bbc.com

Người Ba Tư, 'ông tổ' của ngành chuyển phát nhanh hiện đại

Joobin BekhradBBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những chapar khaneh (bưu cục) ở Meybod là nơi lưu trữ các lá thư quan trọng, thư tín và ký gửi từ cơ quan chính phủ

Khi mà quá trình vận chuyển thư từ và bưu phẩm trễ nải ở nhiều trên thế giới, và Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) đang trên bờ vực sụp đổ vì thiệt hại tài chính do đại dịch gây ra, theo như tường thuật trên tạp chí Politico, thì đó cũng là lúc nhiều người nhận ra vai trò quan trọng của thư tín trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, số người biết về nguồn gốc của dịch vụ bưu chính thời hiện đại còn ít hơn nhiều, và hiếm ai biết một cơ quan thời cổ đại ở Ba Tư đã là hình mẫu tạo cảm hứng cho USPS và các loại hình chuyển phát khác thời nay.

Tuy các nền văn minh như Ai Cập và Trung Quốc được coi là nơi đầu tiên có dịch vụ thư tín, và các đế quốc Tân Assyria và Tân Babylon (nằm ở nơi nay là Iraq) từng sử dụng nhiều hình thức chuyển phát thư từ trước khi Đế chế Ba Tư ra đời vào thế kỷ thứ Sáu trước Công nguyên, nhưng Đế quốc Ba Tư ở Iran đã nâng tầm ý tưởng về dịch vụ bưu chính lên một đỉnh cao chưa từng thấy trước đó - và đến tầm cao mới.

Họ sử dụng mạng lưới đường xá mở rộng do những kỵ sỹ chuyên nghiệp có thể đi qua những khoảng cách đường xá cực kỳ xa xôi trong vương quốc khổng lồ và mênh mông với tốc độ đáng kinh ngạc và quyết tâm không ngừng.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Mô tả về dịch vụ thư tín thời Ba Tư cổ đại giờ đây được coi như tôn chỉ không chính thức của USPS

Đế quốc Ba Tư Achaemenid (khoảng 550-330 trước Công Nguyên) có thể chuyển thư từ qua hệ thống chuyển phát nhanh bằng xe ngựa (được gọi là pirradaziš trong tiếng Ba Tư cổ đại), thư từ được chuyển từ đầu này của Đế quốc Ba Tư rộng lớn tới đầu bên kia đất nước chỉ trong vài ngày.

Theo các học giả, một lá thư có thể được gửi đi từ Susa, thủ đô của Đế quốc ở miền tây Iran, đến Sardis, ngày nay là miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong khoảng thời gian bảy đến chín ngày, nhờ vào việc sử dụng Con đường Hoàng Gia, một dạng đường cao tốc kết nối hai thành phố.

Trong tác phẩm "Lịch Sử", sử gia Hy Lạp Herodotus - người đã ước tính khoảng cách 2.600km sẽ cần phải đi bộ trong thời gian ba tháng - đã đánh dấu Susa và Sardis là hai đầu cực xa nhất trên Con đường Hoàng Gia, nhưng hệ thống bưu chính của Ba Tư còn lớn hơn khoảng cách đó rất nhiều.

"Mô tả của Herodotus gồm nhiều phần…. Con đường Hoàng gia từ Sardis đến Susa là… chỉ là một con đường hoàng gia trong số nhiều con đường như vậy," Tiến sĩ Pierre Briant viết trong tác phẩm "Từ Cyrus đến Alexander: Lịch sử của Đế quốc Ba Tư" (From Cyrus to Alexander: A History of the Persian Empire).

Vào thời đỉnh cao dưới triều đại Darius Đại Đế, Đế quốc Ba Tư trải dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ.

Briant viết trong tác phẩm của ông về việc những tấm biển đá từ Persepolis, thủ đô chính thức của đế quốc, được chuyển qua lại với Ấn Độ và Ai Cập ra sao, và nói rằng sử gia Ctesias cũng đề cập đến thành phố Ephesus của Hy Lạp trong các trang viết của ông.

"Toàn bộ vùng lãnh thổ của đế quốc," Brian viết, "đều có [dịch vụ bưu chính]."

Chưa bao giờ thư tín được chuyển phát ở quy mô khổng lồ như vậy.

Hệ thống bưu chính thời Ba Tư cổ đại do ngựa vận hành, hoạt động theo cơ chế tiếp sức, khiến cho hành trình đạt tốc độ cao và hiệu quả.

Nhưng người Ba Tư có lẽ đã không bao giờ có thể phủ sóng trên khoảng cách địa lý xa xôi trong thời gian ngắn như vậy nếu họ không phải là những kỵ sĩ chuyên nghiệp.

Người Iran cổ đại (là một trong rất nhiều nhóm tộc người dưới thời Ba Tư) là những kỵ sĩ đáng gờm. Ngoài hệ thống bưu chính, người Iran đã tạo cảm hứng cho việc sử dụng kỵ binh Hy Lạp thời Athen, và đồng thời cũng là người nghĩ ra môn thể thao polo (mã cầu).

"Trong lịch sử, Con đường Hoàng gia Ba Tư là công trình lớn đầu tiên trên bộ được xây dựng để tận dụng toàn diện phương thức vận tải bằng ngựa và vận tải tiếp sức," Tiến sĩ Luc-Normand Tellier viết trong tác phẩm "Lịch sử Đô thị Thế giới: Góc nhìn Kinh tế và Địa lý" (Urban World History: An Economic and Geographical Perspective).

Theo tiến sĩ Lindsay Allen, giảng viên về lịch sử cổ đại từ trường King's College London, hệ thống bưu chính của Ba Tư cũng rất ấn tượng vì cách sử dụng ngôn ngữ quy chuẩn trong một vùng rộng lớn, cũng như sự thống nhất về định dạng và chuyển phát thư tín.

Mặc dù tiếng Ba Tư Cổ là tiếng mẹ đẻ của người Ba Tư, nhưng tiếng Aram vốn không liên quan về ngữ hệ lại là ngôn ngữ hành chính của đế quốc, và vì vậy được sử dụng khi viết thư từ, cũng khá giống với cách tiếng Anh và các phiên âm từ mẫu tự Latin thường được sử dụng trên bì thư và kiện hàng chuyển phát khắp thế giới ngày nay.

"Về khoảng cách dài, chúng ta nhìn thấy chữ Aram viết bằng mực trên da động vật đã được xử lý, gấp vào và dán kín," Allen mô tả. "Đó là lần đầu tiên những mẫu tự có định dạng thống nhất, được gấp và dán kín, được đưa vào sử dụng. Không may là, ta chỉ còn lại vài mảng chữ trên giấy da viết bằng tiếng Aram còn sót lại… [nhưng] những chữ này cho thấy có những quy tắc hành chính được sử dụng với thư từ gửi đến Ai Cập và gửi từ vị quan đầu tỉnh tại Bactria."

Dù Con đường Hoàng Gia cực kỳ hiệu quả và là cách thích hợp để chuyển thư từ, nhưng nó chỉ được sử dụng cho mục đích hành chính chứ người dân không được đi lại trên đó.

Các hoàng đế Ba Tư sử dụng Con đường Hoàng gia và các lộ trình tương tự để ban chiếu chỉ tới "quân đội, người dâng cống vật, và.. quan quân triều đình," Briant lý giải.

Các tuyến đường này cũng được các hoàng đế sử dụng để theo sát sao tình hình quốc gia.

Trong tác phẩm Cyropaedia, tác phẩm được Cyrus Đại Đế ca ngợi, giờ đây vẫn được coi là cẩm nang cổ điển cho thuật lãnh đạo hiệu quả, tác giả Xenophone ghi nhận công lao của Hoàng đế Cyrus trong việc thiết lập hệ thống bưu chính Ba Tư và mô tả rằng hoàng đế sử dụng hệ thống này để thu thập tin tức tình báo.

"Nhà vua sẽ lắng nghe bất cứ người nào khẳng định rằng họ đã nghe hoặc thấy bất cứ vấn đề gì cần phải chú ý," ông viết. " Có câu nói rằng đức vua có nghìn tai nhìn mắt, vì vậy người ta sợ phải thốt ra lời nào dám chống lại ý muốn của ngài, vì 'ngài chắc chắn sẽ nghe thấy' hoặc làm bất cứ gì xấu đối với ngài 'vì ngài có thể thấy ngay'."

Theo Xenophone, đầu tiên Hoàng đế Cyrus tìm ra quãng đường một con ngựa có thể đi được bao xa "nếu bắt chạy tới cùng" trước khi kiệt sức, sau đó ông dùng khoảng cách này để thiết lập các trạm luân chuyển trong đế quốc. Người đưa thư di chuyển từ chiều tới sáng hôm sau.

Xenophon, vốn là người được Hoàng tử Trẻ Ba Tư Cyrus thuê làm lính đánh thuê và phải chạy trốn từ Iran về Hy Lạp cùng quân đội khi cuộc đảo chính trước đó không diễn ra như dự định, đã đánh giá hệ thống bưu chính của Ba Tư là "hành trình đường bộ nhanh nhất trên Trái Đất".

Sử gia Herodotus cũng đề cập đến hệ thống vận tải tiếp sức này trong cuốn "Lịch Sử".

"Người vận chuyển đầu tiên giao hàng cho người thứ hai, và người thứ hai cho người thứ ba, và cứ vậy chuyền tay từ người này đến người khác," ông giải thích.

Mô tả của ông về những người làm chuyển phát thời Ba Tư đã bổ sung ý cho điều Xenophon viết, dù ông này không hẳn lúc nào cũng chính xác về thông tin lịch sử: "Không có ai hoàn thành sứ mệnh sinh tử như người đưa thư, nhờ vào phương pháp lão luyện của Ba Tư… [họ] không hề nao núng khi trời đổ tuyết, mưa rào hay nắng nóng, đêm khuya, để hoàn thành chặng đường được giao bằng tốc độ tối đa."

Đây là mô tả nổi tiếng nhất về nhân viên bưu chính Ba Tư và hệ thống thư tín Ba Tư cổ đại.

Trong một bản có chút sửa đổi viết như sau "Không bão tuyết, mưa rào, sự nóng nực hay đêm đen cản được người nhân viên thư tín nhanh chóng hoàn thành cung đường giao thư chỉ định."

Giờ đây, câu nói này được coi như tôn chỉ không chính thức của Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ USPS.

Câu nói này cũng được khắc trên biển hiệu bên ngoài bưu điện James Farley ở New York City của USPS.

Trong văn hóa đại chúng Hoa Kỳ, cụm từ này thường liên hệ tới sự cống hiến của nhân viên bưu chính USPS đến mức nhân vật người đưa thư có tên là Cliff Clavin trong loạt phim truyền hình nổi tiếng Cheers vào thập niên 1980 đã nhắc lại câu nói với cảm giác tự hào khi uống bia cùng bạn bè.

Trong câu nói đó, cũng nhắc đến lời của Herodotus gợi nhắc về Con đường Hoàng gia mà cụm từ được sử dụng trong suốt lịch sử để mô tả một con đường dễ dàng.

Ví dụ như Karl Marx từng nói "không có con đường dễ dàng đến với khoa học" (nguyên văn: "There is no royal road to science") trong lời đề tựa cho bản dịch tiếng Pháp quyển Tư Bản Luận của ông, "và chỉ những ai không kinh sợ vượt qua đường dốc cao hiểm trở mới có cơ hội đến với đỉnh cao chói ngời."

Sau khi Đế chế Ba Tư Sassania sụp đổ vào Thế kỷ Bảy sau Công nguyên, hệ thống chuyển phát thư tín tiếp sức của người Ba Tư vẫn tiếp tục được sử dụng - dù không phải toàn bộ, nhưng ít nhất là một phần, theo Bách Khoa Toàn thư về Iran - do những đoàn quân xâm lăng như người Ả Rập và Mongol sử dụng, cũng như những vương triều bản địa thời sau này như Safavids, Zands và Qajars.

Tuy nhiên thời hoàng kim của trạm bưu chính thời Đế quốc Achaemenid (và Sassania) - sau này trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ còn gọi là chapar - đã trôi qua từ lâu.

Trong quyển du ký "Hình ảnh Ba Tư" (Persian Pictures) viết vào thập niên 1890, tác giả Gertrude Bell viết về cảm giác khi bà và bạn đồng hành phát hiện "trong một hẻm nhỏ dưới cổng vòm của một cái bưu điện nhỏ xíu xiêu vẹo, khao khát những con ngựa đi qua trong tuyệt vọng".

Tuy nhiên, vô số những chapar khaneh (bưu cục) vẫn còn nằm rải rác khắp Iran thời đó, dù chúng có vẻ suy tàn đến mức nào, thì vẫn là nơi quý giá cho lữ khách như Bell khi nơi này trở thành các quán rượu nhỏ giữa các thành phố lớn.

"Kinarigird là đoạn đường cuối cùng giữa thủ đô Medes và Ba Tư," T S Anderson viết trong tập du ký cuối Thế kỷ 19, "Lang thang ở Ba Tư" (My Wandering in Persia), "và khi bước vào một chapar khaneh, tôi đã có được chút thỏa mãn không nhỏ… [Tôi] lập tức thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng phương Đông (khi mang dép và áo khoác nhẹ), và bữa tối ngon lành trên mái nhà."

Ngày nay ở Iran, chapar khaneh không còn nữa, nhưng người ta vẫn có thể thấy chúng khắp nơi trong đất nước này. Ở Meybod miền Trung Iran chẳng hạn, một bưu cục chapar khaneh thời kỳ Qajar (1785-1925 sau Công nguyên) được chuyển thành Bảo tàng Bưu chính và Truyền thông (có cả tượng sáp những nhân viên bưu chính thời Qajar) và là điểm đến du lịch.

Và dù trong đống đổ nát, người ta có thể tìm thấy bưu điện có tuổi đời xa hơn từ thời Zand (1751-1794 sau Công nguyên) trong ngôi làng gần đó ở Sar-Yazd.

Ở nơi khác, du khách có thể đến thăm di tích bưu điện từ thời Safavid (1501-1736 sau Công nguyên) ở Zafaranieh gần phía đông bắc thành phố Sabzevar.

Con đường Hoàng gia và hệ thống bưu chính thời Ba Tư có thể đã thuộc về quá khứ hoàn toàn, nhưng sự khôn ngoan của người Ba Tư thời Achaemenid và lòng kiên trì của nhân viên bưu chính thời đó tiếp tục tạo ra ảnh hưởng và đem lại cảm hứng vượt thời gian khỏi Iran thời cổ đại, và thậm chí vượt khỏi bờ cõi Đế quốc Ba Tư hùng mạnh.