Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân

Thứ Hai, 03 Tháng Tám 20205:09 SA(Xem: 4792)
Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 2.

* Hôm nay mùng 4 tháng 6 (năm Canh Tý) là ngày giỗ của chúa Nguyễn Hoàng.  

Để khôi phục lại nhà Lê, An Thành hầu Nguyễn Kim (1467 - 1545) phò Lê Ninh lên làm vua Lê Trang Tông. Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hóa. 

Sự nghiệp trung hưng nhà Lê đang thuận lợi thì theo Đại Việt sử ký tục biên ghi lại, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết năm Ất Tỵ (1545) bằng quả dưa hấu tẩm độc, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm (lấy con gái ông là Ngọc Bảo). Đại Việt lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc triều. Từ Thanh Hóa trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam triều. 

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 3.

Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng (1525 - 1613). Cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người. 

Đại Nam thực lục cho hay bấy giờ: "Trịnh Kiểm (xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng quận công Uông (con trưởng Triệu Tổ, tức Nguyễn Kim - người dẫn chú) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa (tức Nguyễn Hoàng - người dẫn chú) công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ"

Trong tiểu thuyết lịch sử Nam triều công nghiệp diễn chí cho biết cách cáo bệnh của Nguyễn Hoàng là: "Bà chính phi của Trịnh Kiểm (tức Ngọc Bảo, chị Nguyễn Hoàng - người dẫn chú) nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu bảo Nguyễn Hoàng giả điên".

Để tìm ra lối thoát cho bản thân, tránh vòng kìm kẹp của anh rể, vẫn theo Thực lục, Nguyễn Hoàng dạo ấy "nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại".

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 4.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Tuy nhiên theo nhiều tài liệu, lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là "vạn đại" (muôn đời), mà là "khả dĩ" (có thể), như trong Nam Hà tiệp lục có ghi việc ấy là: "sai người đến hỏi Trình quốc công (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Công chỉ tổ kiến dưới thềm gạch mà nói rằng: Hoành sơn một dải, có thể dung thân. Ngài hiểu ý".

Hoành Sơn hay đèo Ngang, theo như phần "núi sông" trong Ô châu cận lục thì "Gần xã Sơn Tiêu thuộc châu Bố Chính, giáp giới Nghệ An. Mạch núi từ rặng Trường Sơn quanh co vờn lượn như rồng cuộn hổ ngồi, rồi lô xô đâm ngang ra biển. Vách đá sừng sững cao muôn nhận ẩn hiện như một dãy trường thành. Đây là nơi trấn giữ quan trọng ở biên giới phía Nam". Dân gian nay gọi là nơi đây là:

Đèo Ngang gánh nặng hai vai,
Một vai Hà Tĩnh, một vai Quảng Bình.

Phía nam Hành sơn chính là đất Thuận Hóa, Quảng Nam mà trong phần "Phong vực" (Bờ cõi), Nam Hà tiệp lục có nhắc đến địa giới hành chính: "xứ Thuận Hóa gồm các phủ Tiên Bình, Triệu Phong; xứ Quảng Nam gồm các phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Vào khoảng niên hiệu Chính Trị, Đoan quốc công (tức là Nguyễn Hoàng - người dẫn chú) kiêm lãnh hai trấn". 

Lại nói về lời khuyên của Trạng Trình, câu đó có nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể làm chốn dung thân. Từ câu nói ấy, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng Trạng Trình đã bày cho kế xuôi phương Nam lập nghiệp. Ông vội đến nói riêng với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn Thuận Hóa. 

Biết đây là nơi "Ô châu ác địa", Trịnh Kiểm tâu vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, với mục đích được Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm cho là: "trước đó đất Thuận Hóa do quân tướng nhà Mạc đóng giữ. Mưu của Kiểm sai Hoàng vào trấn thủ ở đó là có ý muốn mượn tay họ Mạc để giết Hoàng. Tâm địa của Kiểm như thế nhưng đạo trời lại không phải thế. Người đời sau có thơ rằng:

Thành bại hưng vong lẽ lớn lao,

Kinh kỳ im nhịn tự hôm nào.

Phượng vin cảnh lẻ đàn vẹt rỡn,

Cọp rống rừng bằng đảng ác trào.

Chớ bảo giếng làng nhền chăng lưới,

Hãy xem ngựa chiến vượt khe rào.

Rồng thần há phải loài ao cạn,

Nằm đợi trời cao gió thét gào?".

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 5.

Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, mở đất Đàng Trong

Trong lịch sử trước đó, từ những đời Lý, đời Trần hay Lê sơ, chỉ mỗi khi có sự xâm phạm biên giới của Champa, Ai Lao, Chân Lạp, thì chính quyền Đại Việt mới đem quân đi đánh, thu được đất đai. Nhưng chưa bao giờ ta thấy chính quyền Đại Việt có ý định xác lập vững chắc cương vực lãnh thổ đối với vùng đất phía Nam. Thường sau những cuộc viễn chinh thắng lợi thì bắt người, phá thành, lập bia xác định địa giới, cắt quân canh giữ rồi rút về chứ không chăm lo phát triển vùng đất chiếm được, đưa người vào khai phá để nắm giữ lâu dài. Ngay cả tới giữa thế kỷ XVI trước khi Nguyễn Hoàng "Nam tiến", khu vực xứ Thuận Quảng vẫn bị xem là nơi "Ô châu ác địa" đi dễ khó về.

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 6.

Sử nhà Nguyễn cho biết: "Mậu Ngọ, năm thứ 1 (1558) (Lê - Chính Trị năm 1), mùa đông, tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa, 34 tuổi. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi"... "Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy".

Từ sự kiện năm Mậu Ngọ (1558) mà dòng chúa Nguyễn ở Đàng Trong được lập nên, truyền nối lâu dài. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dụng hào kiệt giúp dân cho nên được lòng dân kính phục gọi là chúa Tiên. Trấn giữ đất Thuận Hóa, ông mở đầu cho các chúa Nguyễn về sau, từ từ khai phá đất đai cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Thực lục còn ghi, chúa Tiên Nguyễn Hoàng trước khi mất năm Quý Sửu (1613), đã dặn dò lại người con kế nghiệp Nguyễn Phúc (Phước) Nguyên rằng: "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta".

Ngay trong lời của vị chúa mở nghiệp và cai trị đất Đàng Trong hơn một nửa thế kỷ (1659 - 1613), đã đúc rút, nhận rõ giá trị của đất Đàng Trong mà chiêm nghiệm sâu sắc và dặn dò con cháu. Nguyễn Hoàng xác định rõ giữ vùng đất này dựng nghiệp, cũng đồng thời là đất "chống chọi với họ Trịnh".

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 7.

Sự nghiệp Nam tiến của chúa Nguyễn đã mở rộng đất đai qua việc di dân lập ấp

Với việc di dân lập ấp, đất đai của chúa Nguyễn ngày thêm rộng khi Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên khai phá đất Mỹ Tho, Biên Hòa; Mạc Cửu mở đất Hà Tiên…, bảo trợ đất Chân Lạp (Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635) đã gả con gái cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II năm 1620, kể từ đó về sau quan hệ của chính quyền chúa Nguyễn và Chân Lạp gần gũi). 

Thậm chí như Việt sử xứ Đàng Trong cho biết, chúa Nguyễn còn có quyền chỉ định người trong hoàng tộc Chân Lạp làm vua như trường hợp phong cho So (con của Phụ chính Chân Lạp Préah Outey); các đời chúa Nguyễn đã tạo lập nên vùng đất Đàng Trong trù phú không chỉ qua phát triển nông nghiệp, mà qua cả giao thương, buôn bán với phương Tây.

Trải qua thời gian, vùng đất phía Nam trở thành đất dựng nghiệp lý tưởng cho chúa Nguyễn và là nơi "an cư lạc nghiệp" của những lưu dân Nam tiến. Thương nhân nước ngoài đến đây làm ăn buôn bán, xem Đàng Trong, hay Nam Hà như một quốc gia riêng, gọi là Quảng Nam quốc.

Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621, tác giả Cristophoro Borri miêu tả về Đàng Trong thế kỷ XVII như sau: "Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam (Quảng Nam), nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia (Quảng Ngãi). Thứ tư là Quingnim (Quy Nhơn), người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran (Phú Yên)". Còn về kinh tế thì: "đất đai mầu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có ba vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc"… "Ngành ngư nghiệp cũng rất thịnh vượng và cá ở đây có hương vị tuyệt duyệt và rất đặc biệt"… "Còn về tất cả những gì thuộc về đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ".

Vị chúa khai mở bờ cõi Việt trù phú về phía Nam: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân - Ảnh 8.

Phố Nhật Bản và phố Minh Hương được lập nên ở thương cảng Hội An bởi ngoại thương phát triển

Lời Trạng Trình là "Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân", nhưng chúa Nguyễn muốn cho dòng họ mình được bền vững đã đổi "khả dĩ" thành "vạn đại". Cũng nhờ có lời ông, sự nghiệp chúa Nguyễn mới khởi phát từ đây với 9 đời chúa nơi đất Đàng Trong, rồi nối tiếp là 13 đời vua Nguyễn cai trị một cõi đất Việt Nam rộng lớn từ đất liền ra biển đảo. 

Công lao của vị chúa khai mở nghiệp chúa, nghiệp vua nhà Nguyễn thật to lớn, được Nguyễn Phúc tộc thế phả đúc rút như sau:

"Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế là vị Chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn, đồng thời là người đặt nền tảng cho việc gây dựng cơ nghiệp triều Nguyễn sau này.

Với tổ chức chính sự rộng rãi, có quy củ, sưu thuế nhẹ, quân lệnh nghiêm trang, lấy sự an cư lạc nghiệp của dân làm gốc, ngài đã mở đầu cho sự phát triển nửa nước trù phú về phía Nam của dân tộc Việt".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn