Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và 'quậy ngầm'

Chủ Nhật, 07 Tháng Sáu 20201:00 SA(Xem: 3672)
Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và 'quậy ngầm'
bbc.com

Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và 'quậy ngầm'

Robert Landon BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hàng ngày, cả thành phố Basel miệt mài, nghiêm túc chìm trong công việc từ sáng cho đến tận 6 giờ chiều.

Đây không phải là nơi mà bạn có thể đến họp muộn năm phút - sai giờ là điều cấm kỵ ở cái thành phố Thụy Sĩ này, nơi hiện diện các ngành công nghiệp, hóa chất và dược phẩm trọng yếu, tất cả đều yêu cầu chính xác và trong vòng kiểm soát.


Nhưng khi ngày làm việc kết thúc, Basel nhanh chóng bộc lộ một sắc thái khác, vui vẻ đáng yêu.

Vào mùa hè, hàng trăm người làm các công việc đòi hỏi chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao đi xuống bờ sông Rhine rồi trút bỏ quần áo trên người.

Ở đó, họ gói ghém tất cả trang phục đi làm ban ngày của mình vào một chiếc ba lô chống thấm nước được gọi đùa là wickelfisch ("túi cá"), đeo lên người rồi khoan khoái nhảy xuống sông và xuôi theo dòng nước chảy mà về nhà.

Andreas Ruby, giám đốc Bảo tàng Kiến trúc Thụy Sĩ tại Basel, gọi đây là "hình thức lang thang làm quen theo dòng nước" của cư dân thành phố.

"Đôi khi bạn có thể thấy những nhóm người cùng nhau trò chuyện trên sông như những người bạn cũ. Trên thực tế, họ là những người không quen biết, chỉ tình cờ cùng chọn một khúc sông," Ruby nói.

Paul Clemence Bản quyền hình ảnh Paul Clemence
Image caption Bờ sông Rhine của thành phố Basel trên thực tế chả khác gì một bãi biển

"Biết bao chuyện tình bắt đầu từ dòng sông Rhine này," anh nói thêm, kèm theo một cái nháy mắt tinh nghịch.

Basel tọa lạc chính xác nơi biên giới Thụy Sĩ, Pháp và Đức gặp nhau, có dân số gần 200.000 người.


Thành phố tựa như hình người đứng giang hai chân ngay đoạn uốn cong mềm mại của dòng sông Rhine. Từ các tòa tháp của nhà thờ theo kiến trúc Gothic, bạn có thể nhìn về phía bắc qua các trang trại và vườn nho màu xanh ngọc lục bảo thấy được cả dãy núi Vosges của Pháp và Rừng Đen của Đức.

Thoạt nhìn, Basel có vẻ là một nơi dễ chịu không vui nhộn lắm, phù hợp cho môi trường làm việc công sở.

Bạn thậm chí có thể bị cám dỗ ở lại vào cuối tuần yên tĩnh để khám phá khu phố cổ trung tâm Basel, một nơi ẩn náu nhỏ gọn của thời Trung Cổ và hiện đại.

Nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ những gì ẩn sâu bên trong nơi đây, bạn sẽ phát hiện ra nét trái ngược đầy hấp dẫn khiến một Basel nghiêm túc mà không kém vui nhộn.

Đúng chuẩn một thành phố có gốc rễ Calvin sâu sắc, rất nhiều điều thú vị theo nghĩa đen xảy ra dưới lòng đất. Trong các tầng hầm dọc theo các con hẻm của khu phố cổ trung tâm, các nhóm người vui chơi được gọi là Cliques tập trung hàng tháng trời để chuẩn bị cho lễ hội Basel náo nhiệt, một Carnival đường phố kéo dài 72 giờ.

olli0815/Getty Images Bản quyền hình ảnh olli0815/Getty Images
Image caption Fasnacht là một trong những Lễ hội hóa trang duy nhất của tín đồ đạo Tin Lành trên thế giới

Lễ hội hoá trang Carnival ở Basel, được biết đến với cái tên Fasnacht, là một sự pha trộn đặc biệt giữa tính kỷ luật và sự vui nhộn.

Năm 2017, Unesco đã công nhận Lễ hội Fasnacht vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể bởi vì nó gắn sâu vào văn hóa đương đại của thành phố trong khi vẫn bảo tồn truyền thống lâu đời hàng thế kỷ.

Thông thường thì lễ hội Carnival là sự kiện cuối cùng trước tuần chay Lent, là thời gian trong lịch Công giáo được dành cho việc hành xác để tự ăn năn hối lỗi và suy ngẫm. Nhưng ở Basel thì Fasnacht thực sự bắt đầu vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư lễ Tro, tức là sau khi tuần chay Lent đã bắt đầu.

Lạ hơn nữa là chuyện Basel lại tổ chức lễ Fasnacht. Các thành phố Tân giáo khác đã bắt đầu cấm lễ hội này kể từ Thế kỷ 16 và coi đó là một thứ tà giáo đầy tội lỗi.

Các nhà lãnh đạo của Basel thực sự đã cố gắng làm điều tương tự, nhưng người dân Basel thì nói rằng họ có quyền tổ chức tiệc tùng. Ngày nay, Fasnacht là một trong những lễ hội Carnival Tân giáo duy nhất diễn ra trên thế giới.

Nhưng Fasnacht không hẳn là một dịp huyên náo ồn ào miễn phí cho tất cả mọi người như các lễ hội carnivals ở Ne Orleans hay ở Rio de Janeiro. "Lễ hội này có quy tắc riêng," Judith Kakon, một nghệ sĩ và dân bản địa ở Basel, nói.

Chẳng hạn, chỉ những thành viên của Cliques mới được phép mặc trang phục truyền thống còn thường dân mặc quần áo bình thường khi ra ngoài. Lễ hội luôn bắt đầu với độ chính xác như đồng hồThụy Sĩ vào đúng 4 giờ sáng. Đó là khi công ty điện lực tắt tất cả các đèn đường và đột nhiên cả khu trung tâm sáng lung linh bởi hàng ngàn đèn lồng thủ công. Và dù trong lễ hội có rất nhiều đồ uống, người dân vẫn chủ động để ý phép lịch sự để tránh say xỉn.

Helior/Getty Images Bản quyền hình ảnh Helior/Getty Images
Image caption Lễ hội hóa trang ở Basel vô cùng độc đáo bởi nó bắt đầu vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư Lễ Tro

Một phần là do mọi người còn giữ sức để có thể tiếp tục vui chơi liền tù tì suốt ba ngày đêm đầy các cuộc diễu hành theo truyền thống thường lệ, thưởng thức ban nhạc kèn đồng biểu diễn hòa tấu (Guggeskonzerten) và đi bar chơi. Nhưng chủ yếu là để họ có thể giữ được sự tỉnh táo mẫn của mình.

"Họ muốn có đủ khả năng bình phẩm tất cả các bài hát, bài thơ và trang phục trong Lễ hội," Kakon giải thích.

Rốt cuộc, Fasnacht cũng tập trung vào những việc quan trọng chính yếu. Những nhân vật đeo mặt nạ xông vào quán cà phê và đọc những bài thơ, làm những trò hài hước và thường châm biếm đả kích chua cay đối với các chính trị gia quyền lực trên thế giới và ở địa phương.

Các đối tượng bị nhắm đến trong thời gian gần đây bao gồm các gương mặt từ Kim Jong-un và Angela Merkel cho đến quyết định của lực lượng cảnh sát Basel khi chơi trội mua một chiếc xe hơi điện Tesla.

Như Unesco nói, thì Fasnacht là một tạp chí châm biếm khổng lồ, nơi tất cả các phương tiện trực quan hoặc hùng biện được sử dụng để chỉ ra những trò đùa và sai lầm từ năm trước.

Trên hết, Fasnacht là một "công trình nghệ thuật tập thể vĩ đại", ông Kakon nói - một lời khẳng định chung về sự cam kết của thành phố về thể hiện cái đẹp.

View Pictures/Getty Images Bản quyền hình ảnh View Pictures/Getty Images
Image caption Kunstmuseum Basel được nhiều người coi là bảo tàng nghệ thuật đẹp nhất Thụy Sĩ

Không phải ngẫu nhiên mà Art Basel là triển lãm nghệ thuật quan trọng bậc nhất thế giới, theo Anita Haldemann, phó giám đốc Kunstmuseum Basel, vốn được nhiều người coi là bảo tàng nghệ thuật tuyệt nhất Thụy Sĩ. "Nghệ thuật chính là gene di truyền DNA, của thành phố này," cô nói.

Sự tôn kính đối với nghệ thuật thuộc trường phái "nghệ thuật vị nghệ thuật" quả là đáng ngạc nhiên. Rốt cuộc, tính thực tế của người theo đạo Tin lành và sự chăm chỉ đã ăn sâu bám rễ - và họ đã được đền đáp xứng đáng.

Với thu nhập trung bình là 185.826 franc Thụy Sĩ một năm (khoảng 154.000 bảng Anh), theo số liệu gần đây nhất của chính phủ, Basel là một trong những thành phố giàu nhất Thụy Sĩ về thu nhập tính trên đầu người.

Rất nhiều của cải của dân chúng được dùng để hỗ trợ nghệ thuật. Trên thực tế, Kunstmuseum Basel là bảo tàng công lâu đời nhất ở châu Âu. Bộ sưu tập chủ chốt của nó là do chính quyền thành phố mua lại vào năm 1661 và được trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn ngay sau đó.

Và vẫn còn một số bộ sưu tập tư nhân lớn trong thành phố nữa.

Tuy nhiên, "đôi khi chúng tôi không biết hết những bộ sưu tập tư nhân này có những gì," Haldemann nói.

Nhưng tầng lớp giàu có không hề bo bo tích trữ tài sản của họ. "Có một trào lưu xã hội là người giàu có thường hỗ trợ nghệ thuật," Ruby cho biết thêm.

Nhưng với sự cân nhắc thấu đáo điển hình của người Thụy Sĩ, khách hàng hảo tâm thường âm thầm ủng hộ.

"Nhiều gia đình ủng hộ tiền nhưng ẩn danh," ông Haldemann nói. "Đôi khi cho 10.000 đô la một năm, có lúc cho nhiều hơn."

Kiến trúc đương đại là một trong những đam mê đầy thẩm mỹ của Basel. Trong thành phố và vùng lân cận, bạn có thể ghé thăm các tác phẩm của không dưới 12 người đoạt giải Pritzker, từ Frank Gehry và Zaha Hadid đến cửa hàng kiểu thôn quê của hãng kiến trúc Herzog + de Meuron.

Nhưng theo cách thức khiêm nhường "hữu xạ tự nhiên hương" của Basel, nơi đây không hình thành những tòa nhà đồ sộ, thu hút sự chú ý của công chúng như Bảo tàng Bilbao Luggenheim hay Seville Metropol Parasol. Các tác phẩm đương đại thường vui tươi và tinh tế, song cũng có xu hướng tiệm cận sự đơn giản theo phong cách tu viện.

Sự pha trộn giữa giản dị và xa hoa này đặc biệt rõ ràng trong khu mới nhất của Kunstmuseum, được khai trương vào năm 2016.

Do một hãng địa phương là Christ & Gantenbein thiết kế, nơi đây toàn bộ mang màu xám và kết cấu thô mộc, nhưng lối vào và phòng trưng bày tràn ngập ánh sáng thì đẹp lộng lẫy.

Khu vực mới thậm chí còn gợi lên những lời ngợi ca gần như tôn thờ từ giới phê bình, bao gồm cả cây bút Rowan Moore của báo The Guardian, người đã viết rằng nơi này "vượt qua các thể loại thông thường" để đạt đến cảnh giới "nhiệm màu".

Tuy nhiên, nghệ thuật ở Basel không chỉ giới hạn trong các bảo tàng. Nghệ thuật hiện diện trên khắp không gian ngoài trời của thành phố và trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ như ở quảng trường bên ngoài Nhà hát Basel, nơi có cả một tác phẩm điêu khắc đồ sộ của Richard Serra và một đài phun nước Dada-esque, tác phẩm được thiết kế với ứng dụng động lực mà tác giả Jean Tinguely lấy cảm hứng từ Lễ hội Fasnacht.

Bảo tàng Kiến trúc Thụy Sĩ thì nằm ở phía đông của quảng trường, và Ruby cho biết vào ban đêm, các sinh viên mang theo rượu bia biến không gian nơi đây thành một quán bar ngoài trời.

"Và thế là tác phẩm điêu khắc của Serra biến thành một Nhà vệ sinh công cộng khổng lồ," anh nói thêm, với vẻ hài hước đáng ngạc nhiên ở một người làm công tác giám quản bảo tàng.

Khoảng hơn 300 đài phun nước công cộng trong thành phố là một hình thức khác, nơi mà nghệ thuật, niềm vui và lợi ích công cộng hợp nhất theo những cách không thể tuyệt hơn. Nhiều đài phun nước không chỉ đẹp đẽ đáng yêu, mà còn đủ lớn để tắm được. Và vào mùa hè, nhiều người Basel đến những nơi đó tắm.

Một chỗ được yêu thích là đài phun nước Pisoni-Brunnen, ngay dưới phố hướng đi từ Bảo tàng Kunstmuseum, nương trong bóng râm của ngôi giáo đường rộng lớn đã 1.000 năm tuổi của thành phố.

Giống như nhiều đài phun nước ở Basel, đây là một công trình được làm từ Thế kỷ 18 theo phong cách Baroque thanh nhã. Nó cũng đủ lớn để giúp cho cả gần chục người cảm thấy dịu mát trong những ngày nóng.

Ngay sau khi từ Berlin chuyển đến Basel, Ruby nói rằng anh đã rất ngạc nhiên khi vào một buổi chiều mùa hè anh nhìn thấy một người phụ nữ tầm 70 tuổi rất chỉn chu đang nằm thoải mái dưới một đài phun nước công cộng.

"Bà ấy đội một cái mũ rộng vành, đọc cuốn tạp chí và để cho dòng nước tưới đẫm làm mát thân mình," anh nói.

Trong lúc anh đang ngắm nhìn đài phun nước, một cậu bé ghé đến và lấy đầy chai nhựa của mình. Rốt cuộc, nước trong các đài phun nước Basel không chỉ để làm mát - mà uống được luôn.

Đối với tất cả sự tinh tế của mình, những khoảnh khắc như thế này có thể khiến Basel chăm chỉ cần cù trông như thể một thị trấn tiệc tùng lười biếng. Và mô tương đối nhỏ của thành phố góp phần làm tăng thêm cảm giác thân thiện và gắn kết, Ruby nói.

Khi anh sống ở Berlin, anh giải thích, suốt ngày bộn bề công việc, phải thực hiện các kế hoạch liên quan đến nhiều cuộc đàm phán, vì mọi người ai cũng bận rộn, đi lại nhiều và sống cách xa nhau. Còn ở Basel, bạn không bao giờ phải đi quá 10 phút bằng xe đạp để đến điểm hẹn gặp gỡ ở trung tâm thành phố.

"Thành phố này làm cho mọi người xích lại gần nhau," Ruby nói. "Đây là tài sản chung của cộng đồng dân cư, không phải của riêng một công ty. Nó giống như một không gian công cộng khổng lồ vậy."

Vào ngày nắng, lối đi dạo dài hàng km ở bờ bắc sông Rhine là nơi lý tưởng để thưởng thức tâm thế thư thái này. Bờ sông cứ như là bãi biển trong thành phố vậy, và dĩ nhiên bạn có thể bơi trên sông. Chỉ cần nhớ cảnh báo rằng dòng sông có thể cuốn trôi các đồ vật giá trị của bạn, cho nên tốt hơn hết là quấn kín chúng trong wickelfisch, có bán đầy tại Văn phòng du lịch Basel với giá 30franc Thụy Sĩ (khoảng 25 bảng Anh).

Sau khi mặt trời lặn, hãy đi qua vài khối nhà về phía bắc để đến Hirscheneck, là quán bar kèm nhà hàng thuộc sở hữu tập thể, nơi duy trì tinh thần Fasnacht quanh năm.

Trên lầu có phục vụ các món ăn ngon nấu theo phong cách ẩm thực truyền thống của Pháp nhắm với bia địa phương theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ với giá cả hợp lý. Còn tầng hầm thì vừa là câu lạc bộ khiêu vũ, vừa là nơi diễn ra những cuộc tranh luận chính trị và mỹ thuật sâu sắc.

Hirscheneck là một nơi tuyệt vời để kết thúc một ngày làm việc, giống như các đài phun nước, lễ hội Fasnacht và rất nhiều thứ khác ở Basel, thành phố vui tươi.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn