Chút ký ức sau 30.4.1975

Thứ Sáu, 01 Tháng Năm 20204:00 CH(Xem: 3993)
Chút ký ức sau 30.4.1975
Vài dòng ký ức dưới đây cho thấy thêm bi kịch hậu chiến cay đắng như thế nào. Tác giả là nhà nghiên cứu sử Lê Nguyễn. Ông Lê Nguyễn, tốt nghiệp Quốc gia Hành Chánh VNCH, với chức vụ cuối cùng là Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách phát triển kinh tế tỉnh Vĩnh Bình, đã bị bắt đi cải tạo gần bảy năm ròng.

xbnrzDTPi4JxVesIt8crudL0ehfLko41lZpdgSg7wwfMQOtaEsuGYtpm7DCTgudnDrxZBEujIKKaEkQu4v23Lw0KLdOo4eww5fWj5P7AOTtlQKKgK0gLZICf2blTuKirPoDv6b3EiC9iag035A
Chút ký ức sau 30.4.1975
Danh sách nhân vật bị đưa đi “cải tạo”, mà vài người trong số này từng ở chung trại với ông Lê Nguyễn, có Chủ tịch Tối cao Pháp viện Trần Minh Tiết; Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Lương; Bộ trưởng Tài chánh rồi Cố vấn Tài chánh Phủ Tổng thống Lưu Văn Tính; Trưởng phái đoàn VNCH trong Hội đàm Paris Nguyễn Xuân Phong; kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ…

Ngoài ra còn có cụ Vũ Hồng Khanh, nguyên lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng, thành viên chính phủ Liên hiệp kháng chiến của Hồ Chí Minh và từng cùng ông Hồ ký với đại diện chính quyền Pháp Sainteny bản Hiệp định sơ bộ Hạ Long 1946. Và còn luật sư Nguyễn Lâm Sanh, người từng mở văn phòng luật với Nguyễn Hữu Thọ, trước khi Thọ bỏ ra khu. Chưa kể giới văn nghệ sĩ như Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, họa sĩ Đằng Giao (con rể nhà văn Chu Tử), nhà văn Hồ Hữu Tường…

Hồi ức của ông Lê Nguyễn là những ghi chép những gì mắt thấy tai nghe, với tư cách là chứng nhân, được viết bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, không chút hằn thù. Chắc chắn có rất nhiều chi tiết kinh hoàng nhưng những điều ấy đã không được thuật lại. Ông Lê Nguyễn không muốn nhân dịp này gợi lại những điều chua chát. Ông viết: “Nhân ngày 30 tháng 4, nhắc chút kỷ niệm cũ, mong rằng trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn, mỗi con người biết yêu thương nhau, đùm bọc nhau và bao dung với nhau, hơn là gợi lại oán thù và nhớ lại những thù hằn ân oán quá khứ”.

Điều này cho thấy không chỉ ảnh hưởng của một nền giáo dục rèn dạy nhân phẩm một cách hoàn thiện như thế nào mà còn cho thấy tư cách đĩnh đạc của một cựu viên chức trước 1975. Thật quá tương phản với cách thể hiện “hồi ức” của những nhân vật thuộc chế độ cộng sản, như trong quyển “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh, “người trực tiếp tham gia đưa bản tin về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975 và giây phút quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn”. Quyển sách có đoạn miêu tả Tổng thống Thiệu và tướng tá Sài Gòn như sau:

“Thiệu gằn giọng, đấm tay xuống bàn làm Nguyễn Văn Toàn choàng dậy. Cặp mắt nung núc thịt trên khuôn mặt giống lính Đại Hàn của Toàn đỏ ngầu. Toàn là tên tướng bẩn và đểu giả nhất quân đội Sài Gòn. Toàn không cầm gậy chỉ huy của tướng, mà cầm ba toong, những lúc nổi điên, y quật cả lính và sĩ quan cấp tá dưới quyền. Toàn nổi tiếng là kẻ háo sắc. Vợ sĩ quan thuộc cấp và vợ lính trông ngon mắt là Toàn tìm cách xài bằng được”…

Ấy thế mà quyển này đoạt giải thể loại văn xuôi 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam. Thôi thì cũng nhờ vậy mà có thể thấy được cái mặt lẫn… cái “lưng” của tác giả, của Hội nhà văn Việt Nam, nơi chấm giải, và của hầu hết “bọn họ” nói chung…

Cuộc sống có những quãng đời gợi lại nhiều kỷ niệm khó quên. Với tôi, cứ mỗi tháng tư, đó là kỷ niệm về những ngày sống trong các trại cải tạo Long Thành và Xuyên Mộc, với những nhân vật đồng cảnh ngộ mà trong số có những nhân vật được nhiều người biết.

CHUYỆN Ở LONG THÀNH

Nói về đời tù thì phải bắt đầu từ ngày 15.6.1975, khi xách gói ra trường Trưng Vương, Sài Gòn, trình diện cải tạo theo yêu cầu “mang theo tiền bạc, đồ dùng đủ xài trong một tháng”. Trại cải tạo Long Thành nguyên là Làng cô nhi Long Thành dưới quyền điều hành của một người tên Tư Sự, sau 30.4.1975, nghe đâu từng là “cơ sở cách mạng”. Ngôi làng cô nhi này một thời là trung tâm từ thiện nức tiếng. Chủ nhật hàng tuần, người thiện tâm lên thăm viếng nườm nượp, hỗ trợ tiền bạc, thực phẩm, thuốc men. Từ tháng 6.1975, làng cô nhi biến thành Trường học tập cải tạo rồi Trại cải tạo Long Thành. Trái với các trung tâm cải tạo tại các tỉnh do địa phương quản lý, Trại Long Thành đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Cục trại giam Bộ Nội vụ nên được đặt tên “15 NV”.

Trại chứa khoảng 3.000 người có dính dáng chế độ VNCH, chia thành bốn khối:

– Khối 1: viên chức các thành phần, gồm viên chức hành chánh từ cấp Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán (Chánh án, Biện lý, Phó Biện lý, Dự thẩm)
– Khối 2: đảng viên các đảng phái: Việt Nam Quốc Dân đảng, đảng Đại Việt, đảng Dân Chủ…, từ cấp Phó Bí thư Quận-Huyện trở lên
– Khối 3: Nhân viên Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình báo từ trung cấp trở lên
– Khối 4: Sĩ quan cảnh sát từ Thiếu tá trở lên

Bốn khối chia nhau khoảng 10-11 dãy nhà. Mỗi nhà mang số thứ tự từ một trở đi, có bốn gian rộng, chứa khoảng 300 người. Khối một gồm thành phần tinh túy của chế độ vừa sụp đổ. Có người từng là Chủ tịch Tối cao Pháp viện như cụ Trần Minh Tiết; Chủ tịch Hạ viện như cụ Nguyễn Bá Lương; Bộ trưởng Tài chánh rồi Cố vấn Tài chánh Phủ Tổng thống như cụ Lưu Văn Tính; Trưởng phái đoàn VNCH trong Hội đàm Ba Lê như ông Nguyễn Xuân Phong; kiến trúc sư lừng danh như ông Ngô Viết Thụ…

Khối hai có hai nhân vật nổi bật là cụ Vũ Hồng Khanh, nguyên lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng, thành viên chính phủ Liên hiệp kháng chiến của Hồ Chí Minh và từng cùng ông Hồ ký với đại diện chính quyền Pháp Sainteny bản Hiệp định sơ bộ Hạ Long 1946. Năm 1975, cụ Khanh đã 77 tuổi, có lẽ là người tù lớn tuổi nhất lúc bấy giờ. Người thứ hai là luật sư Nguyễn Lâm Sanh, cương vị cuối cùng trong chế độ VNCH là Phó Chủ tịch Liên minh Á châu chống Cộng (chủ tịch là ông Phan Huy Quát, nguyên Thủ tướng Chính phủ). Nghe kể ông Sanh từng mở văn phòng luật sư với Nguyễn Hữu Thọ, trước khi ông Thọ bỏ ra khu. Khoảng tháng 9-10.1975, có một đoàn căn cước thuộc Bộ Nội vụ (sau là Bộ Công An) lên trại Long Thành làm hồ sơ căn cước từng người (năm 1976, ông Thọ là Phó Chủ tịch nước). Nghe đâu, một người con trai ông Thọ có tháp tùng đoàn công tác để thăm cụ Lâm Sanh.

Những năm 1975-1978, tại trại Long Thành, có hai đợt tập trung ra Bắc mà anh em tù gọi là đợt “bao bố 1” và “bao bố 2”. Cách gọi này ra đời trong hoàn cảnh sau: một sáng nọ, gần 3.000 trại viên được đưa lên hội trường, nơi các cán bộ từ Sài Gòn thường lên thuyết giảng (có lần “thuyết trình viên” là nhà biên khảo văn học Hoài Thanh, đồng tác giả quyển Thi Nhân Việt Nam). Sáng hôm đó không có bài thuyết giảng nào mà chỉ để thông báo, mà khi nghe qua, cả luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng từng người. Lệnh rằng ai có tên trong danh sách thì đi nhận một chiếc bao bố, dồn hết đồ đạc riêng vào để trại chở đi trước. Đó là một bất ngờ không ai lường trước. Sự nhớn nhác lo sợ bao trùm cả trại. Cuối cùng cả ngàn bao bố đựng vật dụng tùy thân cùng chủ nhân của chúng được đưa về trại 16 NV tại Thủ Đức trước khi xuống tàu ra Bắc. Chuyến “bao bố 2” xảy ra khá lâu sau đó. Những người còn lại khoảng gần 200.

Cuối năm 1978, đầu 1979, hơn 40 trong số gần 200 người được đưa từ Long Thành lên Xuyên Mộc để mở một trại mới gồm ba khu A, B và C. Năm 1979, khi vừa hoàn thành những bước đầu, trại Xuyên Mộc đã đón tiếp các loại “khách”: một là tù hình sự; hai là quân nhân chế độ mới bị án tù; ba là tù “hiện hành” (chỉ những người chống phá chính quyền mới, bị bắt sau 3.4.1975); bốn là một số văn nghệ sĩ miền Nam bị bắt khoảng năm 1976; năm là sĩ quan cấp úy VNCH; và sáu là công chức hành chánh từ Long Thành chuyển lên.

NGUYỄN MẠNH CÔN VÀ DUYÊN ANH

Khoảng tháng 10.1979, 150 tù cải tạo còn lại tại Long Thành được chuyển lên khu B, trại Xuyên Mộc. Vừa bước xuống chiếc xe nhuộm màu đất đỏ Bà Rịa, những người đã sống nhiều năm ở thị thành bỗng nghe vang rền “bài ca” vượn hú chim kêu. Có một loài chim hót vang đều hai tiếng mà người lạc quan nghe ra là “tết về, tết về”, còn người bi quan thì nghe “hết về, hết về”.

Trong chuyến này, tù Long Thành có ít nhất ba cụ được nhiều người biết: cụ Nguyễn Bá Lương, cựu Chủ tịch Hạ viện VNCH; cụ Nguyễn Văn Tho, cựu Trưởng khối Dân tộc Thượng Nghị Viện; và cụ Cao Xuân Thiệu, viên chức cao cấp lâu năm, cháu trực hệ của đại thần Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, Phụ chánh đại thần triều Duy Tân.

Trong số những người đến trước chúng tôi, có ít nhất bốn người thuộc thành phần văn nghệ sĩ: nhà văn Duyên Anh, đội trưởng đội rau xanh số 17, nhà trưởng nhà 2 (tạm gọi theo thứ tự từ nhà 1, tính từ hàng rào trở vào); họa sĩ Đằng Giao, đội trưởng đội rau xanh số 19; nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tác giả những tác phẩm nổi tiếng: Kỳ Hoa Tử, Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn, Đem Tâm Tình Viết Lịch sử, Hòa Bình…Nghĩ Gì…Làm Gì…; và học giả Hồ Hữu Tường.

Vừa nhập trại Xuyên Mộc vào buổi chiều thì buổi tối chúng tôi nhận được tin “nóng” đầu tiên về Nguyễn Mạnh Côn. Trước đó mấy ngày, trong một buổi sinh hoạt có cán bộ trại tham dự, ông Côn đứng lên dõng dạc tuyên bố thời hạn ba năm cải tạo đã hết, ông cần được đối xử như một công dân. Các tù cải tạo trẻ thuộc thành phần hiện hành vốn ngưỡng mộ nhà văn cũng lên tiếng ủng hộ.

Ông Côn bị kết tội xách động và bị biệt giam. Khoảng một tuần sau, có tin gia đình ông lên thăm, bị từ chối cho gặp. Theo qui chế trại giam, người bị kỷ luật biệt giam không được hưởng quyền lợi như tù bình thường, chẳng hạn không được ăn đúng khẩu phần, không được thăm nuôi… Không nhớ bao lâu sau nữa, ông Côn được thả về “nhà” cũ (nhà 2). Lúc đó sức khỏe ông đã suy kiệt. Buồn hơn nữa là vào một buổi trưa đi lao động về, nhiều anh em được tin sáng hôm đó, mấy cậu trật tự (là quân phạm của chế độ mới) giải nhà văn lên cán bộ trực trại (một người tên Hưng, một người tên Độ), sau khi bắt quả tang ông Côn lục túi đồ một đồng phạm để lấy gói mì tôm. Nhiều bạn tù không nghĩ ông tệ đến thế. Trong đời sống trại giam, việc hai ba người góp gạo là chuyện phổ biến. Do đó, việc ông Côn lấy gói mì của một người ăn chung và bị bọn trật tự muốn lập công làm nhục là điều có thể xảy ra.

Bấy giờ, nhà 1, nơi tôi ở, với nhà 2, nơi ông Côn ở (nhà trưởng là Duyên Anh), cách nhau chỉ khoảng 8 mét, ngăn đôi bằng hàng rào kẽm gai. Chiều chiều, anh em mỗi nhà tập trung ngoài sân bên hông nhà, ngồi thành hàng để cán bộ trực trại điểm số và lùa vào trong khóa cửa lại. Một buổi chiều, tôi ngồi chờ điểm số, ngó sang sân nhà 2 qua hàng rào kẽm gai và thấy ông Côn ngồi ở đầu hàng. Ông gầy rộc như một bộ xương, thần sắc không còn chút tinh anh nào. Tôi linh cảm một kết thúc đang đến rất gần với ông. Thật vậy, chỉ mấy ngày sau, ông qua đời.

Sau này, nghe đâu, sự biệt giam và cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là một trong nhiều lý do khiến nhà văn Duyên Anh phải hứng chịu sự hành xử thô bạo ở nước ngoài. Người ta quy một phần trách nhiệm cho anh với tư cách là nhà trưởng nơi ông Côn ở. Đây là điều mà chỉ những người sống ở nhà 2, gần gũi, thân tình với cả hai người mới có thể biết được nội tình. Riêng tôi, người đang kể câu chuyện này, còn nhớ rõ nét về anh “nhà trưởng” Duyên Anh với cảnh mỗi chiều chạy ra chạy vào thét lác anh em sớm tập họp điểm số. Phải chăng sự “năng nổ” và có phần nóng tính này là nguyên nhân gây ra những tai tiếng về anh?

Khác với Duyên Anh, họa sĩ Đằng Giao (tên thật Trần Duy Cát, con rể nhà văn Chu Tử) – đội trưởng Đội rau xanh số 19 – là người điềm đạm, ít nói hơn, nên sau này không ai gán cho tai tiếng gì. Tôi có một kỷ niệm nhỏ về anh: ngày đó, “nhà” chúng tôi đang ở cần tu sửa gấp nên mọi người bị phân tán nhiều nơi, tình cờ, tôi “lạc” vào “nhà” Đằng Giao. Anh và tôi được một lần nằm cạnh nhau, tâm sự đủ thứ gần suốt một đêm dài…

NGUYỄN BÁ LƯƠNG

Trước khi đắc cử dân biểu Quốc Hội, cụ Lương là Trưởng Ty Bưu Điện Phước Long. Vào nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa, mọi hoạt động đều hướng về mục tiêu dân chủ hóa. Dù nền dân chủ còn non trẻ nhưng các luật gia giỏi đã xây dựng được một tập quán dân chủ theo cách tổ chức phương Tây. Để hoạt động hữu hiệu, tránh cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, Hành pháp ráo riết vận động hành lang để lôi kéo nhiều dân biểu, nghị sĩ nghiêng về phía thân chính quyền, hầu đạt được túc số cao trong các cuộc biểu quyết những vấn đề quan trọng.

Hai nhân vật được Phủ Tổng thống sử dụng cho công tác quan trọng này là: dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân nhà bào chế OPV; và ông Nguyễn Văn Ngân, được báo chí gọi tắt là Phụ tá Ngân. Họ giữ cương vị Phụ tá đặc biệt Phủ Tổng thống, xếp ngang Bộ trưởng về mặt hệ cấp (một phụ tá nữa là ông Huỳnh Văn Trọng, phụ tá về chính trị, dính vào vụ án “bí mật đi đêm” với phía miền Bắc và Mặt trận GPMNVN). Một trong những thành công của Hành pháp VNCH bấy giờ là đưa được một công chức tương đối lớn tuổi (so với đa số dân biểu khác) lên làm chủ tịch Hạ viện. Đó là cụ Nguyễn Bá Lương.

Có đọc các công báo Quốc hội VNCH về những buổi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, được ghi đầy đủ bằng tốc ký, mới thấy được sự lúng túng của một ông công chức làm Chủ tịch Hạ viện, hiền lành và không có tính chất tối thiểu của một chính khách. Tội nghiệp nhất là những phiên họp quan trọng, khi không khí trên diễn đàn căng thẳng, rối rắm, và mặc cụ Chủ tịch liên tục gõ búa, các dân biểu trẻ vẫn nhao nhao đăng đàn chỉ trích, thậm chí nặng lời với cụ.

Sang nhiệm kỳ hai Quốc hội VNCH, ghế Chủ tịch Hạ viện về tay ông Nguyễn Bá Cẩn, tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Quốc Gia Hành Chánh (đầu thập niên 1950), từng làm Quận trưởng thời Ngô Đình Diệm, sau đó là Phó Tỉnh trưởng tại nhiều tỉnh. Tháng 4.1975, trong chính phủ áp chót của chế độ VNCH, ông Cẩn là Thủ tướng Chính phủ. Tôi, người viết bài này, vẫn còn giữ nghị định được ông bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo kinh tế cấp tỉnh. Nghị định ký ngày 22.4.1975, về đến địa phương ngày 28.4.1975.

Tháng 6.1975, cụ Nguyễn Bá Lương trình diện tại Trại Long Thành (tên ban đầu là Trường 15 NV). Tháng 9.1979, khoảng 150 trại viên Trại Long Thành được đưa lên Trại Xuyên Mộc mới lập. Mỗi xe chở chừng 30 người. Chỉ có một cán bộ áp giải. Hai người tù chia nhau chiếc còng số 8. Cụ Lương cùng cụ Nguyễn Văn Tho, Trưởng khối Dân tộc Thượng viện được miễn còng, nhưng phải ngồi sát cabin xe. Tại Trại Xuyên Mộc, cụ Lương ở chung đội với tôi. Chúng tôi lao động rất nặng nhọc: thu dọn cây cối do đội lâm sản đi trước cưa; vỡ đất rừng cứng như xi măng để trồng khoai lang, bắp… Cụ Lương được phân công việc nhẹ hơn: lượm lặt chà cây, chất đống…

Tại Xuyên Mộc, người tù sau buổi lao động được tắm trên một khúc sông Ray. Muốn đến bờ sông phải leo xuống đoạn dốc hàng chục thước. Mỗi lần như vậy, tôi nắm tay dìu cụ Lương, mà nếu đi một mình, cụ không bao giờ lên nổi. Lần cuối cùng tôi dắt tay cụ Lương là một chiều thứ sáu. Tại dãy nhà 1, nơi cụ và tôi ở, chỗ ngủ có hai tầng. Bọn “trẻ” thích ở tầng cao, ban đêm được chút ánh sáng, khoảng khoát hẳn; người có tuổi và những anh ngại leo trèo thì nằm tầng dưới. Tôi nằm tầng trên, gần cửa ra vào, còn cụ Tho và cụ Lương ngủ tầng dưới, phía trong dãy nhà. Hai cụ già hủ hỉ với nhau.

Sáng chủ nhật hôm đó, chỉ sau hơn một ngày kể từ buổi chiều tôi dắt tay cụ lên khỏi dốc ở sông Ray, cụ Tho – khi thấy người bạn già vẫn chưa dậy sớm như mọi hôm, bèn thò tay vào mùng lay – thì phát hiện cơ thể cụ Lương đã lạnh ngắt tự bao giờ. Mọi người xúm lại, khiêng cụ Lương đi qua chỗ tôi nằm. Tôi chỉ kịp thoáng thấy cụ lần cuối. Những người được trưng dụng ra bìa rừng đào hố chôn cụ Lương là tù trật tự. Xong việc, họ về báo một “tin vui”: sau khi chôn cụ, một cán bộ “long trọng” đọc quyết định “phục hồi quyền công dân” cho cụ!

Lê Nguyễn - Chút ký ức sau 30.4.1975 ( tiếp)

Gặp Hồ Hữu Tường
Với nhân vật Hồ Hữu Tường, nhiều sách báo, tư liệu đã viết khá đầy đủ. Chỉ xin kể lại vài điều mắt thấy tai nghe…

Hồi trẻ, lần đầu tiên tôi biết tên tuổi cụ Hồ Hữu Tường qua tác phẩm Phi Lạc Sang Tàu xuất bản khoảng năm 1945-1946. Cụ nổi tiếng với tập truyện này vì qua những câu chuyện nửa hư, nửa thực có hướng tiên đoán thời cuộc thế giới, cụ đã dự đoán trúng phóc một sự kiện xảy ra 3-4 năm sau đó: đó là sự kiện lực lượng quân sự của Mao Trạch Đông chiếm toàn bộ đại lục Trung Hoa năm 1949… Cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, cụ Hồ Hữu Tường sống ở Paris, Pháp, chủ trương nhà xuất bản Đông Phong, ấn hành một số tác phẩm, trong đó có ít nhất ba tác phẩm của cụ: Thu Hương, Chị Tập và Gái nước Nam làm gì. Giữa thập niên 1950, cụ về Việt Nam, hợp tác với các lãnh tụ tổ chức Bình Xuyên, với vai trò cố vấn (theo báo chí, tài liệu đương thời). Sau khi lực lượng Bình Xuyên bị tiêu diệt, cụ cùng một số nhân sĩ bị truy tố ra tòa khoảng năm 1957 và bị kết án tử hình, giam tại Côn Đảo.

Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1.11.1963), cụ Hồ Hữu Tường được trả tự do. Năm 1964, cụ đăng loạt bài “Trầm tư của một người tội tử hình” trên tạp chí Bách Khoa, và cho xuất bản nhiều tác phẩm như “Phi Lạc bỡn Nga”, “Phi Lạc náo Hoa Kỳ”, “Diễm Hồng xuất giá”, “thằng Thuộc con nhà nông”…

Năm 1967, cụ Hồ Hữu Tường bắt đầu lại cuộc đời hoạt động chính trị qua việc ứng cử dân biểu Quốc hội. Trong thời gian vận động tuyển cử, Đài phát thanh Sài Gòn dành mỗi ứng cử viên thời lượng phát biểu ngang nhau và phát biểu của cụ Tường độc đáo hơn cả. Trong lúc hầu hết ứng cử viên vẽ ra những chương trình hoạt động đao to búa lớn, cụ phát biểu vắn tắt, đại khái chỉ nói rằng cụ nguyện làm cục đá, đồng bào có lăn vào Quốc Hội thì lăn. Cử tri đã “lăn” cụ vào thật. Hoạt động của cụ tại Quốc Hội không thấy có gì nổi bật, ngoại trừ sự kiện đầu tháng 9.1969, sau khi có tin Hồ Chí Minh qua đời ở miền Bắc, cụ đứng giữa Hạ viện, đề nghị lập phái đoàn ra Hà Nội viếng. Tất nhiên, đề nghị của cụ không được tán đồng.

Năm 1971, trong lần bầu cử Quốc hội khóa sau (1971), cụ Hồ Hữu Tường và con trai là kỹ sư Hồ Xích Tú (được cụ dùng tên để mô tả nhân vật Xích Tử trong Phi Lạc Sang Tàu) cùng ra tái cử và ứng cử, song đều thất cử. Về đời sống chính trị của cụ Hồ Hữu Tường, nhiều người biết cụ thuộc nhóm trí thức miền Nam theo nhóm Đệ Tứ quốc tế mà hai người nổi bật là Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu. Trong thời gian sống ở Pháp, cụ quen biết một số nhân vật có tiếng. Sự kiện được nhiều người nhắc lại là lá thư của văn hào Albert Camus, giải Nobel văn chương 1957, gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm, đề nghị trả tự do sau khi bản án tử hình tuyên cho cụ vào năm 1957.

Những năm 1960, một trong những đòi hỏi của chính quyền miền Bắc và nhiều thành phần chống lại chính quyền VNCH là trung lập hóa miền Nam Việt Nam. Yêu cầu này bị chính quyền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa chống lại triệt để, với lập luận rằng trung lập hóa là bước khởi đầu của việc Cộng sản hóa toàn bộ miền Nam. Những dịp này, người ta nhắc nhiều đến chủ thuyết Trung lập của cụ Hồ Hữu Tường, song cũng nhiều lần cụ minh xác là thuyết của cụ là “Trung lập chế”, không giống hình thức “trung lập hóa” miền Nam đang là đề tài sôi nổi trên chính trường. Thuyết của cụ như thế nào, người viết bài này chưa có dịp tìm hiểu kỹ.

Tại Trại Xuyên Mộc, cụ Hồ Hữu Tường ở cùng nhóm văn nghệ sĩ bị bắt năm 1976, trong đó có nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn Duyên Anh, họa sĩ Đằng Giao… Tôi không ở chung nhà với cụ, song vì lòng ngưỡng mộ đã lâu, nên mỗi trưa cùng xếp hàng ngồi trên mảnh sân rộng chờ trực trại gọi tên từng đội ra ngoài lao động, tôi thường dõi mắt nhìn theo cụ. Hình ảnh mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ là một cụ già với vẻ hiền hậu, chất phác, phảng phất nét chịu đựng của một con người từng trải qua quá nhiều thăng trầm, cuối đời lại trở thành một người tù bệnh hoạn.

Mỗi trưa đi lao động, cụ mặc chiếc quần đùi màu đen, áo bà ba dài tay cũng bằng vải đen, đầu đội chiếc nón cối nhựa, tay xách lủng lẳng chiếc lon guigoz mà hầu hết người tù đều dùng để đựng nước uống. Mỗi lần đội của cụ được gọi tên, cụ đứng dậy bước đi với đôi chân sưng vù. Tôi nhìn theo mà lòng trào dâng niềm thương cảm mênh mang. Một trưa nọ, trong lúc anh em chờ gọi đi lao động, trại loan báo một tin bất ngờ, có hai trại viên được lệnh chuyển đến trại Hàm Tân. Đó là Hồ Hữu Tường và Duyên Anh. Cái kết của đời cụ nhiều người đã rõ, một thời gian sau, cụ bị bệnh nặng, được trại Hàm Tân cho đưa về nhà, và cụ đã mất tại nhà. Dù sao cụ cũng may mắn hơn cụ Nguyễn Bá Lương và nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.

CurVMMHNVU2EwiHqiGDXvIEQeLGh4yhCH6YiQEbCjYkfH3BA5hFUtGUYU55uXXRBonGT5ezZogom-cQS-doXnAM1xxBenCd_wXfkPUUysx49OKJARN4cDjkjBoFuq12joxdJUl-XwDaQsKtxQQ
Trong một trại cải tạo (internet)

Đôi dòng tâm tình

Với thế hệ độ tuổi 20-40 vào thời điểm 30.4.1975, quá khứ, hiện tại và tương lai đầy rẫy những bất ngờ. Ngọn gió thời cuộc thổi họ bay tứ tán, từ trại cải tạo đến khu kinh tế mới, rồi những cuộc vượt biên kinh hoàng và cuối cùng số phận đưa đẩy đến nhiều đất nước khác nhau. Qua thời gian, sự khác biệt địa lý cũng tác động ít nhiều đến cách nhìn, quan điểm đối với những người đồng cảnh ngộ trước đây. Điều đáng tiếc là một số người tù cải tạo sau 30.4.1975, sau khi trở về đời sống bình thường, lại trở thành tâm điểm của những phán xét cùng cách hành xử “cứng rắn”.

Hai người nổi tiếng tiêu biểu cho trường hợp này là nhạc sĩ Vũ Thành An và nhà văn Duyên Anh. Hồi chúng tôi còn ở Trại Long Thành, lúc đó còn cái tên “Trường 15 NV”, Vũ Thành An là Trưởng ban văn nghệ trường. Khoảng giữa năm 1976, tôi cùng vài bạn tù có hơn một tháng tập vở kịch có tên “Lửa Thù Sơn Mỹ” với sự chứng kiến của anh An và hai cán bộ trại là Trưởng ban Giáo dục, trung úy Đức; và Phó ban là Thượng sĩ Mạnh. Anh An đi Bắc trong đợt “bao bố 1” nên tôi bặt tin từ đó. Nay được biết anh đã là một nhà tu tại Mỹ. Duyên Anh từ lâu đã là người thiên cổ. Vợ anh cũng vừa mất. Ta không nên nhắc lại những gì anh đã trải qua và chịu đựng lúc còn sống.

Đã 45 năm qua rồi, chỉ mong với những ai còn tồn tại trên cõi đời này, nên nhìn những người một thời cùng chia sớt nhau từng chén cơm tù với lượng bao dung, và đặt mình vào tình huống riêng rẽ trước khi mang nhau ra phán xét. Cũng xin nói một sự thật là trong đời sống trại giam, một khi được cán bộ trại chỉ định làm một “chức sắc” như đội trưởng, đội phó, nhà trưởng, nhà phó, thì trong con mắt họ, bạn là người mà họ có thể khai thác. Khai thác được tới mức nào là tùy khả năng của anh cán bộ và nhất là khả năng “xoay xở” của người tù. Khi trở thành “tù chức sắc”, bạn phải tiếp xúc thường xuyên với cán bộ trại giam để báo cáo những công tác mà họ giao bạn làm. Bạn cũng thường xuyên đối mặt những câu hỏi đại loại: tâm trạng anh em như thế nào, có “yên tâm cải tạo” không, anh nào tỏ ra bất mãn, anh nào lười lao động, anh nào phát ngôn bừa bãi…

Bản lãnh và thực tâm của người “tù chức sắc” sẽ thể hiện trong những tình huống này. Nếu muốn che chở cho bạn tù, anh ta sẽ báo cáo cầm chừng, giấu những chi tiết mà bạn mình có thể bị lưu ý, trừng phạt; còn nếu muốn “lập công chuộc tội” để được xét tha tù sớm, hoặc để thanh toán một “ân oán” đang chi phối quan hệ giữa anh ta với ai đó, thì đó cũng dịp tốt nhất. Phán xét một người “tù chức sắc” như thế là điều không dễ. Nó đòi hỏi sự sáng suốt, công tâm và cái nhìn bao dung đối với những người đang ở tận cùng đáy xã hội. Đôi khi hoàn cảnh cùng cực, những mơ ước quá tầm thực hiện biến họ thành con thuyền chòng chành giữa làn sóng dữ và có thể ngửa nghiêng bất cứ lúc nào.

Sự “chòng chành” đó đã khiến nhiều người – chức sắc cũng như không chức sắc – sa ngã. Thời đó, khái niệm “ăng-ten” (antenne) rất phổ biến, dành chỉ những người tù chấp nhận làm những việc có thể có hại cho bạn đồng cảnh ngộ để mưu cầu một quyền lợi riêng tư, chẳng hạn được giao việc nhẹ, được đề nghị cho về sớm. Thành phần này gây nhiều xáo trộn trong tâm lý cũng như cách hành xử của anh em tù với nhau và không ít chuyện đau lòng đã xảy ra. Nhân ngày 30 tháng 4, nhắc chút kỷ niệm cũ, mong rằng trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn, mỗi con người biết yêu thương nhau, đùm bọc nhau và bao dung với nhau, hơn là gợi lại oán thù và nhớ lại những thù hằn ân oán quá khứ.

Lê Nguyễn

Nguồn : https://saigonnhonews.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn