Đốt sách giết trò: từ Tần Thủy Hoàng đến Mao

Thứ Năm, 18 Tháng Giêng 20182:00 SA(Xem: 5509)
Đốt sách giết trò: từ Tần Thủy Hoàng đến Mao
bbc.com
Carrie Gracie BBC News, Bắc Kinh

Terracotta warriors Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nơi yên nghỉ của Mao Trạch Đông và Tần Thuỷ Hoàng đế với đội quân đất nung, luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Thế nhưng hai người còn có một điểm chung khác đó là: Tần Thủy Hoàng đã dạy Mao cách ngược đãi giới trí thức.

Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời đã gần 40 năm nhưng thi hài ông vẫn được giữ gìn trong lăng đặt tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Quảng trường được xem như là trung tâm biểu tượng cho nền chính trị Trung Hoa - những lá cờ đỏ và đèn lồng với bức chân dung Chủ tịch Mao trên cổng Thiên An Môn, nơi ông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949.


Nhưng vị hoàng đế đỏ này chịu ảnh hưởng to lớn từ một nhà lãnh đạo từng dựng nên đế chế Trung Hoa hồi hơn 2.000 năm trước.

Thống nhất thiên hạ

"Chúng ta sẽ không thể có được một nước Trung Quốc nếu như không có Tần Thủy Hoàng," Peter Bol từ Đại học Havard nói. "Tôi nghĩ điều này dễ hiểu."

Trung Quốc thời đó còn là vùng đất của bách gia chư tử.

"Trước thời Tần Thủy Hoàng, các nước nhỏ nằm trong Trung Quốc bị chia rẽ chứ không thống nhất," Bol nói.

"Mỗi nước lại dùng một bộ lịch khác nhau, kiểu chữ khác nhau... chiều rộng đường sá cũng khác nhau, vì vậy chiều rộng bánh xe cũng khác nhau ở những địa điểm khác nhau."

Lên ngôi vương ở nước Tần nhỏ bé khi mới 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu tỏ rõ tham vọng thống lĩnh thiên hạ với việc cho xử tử người tình của mẹ mình cùng toàn bộ gia tộc của ông ta.

Một trăm năm sau, sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên nói về vị vua trẻ:

"Với lồng ngực chim ưng cùng giọng nói như chó rừng, Tần Thủy Hoàng ít khi động lòng trắc ẩn và mang trái tim sói sắt đá. Khi hoạn nạn ông sẵn sàng nhún nhường trước người khác, nhưng khi thượng phong, ông không nghĩ gì ngoài chuyện ăn tươi nuốt sống thiên hạ."

"Nếu như Tần Thủy Hoàng tìm được cách thống trị thế giới, thì sau đó cả thế giới sẽ bị ông cầm tù."

Tần Thuỷ Hoàng xây dựng được một đội quân thiện chiến.

Opera singer Placido Domingo performed as Emperor Huang in 2006 in New York Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Giọng tenor huyền thoại Placido Domingo vào vai Tần Thủy Hoàng trên sân khấu hồi 2006

Khá dễ để mường tượng ra đội quân đó, bởi ông để lại cho chúng ta cả một binh đoàn chiến binh đất nung ở Tây An.

"Tần là nước đầu tiên kêu gọi tổng động viên để phục vụ chiến tranh," Peter Bol nói.

"Tần coi người dân có nhiệm vụ phải đi quân dịch, thắng trận và mở rộng bờ cõi."

Tần Thuỷ Hoàng lần lượt đánh bại các nước lân bang, chiếm đất, bắt dân các nước làm nô lệ.

"Với những người bắt được về từ nước khác, ông đánh dấu bằng cách đem thiến, và rồi biến họ thành những nô lệ," Tấn Châu thuộc Đại học Hong Kong nói.

"Có rất, rất nhiều thái giám trong cung đình. Ông ta thực sự là một bạo chúa tàn nhẫn."

Nhà nước tập quyền đầu tiên

Tuy nhiên, không có Tần Thủy Hoàng thì sẽ không có Trung Quốc.

"Từ Mông Cổ cho tới Hong Kong, từ biển khơi cho tới Tứ Xuyên - đó là một vùng lãnh thổ rộng lớn," Frances Wood, người quản lý bộ sưu tập về Trung Quốc tại Thư viện Anh, cho biết:

"Nó rộng bằng toàn bộ đế chế La Mã gộp lại. Và đã có một người cai trị toàn bộ vùng đất rộng lớn này."

Peter Bol tin rằng Tần Thuỷ Hoàng không chỉ tạo ra Trung Quốc mà còn thiết lập được một đế chế tập quyền đầu tiên trên thế giới.

Bol nói: "Ông ta đặt ra mục tiêu thống nhất các phong tục, tập quán, luật lệ của tất cả các nước làm một."

"Chữ viết được thống nhất. Và có một sự thật là chữ viết Trung Hoa duy trì được sự thống nhất kể từ đó, nhờ có Tần Thuỷ Hoàng."

"Tất cả các bánh xe được làm cùng cỡ để tiện di chuyển trên đường."

Great Wall of China Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc

"Ông ta cũng đi vòng quanh những ngọn núi nổi tiếng, nơi mà dựng lên các bia đá, tượng đài bằng đá, nói rằng giang sơn của Hoàng đế giờ đây đã được thống nhất.

"Ông đưa ra ‎ý tưởng mọi khu vực đều cần một người quản lý và cai trị, người này được trang bị các quy tắc và là người có trách nhiệm quan tâm đến dân chúng. Mọi người đều phải hiểu quy tắc đó là gì," Wood nói.

"Ông thu thuế, kiểm soát tư pháp cũng như đào tạo các quan chức khắp Trung Quốc. Với tôi, đó là một thành tựu phi thường."

Đàn áp đối lập

Mặc dù vậy, cũng có những câu chuyện "khủng khiếp" về ông mà nhà sử học Tấn Châu từng được nghe.

"Ông ta giết bỏ bất cứ ai phản đối hoặc bất đồng với mình. Ông ta là người hoang tưởng. Ông ta luôn trong nỗi sợ hãi về việc làm thế nào để kiểm soát lãnh thổ rộng lớn này với rất nhiều nền văn hoá và rất nhiều những nhóm người khác nhau," bà nói.

Và ông ta sợ cây bút không kém gì những thanh gươm.

"Các học giả nói xấu sau lưng ông," Tấn Châu nói. "Và dĩ nhiên là một người hoang tưởng, ông ta không thích điều đó, nên đã ra lệnh bắt giữ hơn 400 học giả và chôn sống họ."

Tần Thuỷ Hoàng không hứng thú với văn hóa Khổng Tử - nỗi sợ của ông về giới trí thức ngày càng sâu thêm.


"Tần vương nói rằng, 'Chúng ta không muốn nghe bọn hủ nho chỉ trích hiện tại bằng việc đề cập đến quá khứ'," Peter Bol nói.

"Quá khứ không có nghĩa lý gì cả và lịch sử cũng vậy. Vậy là cần phải đốt sách, chôn vùi các học giả, những người dám lên tiếng chỉ trích."

Bol nhìn thấy sự tương đồng với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Giống như Tần Thuỷ Hoàng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay chấp nhận việc tranh luận về chiến thuật - nhưng không chấp nhập việc có hướng đi khác, ông nói.

"Họ lập luận rằng đó là cách duy nhất để cai trị Trung Quốc."

Nhà sử học Tấn Châu đồng ý. "Trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chúng ta chấp nhận mô hình hoàng đế là tuyệt đối, và con đường duy nhất để cai trị được một đế quốc rộng lớn là cần phải tàn nhẫn," bà nói.

Mao's mausoleum Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hàng đêm, cỗ quan tài kính đặt thi hài Mao được đưa xuống hầm ngầm bằng thang máy

Thực tế là năm 1958, Mao đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng.

"Ông ta chôn sống 460 học giả còn chúng ta cũng đã chôn sống 46.000 học giả," ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình.

"Các bạn [những nhà trí thức] căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần."


Mỗi đêm, thi hài Mao trong một quan tài kính được đưa xuống một tầng hầm có khả năng chống động đất qua thang máy, và mỗi buổi sáng nó lại được đưa trở lại lên trên.

Đó có lẽ là điều mà Tần Thuỷ Hoàng sẽ đánh giá cao. Nhưng tôi không chắc là liệu ông ta có thấy ấn tượng mạnh với lăng Mao Trạch Đông hay không.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng có cả một đội quân đất nung, một dàn nhạc đầy đủ các nhạc cụ và khung cảnh một con sông hiện lên cùng với những con sếu, thiên nga và ngỗng - và các nhà khảo cổ đã bắt đầu đào bới.

"Cảm giác giống như một người đàn ông biến mất sau ngôi mộ," Frances Wood nói.

"Và dĩ nhiên quy mô của đội quân đất nung, quy mô toàn bộ khu mộ - mà dường như được mở rộng mỗi ngày - vượt qua mọi thứ mà người ta biết về ông ta trong thực tế. Bạn được chứng kiến một cảnh quan tuyệt vời."

Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Chủ nghĩa Mao nay không còn ảnh hưởng nhiều thời giới trẻ ở Trung Quốc

Cả Tần Thuỷ Hoàng và Mao Trạch Đông đều tồn tại mạnh mẽ trong trí tưởng tượng của người dân Trung Quốc, nhưng Trung Quốc thì lớn hơn nhiều so các vị hoàng đế của nó.

Khi Tần Thuỷ Hoàng qua đời, triều đại của ông chỉ kéo dài thêm được vài tháng. Khi Mao qua đời, những người kế nhiệm ông nói rằng 'tư tưởng sáng ngời' của ông sẽ trường tồn.

Nhưng bộ đại cán Mao thường mặc nay đã biến mất.

Và tuy những đám đông vẫn tới thăm lăng ông, nhưng chủ nghĩa Mao Trạch Đông hiếm khi được đề cập trong thời đại ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn