Chùa Ông Bổn

Thứ Ba, 16 Tháng Giêng 201811:00 CH(Xem: 10890)
Chùa Ông Bổn
Trang Nguyên

Theo dòng người Hoa tị nạn trên đất Đề Ngạn (Chợ Lớn), người Phúc Kiến thuộc phủ Tuyền Châu và Chương Châu góp tiền của lập nên Miếu Nhị Phủ vào khoảng năm 1730 thường gọi là Hội quán Nhị Phủ hay gọi một cái tên khác là Chùa Ông Bổn. Tuy gọi là chùa như những ngôi chùa Bà Thiên Hậu (thờ Thánh Mẫu) hay Chùa Ông (thờ Quan Thánh), Chùa Ông Bổn cũng đặt nặng phần tín ngưỡng dân gian hơn tôn giáo, thờ ông Bổn Đầu Công. Trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, miếu Nhị Phủ đã được nhắc đến: “Coi chùa ông Bổn Đầu Cân / Dám quên chữ ngọn rau tấc đất”.

chua-ong-bon4
Miếu Nhị Phủ hay Chùa Ông Bổn hồi đầu thế kỷ 20 – Ảnh: Zing.vn

Chùa toạ lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Sau nhiều lần trùng tu, chùa được chọn làm Di tích Văn hoá Lịch sử cấp quốc gia. Miếu Nhị Phủ vẫn là nơi trung tâm thờ phụng Ông Bổn, gìn giữ tập tục của người Phúc Kiến sống tại khu vực Chợ Lớn. Người phủ Tuyền Châu sau đó lập thêm Ôn Lăng Hội quán và tiếp theo là Hội quán Hà Chương của người phủ Chương Châu. Cả hai hội quán thờ Bà Thiên Hậu và Phật Bà Quán Thế Âm với mục đích tập hợp những người đồng hương để giúp đỡ nhau trong việc làm ăn buôn bán trên đất khách quê người, và là nơi đến cầu xin được phù hộ gia đình tai qua nạn khỏi, con đàn cháu đống, ấm no hạnh phúc.

Đã có Chùa Ông Bổn, sao lại có thêm Ôn Lăng Hội quán và Hà Chương Hội quán? Lý giải việc này, vài ý kiến cho rằng, ông Bổn chỉ là Thần Đất, còn nhiều vị thần khác người Hoa rất sùng tín, theo quan niệm thờ càng nhiều phúc lộc càng nhiều. Và người Hoa không ngại đa dạng hoá thần linh thờ cúng tại các chùa miếu.

chua-ong-bon3
Lính Mỹ viếng cảnh Chùa Ông Bổn ở Chợ Lớn giữa thập niên 1960. Nguồn: Manhhaiflicks

Nói về hội quán này, học giả Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa: Đường Lão Tử, có Ôn Lăng Hội Quán của người Phước (Phúc) Kiến, thờ Bà Thiên Hậu. Vị trụ trì chùa nầy cho biết rằng “Ôn Lăng” là một địa danh thuộc phủ Tuyền Châu. Ngoài cửa chùa có chạm vào đá hai câu liễn do Trạng nguyên cập đệ Ngô Lỗ cúng năm Tân Sửu (1901) đời Quang Tự: “Ôn nhu trước chí nhơn, chánh đạo dung dân nguyên Khổng Dịch / Lăng nhạc đồng trang trọng, mẫu nghi hình ngã cánh vô phương”. Trong chùa còn một chuông lớn đề “Đạo Quang Ất Dậu niên” tức năm 1825 (năm thứ 6 đời vua Minh Mạng). Khi từ tạ ra về, hoà thượng đưa ra cửa, dạy thêm cho biết rằng: “Để tưởng niệm Châu Ngươn Chương, thủy tổ nhà Minh, nên chùa thường dùng màu đỏ (châu, chu) sơn cột và trính, còn trên ngạch cửa, có chạm hai mắt lồi ra, tượng trưng “Nhựt”, “Nguyệt”, hai chữ ấy ráp lại thành chữ “Minh” vậy. Ôn Lăng còn gọi là Chùa Quan Âm được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hà Chương Hội quán hay còn được gọi là chùa Ông Hược hoặc chùa Bà Hà Chương; hiện tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi gần Chùa Bà Thiên Hậu. Đối tượng thờ tự ở chính điện là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Phối tự hai bên là Chúa Sanh nương nương và Phước Đức chính thần (ông Bổn). Tiền đường thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và Hộ pháp. Đông lang thờ Bồ tát Quan Âm và tây lang thờ Quan Công, Thái Tuế, Tề Thiên Đại Thánh. Ông Vương Hồng Sển giải thích chữ “Hược” trong Sài Gòn năm xưa rằng: “Hược” là tên nôm na của “Hà Chương Hội Quán”. Ngày 6 tháng 6 năm 1960, chúng tôi có đến viếng chùa, nhơn dịp hỏi lai lịch và nguyên do chữ “Hược” thì chính ông Từ giữ chùa cũng ấp úng trả lời không suôn sẻ… Theo ý ông là do chữ “Hạp” (Hiệp), tức ý nói chùa lập ra do sự thống nhứt của các phủ tỉnh Phước Kiến hạp lại. Cắt nghĩa làm vậy chúng tôi tưởng chưa thông đâu. Kế đó chúng tôi đến hỏi một học giả ham chơi đồ cổ, gốc người Phước Kiến ở đường Phạm Ngũ Lão thì ông không trả lời được. Riêng chúng tôi được biết, có phải chăng “Hược” do “Học” tức “Phước” hay “Phúc” đọc giọng Phước Kiến? Chúng tôi nay xin chép ra đây để chờ người cao học phủ chính.”

chua-ong-bon2
Kiến trúc bên ngoài chùa gần như không thay đổi sau nhiều lần trùng tu Ảnh: Internet

Hà Chương Hội quán được công nhận là Di tích Văn Hoá Lịch sử cấp quốc gia do quy mô công trình to lớn hơn cả Ôn Lăng và Chùa Ông Bổn. Đây là một công trình độc đáo kết hợp điêu khắc gỗ, đá và gạch ngói với bộ khung chịu lực bằng gỗ. Đặc biệt nhất là cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách của người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong có gắn các mảng tượng làm bằng vữa hồ và mảnh sành, thủy tinh đủ mọi sắc màu. Ở đây, ngoài nhóm tượng linh thú trang trí trên đỉnh mái, như tượng hai con rồng chầu mặt trời, tượng thần Tử Vi; trên sườn mái của hội quán này còn có những nhóm tượng thể hiện hình ảnh lầu các, cung điện xưa. Ông Nguyễn Liên Phong viết trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca: “Hà Chương Hội quán ai bì / Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba”. Về sau, ông Vương Hồng Sển cũng có lời khen ngợi: Ở đường Nguyễn Trãi, có một chùa của người Phước Kiến, hiệu đề: “Hà Chương Hội quán”. Chùa đồ sộ và khéo nhứt thời xưa, cho nên ngày nay người cố cựu Chợ Lớn còn quen dùng danh từ “lớn bằng chùa ông Hược”, vì thời trước chỉ có chùa nầy là nguy nga nhứt.

Việc lập Chùa Ông Bổn là do sau khi người Phúc Kiến đến Đề Ngạn định cư như đã nói ở trên, để tỏ lòng ghi nhớ ơn bậc thánh nhân nguyên là thái giám Trịnh Hoà vào đời Vĩnh Lạc (1403-1424) được lệnh vua giong thuyền buồm đi khắp các nước Đông Nam Á vừa tuyên truyền văn hoá Trung Hoa vừa sẵn tiện mua về cho hoàng đế Minh Triều những kỳ trân dị bửu. Ông Vương Hồng Sển ghi rằng: “Trịnh Hòa tỏ ra là nhà thám hiểm, du lịch, khảo cứu địa dư, ngoại giao, ngôn ngữ học, mỗi mỗi đều tài tình. Đi đến đâu, ông thi nhân bố đức, và đưa người Tàu đến lập nghiệp đến đó, hoặc chỗ nào có người Trung Hoa ở sẵn thì ông chỉnh đốn sắp đặt cho có thêm trật tự. Sau nầy ông mất, dân ngoại kiều cảm đức sâu, thờ làm phúc thần, vua sắc phong “Tam Bửu Công”, cũng gọi “Bổn Đầu Công” (đọc theo tiếng Quảng là Pủn Thầu Cúng) gọi tắt là “Ông Bổn”.

chua-ong-bon1
Bên trong chánh điện chùa Ông Bổn – Ảnh: wiki

Ở Nhị Phủ, trang thờ “Phúc đức chính thần” tức ông Bổn, chiếm vị trí trung tâm của gian chính điện. Tượng ông Bổn bằng gỗ cao khoảng một mét rưỡi thể hiện một ông già quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay gác lên tay ngai, một tay vuốt chòm râu… Ngoài Ông Bổn được thờ chính (ngày lễ tế: 15 tháng 8 âm lịch), Nhị Phủ còn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Quảng Trạch Tôn Vương, Quảng Đại Tôn Vương, Thái Tuế, Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát, Chúa Sanh nương nương, Hoa Phấn phu nhân, cùng rất nhiều vị thần khác.

Bổn Đầu Công đối với người Hoa, được xem như là thần Thành Hoàng. Vị thần cai quản bảo vệ đất đai, ban phúc cho người dân trong vùng. Không những thế, Bổn Đầu Phúc thần còn đóng vai trò giám sát mọi hoạt động của người dân mà dân gian cả người Hoa lẫn người Việt gọi là ông Thổ Địa – Thần Tài, hằng năm có nhận xét công tội, định phạt để tâu lên Ngọc Hoàng Thượng đế. Cho nên hầu hết trong các gia đình buôn bán của người Hoa lẫn người Việt đều có bàn thờ Thổ Địa – Thần Tài để mang tài lộc đến cho gia đình. Ở các trang thờ Thổ Địa – Thần Tài luôn có hai câu đối: “Thổ năng sinh bạch ngọc / Địa khả sản huỳnh kim”, tức là thổ sinh kim.

chua-ong-bon
Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ) ngày nay – Ảnh: wiki

Điều này không khó hiểu bởi, người Trung Hoa hay người Việt và nhiều dân tộc Đông Nam Á lấy nông nghiệp làm chính trong sản xuất, nên tất cả các sản vật đều sinh ra từ đất. Thần Đất cũng là Thần Tài. Biển hoành treo trước chánh điện Chùa Ông Bổn ghi: “Ngô Thổ Địa Dã” (Ta là Thổ Địa).

Chùa Ông Bổn là nơi duy nhất của người Phúc Kiến ở Chợ Lớn thờ Bổn Đầu Công, vị thần bảo vệ đất đai và con người. Tuy nhiên, cũng có vài chùa miếu của người Quảng Đông và Triều Châu sinh sống như Thất phủ cổ miếu ở Bạc Liêu hay Thiên Hậu Cung tại Thủ Dầu Một, lại thờ ông Bổn lẫn bà Bổn. Bà Bổn ở đâu ra trong khi nguồn gốc ông Bổn lại là thái giám Trịnh Hoà được phong thần? Một lý giải có thể chấp nhận như nói ở trên là người Hoa không ngại đa dạng hoá thần linh, mọi vật thể hay con người dù là thần thánh trong vũ trụ đều phải có âm – dương. Hơn nữa, đây là tín ngưỡng dân gian không đặt nặng tính tư tưởng của một tôn giáo.

Chùa Ông Bổn ngày nay vẫn còn mang hình ảnh cổ kính của một công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống của người Hoa trên đất Sài Gòn tuy đã qua ba lần đại trùng tu 1875, 1901 và 1990. Vào những ngày Tết nhất, ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám chùa tổ chức nhiều lễ hội kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn. Không chỉ có người Hoa mà người Việt đến đi lễ, dâng cúng cầu xin gia đình bình an, làm ăn may mắn.

TN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn