Trịnh Thanh Thủy – Sử gia sẽ viết gì về đại dịch Covid-19

Chủ Nhật, 28 Tháng Sáu 20205:00 CH(Xem: 4372)
Trịnh Thanh Thủy – Sử gia sẽ viết gì về đại dịch Covid-19
Đó là câu hỏi được đặt ra sau mấy tháng đại dịch Covid-19 tấn công toàn thế giới với con số khoảng trên 100 ngàn người thiệt mạng ở Hoa Kỳ, bằng 1/3 con số 360 ngàn người trên toàn thế giới. Người ta bắt đầu nghiệm lại những bài học lịch sử có được từ những trận đại dịch trong quá khứ và nhận thấy dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918 và dịch cúm Covid-19 có rất nhiều điểm tương đồng. Dù khoảng cách thời gian khác tới hơn 1 trăm năm, con người đã tiến bộ hơn trong nhiều lãnh vực, lịch sử vẫn lập lại. Có lẽ các sử gia sẽ căn cứ vào sự giống và khác nhau của hai đại dịch mà chép sử.
fu9i4clqU6MaYkVsgGCt-pVCo8HWShjIdgRIwEBNypd_07wcncewtVw8PxR-onVRuKxKfCn2lIxuQZIedOUb4n1D2WgpyyZRLZrxZCsKdvw9RINix5GBN6iu79BEMaitKHcKwS6GaK1I-VVzeQ


Trịnh Thanh Thủy – Sử gia sẽ viết gì về đại dịch Covid-19


Dĩ nhiên trang sử có xác thực hay không tùy theo cái dũng của người viết sử, dám viết sự thật mà không sợ chết, không sợ sự uy hiếp của chính quyền đương đại. Giống như 3 anh em sử gia thời Xuân Thu, bị chém đầu vẫn viết sự thật.

Hôm nay, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã từ từ mở cửa và các hoạt động kinh tế, thương mại sẽ được phục hồi. Đây là lúc người ta có thì giờ tổng kết, xem xét lại những gì đã, đang và sẽ xảy ra để tìm phương pháp đối phó với những khủng hoảng và khó khăn chực chờ ở phía trước. Ngay từ lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, thế giới và Hoa Kỳ, đã lật lại trang sử các cuộc đại dịch trong quá khứ để so sánh. Khi sức tàn phá của nó tạo ra con số tử vong cao ngất ngưởng, ai cũng phỏng đoán có thể con số hàng triệu người sẽ thiệt mạng hệt như dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết 20- 50 triệu người trong quá khứ. Spanish Flu đoạt mạng sống con người thành 4 đợt. Đợt thứ hai dữ dội hơn đợt thứ nhất, rồi còn đợt ba và đợt bốn. Không những thế, những phản ứng từ chính quyền, từ công chúng, cách đối phó với bệnh dịch, khủng hoảng y tế, kinh tế, tâm thần, sự đối diện với cái chết, cái thật, cái giả, nỗi sợ hãi, niềm tin, sự chia rẽ và ý thức cộng đồng…tất cả đều xảy ra như khúc phim trắng đen xưa được quay ngược.

Theo Wiki, rất có thể cúm Tây Ban Nha, 1918, bắt nguồn từ Trung Quốc và cúm Covid-19 năm 2019 cũng bộc phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Lý do dẫn đến sự suy đoán này do một trong số ít các khu vực trên thế giới dường như ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch cúm năm 1918 là Trung Quốc. Đó là nơi một số nghiên cứu đã ghi nhận cúm xảy ra tương đối nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. Sự kiện này được giải thích bởi khả năng miễn nhiễm trước đây của người dân Trung Quốc đối với virus cúm. Năm 1993, Claude Hannoun, chuyên gia hàng đầu về bệnh cúm năm 1918 tại Viện Pasteur, đã khẳng định virus tiền thân có khả năng đến từ Trung Quốc. Sau đó nó đột biến ở Hoa Kỳ gần Boston và từ đó lan sang Brest, Pháp, chiến trường châu Âu, phần còn lại của châu Âu và phần còn lại của thế giới, với binh lính và thủy thủ của quân Đồng Minh là những nguồn lây truyền chính.

Năm 2014, GS sử học Mark Humphries lập luận rằng việc huy động 96 ngàn người lao động Trung Quốc làm việc bên cạnh liên quân Anh, Pháp có thể là nguồn gốc của đại dịch. Lời kết luận của ông căn cứ trên các hồ sơ mới được khai quật. Ông đã tìm thấy bằng chứng lưu trữ rằng một căn bệnh về đường hô hấp đã xảy ra ở miền bắc Trung Quốc vào tháng 11 năm 1917 và được các quan chức y tế Trung Quốc xác định một năm sau đó, giống hệt như bệnh cúm Tây Ban Nha.

Cúm Covid-19 ngày nay xuất hiện từ TQ rồi lây qua Á Châu, Âu Châu, Hoa Kỳ và cả thế giới, vì sự đi lại cũng như giao thương của thế giới toàn cầu.

Khẩu Trang

Điều khá ấn tượng được lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh dịch cúm Tây Ban Nha-Spanish flu với các nhân viên y tế, quân nhân hay công chúng đều đeo khẩu trang. Những chiếc giường bệnh với bệnh nhân nằm la liệt, chứng tỏ con số người bị nhiễm bệnh lây lan với một cấp số nhân hay cảnh những phụ nữ đứng, ngồi may khẩu trang cũng là hình ảnh mà chúng ta thấy ngày nay khi khẩu trang trở nên khan hiếm.

Nói đến việc mang khẩu trang ngày nay, ở Hoa Kỳ, mang hay không đã gây ra những cuộc tranh luận khoa học rất gay gắt. Ban đầu cơ quan y tế CDC Mỹ không khuyến khích việc đeo khẩu trang vì cho rằng nó có hại hơn có lợi. Qua sự thành công của khẩu trang ở những nơi đã xảy ra dịch bệnh, CDC sau đó lại khuyến khích dân chúng đeo khẩu trang để tránh sự lây nhiễm khi ra nơi công cộng Tại sao phải đeo khẩu trang ? Vì nó giúp một người bị lây nhiễm khi hắt hơi hay ho vi khuẩn sẽ bị chận lại nếu có đeo khẩu trang. Giáo sư Thomas cho biết trong một trường hợp được nghiên cứu tại một bệnh viện ở Hồng Kông. Có khoảng 70 người đã ở gần một bệnh nhân bị lây vi khuẩn cúm Covid-19. Nhưng vì bệnh nhân và mọi người trong bệnh viện đều đeo khẩu trang, không ai bị lây nhiễm. Nhưng không phải mọi khẩu trang đều có hiệu quả như nhau. Nếu bạn tự làm lấy, mà sử dụng một loại vải dày- bằng thứ gì đó, nếu bạn giơ nó ra ánh sáng, bạn không thể nhìn xuyên qua nó, đó có thể là loại tốt nhất.

Chống đeo khẩu trang

Có nhiều tiểu bang dùng biện pháp phạt tài chánh khi người dân bất tuân thủ. Rải rác ở vài tiểu bang đã có người bất mãn với việc đeo khẩu trang. Có người xem việc đeo khẩu trang chỉ dành cho người Trung Quốc và đó cũng là nơi xuất phát của dịch Covid-19. Điều này đã đẩy mạnh phong trào kỳ thị người Á Châu. Trong những cuộc biểu tình đòi mở lại các hoạt động thường nhật, người biểu tình phần lớn không đeo khẩu trang vì họ xem đó là vi phạm quyền tự do dân sự. Mang khẩu trang khó thở nên họ không quen và ít khi dùng đến nó ngoại trừ dùng để che bụi. Các bác sĩ và nhân viên y tế phải mang nó trong công việc điều trị là chuyện miễn bàn.

Ở Flint, Michigan, một nhân viên bảo vệ đã bị bắn và giết trong một vụ ẩu đả được cho là bắt đầu từ việc khách hàng từ chối che mặt theo lệnh của thống đốc bang. Nhiều người New York đã được chụp ảnh ở Công viên Trung tâm vào cuối tuần tận hưởng thời tiết ấm áp mà mặt mũi để trần không che chắn. Kịch bản tương tự đã diễn ra trên các bãi biển California và Florida.

Sự chống đối hay chấp nhận nó hiện nay, cũng đã xảy ra năm 1918 trong dịch cúm TBN. Thời ấy tranh luận khoa học bùng nổ mạnh. Nhà vi khuẩn học người Pháp Charles Nicolle đã phát hiện vào tháng 10 năm 1918 rằng virus cúm nhỏ hơn nhiều so với bất kỳ loại vi khuẩn nào được biết đến. Thế là giới truyền thông chỉ trích việc đeo khẩu trang giống như sử dụng hàng rào dây thép gai để chặn ruồi. Các nơi trên thế giới có nơi không xem việc đeo khẩu trang làm trọng mà chỉ khuyến khích thôi. Hồi đó, chỉ có tiểu bang California là nơi duy nhất của Mỹ bắt buộc đeo khẩu trang. Sự chống đối và không tin vào chúng đã gây ra phản ứng của thành phố San Francisco tạo nên ​​sự thành lập một liên minh chống khẩu trang, cũng như các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự. Nhiều người từ chối đeo chúng ở nơi công cộng hoặc phô trương lối đeo chúng không đúng cách. Họ coi chúng là vi phạm quyền tự do dân sự. Một số kì thị bảo đó là thời trang của các bà Đạo Hồi. Có người đã vào tù vì không đeo chúng hoặc từ chối trả tiền phạt. Có người chỉ đeo sau gáy hay kéo xuống tận cổ cho đến khi anh ta nhìn thấy cảnh sát mới kéo lên. Hầu hết các ông đều cắt lỗ trên khẩu trang để hút xì gà và thuốc lá.

Thông báo đóng cửa các sinh hoạt cộng đồng
Thuốc chủng ngừa và trị cúm Covid-19 chưa ra mà dự đoán sẽ có đợt cúm thứ nhì đã thấy bắt đầu bùng phát. Sau đợt mở cửa rải rác ở khắp nơi trên Hoa Kỳ và toàn thế giới, 10 tiểu bang Hoa Kỳ đã có con số lây nhiễm tăng cao kỷ lục kể từ ngày đại dịch. Trong khi ấy, chính phủ lại muốn tuyên bố hết đại dịch để mở cửa toàn bộ đất nước hầu thúc đẩy kinh tế. Nhiều người đã không còn đeo khẩu trang và cố tình không tuân thủ luật cách ly. Bắc Kinh là nơi chứng kiến đợt cúm thứ hai bắt đầu với biện pháp gắt gao nhất là đóng cửa trở lại trường học, các chuyến bay và khuyên dân ở yên trong nhà. Lịch sử cũng lập lại.

Lệnh đóng cửa và ngưng các hoạt động kinh tế, xã hội đã được thực hiện trong dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Tuy nhiên ngày xưa chỉ có những nơi công cộng, trường học, nhà thờ, rạp hát, vũ trường bị ảnh hưởng. Phần lớn các hoạt động thương mại không bị kiểm soát hay đóng cửa, khác biệt với hôm nay. Hình ảnh các tiệm cắt tóc ngoài trời hay các hoạt động thương mại năm 1918 vẫn được tiếp tục, các quán rượu đều mở cửa. Mọi người đi làm như thường vì không đi làm sẽ bị chết đói, dù có khuyến cáo nên ở trong nhà để tránh lây nhiễm. Ngày ấy không có cứu tế, không có tiền trợ giúp của chính phủ. Không có liên mạng. Báo chí thì ít ỏi, tin tức không được tiếp cận nhanh như bây giờ. Tin giả đầy rẫy. Chính phủ sợ dân hoảng loạn, giấu được gì thì giấu. Dân chúng hầu như không biết gì về dịch cúm từ đâu đến và lan nhanh cũng như bùng phát dữ dội như thế nào. Có người tin rằng hút thuốc sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nên có công xưởng nới lỏng luật cấm hút thuốc. Vào tháng 11 năm 1918, Báo News of the World khuyên độc giả: “rửa mũi bằng xà phòng và nước mỗi tối và sáng. Buộc mình hắt hơi vào ban đêm và sáng sớm, sau đó hít thở thật sâu, và ăn nhiều cháo nóng”. Những người còn sống sót đã thuật lại những gì họ chứng kiến. Tài liệu của các sử gia ghi chép cùng hình ảnh lẫn tin tức thu thập được trên báo chí đã cho thấy nhiều sự trùng hợp xưa và nay.

Khái niệm về khoảng cách xã hội và cách ly thực ra đã được áp dụng từ thời Trung Cổ, thế kỷ 14, lúc có bệnh dịch hạch được gọi là “Black Death” xảy ra. GS Crawshaw, khoa lịch sử cổ học Âu Châu của Đại Học Oxford Brookes tiết lộ, Dù thời đó người ta chưa biết đến vi trùng hay vi khuẩn là gì nhưng các cơ quan y tế đã biết dùng biện pháp cách ly và khoảng cách xã hội để tránh sự lây lan của dịch bệnh. Người xưa đã rất cẩn thận trong việc giao tiếp giữa người và người trong việc trao đổi, mua bán các vật dụng kể cả thực phẩm vì bệnh có thể truyền nhiễm trên các bề mặt của sản phẩm.

Toà án lộ thiên

Để tránh lây nhiễm các quốc gia ngày nay đã ra những lệnh ngăn chặn sự di chuyển từ nơi này qua nơi khác hoặc hạn chế sự đi lại trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia có một chính sách ngăn chặn riêng tùy theo tình trạng dịch bệnh hoành hành ở quốc gia họ. Riêng ở Hoa Kỳ, sự hạn chế gia tăng khi dịch Covid-19 gây ra mức tử vong cao ngất ngưởng. Luật cách ly, khoảng cách xã hội và tránh tụ tập đông người suốt thời gian dịch bệnh đã tạo nên những bức bối tinh thần, phản kháng, và chia rẽ. Bị giam hãm tại gia quá lâu, con người trở nên mệt mỏi, những vấn đề về tâm thần nảy sinh. Bạo hành trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái gia tăng. Áp lực của sợ hãi vì cái chết và tuyệt vọng khiến tỷ lệ tự tử và bệnh tâm thần đã là một hồi chuông cảnh báo. Các cuộc biểu tình, những vi phạm luật cách ly, tụ tập đông người quá con số hạn định, đã xảy ra rải rác ở vài tiểu bang và gây được nhiều tiếng vang.

Năm 1918 cũng vậy. Các nhóm tôn giáo đã phản kháng mãnh liệt nhất. Những biểu tình chống đối khoảng cách xã hội và luật tụ họp đã lan rộng cùng tạo nên sự nghi ngờ lẫn nhau và cộng đồng chia rẽ. Nhất là các nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối nhiệt tình nhất. Tại Portland, Oregan, các nhà khoa học đạo Cơ Đốc tin rằng họ miễn nhiễm với vi khuẩn cúm vì niềm tin nơi Đức Chúa. Nhóm này tuyên bố không nên dùng quyền hành của cảnh sát để ngăn cấm sự thờ phụng Đức Chúa Ki Tô của họ ở nhà thờ. Một nhóm Cơ Đốc khác thắng kiện thành phố Los Angeles vì đã thi hành luật cấm tụ họp, lý do là không công bằng khi nhắm vào các hoạt động tôn giáo. Ngày nay vài nơi cũng đang đối đầu với sự kiện tụng của vài nhóm tôn giáo.

Sau đợt cúm TBN 1918 thứ nhì lấy đi mạng sống của con người gấp mấy lần đợt nhất, chính quyền đã đóng cửa trở lại các nhà hát và các hoạt động thương mại giải trí công cộng. Tuy nhiên, chỉ trong vài giờ, hàng chục chủ doanh nghiệp bắt đầu vận động các quan chức thành phố chống lại sự đóng cửa. Áp lực chính trị và kinh tế đè nặng khiến lệnh đóng cửa bị rút lại ngay, chỉ còn biện pháp đeo khẩu trang được giữ lại.

Trong một bài viết của ký giả Sean Illing phỏng vấn sử gia John M. Barry, ông đã viết ” Bài học lớn nhất về đại dịch cúm năm 1918, theo nhà sử học John M. Barry, là các nhà lãnh đạo cần phải nói sự thật, bất kể nó khó nghe đến mức nào. Barry, người đã viết một cuốn sách có ảnh hưởng về đại dịch năm 1918, nói rằng nói dối về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năm 1918 đã tạo ra nhiều nỗi sợ hãi, cô lập và đau khổ hơn cho mọi người. Tôi đã nói chuyện với Barry qua điện thoại về cái giá của dối trá với công chúng vào năm 1918, nếu ông ấy nghĩ rằng chúng ta đang lặp lại những sai lầm mà chính phủ đã gây ra thời đó, thì các nhà lãnh đạo nên cân bằng sự căng thẳng trong việc nói với mọi người những gì họ cần biết và cố gắng không để gây ra sự hoảng loạn hàng loạt”

Đây là một số sự kiện xảy ra năm 1918 được sử gia Barry kể lại.
“Chính phủ nói dối. Họ nói dối về mọi thứ. Khi ấy đang xảy ra chiến tranh(Đại Thế Chiến Thứ Nhất), và họ đã nói dối bởi vì họ không muốn tăng cường nỗ lực chiến tranh. Các nhà lãnh đạo y tế công cộng nói với mọi người rằng đây chỉ là bệnh cúm thông thường. Họ chỉ đơn giản là đã không nói với mọi người sự thật về những gì đang xảy ra. Không bao lâu sau đó người ta nhận thấy khá nhanh những gì đã xảy đến khi hàng xóm của họ bắt đầu chết 24 tiếng sau khi các triệu chứng đầu xuất hiện. Mọi người đang đi trên đường phố đột nhiên bị chảy máu từ mũi, miệng, mắt và tai. Thật là kinh khủng. Mọi người đều hiểu rất nhanh rằng đây không phải là bệnh cúm thông thường. Sau đó là thảm họa. Người ta mất niềm tin vào tất cả mọi thứ, vào chính phủ của họ, vào những gì họ được nghe, về nhau. Nó khiến con người xa nhau hơn. Nếu niềm tin sụp đổ, con người trở nên vụng về, bất lực và đó là bản năng tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng quy mô này. Cấu trúc xã hội tan rã dần dần như một dòng thác đổ vỡ. Có những hậu quả thực tế. Ví dụ, sự thiếu tin tưởng khiến cho việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng một cách kịp thời trở nên khó khăn hơn, bởi vì mọi người không còn tin những gì họ được nghe. Và đến lúc chính phủ buộc phải minh bạch về tình hình, thì hầu như đã quá muộn. Vi khuẩn đã lan ra khắp nơi. Vì vậy, cái giá của sự dối trá và thiếu tin tưởng hao tổn rất nhiều mạng sống.”

Ngày nay cũng vậy, nhiều chính quyền của các nước cũng dấu diếm hay lơ là khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là sự dấu diếm và nói dối của chính quyền Trung Quốc khi nó xảy ra ở Vũ Hán. Thế giới mới nghe nói đến nó khi nó đã bùng phát và giết chết rất nhiều người. Con số người chết cũng bị dấu nhẹm. Kẻ tiết lộ sự thật bị đem đi mất tích. Khi bệnh dịch lây lan ra nhiều quốc gia, vì sợ dân chúng hoảng loạn, có quốc gia cũng che dấu sự thật hay hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó, khi bệnh dịch tràn tới quốc gia họ. Lịch sử lập lại bài học đớn đau của 100 năm trước. Nhà thương tràn ngập người bệnh, thiết bị y tế thiếu thốn vì không ai biết mà đề phòng, thuốc men cũng như thuốc ngừa chưa được phát minh và thử nghiệm. Sự hoang mang sợ hãi trước cái chết khiến người ta hành động điên cuồng như uống bậy bạ các thứ thuốc chưa được nghiên cứu và chấp nhận. Không khác gì, vào năm 1918, người ta tin rằng dùng Aspirin sẽ chữa được cúm TBN, khiến bao nhiêu người chết vì ngộ độc do dùng nó quá liều.

Sử gia Barry nhận định,
“Sự khác biệt lớn nhất giữa cúm TBN và cúm Covid-19 là độ tuổi của người tử vong. Vào năm 1918, phần lớn những người chết từ 18 đến 45 tuổi. Có lẽ hai phần ba số người chết ở độ tuổi đó, hơn 90% tỷ lệ tử vong là những người dưới 65 tuổi. Vì vậy, rõ ràng người cao tuổi vào năm 1918 đã trải qua một loại virus nhẹ nhờ trải qua sự miễn dịch tự nhiên.

Một khác biệt nữa là tỷ lệ ủ bệnh. Tốc độ ủ bệnh trung bình của cúm TBN là hai ngày, hầu như không bao giờ dài hơn bốn. Trung bình của Covid-19 dài hơn gấp đôi và có thể kéo dài khá lâu hơn, điều đó bao gồm cả tốt và xấu. Điều tốt là nó cho phép thời gian tiếp xúc, theo dõi, cô lập và những thứ tương tự, điều gần như không thể có trong dịch cúm TBN. Điều tồi tệ là virus này có thể lan ra trong một khoảng thời gian dài hơn và lây nhiễm cho nhiều người hơn. Nó dường như dễ lây hơn bệnh cúm TBN.”

Trịnh Thanh Thủy
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn