiếc tàu này, tàu Petrel, sẽ đi ra vùng biển quanh đảo để săn cá voi.

Khi phát hiện được con mồi, nó sẽ bắn lao từ khẩu súng gắn trên mũi tàu và kéo chú cá voi về Grytviken để chế biến.

Ở đó, cá voi sẽ bị dùng tời kéo lên một đường trượt trên một nền rộng gọi là sàn lọc mỡ (Flensing Plan), nơi công nhân sẽ dùng dao dài để lóc thịt và mỡ.

Khi làm việc ở tốc độ nhanh nhất, các công nhân có thể lóc được 30 chiếc vây cá voi, mỗi cái dài 18-20m, và chế biến khoảng 200 tấn dầu mỗi ngày.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Thiên nhiên trở lại

Từ năm 1904 đến 1966, khoảng 175.000 con cá voi đã bị giết ở vùng biển South Georgia, khiến chúng gần như tuyệt chủng.

Do có ít cá voi, hải cẩu và chim cánh cụt hơn, nên ngành công nghiệp này đã buộc phải đóng cửa. Những người săn cá voi trở về nhà, và trong 50 năm qua, động vật đã trải qua sự hồi sinh ấn tượng.

Giờ đây, những cỗ máy đẫm máu một thời nằm im trống rỗng, những con tàu bị bỏ phế và lò đốt đã bị thiên nhiên chiếm hữu.

Con hải cẩu voi béo mập tắm nắng lười nhác trong ánh mặt trời, chim cánh cụt hoàng đế và chim cánh cụt gentoo đứng chen chúc trên bờ biển, tò mò dõi theo du khách, và những chú hải cẩu đực lông mao bảo vệ lãnh địa của chúng giữa những tời kéo và lò đun. (Ảnh: Bella Falk)

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Hải cẩu non

Có ít nhất 1,2 triệu con hải cẩu lông mao Nam Cực đã bị giết ở Đảo South Georgia ngày trước, và loài này gần như đã bị quét sạch.

Ngày nay, hòn đảo là nơi cư trú của khoảng bảy triệu con chim cánh cụt, 250.000 chú chim hải âu, hai triệu con hải cẩu lông mao và khoảng 400.000 con hải tượng miền nam - tương đương một nửa dân số của chúng trên thế giới - và chúng đến đây mỗi năm để sinh sản.

Trong mùa sinh sản từ tháng Mười đến tháng Mười Hai, bãi biển đầy chật động vật hoang dã trông như tấm thảm trên cát.

Trong suốt thời gian đó, người ta tin rằng South Georgia là nơi có mật độ dân cư động vật hoang dã trên mỗi mét vuông dày đặc nhất thế giới.

Những "chúa tể bãi biển" là những con đực bảo vệ bãi cỏ của chúng, trong khi đó những con non lạc mẹ kêu be be thảm thiết chờ mẹ về sau khi đi ăn trên biển.

Có quá nhiều động vật đến mức du khách được cảnh báo nên cẩn thận - hải cẩu lông mao trưởng thành rất hung dữ và có thể cắn rất hung hăng.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Sự hồi sinh kỳ diệu

Cá voi cũng đang trở lại.

"Chúng tôi ước tính chỉ còn khoảng 500 cá voi lưng gù ở toàn bộ vùng tây nam Đại Tây Dương sau khi chúng bị ngành đánh bắt cá voi tiêu diệt ở South Georgia," Tiến sĩ Jen Jackson từ Cục Khảo sát Nam Cực Anh Quốc cho biết.

"Con số ước tính gần đây nhất cho thấy giờ đây có khoảng 25.000 cá voi lưng gù ở vùng tây nam Đại Tây Dương, hồi phục khoảng 90% so với thời trước khi có ngành đánh bắt cá voi."

Trong một khảo sát hồi 2/2020, các nhà nghiên cứu kinh ngạc phát hiện khoảng 55 con cá voi xanh ở vùng quanh South Georgia, so với chỉ một con mà họ gặp năm 2018.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Chim cánh cụt

Hòn đảo này là quê hương của một trong những lãnh địa chim cánh cụt hoàng đế lớn nhất trên hành tinh, với khoảng 500.000 chú chim. Ở bãi đất rộng nhất ngoài Vịnh St Andrew's, khoảng 150.000 cặp chim sinh nở quay lại mỗi năm để chăm sóc con non.

Với quá nhiều chim cánh cụt chen chúc nhau, tiếng ồn và âm thanh có thể quá mức chịu đựng.

Chim cánh cụt hoàng đế không xây tổ, thay vào đó chúng đẻ một quả trứng duy nhất và ấp trứng giữa hai chân, giữ cho quả trứng được ấm dưới một vạt da. Chim bố và chim mẹ thay nhau chăm sóc quả trứng khi một con đi kiếm thức ăn.

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Tận tuỵ chăm con

Khi chú chim cánh cụt con chừng một tháng tuổi, nó được để ở giữa một đám trẻ do vài con lớn trông chừng.

Cả chim bố lẫn chim mẹ sẽ cùng đi săn, và quay lại cho con ăn bằng những chú cá chúng đã nuốt rồi nhả ra.

Chim cánh cụt con rất tò mò và thường đi lang thang, vì vậy khi trở về, cha mẹ phải tìm ra được con mình bằng cách gọi và nghe tiếng kêu đặc trưng của con.

Dù có rất nhiều chú chim khác xung quanh, thì chúng vẫn có thể tìm ra nhau.

Chim cánh cụt con cần đến khoảng 14 tháng mới đủ lông đủ cánh, sau thời gian đó chũng sẽ thay bộ lông bồng bềnh màu nâu để lộ ra bộ lông màu trắng đen của chim cánh cụt trưởng thành (Ảnh: Bella Falk)

Nguồn hình ảnh, Bella Falk

Cực kỳ giãn cách xã hội

Ngày nay hầu như không còn ai ở lại South Georgia.

Đại dịch virus corona đã xảy ra ngay cuối mùa hè, và các chuyến đưa du khách ghé thăm đã dừng hẳn.

Hầu hết nhân viên mùa hè đã về nhà, và chỉ có một nhóm người nhỏ còn ở lại, cô lập khỏi phần còn lại của thế giới ở khu vườn Eden xa xôi này.

"Rất khó biết tác động của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến động vật hoang dã ra sao," Tiến sĩ Catherine Foley từ Dự án Quan sát Chim Cánh Cụt của Đại học Oxford cho biết.

"Chúng ta có lẽ sẽ thấy ngành du lịch sụt giảm, cũng như ta từng thấy trong thời suy thoái năm 2008."

Nhưng Folley dự đoán với chút cảnh giác. "Từ khi ngành đánh bắt cá voi và hải cẩu kết thúc ở South Georgia, hòn đảo gần như được để yên không bị tác động gì từ con người. Trong thời gian đó, chúng tôi đã thấy số lượng chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi tăng nhanh. Nhưng chúng tôi cũng thấy những biến đổi cực lớn từ hệ sinh thái - nước biển ấm dần lên, băng hà thoái lui và vùng thực phẩm dịch chuyển, tất cả đều gây ra tác động rõ nét đến động vật hoang dã. GIờ đây nơi đặc biệt này phải đối mặt với thách thức mới: đó là biến đổi khí hậu."