Christopher E. Goscha - So sánh các nền quân chủ thuộc địa và những sự phi thuộc địa trong Đế quốc Pháp: Bảo Đại, Norodom Sihanouk và Mohammed V

Thứ Ba, 14 Tháng Tư 20204:00 SA(Xem: 6677)
Christopher E. Goscha - So sánh các nền quân chủ thuộc địa và những sự phi thuộc địa trong Đế quốc Pháp: Bảo Đại, Norodom Sihanouk và Mohammed V
5f9d92d93046d67649f48280b8ddbbb5
Hoàng đế Bảo Đại
Tóm tắt

Bằng cách dựa vào việc nghiên cứu các trường hợp Mohammed V ở Maroc, Norodom Sihanouk ở Campuchia và Bảo Đại ở Việt Nam, bài này nỗ lực để hiểu tại sao một số quốc vương được người Pháp đưa lên cầm quyền trong thời kỳ thuộc địa có thể sống sót đến giai đoạn phi thuộc địa trong khi những người khác đã thất bại. Nếu lịch sử cá nhân của mỗi vị vua này được biết rõ, việc nghiên cứu so sánh những hành động của họ và bối cảnh lịch sử trong đó họ hoạt động, cho phép hiểu tốt hơn những lý do tại sao những quốc vương thuộc địa như Mohammed V và Norodom Sihanouk đã có thể biến thành cha già khai quốc ở đất nước tương ứng của họ, trong khi Bảo Đại đi vào lịch sử như là một con rối của người Pháp.

~*~
"Tôi ngỏ lời với dân tộc Pháp, với đất nước thủa niên thiếu của tôi. Tôi cũng ngỏ lời với vị đứng đầu và là người giải phóng đất nước này, và tôi muốn nói trên cương vị bằng hữu hơn là trên cương vị Quốc Trưởng... Xin làm ơn hiểu rằng phương tiện duy nhất để giữ được những lợi ích của Pháp và ảnh hưởng tinh thần của Pháp ở Đông Dương là thẳng thắn công nhận nền độc lập của Việt Nam và từ bỏ mọi ý tưởng thiết lập lại ở đây quyền chủ quyền hoặc nền hành chính của Pháp dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta có thể dễ dàng thông hiểu và trở thành bằng hữu nếu các bạn muốn chấm dứt tham vọng tái trở thành những vị chủ của chúng tôi." - Hoàng đế Bảo Đại gửi tướng Charles de Gaulle, ngày 20 tháng tám năm 1945 (1)
Khi hoàng đế Bảo Đại ngỏ thông điệp này với tướng de Gaulle, chiến tranh Thái Bình Dương vừa kết thúc vào giữa tháng tám năm 1945, và chính quyền Pháp hối hả lấy lại nhà nước thuộc địa mà một vài tháng trước đó đã thoát khỏi họ rơi vào tay người Nhật. Nhưng Bảo Đại không chỉ viết những dòng này mà thôi: ông thoái vị ngày 25 tháng tám, và trong những ngày sau đó giao ấn kiếm hoàng triều cho nước Cộng hòa mới của Việt Nam tập hợp xung quanh gương mặt lôi cuốn của Hồ Chí Minh. Người Pháp sững sờ. Vị quốc vương nổi tiếng nhất của đế quốc, người thanh niên khiêm nhường và ôn hòa ngày xưa, những năm 1920 được chính quyền thuộc địa gửi đi Pháp để hoàn thiện việc giáo dục của mình, nay vừa quay ra chống lại họ! Đáng lẽ họ phải buộc tay ông lại. Đáng lẽ ông đã không thể tự mình quyết định điều này (2). Tuy nhiên, trong quá khứ ông đã thể hiện sự kháng cự và ông sẽ tiếp tục. Một vài năm sau đó, Jean Cousseau, một trong những kiến trúc sư Pháp của cái sẽ được gọi là "Giải pháp Bảo Đại", thổ lộ với một nhà báo bằng một giọng giận dữ:
"Mặc kệ. Bảo Đại tin mình là người láu cá nhất. Ông ta muốn làm điều ông ta gọi là trò chơi của mình. Điều này có lẽ sẽ kết thúc tồi tệ cho chúng ta, nhưng nó cũng sẽ kết thúc còn tồi tệ hơn cho ông ấy, hãy nhớ những điều tôi nói (3)."
Dưới con mắt của quan chức hành chính này, hoàng đế rõ ràng không hề là một con rối.

Ông đã không là con rối, ông cũng không là quốc vương duy nhất của Đế quốc Pháp đã thách thức như thế sự thâu tóm thuộc địa, sau cuộc xung đột - tức Chiến tranh thế giới thứ hai - mà đã làm biến đổi sâu sắc tương quan lực lượng sở tại. Đầu năm 1943, trong một chuyến dừng chân ở Casablanca trong khuôn khổ những thương lượng tiến hành sau khi Đồng Minh giải phóng Bắc Phi, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ăn tối với vua Maroc Mohammed V. Trong khi Winston Churchill và những quân sư thuộc địa của vua quan sát cảnh huống này, lãnh đạo nước Mỹ nói với vị quốc vương trẻ tuổi về một thế giới phi đế quốc. Mặc dù bị sự kiểm soát thuộc địa do người Pháp duy trì, vị sultan (vua hồi giáo) ngày hôm đó đã có thể nhận thức được việc được đối xử như một quốc trưởng thực thụ là thế nào. Trong suốt thập niên sau đó, ông tỏ cho biết rõ rằng ông sẽ không là một con tốt thuộc địa nữa. Giữa những năm 1950, vị sultan, ngai vàng và con người hoàng gia của ông đã thực sự lột xác thành một biểu tượng của sự thay đổi chính trị, văn hóa và xã hội. Năm 1953, khi sự kháng cự của ông đối với quyền lực thuộc địa đã quá sâu rộng, người Pháp đày ông đến Madagascar. Bằng việc này, họ làm cho ông trở thành một vị thánh tử đạo, người Maroc thuộc mọi tầng lớp xã hội ủng hộ ông, cũng như chủ trương độc lập mà ông là hiện thân. Ít nghiêng về việc gây chiến, vào tháng 11 năm 1955, người Pháp cho phép vị sultan long trọng trở lại Rabat, dưới tiếng hoan hô của hàng ngàn người ủng hộ. Sự kiện này là điềm báo trước sự phi thuộc địa hóa của Maroc và của quốc vương của họ.

Nhưng không chỉ có cái gai Maroc. Ở Campuchia, cái gai tên là Norodom Sihanouk. Vị vua nhã nhặn, bồng bột và là người thích nhạc jazz này đã được toàn quyền Đông Dương tôn vương vào năm 1941, dưới thời chính quyền Vichy. Giữa năm 1945, khi chính quyền Vichy không còn và người Nhật bị phe Đồng Minh đánh bại, Sihanouk mở rộng vòng tay chào đón sự trở lại của người Pháp ở Campuchia (5). Nhưng khi những người cộng hòa Campuchia gây áp lực lên người Pháp để họ chấp thuận cho nước này độc lập và khi những thành phần ly gián phát động bởi Hồ Chí Minh lan la trong toàn bộ Đông Dương, và khi một loạt các lãnh đạo ở Đông Dương và vùng Maghreb dự định ra khỏi Liên Hiệp Pháp, Sihanouk đầu những năm 1950 nhanh chóng nhận ra rằng một sự cộng tác thuộc địa vào thời kỳ phi thuộc địa hóa có thể khiến ông trả giá đắt. Năm 1953, trong một sự trở mặt bất thường, Sihanouk lao vào cuộc vận động hoàng gia giành độc lập. Ông đi đến Paris và Washington trước khi trở về đi khắp các phế tích của tổ tiên ở Angkor Vat. Ông tuyên bố rằng ông chỉ trở về thủ đô Phnôm Pênh một khi người Pháp chấp nhận cho Campuchia độc lập toàn bộ. Giống như với Maroc, người Pháp đành chấp nhận việc này và tháng mười một năm 1953, Sihanouk có thể quay trở lại Phnôm Pênh thắng lợi. Thực dân Pháp và những người quốc gia Campuchia kinh ngạc quan sát sự tự nguyện biến đổi từ quốc vương trung thành nhất của Đế Quốc trở thành cha đẻ của nền độc lập Campuchia. "Các ông à, quốc vương điên rồ" người chỉ huy quân đội Pháp ở Campuchia thời đó nói về Sihanouk, "nhưng là một sự điên rồ tài tình (6)".

Thật trớ trêu, Bảo Đại vị vua duy nhất trong các quốc vương được nghiên cứu ở đây, năm 1945, đã theo một đường lối thẳng thừng chống thực dân nhưng lại bị xếp vào lịch sử với vai trò là một con rối thuộc địa. Ngày nay ông an nghỉ, giống hình ảnh số phận bi đát của ông, dưới một phiến đá mồ màu đen và bình thường, trong một nghĩa trang Paris, trong khi hàng ngàn du khách vẫn đổ về những đài tưởng niệm được dựng lên ở Rabat và Phnôm Pênh để tỏ lòng tôn kính những vị cha đẻ quốc gia Maroc và Campuchia (7). Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi trọng tâm của bài luận này: tại sao một số quốc vương thuộc địa (nói cách khác, được tôn vương và gọt dũa bởi chính quyền thực dân) vẫn tồn tại được đến thời phi thuộc địa còn những vị khác thì không? Để trả lời câu hỏi này, khuôn khổ so sánh trong số đặc biệt về Maghreb và Đông Dương này cho phép xem xét bốn khía cạnh có thể. Để bắt đầu, phải nhắc lại bản chất khi ấy của nền quân chủ thuộc địa Pháp trong mỗi khu vực bảo hộ này là như thế nào. Điểm thứ hai, xem xét những tình huống đặc thù địa phương cũng như quốc gia và quốc tế, đã cho phép Mohammed V và Norodom Sihanouk phi thuộc địa hóa đất nước và ngai vàng của họ thành công, trong khi Bảo Đại thất bại thảm hại trên con đường này. Phần thứ ba, tự hỏi trong chừng mực nào những cá tính riêng của các vị vua này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy định mệnh hậu thuộc địa của họ. Và để kết thúc, phân tích những chiến lược mà họ đã sử dụng - hoặc không - để tự chuyển hóa. Dưới đây được trình bày tuần tự thành ba màn, đi theo trình tự thời gian trong mỗi phần dành riêng cho một vị vua, trước khi quay lại kết luận về trường hợp Bảo Đại.

Màn I. Bảo Đại và những hạn chế của việc phản kháng thụ động (8)

Trong suốt nửa thứ hai của thế kỷ XIX, người Pháp chinh phục và chiếm làm thuộc địa vương quốc Việt Nam do nhà Nguyễn cai trị từ năm 1802. Bước vào thế kỷ XX, họ đã chia cắt đất nước thành ba phần: một xứ thuộc địa ở phía nam, tức Nam Kỳ, và hai xứ bảo hộ nằm ở phía bắc đất nước, là An Nam ở miền trung và Bắc Kỳ trải rộng suốt đồng bằng sông Hồng. Nước Việt Nam như thế bị chia nhỏ và hơn nữa bị sáp nhập vào một nhà nước thuộc địa rộng lớn hơn được gọi là Đông Dương thuộc Pháp (1887), mà nó bao gồm cả các chế độ quân chủ Lào và Campuchia. Về mặt lý thuyết, với tư cách là một nước được bảo trợ, chế độ quân chủ nhà Nguyễn đáng lẽ phải từ nơi Hoàng thành Huế tiếp tục quản lý các công việc địa phương, trong lúc người Pháp nắm trong tay việc ngoại giao, an ninh và vấn đề quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế quyền lực thực sự nằm trong tay các công sứ.

Mặc dù họ thực hiện kiểm soát chế độ quân chủ nhà Nguyễn, người Pháp không bao giờ tin tưởng những vị vua được họ bảo trợ. Khi năm 1888, họ bắt vị vua trẻ Hàm Nghi, ngài đã được những người ủng hộ đưa ra ngoài hoàng thành đến những đồi lân cận để ra chiếu kêu gọi nhân dân đoàn kết chống thực dân, chính quyền thuộc địa đã nhanh chóng đưa ông đi an trí ở Algérie và họ tự chỉ định một vua mới, dễ bảo hơn, để thay thế ông. Mặc dù sự cẩn trọng này, người Pháp rất sợ các vua này quay lại chống họ và sợ họ huy động nhân dân chống lại những người xâm lược ngoại bang qua trung gian nền hành chính dựa trên các nguyên tắc Nho giáo và sự trung quân. Thời đó có nhiều quan chức hành chính nói về lòng trung quân ái quốc ăn sâu mạnh mẽ ở Việt Nam với sự ngưỡng mộ. Sự sợ hãi bùng lên năm 1907 khi hoàng đế Thành Thái, rồi tiếp theo là Duy Tân con ông, một thập kỷ sau, tìm cách thoát khỏi người Pháp để đi theo những người chủ chương chống thuộc địa. Họ ẩn náu và đi lại ở rìa xung quanh Đông Dương. Cả hai đều bị bắt, bị phế truất và bị đày ra đảo La Réunion (9).

Thật ngược đời, sự ngờ vực này của người Pháp pha lẫn với sự tôn trọng đối với nền quân chủ Việt Nam có vẻ quyến rũ. Đến nỗi mà một nhóm những quan chức hành chính thuộc địa có ảnh hưởng của chế độ bảo hộ An Nam - Bắc Kỳ đã đi đến việc xem xét thật nghiêm túc khả năng, bất chấp sức mạnh ái quốc do nền quân chủ Nho giáo bảo toàn, rằng vương quốc và người đại diện của nó có thể dùng làm công cụ mạnh mẽ để cai trị gián tiếp "quần chúng", với điều kiện là thao túng họ một cách đúng đắn. Nhiều viên chức hành chính đi vào phục vụ nền bảo hộ ở thời kỳ bước sang thế kỷ XX, đã ngụp lặn trong lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của "An Nam xưa" và như thế trở thành những người bảo hoàng trong số những người nhiệt thành nhất ở Đông Dương. Trong số những người này, ta có thể kể đến như Pierre Pasquier, Léon Sogny, Eugène Charles, René Robin và thậm chí nhân vật mà chúng ta nói đến ở trên, Jean Rousseau, người năm 1949 vẫn thử thuyết phục Bảo Đại rằng ông vẫn là Thiên Tử. Ba người đầu tiên bản thân là những chứng nhân của sự nổi dậy của Thành Thái và của Duy Tân. Việc phục vụ lâu dài của họ ở Việt Nam và công việc của họ với chế độ quân chủ và những quan lại ở Huế đã làm họ thành những người cố vấn thiết yếu cho các toàn quyền được chính quốc gởi đến.

Chính trong bối cảnh này mà toàn quyền Albert Sarraut trong những năm 1910 đã hợp sức mình với Pierre Pasquier và Eugène Charles để làm cho hoàng thái tử Bảo Đại và ngai vàng thành những công cụ tin cậy cho việc cai trị gián tiếp. Họ cùng nhau thuyết phục thành công hoàng đế cuối cùng Khải Định giao con trai chín tuổi cho họ. Ý tưởng là để uốn nắn hoàng tử làm cho ông, ngay khi còn nhỏ, thành một ông vua phục tùng, để giáo dục trực tiếp cho ông hiểu con người và lối sống Pháp mà đồng thời vẫn bám rễ trong "truyền thống" hoàng gia của riêng ông.

Pasquier với Charles là những khâm sứ An Nam đặc biệt có ảnh hưởng. Pasquier là một nhà bác học lớn, ông hiểu biết chế độ bảo hộ và chế độ quân chủ đến những chi tiết nhỏ nhất. Năm 1907, ông đã xuất bản sách lịch sử chi tiết về chế độ quân chủ Việt Nam có tựa đề L'Annam d'autrefois (An Nam xưa kia). Hơn nữa ông làm việc cộng tác chặt chẽ với các quan lại An Nam và Bắc Kỳ và vẫn tỏ ra sẵn sàng dùng họ để cai trị một cách hiệu quả. Năm 1907, sau khi dẫn một phái đoàn quan lại đến Pháp, ông khuyến nghị chính phủ đưa những tinh hoa Việt Nam này đến "sự tiến bộ" bằng cách gởi nhiều người họ đi học ở Pháp là nơi mà
"từ nay họ sẽ có đủ khả năng hơn để nắm bắt lập luận của chúng ta, cứu cánh của những hành động của chúng ta. Họ có thể bổ trợ hữu ích giữa ý nghĩ của quần chúng nhân dân và tư tưởng chỉ đạo của nền bảo hộ của chúng ta (10)"
Ông cũng nhấn mạnh đến việc nói rằng những quan chức người Pháp phải chìm ngập trong văn hóa Việt Nam, trong những truyền thống của nó và phải nắm vững ngôn ngữ (chính là điều mà Jean Cousseau đã làm)

Với sự đang lên của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Sarraut, Pasquier và Charles càng tỏ ra kiên quyết hơn nhằm thực hiện theo hướng này. Lúc đầu, điều này bao gồm việc lấy hoàng thái tử khỏi ngôi nhà hoàng tộc để đưa cho gia đình Charles chăm sóc hướng đến hoàn thiện việc giáo dục Pháp-Việt cho ông. Năm 1922, Pasquier đưa ra những chỉ dẫn sẽ được dùng làm kế hoạch chỉ đạo cho việc giáo dục hoàng đế tương lai:
"Trong năm, sáu năm sống ở hải ngoại, anh ta sẽ phải thủ đắc được không phải một sự đào tạo thuần trưởng giả, nhưng là một sự giáo dục [được in nghiêng trong bản gốc] khiến cho anh thậm chí hiểu và cảm nhận được tất cả những gì là hài hòa văn minh trong xã hội cũng như trong phong tục Pháp. Tất cả những gì mà "nước Pháp dịu hiền", trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, trong mọi trật tự, chứa đựng nghệ thuật, cái đẹp. Hãy để anh ta được vuốt ve bởi làn gió thanh lịch của vùng Île de France nhưng anh ta đừng có thời gian uống những hơi quá dài bầu khí quá mãnh liệt của tự do. Làm cho hoàng tử thủ đắc được ý nghĩa sự lịch thiệp kiểu Pháp, trong hình thức và trong tư tưởng của chúng ta, ở việc giao thiệp với những thanh niên mà nơi những người này còn giữ được các phong tục vẫn làm cho chúng ta là một dân tộc lịch sự nhất thế giới dưới mắt người ngoại quốc, [...] hãy làm cho Vĩnh Thụy (Bảo Đại) thành một hoàng tử lịch lãm, duyên dáng, có khiếu về nghệ thuật, thấu hiểu (sic) tâm hồn Pháp, nói rõ ngôn ngữ của chúng ta, đủ khả năng hiểu được văn minh của chúng ta, nhưng bởi chính điều này cũng đủ khả năng để không chối bỏ điều gì của quá khứ riêng của anh, đồng thời sau này thành vị vua nhấn mạnh việc phát triển nước mình theo chiều hướng của Pháp; đó là mục đích cần hướng tới (11)"
Và đúng là như vậy. Dưới sự chú tâm giám sát của Pierre Pasquier và Albert Sarraut, gia đình Charles giáo dục Bảo Đại theo phong tục quý tộc nhất, đầu tiên ở Huế rồi ở Paris. Họ khai tâm cho ông các môn thể thao hiện đại như đá banh, cưỡi ngựa đồng thời trông chừng ông tránh những "chủ nghĩa" nguy hiểm mà ông có thể gặp phải trong suốt quá trình học tập của mình. Trừ một lần chóng vắn quay lại Huế năm 1926, nơi ông được tôn làm vua sau khi cha ông băng hà, Bảo Đại trải qua những năm tháng rèn đúc nhất của cuộc đời mình ở Pháp, ở nhà gia đình Charles, dưới con mắt chăm chú theo dõi của cha mẹ nuôi thực dân. Ông nhanh chóng nói được một tiếng Pháp hoàn hảo và giao thiệp với nhóm các tinh hoa quý tộc Paris. Sarraut và Pasquier đã rất tự tin vào vị vua thuộc địa mới của họ đến nỗi họ cho ông ngồi vào trung tâm trong buổi lễ khai mạc triển lãm thuộc địa quốc tế nổi tiếng ở Vincennes năm 1931. Bảo Đại hôm đó không phát biểu lời nào; trước mặt ông không có bất kỳ thần dân nào. Nhưng ông làm biểu tượng cho Đế quốc Pháp, được bày ra dưới mắt mọi người trong buổi khai mạc này.

Một năm sau đó, khi những cuộc nổi dậy quốc gia và cộng sản trở nên kịch liệt ở Bắc Kỳ và ở An Nam, người Pháp nhanh chóng đưa vị quốc vương trẻ tuổi trở về Đông Dương để hoàn tất phần quan trọng nhất của cái mà Sarraut gọi là "kinh nghiệm" Bảo Đại: nói cách khác, đưa ông trở lại ngai vàng và huy động sự ủng hộ của dân chúng, là những người bị cuốn hút một cách nguy hiểm bởi các tân lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản cũng như bởi những hình thức tổ chức xã hội chính trị mới. Như điều những người thực dân giám hộ của ông đã lặp lại với ông, chỉ cần vị vua trẻ rời khỏi các bức tường của cung điện. Ông phải đi khắp cùng các vùng quê để tạo sự tiếp xúc với thần dân của mình. Như đã thỏa thuận, ê-kíp của Pasquier tổ chức một loạt các chuyến công du hoàng gia đưa Bảo Đại đến vùng quê Việt Nam giữa những năm 1932 và 1934.

Giống như người cùng cương vị với mình ở Maroc, Bảo Đại tỏ ra sẵn lòng làm việc với người Pháp; nhưng để đổi lại sự hợp tác này, hoàng đế chờ đợi ở họ việc họ sẽ giữ lời hứa của mình về cải cách và tôn trọng hiệp ước bảo hộ. Điều này có nghĩa là nhường lại một số quyền cho chế độ quân chủ, kích thích phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước, cải thiện tình cảnh người dân trong giai đoạn rối ren này. Tin chắc rằng vị vua sẽ làm theo những mong đợi chính thức, và được yêu cầu nhượng bộ trong bối cảnh những cuộc nổi dậy đầu những năm 1930 này, Pasquier cho phép Bảo Đại thành lập một chính phủ tại Huế; ông cũng cho phép Bảo Đại đề ra nhiều thay đổi và chiêu mộ những nhân vật hứa hẹn từ giới tinh hoa như người công giáo cải cách Ngô Đình Diệm. Nhưng khi mong muốn thay đổi do vua và ê-kíp của ông bày tỏ có vẻ lấn qua quyền lực thuộc địa, Pasquier ngay lập tức quay ngoắt lại: Diệm từ chức, các cải cách thất bại, và cùng với chúng là toàn bộ viễn cảnh nhằm làm cho chế độ bảo hộ thành một dạng chính phủ tự chủ địa phương.

Ở tình thế này, Bảo Đại đáng ra có thể sẽ chống lại, giống như những người khác trong gia đình ông đã làm trước đó. Nhưng nổi loạn không phải là bản tính của ông. Ông thà trốn vào trong thế giới cô đơn của những cuộc đi săn dài ngày trên cao nguyên, của trời xanh lúc ông bay qua khi lái máy bay của mình. Là người hướng nội, hoàng đế ghét nói trước công chúng. Khi làm điều này, ông nói bằng tiếng Pháp thoải mái hơn là bằng tiếng Việt. Ý tưởng đi trước đám đông làm cho ông bối rối. Trái với những người cùng cương vị ở Maroc và Campuchia là những vua đã ôm lấy Hồi giáo và Phật giáo vào mình, trở thành gạch nối thiết yếu cho việc chuyển thành người quốc gia chủ nghĩa của họ, Bảo Đại tỏ ra do dự với ý tưởng đóng vai Thiên tử Nho giáo của mình. Quá biết về điều người Pháp thêu dệt, ông thích chống đối bị động hơn. Ông dừng việc ký các giấy tờ và để cho người khác làm. Việc ông rút khỏi các "việc công" kéo dài dưới thời chính quyền Vichy trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cẩn thận tránh các buổi họp với Jean Decoux, vị toàn quyền có thiện cảm với hoàng gia, người định dùng ngai vàng, những chuyến công du hoàng gia và truyền thống Nho giáo để chống lại vừa người Nhật vừa người quốc gia và người cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, tháng 3 năm 1945, Bảo Đại chuyển sang hành động khi người Nhật lật đổ người Pháp ở Đông Dương, vài tháng trước khi đầu hàng quân Đồng Minh. Dù ông không bao giờ nghĩ đến việc đứng đầu một cuộc vận động cho độc lập, ông quyết định một biện pháp cũng có ý nghĩa tương đương: ông tự nguyện thoái vị và như thế kết thúc một triều đại Việt Nam có từ nhiều thế kỷ. Làm thiệt hại lớn cho người Pháp, ông giao thanh kiếm hoàng gia cho nền Cộng hòa mới đang nhanh chóng hình thành quanh Hồ Chí Minh. Kể từ nay đơn thuần là một "công dân", ông trở thành cố vấn tối cao của chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ở Campuchia, sự tương phản rất đột ngột: Norodom Sihanouk thuận tình đón chào sự trở lại của người Pháp ở Campuchia, trước khi tấn công nền Cộng hòa mà những người quốc gia Khơ-me xây dựng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Màn II. Cuộc vận động hoàng gia giành độc lập của Sihanouk (12)

Với khởi đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, người Pháp phải mở rộng nền quân chủ thuộc địa của họ ra ngoài kiểu mẫu duy nhất Pháp-Việt. Về việc cảnh giác kể từ sự kiện Nhật chiếm đóng Đông Dương bắt đầu vào năm 1940, tiếp theo một năm sau đó bởi việc Thái Lan sáp nhập (do Nhật Bản ủng hộ) phía Tây của Lào và của Campuchia, toàn quyền Đông Dương Jean Decoux quyết định đưa thêm các vị vua Lào và Campuchia vào cái trở thành, lần đầu tiên, một dự định quân chủ Pháp-Đông Dương thực thụ: sau này ông viết "Sự cần thiết sử dụng trọn vẹn chức năng hoàng gia ở mọi nơi nó từng tồn tại, theo tôi nó nhất thiết sẽ khởi nguồn từ đó (13)". Trong sự liên tục hoàn hảo với các nỗ lực do những người tiền nhiệm bên cạnh Bảo Đại tiến hành, Decoux ra lệnh cho người của ông "chấn hưng uy thế" của chế độ quân chủ Campuchia và Lào bằng mọi cách.

Sự dễ bảo đã luôn là điều kiện tiên quyết để trở thành một vị vua thuộc địa. Nếu Bảo Đại đã là người "dễ mến" theo cách nói của Sarraut, Sihanouk được Decoux đánh giá, như sau này ông viết, là "hoàng thân quyến rũ" (14). Năm 1941, Decoux đưa vị vua mới Sihanouk lên ngôi, trong một buổi lễ đăng quang được thực hiện chu đáo, trong đó những nhà chức trách Pháp được dẫn vào các ngôi đền hoàng gia thiêng liêng của Phnôm Pênh và Angkor Vat. Sihanouk nhanh chóng bắt đầu những chuyến công du hoàng gia, ở Angkor Vat thắp đuốc cho cuộc đua xe đạp lớn của Đông Dương năm 1943, ca ngợi sự tốt đẹp của việc hợp tác Pháp-Campuchia đồng thời cảnh báo chống những nguy hiểm của chủ nghĩa bành trướng Thái. Tràn đầy năng lượng, vị vua trẻ Khơ-me đi khắp mọi nơi. Trái với Bảo Đại, là người nói tiếng Pháp thoải mái hơn là bằng tiếng Việt, Sihanouk đã lớn lên thấm nhuần trong ngôn ngữ Khơ-me, không bị chịu cùng một mức độ lập trình lại thuộc địa như người đồng cấp Việt Nam của ông. Ông được bà ngoại nuôi dạy trong cung điện hoàng gia Phnôm Pênh, chứ không phải trong một gia đình Pháp ở Paris. Ông dễ dàng cử hành những nghi thức hoàng gia, sẵn lòng mặc những trang phục truyền thống và thể hiện theo bản năng vai trò thiêng liêng của một vị vua Phật giáo. Ông bản chất là người hướng ngoại, lanh lợi và vui vẻ hơn những đồng cấp Việt Nam và Maroc. Những vị này đúng là hiện đại, nhưng Sihanouk có một sự ham thích đặc biệt đối với các phương tiện truyền thông, các diễn văn trước công chúng và sự giải trí. Ông có tiếng đam mê điện ảnh và nhiếp ảnh. Lần đầu tiên ở Đông Dương, thậm chí có thể là trong toàn bộ Đế quốc Pháp, những người tạo ra các vua thuộc địa có trong tay một quốc vương vừa "thuần tính", "hiện đại", "linh hoạt", "nhân bản" và vừa "thần thánh".

Khi người Thái chơi lá bài hợp nhất chủng tộc và tôn giáo giữa Lào, Campuchia và Thái Lan, Decoux dựa vào những chuyến công du liên vương quốc để củng cố mối liên hệ chặt chẽ giữa ba nền quân chủ của Lào (Sisavang Vong), Campuchia (Sihanouk) và An Nam (Bảo Đại). Vậy nên Sihanouk thăm người đồng nhiệm của mình ở Huế trước khi đi ngang qua Bắc Kỳ lần đầu tiên trong đời. Ông được đón tiếp tại cung điện Lào ở Luang Prabang, vị vua Lào đến lượt mình được đón tiếp bởi đồng cấp của ông ở Phnôm Pênh. Giống như Pasquier đối với Bảo Đại, Decoux xem Sihanouk là một trung gian quý báu nhờ vào đó người Pháp có thể đảm bảo được sự trung thành của quần chúng nông dân Campuchia. Một nhóm gắn kết các quan chức hành chính thuộc địa, từ lâu phục vụ chế độ bảo hộ, gặp nhau ở việc phụ trách chế độ quân chủ (15). Chính thống sứ Georges Gautier là người tháp tùng Sihanouk trong các chuyến công du ở xứ bảo hộ và để cho quốc vương dùng mọi sự truyền thông và các công cụ thông tin đại chúng hiện đại có sẵn. Đi lại bằng xe hơi, từ những phố tỉnh đến các làng xa xôi nhất của đất nước, Sihanouk chủ trì các buổi lễ và các nghi thức linh thiêng ở thủ phủ các tỉnh và các quận. Ông tự tin nói trước công chúng, diễn đạt bằng tiếng Khơ-me và ngỏ lời với nông dân bằng những cử chỉ chưa từng có tiền lệ, trong bất kỳ vương quốc Đông Dương nào. Khi ông đi qua các làng nghèo khó, ông phân phát gạo, muối, quần áo và thuốc men cho dân cư. Ra khỏi hoàng cung và đi giữa các thần dân của mình đối với ông là điều tự nhiên. Sau này ông đã bày tỏ với một nhà báo như sau:
"Kế hoạch Gauthier đã cho phép tôi giới thiệu mình với đồng hương của tôi trong các vùng xa trung tâm, mà như chính họ thú nhận rằng họ chưa từng thấy một vị vua bao giờ. Họ biết rằng nước họ là một nền quân chủ, nhưng họ thừa nhận với tôi là theo ký ức từ thuở xưa, chưa từng có một quốc vương nào đã thăm các quận và làng của họ. Để đến được những nơi xa xôi này, tôi đã phải dùng đến xe hơi, tàu thuyền, xe bò, ngựa và voi… Trong các làng và các ấp xa xôi hẻo lánh nằm sâu trong các thung lũng, tôi phân phát gạo, muối, quần áo, thuốc thang. Những cư dân, rất nghèo nhưng rất đáng trọng, đã cầu phước cho tôi tràn ngập và mang đến cho tôi những trái cây dại là những quà tặng duy nhất mà họ có thể cho tôi. Đó là những kỷ niệm khó quên và cảm động"
Ở thời điểm Đông Dương bắt đầu tan rã vào giữa năm 1945, chưa bao giờ trong đầu Sihanouk (trái với Bảo Đại và Mohammed V) có ý tưởng rằng ông có thể bị đặt ở phía bất lợi của sự phân chia thuộc địa - quốc gia. Ông cộng tác chặt chẽ với toàn quyền Jean Decoux của Vichy cho đến cuộc đảo chính của Nhật vào tháng ba năm 1945. Ông tuyên bố Campuchia độc lập, theo lệnh của Nhật, giống như điều Bảo Đại đã làm với Việt Nam. Nhưng ông không hề nghĩ đến việc chống lại sự tái lập nền bảo hộ Pháp khi người Nhật đầu hàng vài tháng sau đó. Trái lại, Sihanouk chào đón tổng tư lệnh Charles de Gaulle ở Phnôm Pênh vào tháng mười và viên cao ủy Đông Dương của ông. Đầu năm 1946, ông là vị lãnh đạo đầu tiên của Đông Dương ký một modus vivendi (tạm ước) làm cho Campuchia thành một thành phần của Liên Bang Đông Dương và là một thành viên của Liên Hiệp Pháp đang được hình thành.

Nhưng Sihanouk đã có một đối thủ nơi con người Sơn Ngọc Thành, một trong những người quốc gia hiện đại đầu tiên của Campuchia. Sinh ra ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam, người Khơ-me trong tâm hồn này đã rất thành công ở trường học nên ông đã được học bổng để tiếp tục học tập ở Pháp đầu những năm 1930. Ông trở về Đông Dương năm 1933, sau khi học xong ngành luật, định cư ở Phnôm Pênh nơi ông đã làm việc trong lĩnh vực dân sự thuộc địa. Ông góp phần cải cách việc dạy học ở các trường Phật giáo, rồi làm việc ở trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp trong sự cộng tác chặt chẽ với những chuyên gia Pháp về Phật giáo, là những người chống lại những mưu toan của Thái Lan nhằm hướng các sư Khơ-me về phía Băng Cốc. Với mục tiêu này, ông tham gia bên phía người Pháp lập ra Viện Phật học ở Phnôm Pênh năm 1931. Ông cũng dự phần vào việc lập ra tờ báo hiện đại đầu tiên bằng ngôn ngữ Khơ-me, có hơi hướng quốc gia chủ nghĩa, tờ Nagara Vatta (Thành phố chúng ta) (17). Nhờ vào việc tiếp cận báo viết, những giao hảo Phật giáo và tài năng hùng biện của mình, ông trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia có ảnh hưởng. Năm 1942, người Pháp trấn áp cuộc biểu tình do Thành và các cộng sự của ông tổ chức. Người Nhật, những người đã giúp ông tránh không bị thực dân bắt giữ, gởi ông đến Phnôm Pênh sau cuộc lật đổ người Pháp vào ngày 9 tháng ba năm 1945. Thành sau đó thiết lập đảng quốc gia đầu tiên của Campuchia và trở thành thủ tướng của nước này cho đến khi người Pháp trở lại, rồi lúc đó họ đầy ông đến Pháp. Dù gì đi nữa dưới mắt của nhiều sinh viên, sư sãi, nông dân và thậm chí của những người trung quân chống thuộc địa, Sơn Ngọc Thành rốt cục đã biểu trưng cho người cha của một đất nước tương lai Campuchia độc lập.

Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tại vì vua đã quay về phía người Pháp để giúp họ hạn chế sự đang lên của chủ nghĩa tự do chính trị, quan hệ giữa Sihanouk và những người quốc gia bị hư hại. Hiến pháp đầu tiên của Campuchia có từ năm 1946, mà ban đầu ông tán thành, dự định cho việc hình thành các đảng chính trị và thiết lập một quốc hội, được thành lập dựa trên phổ thông đầu phiếu cho nam giới. Nó cũng đảm bảo quyền tụ họp và tự do biểu đạt. Tránh những xung đột thuộc địa và dân sự đã chia rẽ Việt Nam, những người quốc gia Campuchia gồm chủ yếu trong hàng ngũ của họ là những viên chức dân sự có học vấn Pháp, những giáo viên, sinh viên nhưng cũng có những vị sư Phật giáo và một vài thành viên của gia đình hoàng gia tạo thành Đảng Dân Chủ. Những thành viên của nó đã thề phục vụ vua và dân tộc, nhưng càng ngày nhiều đảng viên cũng mong muốn cho Quốc hội có những phương tiện thực sự để hành động, muốn thấy dân tộc được đại diện và có được độc lập quốc gia hoàn toàn. Những người dân chủ thiết lập những chi hội của đảng ở cấp tỉnh và quận, cộng tác với những tinh hoa thành thị và các nhà sư. Đảng này đã cử ra các ứng viên được quần chúng thực sự ủng hộ trong các chiến dịch tranh cử để nắm các chức vụ ở Quốc hội. Lần bầu cử đầu tiên vào năm 1946, những người dân chủ thắng 50 trên 67 ghế. Sự đi lên của chủ nghĩa nghị viện ở Campuchia là có thực. Người Pháp có thể thích ứng với nền dân chủ thuộc địa này, miễn là chế độ bảo hộ làm thành một phần của Liên Hiệp Pháp.

Nhưng tình huống bắt đầu thay đổi khi Đảng dân chủ lấy được lòng dân và nó mở rộng tổ chức quốc gia của mình đồng thời nhấn mạnh vào những lời kêu gọi độc lập hoàn toàn. Bằng cách hành động như thế, những người dân chủ đã làm tổn hại đến các nỗ lực ở mức hoàng gia của Pháp nhằm duy trì sự thống nhất của Liên Hiệp Pháp; họ chỉ củng cố mối liên kết đã rất chặt chẽ hiện hữu giữa chính quyền Pháp và nền quân chủ Campuchia, là những bên kể từ nay thấy rằng những lợi ích của mình bị đe dọa. Nếu thương lượng với Bảo Đại là không đơn giản, thì ngược lại, người Pháp đã thành công không mấy khó khăn khi thuyết phục Sihanouk chấp thuận việc thành lập nhà nước liên kết của Campuchia vào năm 1949. Nhưng nhiều người dân chủ gạt bỏ "sự liên kết" này, nhận thức rằng mối liên minh và liên hiệp hoàng gia mà nó gìn giữ sẽ là một sự kìm hãm trong việc tiến tới độc lập (18).

Quyết định của Pháp cho phép Sơn Ngọc Thành trở về nước năm 1951 đã đặt Sihanouk vào thế đặc biệt khó khăn về vấn đề độc lập. Thực vậy, người Pháp đã đưa người quốc gia nổi tiếng này trở về trên nguyên tắc thể hiện ra ngoài là ông sẽ giúp huy động sự ủng hộ cho nhà nước liên kết Campuchia chống lại đe dọa cộng sản, và chống lại đe dọa của các nhà nước liên kết được phát triển song song bởi Hồ Chí Minh ở Lào (Pathet Lào) và ở Campuchia (Khmer Issarak). Tuy nhiên viễn cảnh này diễn ra ngắn ngủi khi hóa ra rõ ràng rằng Thành vẫn là một đe dọa chính trị tuyệt vời không chỉ cho các liên minh ủng hộ cộng sản của Hồ Chí Minh ở Campuchia, nhưng còn cho việc duy trì của người Pháp và vị vua của họ ở Campuchia. Khi ông về tới sân bay, một đám đông khoảng 20.000 người chờ đón Sơn Ngọc Thành, nhiều người trong họ ca ngợi ông như một "anh hùng quốc gia". Trong số những người ủng hộ ông nhiệt thành có những viên chức, giáo viên, sinh viên và các vị sư. Nhiều lãnh đạo Đảng dân chủ, những người càng ngày càng lo ngại Sihanouk và tăng cường sự thù địch của họ đối với chủ nghĩa cộng hòa, dịp này cũng đến. Sau đó ít lâu, vua còn bị sốc hơn khi thấy Sơn Ngọc Thành bắt đầu một chuyến công du ấn tượng mang tính chủ nghĩa quốc gia trong những chiến dịch của mình, nó đưa ông tới các đền từ Angkor Vat đến Phnôm Pênh, và trong suốt chuyến đi này ông tỏ ra tán thành việc độc lập hoàn toàn đồng thời ngầm tô đậm vị vua dưới những nét của một nhân vật do thực dân tạo thành. Hàng trăm ngàn người đứng dọc bên đường khi ông đi qua, vẫy các tấm bảng để thể hiện "hi vọng của họ" và chào đón "vị anh hùng quốc gia" của họ. Tuy những người dân chủ cố làm giảm đi sắc thái của chuyến công du, họ nhận thức rằng nó có thể gây ra sự ghen tị của Sihanouk và có tiềm năng gây hại đến chủ trương của họ, Thành không bận tâm đến và vạch ra đường hướng của mình. Một vài tháng sau, ông công khai tiến tới ly khai ở dọc theo biên giới Thái Lan.

Tuy nhiên sự được lòng dân của Thành và sự tăng lên của những người dân chủ đã thuyết phục Sihanouk rằng ông đang gặp khó khăn. Ông cũng hiểu rằng những người dân chủ không phải là những người duy nhất muốn gây sức ép lên người Pháp để họ từ bỏ Liên Hiệp Pháp và các nhà nước liên kết của nó nhằm tạo thuận lợi cho một Commonwealth (khối thịnh vượng chung) quy tụ các quốc gia hoàn toàn độc lập, trên mô hình của nước Anh. Đầu những năm 1950, sự kháng cự lại với Liên Hiệp Pháp đã nổi lên từ Đông Dương đến bắc Phi, người Tunisie, người Maroc, người Việt Nam và một số lượng lớn người Lào đòi độc lập toàn bộ. Đó là vì sao kể từ năm 1952, chứ không phải trước đó, Sihanouk bắt đầu quay ngoắt lại và đổi ý về sự ủng hộ xưa kia của mình đối với "nhà nước liên kết" để, ngược lại, tự nhào nặn một hình ảnh mới, hình ảnh của một vị vua dân tộc chủ nghĩa, kẻ thù của liên kết Đông Dương và của Liên Hiệp Pháp.

Nếu Sihanouk ban đầu không thể biết được cuộc Vận động hoàng gia cho độc lập đưa ông đến đâu, thì năm 1952 ít ra ông biết rằng ông phải nhanh chóng nắm lấy dây cương dân tộc chủ nghĩa. Để đạt được điều này, ông phải dừng những người dân chủ lại, tịch thu những cuộc thương lượng của họ với người Pháp và tự đưa bản thân mình ra làm người bảo vệ cho độc lập Campuchia trước khi những người dân chủ làm điều này, và không chừng họ còn thay thế nền quân chủ bởi một nền cộng hòa. Trái với những gì xảy ra ở Maroc, không có sự liên kết chống thuộc địa giữa vua và những người quốc gia. Như đã được David Chandler chứng minh thật tốt, năm 1952, Sihanouk bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đảo chính chống lại những người dân chủ nhắm tới việc thành lập một chế độ gần với chế độ quân chủ tuyệt đối. Nhưng để loại bỏ các đối thủ cộng hòa của mình, vị vua vẫn còn cần đến sự hỗ trợ của Pháp. Không đoán được những dự định của Sihanouk, người Pháp dựa vào hoạt động của ông chống lại các người dân chủ, quá hài lòng khi ngăn được những người cộng hòa Campuchia phá hủy "sự liên kết" và có thể làm sập Liên Hiệp Pháp bằng cách cách gây ra phản ứng dây chuyền từ Đông Dương đến Bắc Phi. Ngày 15 tháng 6 năm 1952, người Pháp triển khai quân đội Maroc để nắm quyền chỉ huy Phnôm Pênh, trong khi Sihanouk truất bỏ trụ sở dân chủ, bắt đầu giải tán đảng của họ và cho bắt những người lãnh đạo đảng này. Ông chỉ định Thủ tướng của riêng mình trong khi quân đội của Liên Hiệp Pháp bao vây Quốc hội và xe tăng Pháp "đi đi lại lại trong những con đường chính ở Phnôm Pênh (19)". Một viên chức Pháp đã giải thích như sau: "Chúng ta phải hành động nhanh chóng vì tất cả người Campuchia muốn một nền độc lập thực sự (20)".

Nhưng người Pháp đã không thấy được sự đi đến chuyển đổi đột ngột của Sihanouk thành người bảo vệ độc lập toàn bộ cho Campuchia. Đầu năm 1953, một khi những người dân chủ bị loại ra và sự trở lại nắm quyền của ông được củng cố, vị vua lập tức lao vào cuộc vận động cho độc lập của mình, trước tiên bằng cách tự thể hiện như là một người chống đối kịch liệt "nhà nước liên kết" và việc duy trì Campuchia bên trong Liên Hiệp Pháp. Tháng hai, ông đến Paris nơi ông đề nghị được nói chuyện với tổng thống Vincent Auriol để thảo luận về Liên Hiệp và để bắt đầu thương lượng sự đảm bảo độc lập toàn vẹn cho Campuchia. Auriol đã lịch sự lắng nghe ông, nhưng chỉ dành cho ông một một lời hứa mơ hồ là sẽ nghiên cứu tình hình, và rằng ông đang bị buộc vào việc thành lập những nhà nước liên kết và nhất là đang lo giữ gìn toàn vẹn Liên Hiệp Pháp chống lại những tấn công đến từ các phần khác của Đông Dương và của Maghreb. Sihanouk diễn giải (thật đúng) câu trả lời này như là sự không chấp nhận yêu sách của ông và chỉ huy cuộc vận động của ông ở bên kia Thái Bình Dương. Ở phía này cũng vậy, ý muốn làm người Pháp chịu thuận theo từ bên Ottawa và Washington của ông đã thất bại. John Foster Dulles, khi đó là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, đã tự hỏi tại sao kể từ nay ông tìm cách có được độc lập khỏi người Pháp - mà trước kia ông chưa từng đòi hỏi -, trong khi vấn đề thiết yếu, ở thời điểm mà sự ly gián của Hồ Chí Minh đã xâm nhập sâu trong Lào, là mối đe dọa cộng sản đè nặng lên Đông Nam Á và lên chính đất nước của ông.

Vì Paris và Washington đã từ chối ủng hộ chủ trương của ông, Sihanouk lại đi vận động trong nước mình, không phải từ Phnôm Pênh, nhưng là từ những đền đài xưa của Angkor Vat. Ông đã trở về tâm của văn minh Khơ-me, ở những nơi các vị vua lớn đầu tiên của vương quốc Angkor đã cư ngụ, ở nguồn cội của mọi sự đã là "Campuchia". Để buộc tay người Pháp, Sihanouk đầu tiên huy động sự ủng hộ của quần chúng ở nông thôn. Ê-kíp của ông dựa vào các phương tiện truyền thông hiện đại, radio, micrô, các bài đả kích. Vị vua tỏ rõ tất cả những tài năng truyền thông của mình. Hình ảnh và chân dung của vua mọc lên như nấm ở mọi nơi. Cuối tháng sáu, các hướng đạo sinh, thanh niên, nông dân và binh lính tất cả được kêu gọi tham gia vào hàng ngũ những người nổi dậy ủng hộ hoàng gia, là Chivapols (lực lượng nhanh nhạy) và Neary Khlahan (các cô gái dũng cảm). Sihanouk đi giữa thần dân của mình; ông đã có với họ một sự tiếp xúc vật lý thực sự, đặt tay hoàng gia của mình trên thần dân; ông tự thể hiện như là người bảo vệ cho Phật giáo và niềm tin, và trên hết tất cả là người bảo vệ cho độc lập quốc gia. Hai khía cạnh này liên hệ mật thiết với nhau trong khuôn mặt hoàng gia của ông.

Sự ủng hộ của quần chúng đối với Sihanouk đã thực sự tồn tại (và chắc chắn đáng được khai triển dài hơn bài báo này); nhưng những nhân tố quốc tế cũng đã đóng vai trò thuận lợi cho ông. Đầu tiên, Sihanouk không phải là người duy nhất vận động chống lại Liên Hiệp Pháp vào năm 1953. Nhiều người Đông Dương và Maghreb chống thực dân, trong đó có Ngô Đình Diệm ở Việt Nam và Habib ben Ali ở Tunisia, họ đã chống lại Liên Hiệp Pháp và đã biện hộ cho sự độc lập toàn bộ. Hơn nữa, sự triển khai quân của Hồ Chí Minh ở Lào vào năm 1953, và sắp tới ở phía đông bắc Campuchia đã thuyết phục những nhà chiến lược của Pháp rằng họ không thể cho phép mình mất đi Sihanouk ở thời điểm rất nguy kịch trong cuộc chiến của họ chống lại nước Việt Nam đã độc lập của Hồ Chí Minh. Sau cùng và nhất là vào cuối năm 1953, người Pháp đã đồng ý với nhau về việc sau khi thắng cuộc chiến quyết định chống lại quân đội của họ Hồ, họ có thể thương lượng một lối thoát thuận lợi cho chiến tranh. Điều này giải thích tại sao cuối năm 1953, khi cuộc chiến Điện Biên Phủ nhen nhúm xuất hiện, người Pháp đồng ý với phần lớn các đề nghị của Sihanouk (nhưng chưa thuận cho việc "độc lập toàn bộ"). Cũng rất thủ đoạn, ông vua này tuy thế đã thực hiện nhanh nhất sự biến hình hoàng gia mà lịch sử Đế quốc Pháp từng biết đến: một vị vua thuộc địa đã lột xác thành đối thủ theo chủ nghĩa quốc gia. Trên đường đi, bằng một mu bàn tay tàn phá, ông đã quét bỏ chủ nghĩa cộng hòa Campuchia và xua nhiều thanh niên theo chủ nghĩa quốc gia đến những con đường chính trị còn triệt để hơn nữa (21).
Màn III. Mohammed V: một quốc vương được lòng dân, dù không cố ý?

Nếu Mohammed V lãnh đạo cuộc vận động hoàng gia rất tương tự ở Maroc, lên đến đỉnh với việc toàn bộ đất nước độc lập vào năm 1956, thì sự chuyển biến của ông thành quốc vương theo chủ nghĩa quốc gia được thực hiện sau một quá trình lâu dài, theo những thể thức rất khác những cách đã được tiến hành ở Campuchia (22). Giống như với Bảo Đại và Sihanouk, ban đầu không có gì cho thấy rằng con người sùng đạo này sẽ lật đổ chế độ bảo hộ do người Pháp thiết lập ở Maroc vào năm 1912. Theo như mọi người nói, thời niên thiếu Mohammed V là người hướng nội, mảnh khảnh và nhút nhát thậm chí cô độc. Hồi nhỏ, ông đi khắp các đường phố Rabat mà không có sự giám sát và không bị nhận ra. Ông luôn ăn mặc rất đơn giản, nói nhuần nhuyễn tiếng Ả Rập và thích không bị nhận ra.

Tuy nhiên mọi thứ thay đổi khi cha ông qua đời năm 1927, lúc người Pháp bắt đầu thấy rằng Sidi Mohammed ben Yusef, khi đó 17 tuổi, có sự dễ bảo cần thiết để dẫn dắt chế độ bảo hộ, theo từ ngữ của họ. Nắm trong tay được một vị vua dễ bảo càng quan trọng hơn vì năm 1925 người Pháp đến giúp người Tây Ban Nha trấn áp nền Cộng hòa phiến loạn Rif, ở phía bắc Maroc, và bắt Abd el-Krim, vị lãnh đạo huyền thoại của nó (sau năm 1912, người Tây Ban Nha vẫn kiểm soát phía bắc Maroc, bao gồm vùng Rif). Vị thủ lĩnh thiên bẩm này đã kêu gọi quần chúng Hồi giáo nổi dậy và cầu xin vị sultan của Maroc tham gia vào cuộc đấu tranh. Hubert Lyautey, một trong những kiến trúc sư chính của các chế độ bảo hộ Việt Nam và Campuchia, người đứng bên Bảo Đại trong lễ khai mạc Triển lãm thuộc địa vào năm 1931, chia sẻ ý kiến với công sứ Pháp của Maroc về Sidi Mohammed ben Yusef: ông ta là người lý tưởng để trở thành vị vua thuộc địa của họ. Người Pháp đưa vị sultan của họ lên ngôi năm 1927, rồi sau buổi lễ diễn ra dưới trận mưa như trút với sự có mặt của vài cử tọa, họ gửi ông đến Cung điện ở Rabat (Grand Palais de Rabat) nơi những công sứ tại vị, hết người này đến người kia, chăm lo việc giáo dục ông, việc đi lại và thời khóa biểu hàng ngày của ông.

Giống như các đồng sự Đông Dương, Mohammed V say mê học vấn Tây phương. Hoàn thiện việc học của mình bằng tiếng Pháp, ông yêu thích văn chương Pháp. Khoa học hiện đại cũng hớp hồn ông. Ông ham thích thể thao, đặc biệt là tennis và chơi golf. Ông thường đến Pháp và gặp những chính trị gia, như Gaston Doumergue vào năm 1928 (người đã khánh thành nhà thờ Hồi Giáo Paris hai năm trước đó và cũng là người khai mạc Triển lãm thuộc địa với Lyautey - và Bảo Đại - năm 1931). Vị sultan trẻ theo dõi chính trị Pháp và cập nhật tình hình quốc tế. Trái với Bảo Đại, ông tin chắc rằng ông đóng một vai trò trong chính trị của chế độ bảo hộ và với sự cẩn thận cao, ông đọc và ký nhiều tài liệu mà các công sứ đặt trước mặt ông. Các con của ông học ở Pháp bằng tiếng Pháp. Ông khen các con gái của mình đã tiếp nhận thời trang ăn mặc, phong cách và tư tưởng Tây phương. Chính ông cũng có thể mặc Âu phục. Nhưng Mohammed ben Yusef cũng là một người rất tôn giáo. Ông thực hiện cầu nguyện ngày thứ sáu, giữ những mối quan hệ chặt chẽ với các Uléma (các nhà thần học Hồi giáo), giống như những vị sư Phật giáo trụ trì các chùa ở Campuchia, họ lãnh đạo một mạng lưới tôn giáo ấn tượng các nhà thờ Hồi giáo và các trường dạy kinh Coran. Vị sultan ôm trọn vẹn vai trò của mình là người gìn giữ đức tin.

Giống như ở Đông Dương, việc đăng quang của vị tân sultan trùng với sự dâng lên của chủ nghĩa quốc gia hiện đại ở Bắc Phi. Tuy vị lãnh đạo của họ đã bị bắt và bị đầy ra đảo La Réunion, cuộc đấu tranh kéo dài của Abd el-Krim chống lại những người "Kitô dị giáo" vùng Rif đã hằn dấu nơi sự hình dung của vị quốc vương, theo Hồi giáo, và đã đoàn kết những người Maroc quốc gia chủ nghĩa. Một cách đáng kể, nhiều người trong số họ bắt đầu thấy vị sultan của họ không phải là kẻ hợp tác với thực dân nhưng là một người bị cầm tù bởi những người Kitô giáo ngoại quốc. Những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp, đôi khi được chính quyền yểm trợ, để cải đạo các bộ lạc sang Kitô giáo đã chỉ làm tăng mối liên kết giữa một bên là ý tưởng quốc gia chủ nghĩa xây dựng trên các luật Hồi giáo, và bên kia là vị sultan của nó, người bảo vệ đức tin. Hơn nữa, Maroc thuộc Pháp thời thuộc địa không phải là một chỉnh thể quốc gia thống nhất về mặt địa lý mà chúng ta biết đến ngày nay. Những miền cực bắc và cực nam của nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Một cách cũng rất quan trọng, những nỗ lực của Pháp để quản lý các bộ lạc phi Ả Rập, độc lập với nền quân chủ được bảo vệ và với luật Hồi giáo, lại càng chọc giận hơn nữa những người quốc gia Maroc và các lãnh đạo tôn giáo, tức những người muốn tạo thành một nhà nước sở hữu đất đai của nó, với trung tâm là vị sultan có trách nhiệm về đất đai của các bộ lạc. Không gây ngạc nhiên, các tinh hoa quốc gia chủ nghĩa bắt đầu sử dụng lần đầu tiên danh từ Người Maroc để trỏ chính thể quốc gia mới này (23), giống các đồng sự ở An Nam bắt đầu dùng danh từ Người Việt Nam để nói đến một "Việt Nam" thống nhất gồm Nam Kỳ, An Nam, Bắc Kỳ trong một nước duy nhất và không tách biệt.

Đầu những năm 1930, Mohammed V lần đầu nếm trước những sự thay đổi quốc gia chủ nghĩa là điều bắt đầu khuấy động đất nước ông. Vào tháng năm 1930, công sứ Pháp đề nghị vị sultan ký một sắc lệnh hay dahir, bảo vệ các luật lệ phong tục của các bộ lạc Berbère không Ả Rập. Mục đích một mặt để khuất phục những vùng "nổi loạn" này, nhưng cũng cho phép người Pháp rút các vùng này khỏi sự kiểm soát đã có từ trước của luật Hồi giáo (charia) là những luật đã đặt họ dưới sự quản lý của sultan và các Uléma. Giám sát các bộ lạc cũng phải giúp người Pháp kiểm soát sự dâng lên của chủ nghĩa quốc gia Maroc và của chủ nghĩa liên Ả Rập ở những ngày sau chiến tranh vùng Rif. Mohammed V ngây thơ ký dahir này, là điều đã kích hoạt sự phản đối thực sự nơi những người quốc gia chống đối mưu toan của nhà cầm quyền thuộc địa nhằm quản lý trực tiếp những vùng lãnh thổ này, độc lập với chế độ bảo hộ, và còn tệ hơn, nhằm quản lý quốc gia Maroc mà họ hình dung. Nhiều lãnh đạo phái quốc gia phê phán vua đã ký văn bản này. Một trong số họ là Mohammed Allal el-Fassi, giáo viên trong một trường Coran, là người bị Pháp đuổi khỏi vị trí giảng dạy. Giống như mọi khi, vị sultan nhượng bộ sức ép của Pháp, nhưng ông cho diện kiến những người quốc gia nơi riêng tư để đảm bảo với họ sự thiện cảm và chủ định yêu nước của ông. Trong một cuộc hội kiến với el-Fassi, vị sultan đã thừa nhận sai lầm của mình và tuyên bố rằng: "Tôi sẽ không nhượng bộ bất kỳ quyền nào nữa của tổ quốc tôi (24)". Ở đây ông không nhất thiết nói về độc lập chính trị, nhưng là ông bày tỏ mong ước đấu tranh để củng cố toàn bộ lãnh thổ "Maroc" dưới chế độ bảo hộ.

Điều này nói lên rằng Mohammed V vẫn trung thành với nền bảo hộ, hơi giống với đồng cấp Việt Nam của ông cùng thời. Vị sultan đã tham dự bên cạnh chính quyền thuộc địa trong một chuyến công du hoàng gia đã đưa ông đi xuyên qua đất nước, và một lần nữa là dịp để xông hương ngợi ca chế độ bảo hộ và sự hiện đại thuộc địa. Nhưng lúc này cũng vậy, những người quốc gia đã đến gõ cửa vị sultan, là điều đã không xảy ra cả ở Việt Nam lẫn ở Campuchia. Vào tháng 5 năm 1934, khi mà ông đang trên đường để tham gia cầu nguyện ở Fès, nơi là cố đô hoàng gia và là trụ sở chính của chủ nghĩa quốc gia Maroc từ sau chiến tranh vùng Rif, hàng chục thanh niên quốc gia đã chào mừng ông trên đường, chất vấn ông và gọi ông là "Yehia el-Malik", một danh từ mạnh trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "vua tốt". Tuy xúc động bởi sự biểu thị thiện cảm với hoàng gia này, Mohammed V, giống Bảo Đại và Sihanouk, đã để cho những người khác lãnh đạo phong trào quốc gia. Đảng chính trị hiện đại đầu tiên, Uỷ ban hành động Maroc, như thế ra đời vào năm 1934 dưới sự chỉ huy của Allal el-Fassi và Hassan el-Ouazzani và những người khác nữa. Đảng này buộc người Pháp rút lại dahir về người Berbère năm 1930 nổi tiếng cách đáng tiếc. Các lãnh đạo của họ cũng soạn thảo hàng loạt các cải cách mà họ đưa ra cho nhà cầm quyền thuộc địa, vào cùng thời điểm mà Ngô Đình Diệm tham gia chính phủ cải cách của Bảo Đại. Vị sultan ủng hộ những dự án này nhằm khuyến khích hiện đại hóa kinh tế của đất nước, nhằm khôi phục và làm mới lại những định chế Hồi giáo và nhằm đẩy lùi chính phủ thuộc địa trực tiếp để tạo thuận lợi cho một quyền lực địa phương đã lớn mạnh. Nhưng những cải cách này ít có hiệu quả như ở Việt Nam. Người Pháp lấy nền bảo hộ làm thanh ngang chắn lại.

Tuy nhiên, phải nói rằng Mohammed V không nhất thiết không hài lòng khi thấy những đối thủ phái quốc gia buộc phải lưu vong trong những năm 1930. Như Sihanouk ở Campuchia (nhưng khác với Bảo Đại ở Việt Nam), vị sultan cảnh giác với sự dâng lên của chủ nghĩa cộng hòa ở Bắc Phi, đặc biệt trong thời kỳ Mặt trận bình dân. Năm 1936 chẳng hạn, el-Fassi thành lập Đảng quốc gia Maroc, trong khi Mohammed V tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các công sứ Pháp. Ông ta không bình luận gì khi người Pháp quyết định giải thể Ủy ban hành động Maroc vào năm 1937 và khi họ đày el-Fassi đi. Tuy nhiên trong những năm 1930, Mohammed V đã làm điều mà Bảo Đại đã thận trọng tránh hoàn toàn. Chậm mà chắc, vị malik (quốc vương) củng cố ngai vàng và sự kiểm soát của ông trên những lãnh thổ thuộc các bộ lạc và như thế tham gia vào việc tạo thành một đơn vị đất đai Maroc thống nhất. Ông đẩy lùi những người nắm giữ quyền lực địa phương, như Glaoui de Marrakech và thủ tướng (grand vizir) Mohammed el-Morki, trong khi Bảo Đại không làm gì để ngăn chặn người Pháp quản lý dân chúng ở cao nguyên nằm ngoài chính sách bảo hộ (và điều này đến tận những năm 1950). Sự kiện tướng Noguès đến nhận vị trí công sứ năm 1936, ông này đề xuất tôn trọng và xây dựng chế độ bảo hộ thực dân, trùng hợp với những kế hoạch của vị sultan nhắm tới việc gia tăng uy thế và sự kiểm soát lãnh thổ Maroc của mình không cần đến những người Maroc phái quốc gia.

Cũng giống như trường hợp ở Đông Dương, Chiến tranh thế giới thứ hai làm thay đổi sâu sắc Mohammed V và những mối quan hệ của ông với các tinh hoa quốc gia chủ nghĩa. Cho đến năm 1940, vị sultan tỏ ra khá hài lòng làm việc với công sứ Noguès trong khuôn khổ chế độ bảo hộ. Theo như mọi người nói, các mối quan hệ cá nhân giữa hai người này rất tốt. Khi chiến tranh được tuyên bố năm 1939, nhiều người Maroc, gồm cả những người quốc gia, tham gia vào quân đội Pháp. Mohammed V hứa trung thành với Đệ Tam Cộng Hòa vào những thời khắc mà nó cần nhất, và ông đã giữ lời. Ông đã không gia nhập vào chính quyền Vichy, lẫn các luật bài Do Thái của nó, tuy đó là những luật mà những chính quyền thuộc địa khác và nhiều thực dân tán thành. Khi ông buộc phải chọn lựa, ông đứng về phía Đồng Minh năm 1942, trong khi quân sư của ông, công sứ Noguès, chống lại sự đổ bộ của quân Đồng Minh ở Bắc Phi. Những cáo buộc nực cười theo đó vị sultan đã quay sang phía người Đức là không có căn cứ. Trái lại, vị Mohammed uy quyền quay trở lại mạnh mẽ hơn bởi những chọn lựa mà ông đã tự quyết định trên cương vị người đứng đầu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chiến tranh có hiệu ứng đặc biệt quan trọng để định hình lại sự cân bằng các lực lượng hiện diện ở Maroc, cũng như ở Đông Dương. Việc Đồng Minh giải phóng Maghreb và sự hiện diện của quân đội Đồng Minh và của các lãnh đạo của họ đã mở ra các mối quan hệ và những viễn cảnh mới cho người Maroc. Cảnh tượng mà một vài năm trước có lẽ không thể nghĩ đến: Mohammed V dùng bữa tối mặt đối mặt với tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, trong khi các nhà cầm quyền Vichy và những cố vấn Gaullít mới đến lại đứng ngoài. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, lần đầu tiên, vị sultan vừa mới thảo luận với một lãnh đạo quốc gia, như thể chính ông, ông cũng là một lãnh đạo quốc gia vậy. Cách nhìn của Roosevelt về thế giới hậu thuộc địa và sự hiện đại hóa kinh tế đã có gì đó quyến rũ ông (ta biết rằng vị sultan thích duyệt binh trong xe jeep của quân đội Mỹ mà tướng Patton đã tặng ông). Say mê thời sự quốc tế, Mohammed V biết rõ Hiến Chương Đại Tây Dương và sự đề cập về quyền tự quyết của nó. Một vài tháng sau, đến lượt Charles de Gaulle gặp quốc vương Maroc, khi vị Tướng này lập ra chính phủ lưu vong của mình ở Alger:
"Vị quốc vương này trẻ tuổi, tự phụ, cá nhân, không giấu tham vọng của mình để đứng đầu đất nước ông trong bước tiến tới sự tiến bộ, và ngày nào đó, đến sự độc lập. Gặp và nghe ông nói, lúc sôi nổi, lúc thận trọng, luôn luôn khôn khéo, ta cảm thấy rằng ông sẵn sàng đồng ý với bất kỳ ai giúp ông đóng vai trò này, nhưng có thể tỏ rõ ra rất khăng khăng với những ai muốn chống lại ông (25)"
Những quốc vương này không phải là những người duy nhất lợi dụng sự thay đổi do chiến tranh thế giới gây ra. Giống như Hồ Chí Minh thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh năm 1941, những người quốc gia Maroc thành lập năm 1943 Hizh al-Istiqlal hay Đảng Độc Lập. Đáng kể là những người quốc gia Maroc ngỏ lời với vua để giúp đỡ họ xây dựng phong trào độc lập. Không bao giờ ý tưởng này đã đi qua tâm trí của Hồ Chí Minh hay của những người lãnh đạo Việt Minh. Vào tháng giêng năm 1944, một nhóm những người quốc gia, trong số họ có el-Fassi, đã đệ trình một tuyên bố độc lập cho vị sultan là người đã giao lại bản tuyên bố này cho vị tổng công sứ mới Gabriel Puaux, tỏ dấu sự đồng ý ngầm của mình. Nhưng vào thời điểm đó, ông này không hề có cùng ý định với "Những người Pháp tự do" được lãnh đạo bởi de Gaulle ở Bắc Phi chấp thuận cho một sự độc lập như thế. Chế độ thuộc địa vẫn có hiệu lực. Mohammed V lại hoãn kế hoạch và kêu gọi những người quốc gia tránh phát ngôn từ "độc lập" vào thời điểm hiện tại. Ông nhắm mắt làm ngơ khi người Pháp tấn công Istiqlal. Những năm 1944-1945, vị sultan không nghiêng hơn Bảo Đại hay Sihanouk về việc nắm chỉ huy một cuộc vận động cho độc lập. Ông cũng không hề sẵn sàng để đi vào vùng du kích. Tuy nhiên, giống Sihanouk, ông không bao giờ dự định thoái vị, trái với việc mà Bảo Đại đã làm.

Vị sultan vẫn trung thành với người Pháp và ông đón tiếp Eirik Labonne, công sứ mới có khuynh hướng cải cách, được Đệ Tứ Cộng Hòa gửi đến sau chiến tranh. Vị lãnh đạo Maroc tiếp tục tin vào cải cách, và có thể là độc lập, trong khuôn khổ của sự hợp tác Pháp-Maroc và của hòa bình. Tuy nhiên, Mohammed V cũng theo đuổi những nỗ lực nhắm đến việc củng cố quyền lực của mình và làm thiệt hại đến những người lãnh đạo các vùng và các bộ lạc là những người chống lại quyền lực của ngai vàng. Ông mong muốn khẳng định khối thống nhất của đất nước và cho biết rằng ông xem những phần phía nam và phía bắc của lãnh thổ, quản lý bởi người Tây Ban Nha cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai, như là những phần không tách rời của Maroc của ông. Trong chuyến thăm nổi tiếng ở Tanger năm 1947, ông muốn chứng minh ưu thế quyền lực của mình và mong muốn nói một bài diễn văn quan trọng nhân dịp này. Labonne thích ý tưởng này: một chuyến kinh lý hoàng gia củng cố uy thế của vua là người phải giúp Pháp cai trị tốt hơn trước kia. Hơn nữa, chuyến công du cũng gởi ra một tín hiệu rõ ràng đối với Tây Ban Nha. Vị sultan hứa cho xem văn bản của các bài diễn văn công khai này trước khi phát biểu, trong đó bắt buộc phải đưa vào những việc tốt đẹp của người Pháp, để tuyên bố sự trung thành của vị vua với nước Pháp. Labonne ưng thuận, nhưng mọi thứ đã xoay chiều không lường trước được khi quân đội thuộc địa bắn vào dân thường và gây ra những sự phản kháng dữ dội. Sự nóng nảy kích động bạo lực; những việc này bày ra trên trang nhất các báo, trong khi các sóng radio phát tin tức đi khắp nước. Giận dữ, vị sultan quyết định bỏ đi đoạn đã hứa cảm ơn người Pháp. Nhưng điều khiến chuyến công du Tanger có một không hai, so với những chuyến công du hoàng gia của Bảo Đại, là hành động mà đảng Istiqlal đã thực hiện đối với đám đông, với các công đoàn, với các tổ chức hướng đạo sinh, sinh viên và tôn giáo ở Tanger. Khi vị sultan xuất hiện để phát biểu, một làn sóng người tụ họp đến, biểu thị niềm vui của họ và đòi hỏi những hành động. Trong ngọn lửa hành động, vị sultan tắm trong biển người, tán thành những đòi hỏi ủng hộ độc lập của họ, gợi lại quá khứ huy hoàng của Maroc, ca ngợi chủ nghĩa liên Ả Rập tỏa sáng từ Le Caire và biện hộ cho sự thống nhất đất nước, đồng thời chính ông kiềm chế phát biểu từ "độc lập".

Dưới mắt người Pháp, Mohammed V đã đi quá xa. Bài diễn văn ở Tanger đã lấy đi vị trí của Labonne và đẩy các cải cách vào quên lãng trong khi những người thực dân và các quan chức hành chính thuộc địa, là những người ủng hộ một đường lối cứng rắn, liên kết với nhau để đòi một người mạnh mẽ đứng đầu chế độ bảo hộ, là người không sợ hãi bởi ý tưởng chống lại vị sultan và với những người quốc gia chủ nghĩa nếu cần thiết. Paris nhất trí gởi tướng Alphonse Juin đến Rabat, đồng thời ra những lệnh cho ông rất giống với những lệnh đã ra cho Đông Dương: đối với những việc cải cách thì đồng ý, nhưng sẽ không có độc lập cho Maroc nằm ngoài khuôn khổ của Liên Hiệp Pháp thiết lập bởi hiến pháp năm 1946. Những chuyên gia luật học của Pháp khi đó bắt đầu những cuộc tranh luận về luật pháp phức tạp ở Maroc, giống như ở Đông Dương, với việc đánh cược tránh đề cập tới từ "độc lập". Thuật ngữ "liên lập" (interdépendance) chiếm ưu thế ở Maroc, trong khi từ "liên kết" (association) vẫn ở vị trí thống trị ở Đông Dương (26). Được thúc đẩy bởi những người quốc gia và ý thức được sự giống nhau của sự đối lập chống thực dân hình thành ở Maroc và ở Đông Dương, Mohammed V ngày càng dấn thân trong việc thương lượng về Liên Hiệp Pháp và vị trí mà nước của ông phải giữ trong đó.

Một chiều kích khác thêm vào sự so sánh của chúng tôi đáng để chúng ta dừng lại ở đây đôi chút. Tuy rằng các cộng đồng những người thực dân ở Việt Nam và ở Maroc không bao giờ về mặt số lượng là tương đương với cộng đồng của hàng triệu người Châu Âu sống ở Algérie năm 1954, ở Maroc cộng đồng người Pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc chống đối vị sultan, điều này góp phần tăng cường sự chuyển đổi theo chủ nghĩa quốc gia của vua và việc ông xích lại gần những người quốc gia. Ở Việt Nam, điều gần như là trái ngược đã xảy ra. Chúng ta hãy nhắc lại một chút về trường hợp Việt Nam: đầu tiên, cộng đồng những người thực dân ở Đông Dương cũng rất cực lực chống đối việc độc lập như cộng đồng ở Bắc Phi. Bạo lực đối chọi giữa thực dân Pháp với người Việt Nam, tương tự với bạo lực đã nổ ra giữa những người Châu Âu và người Algérie ở Sétif, ngày chiến thắng của Châu Âu, mùng 8 tháng năm 1945, đã có một sự tương đương ở Sài Gòn, ngày chiến thắng Nhật Bản, ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nó lại nổ ra một lần nữa vài tuần sau đó, trong một vụ tàn sát kinh khủng. Những người thực dân Pháp ở Việt Nam vui mừng vì cuối cùng đã được giải phóng khỏi người Nhật, nhưng họ không hề có ý định công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tập trung ở phía Nam của đất nước, dân Châu Âu bám vào Nam Kỳ, trên cương vị thực dân ngoan cố nói rằng vùng này là một phần không tách rời của nước Pháp. Tuy nhiên, sự xuống cấp nhanh chóng của tình hình quốc tế ở Châu Á - chiến thắng của cộng sản Trung Quốc năm 1949 và sự ủng hộ được Mao Trạch Đông thừa nhận đối với nhà nước kháng chiến của Hồ Chí Minh - buộc thực dân Pháp phải làm hòa với Bảo Đại và chấp nhận thành lập một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng năm 1949. Vấn đề là sự liên kết này, buộc những người thực dân đứng sau Bảo Đại để làm thành một khối thống nhất chung chống lại sự đe doạ cộng sản, chỉ làm tổn hại uy tín quốc gia chủ nghĩa của vị vua Việt Nam, là người kể từ nay bị coi là một con rối. Trái lại, sự chống đối gia tăng của những người thực dân với Mohammed V chỉ đẩy ông ta biến đổi thành quốc vương quốc gia chủ nghĩa, làm cho ông có được danh tiếng đặc biệt và khiến ông, cố tình hay vô ý, tiến gần những người chống thực dân hơn nữa.

Diễn tiến giống hệt khi những người thực dân, các quan chức và tướng Anphonse Juin cấp một chỗ dựa thiện cảm cho những thủ lãnh các bộ lạc, đặc biệt cho tổng trấn Glaoui. Ông này đã nhận thấy cơ hội sử dụng sự nổi giận của người Pháp với vị sultan để tăng thêm các lợi ích địa phương của riêng mình và quyền tự trị đất đai của ông, bởi ông không muốn thấy đất của mình bị sáp nhập vào một quốc gia có thể là nước Maroc, do vị sultan lãnh đạo. Nhưng bằng cách ủng hộ Glaoui như thế, thực dân Pháp, các quan chức thuộc địa và những lãnh đạo ở chính quốc đã đẩy vị sultan và đảng Istiqlal nối lại liên minh còn chặt chẽ hơn nữa. Những căng thẳng tiếp tục gia tăng rõ rệt khi Glaoui lấy đủ vững vàng để thốt ra câu nói khiếm nhã nổi tiếng với vị sultan: "Ngươi không còn là sultan của Maroc nữa, ngươi là sultanat (ngôi vua) của cộng sản vô thần Istiqlal (27)". Vì vị sultan không đổi ý và vì sự ủng hộ quốc gia chủ nghĩa quy tụ quanh ông, nên việc chống đối của Pháp đối với quyền lực của ông chỉ có thể dữ dội thêm. Điều này nằm sờ sờ trong tuyên bố nổi tiếng dưới dạng lời đe dọa mà tướng Juin nói với Mohammed V:

"Hoặc là ông không công nhận Istiqlal hoặc là ông thoái vị. Nếu không, chính tôi sẽ phế truất ông. Bây giờ tôi đi Washington. Ông có thời gian để ngẫm nghĩ về điều tôi vừa đề nghị. Chúng ta sẽ xem xét khi tôi trở lại, điều chúng ta phải làm (28)!"

Khi Juin đe doạ phế truất ông nếu ông không ký nghị định năm 1950 (theo đó ông hứa tiếp tục tôn trọng chính quyền Pháp), Muhammad V đã thực thi, nhưng đồng thời khẳng định rằng ông làm điều này để tránh một cuộc tắm máu. Những người quốc gia ngay lập tức gắn kết sau lưng ông. Chỉ điều này thôi đã chưa từng xảy ra ở Đông Dương. Những người quốc gia do Hồ Chí Minh lãnh đạo chỉ thấy Bảo Đại là một người cộng tác với thực dân tệ hại nhất, tuy rằng điều này còn lâu mới đơn giản như thế.

Vị tướng kế nhiệm Juin, Augustin Guillaume, tung ra những lời đe dọa tương tự. Tình thế đã xoay chuyển kịch tính đầu những năm 1950 khi những lời chửi rủa, những sự lăng nhục và những lời nói bóng gió vừa mới được che đậy lại bị phóng ra bởi người những Pháp để hạ bệ vị sultan, là người đã từ chối nhượng bộ. Vị sultan làm cho những người thực dân hống hách giận điên người, đặc biệt giống với cơn thịnh nộ mà Jean Cousseau biểu lộ khi ông trao đổi với Bảo Đại năm 1949 (chúng ta đã thấy). Jean Lacouture, người đã tham dự nhiều cuộc họp giữa vị sultan và người Pháp, miêu tả bằng những lời sau sự phản kháng thụ động đáng nhớ của sultan:
"Râu quai nón ăn lấy khuôn mặt, kính đen che ánh nhìn, mũ chùm đầu che tới trán, giọng gắt gỏng: đó là cả một nghi thức không thiện cảm của vị quốc vương, một cách tượng trưng cho sự ghê tởm để chào đón một chuyên gia về quan hệ hoàng cung và về tính khí hoàng gia, như Saint Simon (29)."
Điều gây ấn tượng ở đây là cách mà Mohammed V, hầu như không cố ý, đã đi đến chỗ là hiện thân cho sự đoàn kết quốc gia, bị thúc đẩy, ông ở trong con đường này vừa bởi đảng Istiqlal cũng như vừa bởi người Pháp và những thủ lĩnh các bộ lạc bị khiếp sợ với ý tưởng rằng ông thực sự là hiện thân cho một nền quân chủ quốc gia chủ nghĩa, trong khi thực tế, điều đó có lẽ không hoàn toàn như thế. Khi thực dân và quan chức Pháp bắt đầu tấn công Mohammed V dưới một tràng lời xỉ vả và những sự làm nhục thô bỉ, bằng lời nói cũng như bằng chữ viết, họ đã quên tự hỏi rằng các đầu óc quốc gia chủ nghĩa và tôn giáo có thể diễn giải những điều này ra sao. Chắc chắn họ đã đánh giá thấp cách thức mà họ lao vào tấn công vị quốc vương có thể gây nên những phẫn uất khác nhau về phía xã hội, quốc gia chủ nghĩa, tôn giáo, và thậm chí là về phía nữ quyền, khiến những người này quần tụ đông đảo ủng hộ vua. Sự hậu thuẫn của vua đối với việc giáo dục phái nữ và vai trò rất dễ nhận thấy do các con gái ông đảm nhận xung quanh ông trở thành những nguồn sức mạnh huy động cho nền quân chủ, là những điều đòi hỏi ít nỗ lực nơi vị sultan.

Nhưng vị sultan đâu có ở yên không hành động. Ông phát triển liên minh với các liên đoàn lao động mới đã được thành lập trước đó. Ông cam đoan với đảng cộng sản rằng ông xem mọi tầng lớp xã hội thuộc về một gia đình Maroc rộng lớn, được xây dựng trên một nền dân chủ to lớn hơn. Ông thăm những cơ sở công nghiệp và đi thăm lại các khu bình dân của Rabat và những nơi khác. Giống như Sihanouk, ông cảm thấy thoải mái khi đi trong đám đông. Ông chạm tới dân chúng của mình và cho phép họ chạm đến người ông. Ông đi thăm những gia đình đã bị mất người thân trong các cuộc bạo loạn ở Casablanca, Fès và ở Rabat. Già dặn và từng trải hơn, ông nhanh chóng giành được sự tin tưởng và ông bắt đầu yêu thích nói trước công chúng. Trong những bài diễn văn của mình, như Daniel Rivet đã xuất sắc chỉ ra, ông cẩn thận nối kết việc thành lập nhà nước với bản thân mình là vua và là người bảo vệ tôn giáo của đất nước, tức Hồi giáo. Chuyển từ "truyền thống" sang "hiện đại" (30) mà không cần nỗ lực, ông có thể mặc Âu phục và nói về nữ quyền, nhưng là ở bộ diện tốt nhất của mình hơn là ở trong những
"Vải vóc cotton đèm đẹp làm liên tưởng đến váy áo (sari) Ấn Độ và cái đầu lộ rõ dưới một tấm khăn dùng làm mũ không vành hơn là trong trang phục Châu Âu, là đồ dường như ông có vẻ lúng túng khi mặc vào, dưới ánh nhìn nghiêm khắc của một bà dạy trẻ người Pháp mặt hơi hằm hằm tận tình trao những bài học khô khan để duy trì (31)".
Năm 1952, vượt qua sự nhút nhát, mà Bảo Đại về phần mình chưa bao giờ thắng nổi, Mohammed V đã chuyển sang tấn công. Ông công khai liên kết nền quân chủ và con người hoàng gia của ông với những người quốc gia và với dân tộc mình. Ông lên án nhà nước cai trị Pháp và những cuộc tấn công chống người lao động; ông kêu gọi thương lượng về tương lai của Liên Hiệp Pháp. Trong suốt cuộc thăm viếng ở Casablanca năm đó, hàng triệu người đã đến chào đón ông, và kêu lên malik. Những micro, trong các bài phát biểu của ông, được bố trí cẩn thận để làm cho ông được hoàn toàn lắng nghe và chân dung của vua được phân phát ở mỗi dịp. Người quốc gia và thực dân thể nào cũng đối đầu nhau, ngay khi vua đặt lại vấn đề về tầng lớp thực dân. Bạo lực bắt nguồn từ đó còn làm nặng nề hơn không khí khi người Pháp chuẩn bị hành động chống lại tác phẩm hoàng gia của chính họ. Cuộc khủng hoảng Maroc đạt đến đỉnh điểm vào tháng hai năm 1953 - chính xác vào thời điểm mà Sihanouk chuẩn bị giải phóng Campuchia khỏi mối liên kết với người Pháp và với Liên Hiệp Pháp. Không còn cách nào khác, những công sứ Pháp, thực dân và công chức quyết định đưa một liên minh mới Maroc lên nắm quyền, sau khi đã phế bỏ trước đó vị sultan đương vị. Nước Maroc phải ở trong tay khối hoàng gia, dù phải loại Mohammed V khỏi đó.

Tuy nhiên, quyết định này là thảm họa. Ngày 20 tháng tám năm 1953, xe tăng của Pháp và xe jeep trang bị súng tiểu liên và các nhân viên an ninh bao vây cung điện trong khi quân đội nắm quyền. Vài phút sau, tướng Guillaume đi đến khu phố nơi vị sultan ở và đòi ông phải thoái vị hoặc rời đi. Lạnh lùng, vị sultan từ chối. Người của Guillaume khi đó áp giải vua cũng như hai con trai của ông và đầy họ đi Madagascar. Việc cưỡng bức này của Pháp đã gây ra cuộc nổi loạn thực sự của những người quốc gia. Tuy không mấy trung quân, el-Fassi và những người quốc gia đã đứng sau Mohammed V và cuộc đấu tranh chung để giành độc lập hoàn toàn cho Maroc.

Tin tưởng cứu được nền bảo hộ của mình và giữ được Liên Hiệp, người Pháp chỉ làm tăng tốc sự suy vong của mỗi chúng. Vị sultan mới, được người Pháp ủng hộ, Moulay Arafa, dĩ nhiên có được sự hậu thuẫn của Glaoui de Marrakech và của các tù trưởng bộ lạc, nhưng hầu như chỉ có vậy không hơn. Khi vị tân sultan tiến vào Rabat, không hề có quần chúng hưởng ứng. Ngoài những đại diện báo chí thực dân và những đội quân của các bộ lạc được người Pháp huy động cho sự kiện này, một sự im lặng to lớn chào đón "vị cứu tinh". Đồng thời, những người đi lại trên đường khẳng định đã nhìn thấy hình ảnh kỳ diệu của Mohammed V trên bầu trời. Các thủ lãnh tôn giáo và ngày càng nhiều người Hồi giáo diễn dịch hành động của Pháp như là sự báng bổ và sự xúc phạm tôn giáo. Đàn bà phụ nữ công khai biểu tình sự ủng hộ của họ đối với vị sultan "đích thực". Một vài triệu người trong số những phụ nữ này không ngần ngại tháo bỏ khăn trùm đầu và để lộ khuôn mặt của họ nhằm tỏ sự thách thức. Chính một người thực dân ở Casablanca đã công nhận ở thời điểm đó như sau:
"Vị sultan từ vụ việc này đã nổi lên với thêm một uy thế bổ sung, và hơn bao giờ hết xứng đáng với sự gắn bó của dân chúng của mình. Ông vẫn là vị quốc vương và là vị imam (thầy cả) tối cao của họ, và trên danh nghĩa ông, họ sẽ tiếp tục, ở sâu nhất trong trái tim của họ, đọc kinh nguyện của mình (32)".
Tuy bị cấm, nhưng chân dung của vị sultan đích thực của họ đã được những người Maroc đặt trong nhà mình để tỏ sự phản đối. Một tín ngưỡng thực sự đã lan rộng. Bằng nhiều hình thức, từ nơi bị đi đầy ép buộc, Mohammed V kể từ nay khoác lên vai một quyền lực quốc gia chủ nghĩa mà trước kia ông chưa từng có.

Trong không khí này bạo lực là không tránh khỏi. Những hành động khủng bố và phá hoại gây ra những cuộc bắt bớ hàng loạt. Năm 1954, người biểu tình tấn công vào nhà cửa thực dân và la lớn: "ben Youssef muôn năm" tờ London Times thuật lại. Người Pháp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đưa vị sultan bị đi đầy của họ trở lại để làm dịu tình hình hoặc trấn áp thật dữ dội, với nguy cơ là nó sẽ kéo theo chiến tranh. Giống như trường hợp ở Campuchia, họ đã nhượng bộ và ngày 16 tháng 11 năm 1955, Mohammed V đã thực hiện cuộc trở về khải hoàn ở Rabat trước hàng trăm triệu người Maroc, họ đã đổ ra đường phố hoan nghênh ông. Mọi sự trở ngược lại kể từ nay là không thể. Mohammed V không còn là một vua thuộc địa. Bằng cách phế truất và lưu đầy vị quốc vương này, người Pháp đã làm cho ông thành một vị thánh tử đạo. Sự trở lại của ông là một bước ngoặt mà kể từ đây con người này, ban đầu mờ nhạt và nhút nhát, đã hoàn thiện sự biến đổi của mình thành một quốc vương quốc gia chủ nghĩa và thành người bảo vệ cho độc lập Maroc. Điều này chính thức đạt được vào năm 1956.

Sự phi thuộc địa hóa hụt của Bảo Đại

Nếu Bảo Đại là vị vua chống thực dân nhất trong ba vị vua thuộc địa của chúng ta vào năm 1945, thì tại sao ngày nay ông lại yên nghỉ trong một nghĩa trang ở Paris chứ không phải ở Việt Nam? Câu trả lời nằm trong những biện pháp rộng lớn với bản chất rất khác biệt của việc phi thuộc địa hóa Việt Nam ở sau Chiến tranh thế giới thứ hai và ở trong bối cảnh quốc tế mà trong đó nó diễn ra. Chúng ta hãy kết thúc bài tiểu luận so sánh này bằng việc quay trở lại trường hợp Bảo Đại, ở chỗ mà chúng ta đã dừng lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai: tức đầu năm 1946. Lo lắng về màu sắc cộng sản của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh và tin chắc rằng người Pháp không hề có ý định buông Việt Nam ra, Bảo Đại đành phải đi lưu vong ở Trung Quốc. Tiếp theo ông bắt đầu cộng tác với những người quốc gia phi cộng sản nhằm mở ra một con đường thứ ba, giữa "những người theo thực dân Pháp" và "những người cộng sản Việt Nam". Từ nơi lưu vong của mình ở Hồng Kông, Bảo Đại đã đánh cược rằng ông có thể tập hợp, xung quanh thanh thế con người ông, những người quốc gia phi cộng sản, có thể gặt hái được sự ủng hộ của Mỹ cho việc chống chủ nghĩa cộng sản đang lớn lên của họ và có thể lợi dụng khiến "những người cộng sản" Việt Nam chống lại "thực dân" Pháp để giành độc lập mà Hồ đã không đạt được thành công khi chiến tranh nổ ra ở Hà Nội vào cuối năm 1946.

Léon Pignon, cố vấn chính trị cho cao ủy (1945-1947) rồi sau đó là cao ủy Pháp ở Đông Dương (1948-1950), thấy sự việc rất khác. Ông tin chắc rằng Bảo Đại đã không tự nguyện thoái vị vào năm 1945 và rằng người Pháp có thể đem ông trở lại. Ông tin rằng, như trong quá khứ, có thể sử dụng Bảo Đại để duy trì nước Việt Nam liên kết trong Liên Hiệp Pháp, đồng thời tránh những sự tập hợp ở Việt Nam của Hồ Chí Minh. Không những Pignon đã bắt đầu sự nghiệp quan chức hành chính thuộc địa dưới sự chỉ huy của Pierre Pasquier đầu những năm 1930, mà hơn nữa ông còn từng làm việc với nhiều người thuộc ê-kíp quan chức đã hình dung ra, với Sarraut và Pasquier, "giải pháp" Bảo Đại thứ nhất - đặc biệt là với Jean Cousseau, đã đề cập ở trên. Đầu năm 1947, theo lời khuyên của Pignon, cao ủy Thierry d'Argenlieu bắt đầu bằng việc gửi Cousseau đến Hồng Kông để gặp vị cựu hoàng. Những thương lượng thì gay go và các trao đổi pháp lý thì dữ dội giữa Bảo Đại và người Pháp về bản chất của nước Việt Nam tương lai và vị trí của nó bên trong Liên Hiệp. Bảo Đại đòi độc lập, nhưng người Pháp lại tuyên bố thiên về một liên bang các quốc gia tự do, về liên lập (interdépendance), về chủ nghĩa bốn bên và về một sự "liên kết" để giữ Việt Nam trong Liên Hiệp rộng lớn hơn mà họ dự định thành lập. Rốt cục, Bảo Đại đã không đi xa hơn nhiều trong những thương lượng so với Hồ Chí Minh trước ông, ông đã chỉ đạt được việc người Pháp chấp nhận hợp nhất Nam Kỳ với hai vùng đất bảo hộ để hình thành "nhà nước liên kết Việt Nam" năm 1949, ở thời điểm mà quân đội cộng sản Trung Quốc tiến về biên giới Đông Dương.

Trái với tình hình ở Maghreb, những thay đổi quốc tế năm 1949-1950 đã làm yếu hẳn con đường thứ ba của Bảo Đại nằm giữa "những người theo thực dân" và "những người cộng sản". Chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc, sự nhìn nhận ngoại giao bởi Mao Trạch Đông và Joseph Stalin đối với Việt Nam của Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ quân sự của họ chống lại người Pháp đã buộc người Pháp và Bảo Đại đi đến những thỏa hiệp. Tuy nhiên, người Pháp thấy nơi chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc một cơ hội để nắm bắt: đó là khả năng thuyết phục người Mỹ, đến bấy giờ vẫn do dự, ủng hộ họ ở Đông Dương và xem việc ủng hộ này như là một cánh cửa trong những nỗ lực của Washington để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á. Người Pháp đã đạt được điều này. Thay vì thúc dục thực dân thực hiện việc phi thực dân hóa, như họ đã làm ở Indonesia chẳng hạn, người Mỹ dựa vào những nỗ lực của Pháp để xây dựng một nhà nước Việt Nam phi cộng sản nhưng vẫn theo thực dân quanh Bảo Đại để làm chững lại điều mà họ coi là mối đe doạ lớn nhất của cộng sản Trung-Xô đè nặng lên Đông Nam Á và hiện thân nơi Việt Nam của họ Hồ. Người Pháp chấp nhận việc hợp nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng, như chúng ta đã thấy, nhưng đổi lại, Bảo Đại phải gia nhập Liên Hiệp Pháp và trở về Việt Nam, tức Nhà nước liên kết. Là điều ông đã làm năm 1949… nhưng với giá nào!

Sihanouk và Mohammed V đã chưa bao giờ đối mặt với sức ép tổ hợp của Pháp-Mỹ mà Bảo Đại đã gặp phải. Họ cũng đã không phải cạnh tranh với một Nhà nước quốc gia kháng chiến chống lại họ và chống lại sự liên kết của họ với thực dân. Đảng Istiqlal là một đảng đòi độc lập, nhưng nó không được lãnh đạo bởi những người cộng sản, lẫn được Mao và Stalin ủng hộ như Việt Nam của Hồ Chí Minh. Hễ người Pháp còn tham dự vào chiến tranh Đông Dương và họ còn duy trì Liên Hiệp Pháp, thì người Mỹ còn do dự để thúc đẩy họ làm cho "nhà nước Việt Nam liên kết" thành một nước hoàn toàn độc lập, giống với Indonésie. Người Pháp đã dùng thành công sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản của người Mỹ để đảm bảo sự duy trì thuộc địa của họ ở Đông Dương và để đẩy lùi những nỗ lực mà Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và cả những người khác nữa đã làm để giải phóng một Việt Nam phi cộng sản khỏi Liên Hiệp Pháp, như Mohammed V đã làm ở Maroc, Bourguiba ở Tunisie và Sihanouk ở Campuchia. Khi Bảo Đại trở về Việt Nam năm 1949, cao ủy Pignon dứt khoát từ chối trả lại cho ông dinh thống đốc ở Sài Gòn, là trụ sở quyền lực của Việt Nam. Năm 1949 Bảo Đại đáng lẽ có thể làm điều mà Mohammed V và Sihanouk đã làm một vài năm sau đó; ông lẽ ra có thể quay nền quân chủ ra chống lại người Pháp hơn là chấp nhận kéo dài chế độ bảo hộ thông qua trung gian một sự "liên kết" của toàn bộ Việt Nam. Ông đáng ra có thể biến đổi truyền thống Nho giáo, đã được người Pháp thêm mắm thêm muối để sáng tạo lại và đáng ra có thể biến đổi cuộc vi hành trong chuyến công du hoàng gia thành một cuộc vận động hiện đại cho độc lập quốc gia trước khi họ Hồ biến đổi được lực lượng du kích của mình thành một quân đội chuyên nghiệp, mạnh tới bảy sư đoàn, có thể đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 (33).

Nhưng Bảo Đại đã không có ở nơi ông một chút cái gì đó để có thể tạo được sự khác biệt. Thực ra, ông đã để các sự kiện và những người khác gạt ông ra rìa và thậm chí đẩy ông ra khỏi nước. Rốt cuộc, con người quốc gia Việt Nam, người đã từ chối ký nhận các nhà nước liên kết năm 1949 và đã đến Pháp năm 1953 để biện hộ cho Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp không ai khác là Ngô Đình Diệm - người mà Bảo Đại đã cộng tác ngắn ngủi đầu những năm 1930. Ngô Đình Diệm cũng là người đã đẩy vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam rời hẳn khỏi đất nước năm 1955 và thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Đó là lý do vì sao Bảo Đại vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam ngày nay an nghỉ trong một nghĩa trang ở Paris, trong khi Sihanouk và Mohammed V sống sót qua cuộc phi thuộc địa hóa và hàng năm tiếp tục thu hút quanh những đài tưởng niệm họ hàng triệu người viếng thăm và thấy nơi họ là những vị cha đẻ của các nền độc lập Campuchia và Maroc.
Christopher E. Goscha
 
Minh Toàn dịch

Nguồn: Trích từ tạp chí Monde(s) 2017/2 (số 12), trang 41-69, https://www.cairn.info/revue-mondes-2017-2-page-41.htm

Dịch giả gửi tới Dân Luận
--------------------
Ghi chú
[1] Philippe Devillers, Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 [Histoire du Vietnam de 1940 à 1952], Paris, Le Seuil, 1952, tr. 138.
[2] Xem một trong số các sách là, Jean Aurillac, Nhật ký bị bắt làm tù binh ở Sài Gòn và Lộc Ninh [Journal de captivité à Saigon et Loc-Ninh], Paris, Les Indes savantes, 2013.
[3] Lucien Bodard, Chiến tranh Đông Dương [La guerre d’Indochine], Paris, Grasset, 1997, tr. 502.
[4] Về việc trở về của Mohammed V cuối năm 1955, xem [ http://www.ina.fr/video/AFE85006468/retour-de-s-video.html] (xem ngày 6 tháng hai 2017).
[5] Chẳng hạn [ http://www.ina.fr/video/AFE85001366/l-amiral-thierry-d-argenlieu-rend-visite-au-roi-du-cambodge-video.html] (xem ngày 6 tháng hai 2017).
[6] Như đã được Norodom Sihanouk trích dẫn, Đông Dương nhìn từ Bắc Kinh [L’Indochine vue de Pékin], Paris, Le Seuil, 1972, tr. 54. Về cuộc trở về Phnôm Pênh của Sihanouk, xem [ http://www.ina.fr/video/AFE85005347/retour-du-roi-norodom-sihanouk-a-phnom-penh-video.html] (xem ngày 6 tháng hai 2017).
[7] [ http://www.landrucimetieres.fr/spip/spip.php?article1030]; [ http://www.rabat-maroc.net/lemausolee.html]; [ http://www.rfa.org/english/news/cambodia/monument-10112013130430.html] (tất cả được xem vào tháng hai 2017).
[8] Ở đây tôi dựa vào hồi ký của Bảo Đại, Con rồng An Nam [Le dragon d’Annam], Paris, Plon, 1980 và vào bài báo của tôi: «Một người "đít chì" và một người "điên tài tình": sự huy động thể xác của các vua thuộc địa ở Đông Dương (1919-1953)» [« Un “cul de plomb” et un “fou génial”: La mobilisation corporelle des rois coloniaux en Indochine (1919-1953) »], in François Guillemot, Agathe Larcher-Goscha (dir.), Sự thực dân hóa thể xác. Từ Đông Dương đến Việt Nam [La colonisation des corps. De l’Indochine au Vietnam], Paris, Éditions Vendémiaire, 2014, tr. 127-175.
[9] Robert Aldrich, Cindy McCreery, Các ngôi vua và các thuộc địa: vua chúa Châu Âu và các Đế chế hải ngoại [Crowns and Colonies: European Monarchs and Overseas Empires] (Manchester: Manchester University Press, 2016); Amandine Dabat, « Hàm Nghi (1871-1944): quốc vương lưu vong, nghệ sĩ ở Alger » [« Hàm Nghi (1871-1944): empereur en exil, artiste à Alger »], luận văn tiến sĩ về lịch sử và nghệ thuật, đại học Paris-Sorbonne/Trung tâm nghiên cứu về Viễn Đông [Centre de recherche sur l’Extrême-Orient], 2015.
[10] Phòng lưu trữ quốc gia về hải ngoại (ANOM), kho Đông Dương mới 27, Pierre Pasquier ở vị trí khâm sứ An Nam, Hà Nội, 16 tháng giêng 1907, tr. 5 [Archives nationales d’outre-mer (ANOM), Indochine nouveau fonds 27, Pierre Pasquier au résident supérieur d’Annam, Hanoi, 16 janvier 1907, p. 5]. Chân thành cám ơn Charles Keith đã chia sẻ tham khảo này.
[11] ANOM, thư mục 2326, hộp 858, kho AFOM, kho mới, ghi chú về chủ đề giáo dục hoàng tử Vĩnh Thụy ở Pháp, Huế, 18 tháng hai 1922, Pierre Pasquier ký [ANOM, dossier 2326, box 858, fonds AFOM, nouveau fonds, Note au sujet de l’éducation en France du Prince Vinh Thuy, Hue, 18 février 1922, signée par Pierre Pasquier].
[12] Ở đây tôi dựa vào David Chandler, Bi kịch lịch sử Campuchia: Chính trị, chiến tranh và cách mạng từ 1945 [The Tragedy of Cambodian History: Politics, War, and revolution Since 1945] (New Haven: Yale University Press, 1997); Milton Osborne, Sihanouk: Hoàng thân của ánh sáng, hoàng thân của bóng tối [Sihanouk: Prince of Light, Prince of Darkness] (Sydney: Allen & Unwin, 1994); Nasir Abdoul-Carime, « Động từ Sihanouk » [« Le verbe sihanoukien »], Péninsule, n °2, 1995, p. 79-98; Norodom Sihanouk, Nền quân chủ Campuchia và cuộc vận động hoàng gia giành độc lập [La monarchie cambodgienne et la croisade royale pour l’indépendance], Phnom Penh, bộ giáo dục quốc gia [ministère de l’Éducation nationale], sd.
[13] Amiral Jean Decoux, Ở thanh chắn ngang Đông Dương [À la barre de l'Indochine], 1940-1945, Paris, Plon, 1949, p. 270 et 274.
[14] Ibid., p. 287.
[15] Chẳng hạn như Gaston Barrault, Ô. de Boysson, Ô. Desjardins, Ô. Duvelle và Dr. Riche.
[16] Norodom Sihanouk, Những kỷ niệm êm dịu và cay đắng [Souvenirs doux et amers], Paris, Hachette, 1981, p. 87-88.
[17] Penny Edwards, Campuchia: sự Gầy dựng một Quốc gia [Cambodge: The Cultivation of a Nation], 1860-1945 (Honolulu: University of Hawaii Press, 2007).
[18] Xem bài của Pierre Grosser trong số này.
[19] David Chandler, Bi kịch lịch sử Campuchia [The Tragedy of Cambodian History], op. cit., p. 61 (cf. note 12).
[20] Ibid., p. 63.
[21] Ibid., p. 72. Trong một bài phỏng vấn đáng chú ý năm 1987, Sihanouk tiết lộ sự khinh thường sâu thẳm của ông đối với chủ nghĩa cộng hòa: “Playboy Interview: Norodom Sihanouk”, by Debra Weiner, Playboy (May 1st 1987) [ http://sihanouk-archives-inachevees.org/wp-content/uploads/2013/10/Sihanouk_Playboy.pdf] (xem bản PDF vào tháng hai 2017).
[22] Ở đây tôi dựa vào Daniel Rivet, Maroc từ Lyautey đến Mohammed V, hai mặt của chế độ bảo hộ [Le Maroc de Lyautey à Mohammed V, le double visage du protectorat], Paris, Denoël, 1999; Daniel Rivet, Maghreb trong thử thách thuộc địa [Le Maghreb à l’épreuve de la colonisation], Paris, Hachette, 2002; Jean Lacouture, Năm người đàn ông và nước Pháp [Cinq hommes et la France], Paris, Le Seuil, 1961; Rom Landau, Bi kịch Maroc [Moroccan Drama], 1900-1955 (San Francisco: American Academy of Asian Studies, 1956); Daniel Rivet, Lịch sử Maroc [Histoire du Maroc], Paris, Fayard, 2012.
[23] Charles-André Julien, Bắc Phi tiến bước [L’Afrique du Nord en marche], Paris, René Julliard, 1972 (3e éd.), p. 135.
[24] Jean Lacouture, Năm người đàn ông và nước Pháp [Cinq hommes et la France], op. cit., p. 187 (cf. note 22).
[25] Ibid., p. 193.
[26] Xem bài của Pierre Grosser trong số này.
[27] Jean Lacouture, Năm người đàn ông và nước Pháp [Cinq hommes et la France], op. cit., p. 211 (cf. note 22).
[28] Ibid., p. 211-212.
[29] Ibid., p. 205.
[30] Daniel Rivet, Maroc từ Lyautey đến Mohammed V [Le Maroc de Lyautey à Mohammed V], op. cit., chap. 11 (cf. note 22).
[31] Jean Lacouture, Năm người đàn ông và nước Pháp [Cinq hommes et la France], op. cit., p. 205 (cf. note 22).
[32] Rom Landau, Bi kịch Maroc [Moroccan Drama], op. cit., p. 324-25 (cf. note 22).
[33] Khuôn khổ bài này không cho phép khai triển ở đây sự so sánh về việc "sáng chế" của Pháp về Hồi giáo Maroc, Nho giáo Việt Nam và có lẽ Phật giáo Khơ-me. Về một phân tích cho sự sáng chế của Pháp về Hồi giáo Maroc và việc những người quốc gia lấy nó xài lại, xem Edmund Burke III, Nhà nước dân tộc [The Ethnographic State] (Berkeley: University of California Press, 2014).

(Dân Luận)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn