Phát hiện hóa thạch 'người tuyết Nam Mỹ'

Chủ Nhật, 22 Tháng Ba 202011:00 SA(Xem: 4690)
Phát hiện hóa thạch 'người tuyết Nam Mỹ'

EcuadorLoài lười đất cổ đại nặng một tấn, có móng vuốt dài hai mét từng sống ở các thung lũng thuộc dãy Andes cách đây hàng chục nghìn năm.

Lười đất khổng lồ sống theo đàn ở vùng núi Ecuador thời cổ đại. Ảnh: Sun.

Lười đất khổng lồ sống theo đàn ở vùng núi Ecuador thời cổ đại. Ảnh: Sun.

Một nhóm nhà cổ sinh vật học ở Argentina và Ecuador tìm thấy hóa thạch của loài lười đất khổng lồ có tên khoa học Oreomylodon wegneri ở vùng núi Ecuador cách mực nước biển 2.500 m. Với biệt danh "người tuyết Nam Mỹ", loài vật này nặng khoảng một tấn, có bộ vuốt lớn và mõm dài, thích nghi với khí hậu cực hạn.

"O. wegneri có những đặc điểm chưa được biết tới trước đây, đặc biệt là phần mõm to, giúp nó sinh tồn ở nhiệt độ thấp và khí hậu vùng núi", Luciano Brambilla, chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu liên ngành của Đại học Rosario và Conicet, cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, móng vuốt của O. wegneri mọc ở cả chân trước và chân sau, dài tới hai mét. Chúng sử dụng khứu giác nhạy bén trong tương tác giữa con đực và con cái cũng như đánh dấu lãnh thổ. Các nhà nghiên cứu cho biết mẫu vật hóa thạch có thể giúp phục dựng toàn bộ cơ thể của loài vật đã tuyệt chủng từng lang thang trên Trái Đất cách đây 10.000 - 40.000 năm. Nhiều khả năng O. wegneri sống ở vùng đồng cỏ có nhiệt độ trung bình cao hơn vài độ so với ngày nay.

"Việc phát hiện ba mẫu vật ở cùng một nơi khiến chúng tôi cho rằng những con vật này sinh sống theo đàn, điều hoàn toàn mới đối với chi lười đất", trưởng nhóm nghiên cứu Roman Carrion, nhà cổ sinh vật học ở Trường Bách khoa Quito của Ecuador, chia sẻ.

An Khang (Theo Sputnik News)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn