Cuộc chiến chống muỗi ở vương quốc Phật giáo Bhutan

Chủ Nhật, 05 Tháng Tư 20209:00 SA(Xem: 3940)
Cuộc chiến chống muỗi ở vương quốc Phật giáo Bhutan
bbc.com

Cuộc chiến chống muỗi ở vương quốc Phật giáo

Christine Ro, tường thuật từ Bhutan BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

"Vào ban đêm, có rất nhiều muỗi, chúng tôi không thể ở ngoài được," chàng trai trẻ Madhavi Sharma vốn có gia đình trồng lúa và nuôi gia súc ở làng Samteling về phía nam của Bhutan, mỉm cười nói.

Buổi tối, mọi người thường ở trong nhà bếp, nơi họ nấu nướng trên ngọn lửa mở để khói thuốc xua đuổi côn trùng.

Nỗ lực quyết liệt

Sharma được đi học đến lớp 10 (đến 16 tuổi), và thông qua những lời truyền miệng và các chiến dịch của chính phủ đã tiếp nhận rất nhiều thông tin về đe dọa bệnh sốt rét và sốt xuất huyết - cả hai đều do muỗi truyền bệnh.


Gia đình Sharma không để nước tù đọng xung quanh. Họ sử dụng những chiếc mùng diệt côn trùng có độ bền lâu dài được chính phủ phát miễn phí: thậm chí còn có một mùng nhỏ cho đứa bé 14 tháng tuổi vốn ngủ trên chiếc võng nôi tự chế ở tầng dưới.

Nhà họ cũng được phun thuốc diệt côn trùng hai lần một năm. Tuy nhiên, nhà Sharma đã trát tường nhà bằng bùn và phân bò khô, khiến việc phun thuốc tồn lưu trong nhà (IRS) cho đến nay không hiệu quả. Ngôi nhà có các khoảng trống trên tường thay vì cửa ra vào và cửa sổ, vì vậy mà mùng hết sức quan trọng.

Mùng, thuốc xịt và nhận thức cộng đồng đều cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Bhutan nhằm giảm sốt rét, vốn bắt đầu từ thời thập niên 1960.

Các ca mắc bệnh đã giảm đột biến, từ mức đỉnh điểm khoảng 40.000 ca (bao gồm 68 trường hợp tử vong) vào năm 1994 xuống còn 54 ca vào năm 2018 (trong đó chỉ có sáu ca là mắc bệnh tại chỗ).

Trường hợp tử vong duy nhất trong năm 2017 là một người lính 21 tuổi vốn được triển khai đến biên giới Bhutan-Ấn Độ. Bệnh nhân này đã đến bệnh viện quá trễ nên các bác sĩ không thể điều trị được bệnh sốt rét não.

Sốt rét khiến con người mất đi năng suất lao động, sức khỏe và trong những trường hợp xấu nhất là tính mạng. Vì vậy, các quan chức Bhutan hiện đang chạy nước rút để về đích: không còn sốt rét.

Nhưng để đến đích nhanh chóng, trước khi biến đổi khí hậu và kháng thuốc làm nỗ lực của họ bị trật đường ray, điều tối quan trọng đối với Bhutan là nhìn sang người hàng xóm khổng lồ ở phía nam: Ấn Độ.

Từ Phật giáo đến phòng chống sốt rét

Khi một quốc gia đạt đến tình trạng không còn bệnh sốt rét, điều mà một vài quốc gia làm được trong mỗi thập kỷ, đó là lý do chính đáng để ăn mừng.

Điều này giải phóng nguồn lực để tập trung vào các căn bệnh khác.

Thêm vào đó, thanh toán hoàn toàn ký sinh trùng chết chóc này có nghĩa là chúng sẽ không có cơ hội tiến hóa hoặc phát triển khả năng miễn dịch đối với kho thuốc chống sốt rét giới hạn.

Nhưng liệu cột mốc đó có thể đạt được sớm hơn hay không cũng là điều đáng để suy nghĩ.

Một thách thức thú vị ở Bhutan là sự ác cảm của Phật giáo ở đất nước hết sức sùng đạo này đối với việc sát sinh, ngay cả khi đó là con muỗi mang mầm bệnh. Do đó, các quan chức phun thuốc diệt côn trùng ở các tòa nhà đã phải định hình lại cách làm này.

Rinzin Namgay, nhà côn trùng học đầu tiên của Bhutan, cười khi ông nhớ lại rằng họ đã nói với những chủ hộ đang lo lắng trong đợt phun thuốc rằng: "Chúng tôi phun thuốc cho ngôi nhà thôi. Nếu con muỗi nào muốn bay vào trong để tự sát thì hãy để nó vào."

Nhiều thập kỷ trước, một số người phun thuốc phải rất quyết liệt và nhờ thêm cả sự hộ tống của cảnh sát mới vào được nhà dân.

Bên một đĩa momos (bánh bao Nam Á) chay và cốc nước ép ổi, Dechen Wangmo phản ứng bằng sự pha trộn vừa buồn cười vừa kinh hoàng khi tôi hỏi cô liệu, chẳng hạn như, giẫm lên một con gián, thì có sao không.

"Không," cô khăng khăng, dùng tay che miệng trong lúc cười. Wangmo là quản lý văn phòng của Trung tâm Chẩn đoán Druk, một trong hai phòng khám tư ở Gelephu vốn kiểm tra sức khoẻ tất cả những người không phải người Bhutan nhập cảnh từ Ấn Độ theo hợp đồng làm việc ngắn hạn và thường làm việc cho các dự án thủy điện lớn mọc lên trên khắp đất nước.

Bị chẩn đoán mắc bệnh giang mai chẳng hạng, có nghĩa là người lao động bị buộc quay về. Và nếu bị chẩn đoán mắc sốt rét sẽ có nghĩa là, cũng giống như mọi người khác ở Bhutan, những công nhân này sẽ phải ở bệnh viện ba ngày để đảm bảo được điều trị đàng hoàng - một chế độ nghiêm ngặt hơn so với nước láng giềng Ấn Độ.

Những nhân công Ấn Độ ban ngày vào Bhutan từ buổi sáng để làm việc và chiều phải ra khỏi trước 18:00, thà rời bệnh viện còn hơn là phải mất ba ngày lương và thời gian dành cho gia đình. Tôi thấy thật khó mà trách họ.

Gay cấn hơn cả mâu thuẫn Phật giáo về giết hại ký sinh trùng là cuộc xung đột sắc tộc bùng lên ở bang Assam, Ấn Độ, giáp biên giới với Bhutan, cho đến khoảng năm 2014, khiến các gia đình phải ly toán tìm nơi an toàn.

Y tế bị ảnh hưởng tồi tệ khi mà các bác sĩ bị đe dọa hoặc bị đánh đập vì họ đã điều trị cho bệnh nhân nào đó.

"Người dân rất ngại đi vào các khu vực này để chẩn đoán," bác sỹ Pradip Narzary, người rất được kính trọng ở Bệnh viện Crofts Memorial ở làng Tukrajhar, Ấn Độ, chiêm nghiệm.

Đồng thời, các vụ bắt cóc dân Bhutan do những người Ấn Độ đòi tiền chuộc thực hiện vẫn tiếp diễn cho đến năm 2016.

Trong những hoàn cảnh đầy thách thức này, không có di sản mạnh mẽ về sự hợp tác của các quan chức y tế Ấn Độ và Bhutan để chống lại các mối đe dọa sức khỏe chung.

Phía Ấn Độ vẫn còn nghi ngờ rằng các nhà máy thủy điện của Bhutan, mà Ấn Độ đang dựa vào để lấy năng lượng, đang dẫn đến xói mòn đất và lũ lụt ở phía Ấn Độ, đẩy các bộ tộc đi nơi khác và mở rộng các khu định cư không chính thức.

Đó là một mối quan hệ rối rắm và nhạy cảm giữa những nước láng giềng.

Bài học cho các quốc gia khác

Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều, xét về cả bạo lực ở người và sự tấn công của muỗi.

Sốt rét đã là ký ức chứ không còn là sự hiện diện thường trực đối với nhiều người dân ở cả hai bên biên giới.

"Một số bệnh nhân tử vong ngay trên tay chúng tôi," Tobgyel, nhà phân tích phụ trách Chương trình kiểm soát dịch bệnh của Bhutan, nhớ lại. Điều đó không còn xảy ra nữa.

Những tiến bộ ở Bhutan đã vượt nhanh hơn bước tiến ở Ấn Độ, nhưng Bhutan vẫn là một nước nhỏ với một số đặc thù vốn đã giúp ích cho nó trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét.

Giảm nghèo nhanh chóng chắc chắn là một nhân tố. Bhutan chính thức được coi là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, nhưng họ hy vọng sẽ được như Ấn Độ với tư cách là quốc gia có thu nhập trung bình thấp cho đến năm 2023.

Dorji Tshering, giám sát y tế mới được bổ nhiệm của Bệnh viện Tuyến trên Trung tâm Khu vực Gelephu, nói rằng kinh nghiệm của Bhutan đem đến một số bài học cho các quốc gia khác cũng có dịch sốt rét.

Một là tầm quan trọng của các nguồn lực được dành để kiểm soát nguồn lây bệnh. Công việc này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Toàn cầu chống Aids, Lao và Sốt rét, mặc dù nước này sẽ không thể dựa vào quỹ tài trợ này nữa một khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Bhutan chính thức thanh toán được sốt rét.

Một khía cạnh quan trọng khác là quyết tâm chính trị mạnh mẽ để dứt điểm bệnh sốt rét đi từ cấp chính phủ quốc gia xuống đến các nhóm hành động cộng đồng tình nguyện vốn thiết lập các trại huấn luyện riêng tại khu vực của họ.

"Tất cả mọi người đều tham gia và mọi người đều làm chủ nhân," bác sĩ Tshering nói. "Tất cả các mảnh ghép được gom lại. Và giờ đây chúng ta đang ở giai đoạn mà ngay cả một ca sốt rét cũng thành tin tức."

Các ca sốt rét ở Ấn Độ nhiều hơn rất nhiều. Hồi năm 2018 cứ một trong 265 người đã bị dính - mặc dù tổng số ca bệnh giảm mạnh gần 50% so với năm trước.

Cách làm mạnh tay đối với y tế công cộng có tác dụng trong xã hội Bhutan vốn gắn kết chặt chẽ, có đẳng cấp, gần đây được dân chủ hóa và đa phần tuân thủ luật lệ.

Gần như mỗi doanh nghiệp đều treo chân dung Quốc vương được tôn kính và người dân rất háo hức tin vào sự hài hòa môi trường và xã hội và tổng hạnh phúc quốc gia (mặc dù đương nhiên như trong bất kỳ xã hội nào, thi thoảng cũng có những rạn nứt).

Thật khó tưởng tượng các quan chức ở Ấn Độ, nền dân chủ phức tạp đồng thời là nền dân chủ lớn nhất thế giới, có thể phun thuốc diệt côn trùng đến từng nhà nếu đa số cộng đồng tôn giáo phản đối sâu sắc.

Hợp tác hạn chế

Đồng thời, gần như chỉ có một tiêu chuẩn y tế đồng nhất (miễn phí) ở Bhutan, cho cả người dân Bhutan và người nước ngoài, trong khi hệ thống y tế ở Ấn Độ thường được cho là phân tầng hơn.

Promod Narzary, nông dân trồng lúa ở Tukrajhar, Ấn Độ, lần cuối bị sốt rét khi ông còn nhỏ. Ông tin rằng các bệnh viện công không phải lúc nào cũng có danh tiếng tốt về chất lượng cao và thừa nhận rằng ông ấy may mắn được sống trong một ngôi làng có bệnh viện và trạm phát thuốc ở gần đó.

Giống như nhiều người ở Assam, ông thà trả tiền để vào bệnh viện tư hoặc bệnh viện của nhà thờ. Những người khác thì chọn (hoặc không có lựa chọn nào khác) đến Bhutan để điều trị.

"Các bệnh viện tư có danh tiếng tốt, tôi không phủ nhận điều đó," ông Pijush Hazarika, bộ trưởng phát triển đô thị, y tế và phúc lợi gia đình của bang Assam, nói.

Nhưng ông cũng chỉ ra rằng các bệnh viện công, vốn vẫn đang phải đánh vật với thời gian chờ đợi lâu và bệnh nhân nằm trên sàn vì không đủ giường, đang đối phó với số lượng bệnh nhân lớn hơn nhiều.

Khu vực biên giới thường là nơi xảy ra các ca mắc sốt rét cuối cùng.

Mặc dù nỗ lực chống sốt rét của người Bhutan được lợi từ diện tích đất nước nhỏ và cam kết mạnh mẽ của chính quyền, nó lại gặp khó khăn bởi sự hạn chế hợp tác xuyên biên giới.

Khu vực duy nhất của Bhutan bị ảnh hưởng bởi sốt rét là những chỗ giáp giới với Ấn Độ, trong khi các bang Ấn Độ bị dính sốt rét nhiều nhất thì nằm quanh biên giới với Bhutan. Đường biên giới thì kiểm soát sơ sài và người dân thường xuyên qua lại từ cả hai phía để làm việc, du lịch hoặc mua sắm.

Bệnh sốt rét ở biên giới đặc biệt ám ảnh nỗ lực xóa sổ sốt rét của một số quốc gia. Ả Rập Xê-út và Yemen, Haiti và Cộng hòa Dominica, và Trung Quốc và Myanmar đều có chung đường biên giới không chặt chẽ. Tất cả cũng có vấn đề về dịch sốt rét ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, không có quốc gia có thể tự mãn. Bệnh sốt rét sẽ trở lại nếu nó không hoàn toàn bị xóa sổ, như đã thấy ở Myanmar, Campuchia và Venezuela.

'Không nói chuyện với nhau'

"Không có lý gì một quốc gia áp dụng cách làm mới mà quốc gia láng giềng không làm," bà Cynthia Mwase-Kasanda của Global Fund nói.

Muỗi thì đương nhiên là không biết đến biên giới. Và nếu muỗi đốt một người đã bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, thì muỗi đó đến lượt nó cũng bị dính ký sinh trùng đó rồi truyền sang người khác. Ý tưởng Đẩy lùi Sốt rét thậm chí còn kêu gọi các quốc gia láng giềng đừng cố gắng loại trừ sốt rét trừ phi họ cùng nhau làm.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các nhà hoạt động ngồi trong mùng để phản đối việc để bệnh sốt xuất huyết lan rộng tại Kolkata, Ấn Độ

Ấy vậy mà, giới chức phòng chống sốt rét Ấn Độ và Bhutan hầu như không nói chuyện với nhau - và khi họ có nói chuyện thì đó là trao đổi không chính thức, dựa trên các liên hệ cá nhân thay vì các mối quan hệ thể chế.

Các quan chức y tế Bhutan đang nản chí bởi sự quan liêu trong khi làm việc với chính quyền trung ương Ấn Độ, mặc dù mong muốn xây dựng mối quan hệ ở cấp quận huyện.

Ngược lại, các quan chức Ấn Độ không thể hiện nhiều sự tò mò đối với Bhutan.

Dường như nguyên nhân một phần là do chính trị và địa lý; Bhutan nhỏ bé đã quen nhìn ra bên ngoài và vẫn nhận thức sâu sắc về vị trí của họ trên thế giới, trong khi Ấn Độ khổng lồ có đủ sức hướng nội.

Mozammal Hoque Choudhury, nhà tư vấn về bệnh truyền nhiễm cho Quận Chirang của Ấn Độ, tin rằng công dân Bhutan có thể đến Ấn Độ, bị nhiễm bệnh và quay trở lại bên kia biên giới - thay vì công dân Ấn Độ đưa ký sinh trùng sốt rét qua biên giới.

Khó có khả năng đó là cái nhìn toàn cảnh.

Trong khi đó, Hazarika, Bộ trưởng Y tế của bang Assam, một mực cho rằng mối quan hệ giữa các quan chức Bhutan và Ấn Độ cần phải thông qua chính quyền trung ương bất kể có sự quan liêu, và mối quan hệ đó nhìn chung là tốt.

Tuy nhiên, những người chiến đấu với sốt rét ở các khu vực liền kề không hề thông báo cho nhau khi một loài muỗi mới được tìm thấy trong lãnh thổ của họ. Họ không báo cho nhau về dịch bùng phát đột ngột hoặc các phong trào của người dân.

Các nhà khoa học phải nhờ đến việc đọc các tài liệu nghiên cứu được đồng nghiệp của họ công bố ở nước bên kia để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra cách 20 km, thay vì nhấc điện thoại lên. Và không có thỏa thuận giữa hai nước về việc bên nào nên chủ động.

Có chút hy vọng xa xôi.

Đầu tháng 9, một cuộc họp cuối cùng cũng đã diễn ra tại Bhutan để thảo luận về bệnh sốt rét xuyên biên giới ở Ấn Độ và Bhutan. Tuy nhiên, việc không có đại diện tham dự đến từ Tây Bengal, một trong những bang của Ấn Độ bị sốt rét ảnh hưởng nhiều nhất, dường như cũng cho biết điều gì đó.

Bhutan đang hy vọng loại bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét trong vài năm tới và Ấn Độ đặt mục tiêu trong thập kỷ tới. Đó sẽ là một thành tích tuyệt vời.

Tại hai nước, tình trạng đói nghèo, xung đột và sự hạn chế trong phối hợp, hợp tác với nhau đều đang cản trở việc đạt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét.

Họ đã gần đến đích. Nhưng cùng nắm tay nhau có thể giúp họ đến đích mau hơn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn