Lê Văn Tám của Hoa Kỳ và thế giới hậu sự thật

Thứ Tư, 29 Tháng Bảy 202010:43 CH(Xem: 7100)
Lê Văn Tám của Hoa Kỳ và thế giới hậu sự thật
voatiengviet.com

Lê Văn Tám của Hoa Kỳ và thế giới hậu sự thật

Nguyễn Hùng

Hồi còn làm cho BBC tôi từng viết về những tranh cãi ở Việt Nam sau khi nhà sử học Phan Huy Lê tiết lộ rằng nhân vật Lê Văn Tám không hề có thật. Ông Lê nói Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu đã dựng lên nhân vật đó trong những năm đầu cách mạng và muốn ông Lê về sau nói cho hậu thế biết sự thật. Nhiều người đã phản bác lại nhà sử học và kiên quyết khẳng định Lê Văn Tám là có thật. Có người còn nói không phải Lê Văn Tám tẩm xăng vào người mà chỉ là bị “dính xăng”. Thế rồi vẫn khẳng định dù chỉ dính xăng thôi nhưng vẫn cháy như đuốc. Họ có vẻ vẫn chưa học được bài học từ câu chuyện ban đầu trong đó Lê Văn Tám cháy như đuốc mà vẫn chạy được thêm 50 mét nữa.

Mười năm sau khi tôi viết về cuộc tranh cãi đó, một nhà báo khác của BBC, Lucy Worsely, đã tìm hiểu về cuộc nổi dậy chống lại thực dân Anh của Hoa Kỳ hồi thập niên 1770. Chương trình truyền hình công phu được thực hiện hồi năm 2019 nhưng đang được chiếu lại trên các kênh truyền hình của BBC và qua mạng internet. Hoá ra Hoa Kỳ cũng lại có những khoảnh khắc Lê Văn Tám của riêng mình.

Nhân vật hư cấu thứ nhất là bà Molly Pitcher, người anh hùng của Trận Monmouth hồi năm 1778. Bà Molly có nhiệm vụ tiếp nước cho chồng và đồng đội đang chiến đấu chống quân Anh. Nhưng rồi chồng bà trúng đạn, gục ngã. Ngay lập tức bà lao vào thay chồng nã đạn vào quân thù. Chuyện kể sau trận đánh bà đã được đích danh Tướng George Washington khen tặng. Thậm chí có những phiên bản nói bà được ông Washington phong làm trung sỹ. Chỉ có điều không hề có nguồn trực tiếp nào cả về nhân vật này mà chỉ có nguồn gián tiếp. Các nhà nghiên cứu về sau nói rằng đó là nhân vật gộp từ nhiều nữ anh hùng khác nhau. Nhưng không có bà Molly Pitcher nào trong lịch sử cả.

Phóng viên Lucy Worseley cũng tìm hiểu về một nhân vật anh hùng khác của thời đó, Paul Revere, người được cho là đơn thương độc mã phi ngựa vào một đêm hồi năm 1774 để báo cho các dân quân tập trung tại hai nơi chứa vũ khí ở Lexington và Concord tại Massachusetts biết quân Anh đang kéo tới. Kết cục là 75 lính Anh bỏ mạng ở hai bãi chiến trường trong khi chỉ có 50 quân Mỹ thiệt mạng do họ đã được cảnh báo và trực chiến khi quân Anh tới với số lượng thua xa dân quân Hoa Kỳ.

Thực tế ra sao? Theo chương trình của BBC, chính Paul Revere khi kể lại chuyện này cũng nói rằng đêm đó ông đi ngựa theo hướng bắc từ Boston nhắm tới Lexington và Concord, còn một người khác, ông Dawes, nhắm hướng nam đi cấp báo. Thực tế là ông Paul Revere không tới được Concord, một trong các điểm tập kết vũ khí của lực lượng Hoa Kỳ, do bị quân Anh bắt và một người thứ ba đã kịp đến đó cảnh báo. Nhưng giờ lịch sử chỉ nhớ tới có một người vì nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow khi viết về diễn biến trận đánh đó chỉ nhắc tới một mình Paul Revere.

Điểm khác được Lucy Worseley chỉ ra trong tìm hiểu của mình là vai trò được làm mờ đi hay nhiều khi biến mất của Vua Pháp Louis XVI trong chiến thắng của Hoa Kỳ trước nước Anh của Vua George III. Pháp và Anh từng có cuộc chiến bảy năm, bắt đầu từ 1756, để giành thuộc địa ở châu Mỹ mà Pháp đã thua đau. Chỉ một tuần sau khi tuyên bố độc lập khỏi Anh, các tướng Hoa Kỳ đã vời Pháp tham gia cuộc chiến đánh đuổi quân Anh khỏi đất nước còn đang trong vòng nguy nan. Chính nhờ hải quân Pháp ngăn đường tiếp viện trên biển của Anh cũng như gửi quân và vũ khí mà Cách mạng Hoa Kỳ kết thúc thành công hồi năm 1781.

Điểm khác nữa mà các tổng thống Hoa Kỳ hay nói trong những diễn văn vào ngày quốc khánh 4/7 mỗi năm là những hồi chuông rung lên báo thời khắc Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Các chuyên gia được dẫn lời nói kỳ thực chẳng có tiếng chuông nào trong ngày đó cả mà cho tới mãi sau này nó mới xảy ra nhờ công của nhà văn George Rippard khi ông viết Huyền thoại Cách mạng Hoa Kỳ hồi năm 1847.

Như vậy có thể thấy những người trong cuộc mà nói hay viết về những trận đánh mình có tham gia sẽ luôn có xu hướng thiên vị. Lucy Worsely nói người ta thường có xu hướng “nói vống” và cả “nói điêu” khi viết về các sự kiện trong lịch sử. Cô cũng khẳng định điều mà người Việt cũng vẫn nói - tam sao thất bản, cứ mỗi lần ghi lại, các dữ liệu sẽ bị biến báo đi.

Rộng hơn nữa, nhiều nhà bình luận nói rằng chúng ta đang sống trong thời “hậu sự thật” trong đó các dữ kiện không còn quan trọng nữa mà điều có tính quyết định lại là những gì đánh vào niềm tin và cảm xúc của mỗi người. Người ta có thể chia sẻ một bài báo chỉ qua đọc tít vì nó hợp với điều mình nghĩ hơn là kiểm tra xem bài báo đó có chính xác không. Có những bài báo nhiều dữ kiện quan trọng nhưng nếu chúng không tạo ra được cảm xúc gì cho người đọc, người ta sẽ vẫn tiếp tục miết tay trên màn hình để tìm một kết nối cảm xúc. Nếu quý vị đọc bài lần trước của tôi, hẳn quý vị còn nhớ nhà văn Luvvie Ajayi Jones, người hay lựa chọn nói thật để làm thế giới tốt đẹp hơn. Có một câu bà trích dẫn mà tôi nghĩ sẽ còn luôn đúng là: “Điều dối trá đã đi được nửa vòng thế giới trong khi sự thật còn đang bận xỏ dày”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn