Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ

Thứ Ba, 19 Tháng Năm 20207:00 SA(Xem: 4953)
Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ

Lịch sử khoa bảng của đất nước đã chứng kiến những người bần hàn nhất, phải xin ăn từng bữa, thế nhưng cơ duyên kỳ lạ đã giúp họ dùi mài sách vở mà thi đậu đến tiến sĩ.

Ăn xin cùng chị, may gặp người nhân

Ở làng Đại Hội, xã Tân Phong, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là thôn Thụy Bình, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), có hai chị em nhà nọ gia cảnh rất nghèo khó, cha mẹ mất sớm, ruộng đất lại không có nên hai chị em phải dắt nhau đi ăn xin mong sống qua ngày.

Một lần hai chị em dắt nhau đến làng Mộ Trạch, huyện Đường Hào, xứ Hải Dương thì gặp ông Vũ Đức Lâm. Ông Đức Lâm từng đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu thìn (1448), làm quan đến Thượng Thư dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau này ông về quê mở trường dạy học.

Thấy hai đứa trẻ mồ côi, phải đi xin ăn khắp nơi, ông Đức Lâm thương cảm, bèn cho cả hai chị em vào làm người ở và giúp việc cho gia đình mình. Từ đó hai chị em đỡ cơ cực hơn, chăm chỉ làm việc. Đặc biệt, người em là Quách Phác rất siêng năng học hành.

Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ
Quách Phác siêng năng học hành. (Tranh của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)

Thấy Quách Phác siêng học, mặt mũi lại khôi ngôi sáng sủa, ông Vũ Đức Lâm ngày càng yêu mến, chỉ bảo rồi cuối cùng nhận làm con nuôi, cho đổi tên sang họ Dương gọi là Vũ Dương.

Không phụ sự kỳ vọng của cha nuôi, Vũ Dương học hành ngày càng tấn tới. Đến năm 1484, Triều đình mở kỳ thi Hội, Vũ Dương là một trong số 44 người đỗ đầu và được vào đến thi Đình.

Trong kỳ thi Đình, Vũ Dương đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan trải qua nhiều chức vụ khác nhau, giữ chức Hiệu lý ở viện Hàn Lâm; sau được thăng làm Hiến sát sứ Kinh Bắc chuyên lo việc án tụng. Vũ Dương xử án công khai và minh bạch nên được người dân xem là quan công minh và hiền đức.

Xin ăn nhà quan, cuối cùng thành tiến sĩ

Bùi Tất Năng quê ở làng Dục Linh (tên Nôm là làng Lầy), xã Dục Linh, tổng Địa Linh, huyện Phụ Dực, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Thuở nhỏ gia cảnh rất nghèo, bố ông phải ngày ngày đi quét chợ để kiếm sống. Người bố sớm qua đời khiến hai mẹ con ông không biết làm sao để sống. Thương cảm cho hai mẹ con, một thầy địa lý đã chỉ cho họ một ngôi đất phát ở cánh đồng Mục để chôn cất.

Bùi Tất Năng chôn cất bố vào nơi thầy địa lý chỉ, rồi hai mẹ con ông dẫn nhau đi xin ăn ở quanh vùng.

Một ngày nọ khi hai mẹ con đói đến kiệt sức thì cũng là lúc đến một ngôi nhà rất khang trang, lại đang mở cửa sẵn. Họ đành đánh liều vào xin ăn.

Nguyên đây là nhà của quan Tả thị lang bộ Lễ tên là Đỗ Nhân An ở làng An Bài (tên Nôm là làng Bệ). Nơi này thuộc về danh gia vọng tộc, nhà họ Đỗ có đến mấy đời đỗ đại khoa nổi tiếng khắp vùng. Bản thân ông Đỗ Nhân An cũng đỗ tiến sĩ năm 1544.

Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ
Cảnh trong trường thi thời xưa. (Tranh từ hinhanhvietnam.com)

Ngay đêm hôm trước, Đỗ Nhân An nằm mộng thấy một vị Thần nói với mình rằng: “Ngày mai nhà có quan Nghè tới chơi”. Thế là ngày hôm đấy Đỗ Nhân An sai người dọn dẹp nhà cửa. Nhưng suốt cả ban ngày chẳng có ai ghé cửa, mãi đến gần tối thì lại thấy có hai mẹ con người ăn mày đến.

Đỗ Nhân An nhìn tướng mạo cậu bé thì đoán sau này có thể thành đạt, lại liên hệ với giấc mộng đêm qua nên quyết định nhận luôn Đỗ Nhân An làm con nuôi. Quyết định này khiến người trong nhà, cũng như gia nhân và người hầu đều hoàn toàn bất ngờ.

Từ đó Đỗ Nhân An coi Bùi Tất Năng như con đẻ, nuôi cho học hành rất tử tế, và cho đổi tên thành họ Đỗ gọi là Đỗ Kính.

Năm Tân Mùi (1571) thời vua Mạc Mậu Hợp, Đỗ Kính khăn gói đi thi. Vượt qua kỳ thi Hương, ông vào đến thi Hội và đỗ đầu gọi là Hội nguyên. Vào thi Đình ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ
Bảng vàng thời xưa. (Ảnh từ Wikipedia)

Đỗ Kính nhận mũ áo vinh quy bái tổ về quê. Thế nhưng các chức sắc làng ông lại khinh khi cho rằng ông là ăn xin nên không muốn làm lễ đón tiếp, lại còn đổ bùn ra đường ông đi qua.

Đỗ Kính thấy thế thì giận lắm, liền bỏ sang sinh sống tại làng Tò, xã Tô Xuyên, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Sau khi đỗ Tiến sĩ, Đỗ Kính làm quan đến chức Thừa Chính Sứ, rồi sau được thăng làm Thượng Thư.

Tuy nhiên chứng kiến nhà Mạc ngày càng suy, Đỗ Kính chán nản nên quyết định từ quan rồi đi tu ở Lạng Sơn cho đến khi mất.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn