Trận đánh làm nên học thuyết 'chiến tranh chớp nhoáng' của Đức năm 1917

Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20189:00 SA(Xem: 5842)
Trận đánh làm nên học thuyết 'chiến tranh chớp nhoáng' của Đức năm 1917
tran danh lam nen hoc thuyet 'chien tranh chop nhoang' cua duc nam 1917 hinh anh 1

Xe tăng Anh đột kích phòng tuyến Đức tại Cambrai. Ảnh: Wikipedia.

Sáng sớm 20.11.1917, ba sư đoàn Đức đóng tại phía bắc thành phố Cambrai (Pháp) sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống phòng ngự đa tầng gồm lô cốt, hào chiến đấu, ụ súng máy liên hoàn và nhiều lớp rào thép gai. Tuy nhiên, chiến thuật mới của Anh đã gây bất ngờ cho đối phương, đồng thời tạo cảm hứng để quân đội Đức phát triển học thuyết "Bliztkrieg" (chiến tranh chớp nhoáng) trong Thế chiến II, theo National Interest.

Trong trận đánh này, bộ binh Anh sẽ vướng phải hàng rào thép gai hoặc bị súng máy hạ gục nếu tiến công theo cách truyền thống. Quân Đức cũng bố trí sẵn lực lượng đông đảo để phản công chớp nhoáng, chiếm lại trận địa đã mất khi đối phương đang tái tập hợp đội hình. Đây là kịch bản thường thấy trong các trận đánh đẫm máu vào nửa đầu Thế chiến I.

Tuy nhiên, trận đánh Cambrai đánh dấu sự ra đời của chiến thuật mới, làm thay đổi bản chất chiến tranh. Quân Anh huy động 476 xe tăng Mark IV tập trung trong phạm vi hẹp, che chắn bộ binh trên vùng đất trống trước phòng tuyến Đức, sau đó chọc thủng tuyến phòng ngự dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân.

Đây không phải lần đầu tiên xe tăng tham chiến. Trong cuộc tiến công ở Somme tháng 7.1916, xe tăng Anh đã loại bỏ hàng rào thép gai và các ụ súng máy, giúp bộ binh hạn chế tiêu hao sinh lực. Tuy nhiên, 32 xe tăng Mark I tham chiến trong trận này không đủ sức chọc thủng phòng tuyến địch, dễ dàng bị bộ binh và pháo binh Đức đánh bại.

Trận Cambrai là lần đầu xe tăng tham gia tấn công với vai trò chủ lực. Thay vì mất nhiều tuần lập trận địa pháo và dễ bị lộ ý đồ, cuộc tấn công của Anh bắt đầu bằng hỏa lực tập trung trong thời gian ngắn. Quân Anh dựa vào trinh sát và các phép toán để tính đường đạn, cho phép các khẩu đội pháo nã chính xác vào mục tiêu, hạn chế việc bắn theo trực giác. Không quân Anh cũng tham gia yểm trợ bộ binh.

 tran danh lam nen hoc thuyet 'chien tranh chop nhoang' cua duc nam 1917 hinh anh 2

Những chiếc xe tăng Mark IV tham gia trận đánh

Quân đội Anh sử dụng 7 sư đoàn bộ binh, ba lữ đoàn xe tăng, 1.000 khẩu pháo và 5 sư đoàn kỵ binh trong trận Cambrai. Việc triển khai đội hình thiết giáp lớn, pháo binh bất ngờ đánh cấp tập cùng sự yểm trợ của không quân là hình thái đầu tiên của học thuyết Blitzkrieg, chuyên gia quân sự Michael Peck nhận định.

Ban đầu, chiến thuật này dường như phát huy hiệu quả. Giữa làn khói và sương mù buổi sáng, các cỗ chiến xa của Anh băng qua hàng rào dây thép gai và tiêu diệt các ụ súng máy. Có những mũi tấn công bị phục kích, cầm chân như Sư đoàn Cao nguyên Scotland số 51 tại Flesquieres, nhưng tuyến phòng thủ Đức vẫn bị chọc thủng.

"Đây là thành công đáng kinh ngạc. Quân Anh chọc thủng hơn 6 km trong phòng tuyến dày 10 km với tốc độ chưa từng có. Quân Đức trải qua hàng loạt cảm xúc, từ hoài nghi đến chán nản tuyệt vọng", sử gia Alexander Turner và Peter Dennis cho biết.

Quân Anh chịu 4.000 thương vong trong ngày đầu giao tranh, con số quá ít so với 57.000 quân thiệt mạng để chiếm gần 8 km vuông trong ngày mở đầu trận Somme.

Tuy nhiên, Anh không đạt được các mục tiêu quan trọng sau khởi đầu thành công này. Lực lượng tấn công bị kiệt sức mà không khai thác được sức mạnh kỵ binh. Sau ba năm đánh trong chiến hào, binh lính Anh không quen với việc cơ động liên tục trên chiến trường. Hệ thống liên lạc bị cắt đứt, một nửa lực lượng thiết giáp Anh bị hỏng. Các khẩu đội pháo Đức bắn thẳng vào những xe tăng Mark IV chậm chạp, phá hủy hàng chục chiếc.

"Mục tiêu trong ngày đầu tiên không đạt được. Mất đi yếu tố bất ngờ, quân Anh buộc phải gồng mình đối phó lực lượng dự bị của Đức", sử gia Turner cho biết.

 tran danh lam nen hoc thuyet 'chien tranh chop nhoang' cua duc nam 1917 hinh anh 3

Xe tăng Mark IV cơ động qua hầm hào trước trận đánh. Ảnh: Wikipedia.

Đức tung ra 17 sư đoàn, trong đó gồm nhiều tiểu đoàn đột kích tinh nhuệ. Lực lượng này xâm nhập chiến tuyến quân Anh, bao vây nhiều đơn vị tiền tuyến, đánh chiếm các sở chỉ huy và trận địa pháo. Ngày 30.11, quân Đức thọc sâu tới 3,2 km trong phòng tuyến Anh, trước khi phải ngừng đà tiến công.

Khi trận đánh kết thúc vào đầu tháng 12, mỗi bên hứng chịu khoảng 45.000 thương vong, ranh giới chiến tuyến trở về mốc ban đầu.

Từ kinh nghiệm rút ra sau trận đánh này, Đức đã xây dựng học thuyết Bliztkrieg, sử dụng lực lượng thiết giáp khổng lồ để phát động xâm lược Pháp vào năm 1940, chọc thủng mọi phòng tuyến và buộc đối phương đầu hàng chỉ trong vòng 6 tuần.

Theo Duy Sơn (VnExpress)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn