Nguyễn Hoàng – Bốn trăm năm nhìn lại

Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20185:00 CH(Xem: 8458)
Nguyễn Hoàng – Bốn trăm năm nhìn lại
img_2210a

Năm 1533, nghe tin Nguyễn Kim chiêu quân mãi mã chống nhà Mạc ở Sầm Châu, Trịnh Kiểm bèn lấy trộm một con ngựa của chủ, đang đêm cắt rừng, tìm đến căn cứ của Nguyễn Kim, xin theo về. Năm ấy ông vừa đúng 30 tuổi (tranh của Tô Hoài Đạt)

Trần Viết Ngạc

1. Nguyễn Phúc tộc thế phả chép về Nguyễn Hoàng có đoạn:

“Năm Ất Tỵ (1545) đức Triệu Tổ mất, lúc này ngài 21 tuổi, được tập phong tước Hạ Khê Hầu…

Đời Lê Trang Tông, ngài được tấn phong tước Đoan Quận công, khi Trịnh Kiểm chuyên quyền, ám hại Lãng Quận công Nguyễn Uông (anh của ngài), ngài nghe mưu của cậu là Nguyễn Ư Kỷ, cáo bệnh giữ mình. Hiểu ý câu nói của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất dai , vạn đại chung thân” và theo lời khuyên của cậu, ngài nhờ chị Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm (chồng của bà Ngọc Bảo) cho vào trấn đất Thuận Hóa” (1)

Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Việt sử ký toàn thư (trong lời chú của dịch giả) và những tác giả viết về chúa Nguyễn, triều Nguyễn đều viết với nội dung tương tự.

Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư (chính văn), Phủ biên tạp lục, Đại Việt thông sử đều không nói đến sự kiện Trịnh Kiểm ám hại Nguyễn Uông và cả câu chuyện Nguyễn Hoàng nhờ chị Ngọc Bảo xin vào trấn Thuận Hóa theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nay ta thử tìm hiểu về sự kiện tạm gọi là nghi án Nguyễn Uông trong mối quan hệ Nguyễn Kim, Nguyễn Uông Nguyễn Hoàng với Trịnh Kiểm.

Năm 1533, khi Nguyễn Kim đưa Lê Ninh lên làm vua ở núi rừng Thanh Hoa (Trang Tông) cũng chính là lúc tài năng quân sự Trịnh Kiểm về với Nguyễn Kim và được Nguyễn Kim gã con gái là trưởng nữ Ngọc Bảo.

Năm đó, Nguyễn Kim đã 65 tuổi, Trịnh Kiểm ở vào tuổi lập than(ba mươi), chín chắn, sau một thời gian lang bạt, còn Nguyễn Hoàng mới 8 tuổi, anh là Nguyễn Uông chắc cũng chưa đến hai mươi ! (Trưởng nữ Ngọc Bảo, theo Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng thật lục, lúc kết hôn với Trịnh Kiểm còn là con gái trẻ (2)).

Các nguồn tài liệu đều cho biết trước khi Nguyễn Kim mất, Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng chưa tham gia chiến trận cùng cha và anh rể, trong khi Trịnh Kiểm đã tích cực giúp Nguyễn Kim đánh đông dẹp bắc, gầy dựng thế lực Nam Triều ngay từ buổi đầu. Năm 1539, Trịnh Kiểm đã được phong tước Quận công.

Hơn Nguyễn Hoàng những 22 tuổi, là anh rể và đã có sự nghiệp, Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng chẳng phải là đối tượng tranh giành địa vị và quyền binh của nhau. Có chăng là với Nguyễn Uông, trưởng nam của Nguyễn Kim.

Tuy đã lớn tuổi (77 tuổi) Nguyễn Kim chưa kịp chuẩn bị địa vị thừa kế cho con trưởng thì đã chết đột ngột. Có lẽ Nguyễn Uông không bằng lòng với chức tước tập ấm là Lãng Xuyên hầu cùng với em là Hạ Khê hầu trong lúc Trịnh Kiểm được vua Lê phong làm “Tiết chế các xứ thủy bộ chư linh, tước Lương Quốc công, được quyền nắm giữ việc binh và tổng tài chính trị, trị dân, dạy người, tuyên bố uy đức……” (3).

Đại việt sử ký toàn thư ghi:

“Tháng 5 ngày 20 Ất Tỵ, Nguyễn Kim mất …… vua Lê phong Trịnh Kiểm làm Đô tướng Tiết chế các dinh thủy bộ kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng Quốc công. Mọi binh quyền ngoài khổn, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần đều được tùy mình quyết định rồi sau mới tâu vua.” (4)

Toàn thư và Đại Việt thông sử không nói gì về sự kiện tranh chấp quyền hành đưa đến cái chết của Nguyễn Uông.

Nguyễn Phúc tộc thế phả cho là “Trịnh Kiểm tranh đoạt quyền hành ” nên ám hại ông” (5) viết như thế chẳng hợp lý chút nào! Uông làm gì có quyền hành để Trịnh Kiểm tranh đoạt. Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm đương nhiên nắm hết quyền và vua Lê chỉ công nhận thực tế ấy mà thôi.

Nguyễn Uông trên danh nghĩa là kẻ thừa kế lý thuyết vì là trưởng nam của Nguyễn Kim, nhưng Nguyễn Kim đang còn lo đánh Mạc cùng Trịnh Kiểm, chưa chuẩn bị gì cho việc thừa kế (nếu có) của Nguyễn Uông.

Có thể nghĩ rằng Nguyễn Uông không bằng lòng vua Lê vì đã không nghĩ đến công lao tôn lập và gầy dựng Nam triều của cha mình. Nỗi bất mãn của Nguyễn Uông có thể đã được một số tùy tướng của Nguyễn Kim chia sẻ.

Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục, hé lộ một số chi tiết:

“Bọn Lãng quận công ngờ vua có mưu gì, toan làm loạn. Thế tổ [Trịnh Kiểm] bấy giờ làm đại tướng quân Dực quận công rước vua đến bản dinh, xin hết sức giúp đỡ. Lại hiểu dụ bọn Lãng quận công bỏ hết hiềm khích” (6)

Sau sự kiện “toan làm loạn này” Nguyễn Uông còn được phong đến T tướng Quận công. Trong khoảng thời gian 1549 đến 1556, Phủ biên tạp lục chỉ đề cập đến Nguyễn Hoàng nhờ lập quân công mà được thăng Đoan quận công mà không nói gì về Nguyễn Uông. Do đó, ta có thể phỏng đoán Uông chết trong khoảng thời gian từ 1546 đến năm 1549. Uông đã chết như thế nào, vào năm nào? Không có tài liệu nào cho biết.

Có một điều khó hiểu là các tài liệu của nhà Nguyễn dù khẳng định là Uông chết một cách không minh bạch, (do ám hại) và quả quyết là do Trịnh Kiểm nhưng không thể nói rõ Uông đã bị “ám hại” như thế nào, vào năm nào. Tiểu sử của Nguyễn Uông trong Nguyễn Phúc tộc thế phả và trong Đại Nam liệt truyện tiền biên rất sơ sài. Cả hai nguồn tư liệu chính thống đó không cho biết năm sinh, năm mất,thân mẫu, vợ và các con của Nguyễn Uông. Chi có một chi tiết hiếm hoi là Nguyễn Uông có một người con là Nguyễn Uyên đã theo Nguyễn Hoàng và Thuận Hoá năm 1558.

Có một sự kiện nào đó dẫn đến cái chết của Nguyễn Uông mà sử chính thống của nhà Nguyễn không muốn nhắc đến chăng ?

Nguyễn Kim chỉ có ba bà vợ và ba nguời con.

– Bà vợ chính Nguyễn Thị Mai (được phong là Tĩnh Hoàng Hậu) chỉ sinh một người con là Nguyễn Hoàng. Bà Mai có một nguời em gái là Nguyễn Ngọc Dương là vợ của Mạc Cảnh Huống.

– Bà vợ thứ (thứ phu nhân) là Đỗ Thị Tín, sinh ra truởng nữ Nguyễn Thị Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm.

– Bà thứ ba, khuyết danh, sinh ra Nguyễn Uông là con truởng của Nguyễn Kim.

Tại sao sự kiện Nguyễn Uơng bị giết quan trọng như thế (đối với họ Nguyễn) lại thiếu minh bạch? Tại sao nhân thân của Nguyễn Uông lại được chính sử nhà Nguyễn ghi nhận một cách sơ sài và thiếu sót như thế? Tất nhiên, sự suy đoán nào cho dù hợp lý thì cũng không thể là sự thực lịch sử! Ta chỉ có ghi nhận một vài điểm:

– Không có tranh chấp giữa Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng.

– Trịnh Kiểm không tranh đoạt quyền hành với Nguyễn Uông vì quyền hành của Trịnh Kiểm là do Trịnh Kiểm được nắm giữ sau cái chết bất ngờ của Nguyễn Kim. Có chăng là Nguyễn Uông muốn giành quyền với Trịnh Kiểm vì Nguyễn Uông là kẻ thừa kế theo huyết thống mà thôi.

Vì vậy, ta chỉ có thể kết luận là cái chết của Nguyễn Uông và cả nhân thân của Nguyễn Uông là không rõ ràng, thiếu chứng cứ (mà đáng ra phải có) và nên xem sự kiện ấy là một nghi án lịch sử mà thôi.

Nếu Nguyễn Uông không phải do Trịnh Kiểm ra tay án hại thì tại sao Nguyễn Hoàng phải lánh thân vào Thuận Hóa năm 1558?

Câu hỏi này không khó trả lời:

Sau cái chết của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng lúc đó được 20 tuổi, được tập phong là Hạ Khê hầu và được cầm quân chống Mạc. Lập được chiến công, chỉ ba năm sau, Hoàng được thăng Đoan Quận công (1548). Từ sau khi Nguyễn Uông chết, chúng ta không có chứng cứ gì việc Nguyễn Hoàng ở vào tình thế khó khăn với anh rễ là Trịnh Kiểm. Sự kiện Nguyễn Hoàng cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm (nếu có) chỉ có thể xảy ra sau khi Nam triều làm chủ được Thuận Hóa (1554). Ở thời điểm này, sự có mặt của Nguyễn Hoàng ở Thanh Hoa có thể gây ra mối lo cho Trịnh Kiểm. Tại sao?

Vào năm 1554, Trịnh Kiểm đã ngoài 50 tuổi và Nguyễn Hoàng sắp bước vào tuổi mà Trịnh Kiểm theo về với Nguyễn Kim(ba mơi). Trịnh Cối và Trịnh Tùng còn quá nhỏ (Trịnh Tùng sinh năm 1550). Nếu chẳng may Trịnh Kiểm gặp nạn như Nguyễn Kim thì sự nghiệp Nam triều chắc chắn sẽ rơi vào tay Nguyễn Hoàng như trường hợp Trịnh Kiểm thừa hưởng quyền binh của Nguyễn Kim trước đây. Nguyễn Hoàng có mặt ở Nam triều vào giai đoạn này là một mối lo cho Trịnh Kiểm. Nguyễn Ư Kỷ và những người phò tá Nguyễn Kim buổi đầu cũng hiểu như thế. Tranh giành quyền với Trịnh Kiểm là điều không thể, vậy tốt nhất là lánh thân một thời gian để Trịnh Kiểm yên tâm sắp đặt kẻ kế thừa.

Trịnh Kiểm chấp thuận cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa như ta đã thấy không phải là với dã tâm như các sử gia nhà Nguyễn suy diễn là đưa em vợ vào chỗ “xa xôi, lam chướng” và mượn tay nhà Mạc để loại trừ một kẻ “đối lập”!

Cũng như sự kiện Nguyễn Uông bị giết, Đại Việt thông sử cũng như Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký toàn thư không hề có thông tin gì về việc Nguyễn Hoàng “tìm chỗ dung thân”, tránh việc Trịnh Kiểm có thể sát hại.

Trinh Kiem

Chân dung Trịnh Kiểm

Sự kiện phái Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa theo Đại Việt thông sử là thực hiện một chiến lược của Trịnh Kiểm:

“Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu quốc triều ta bắt đầu gầy dựng cơ nghiệp cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp yên giặc Ngô. Xứ ấy, địa thế hiểm trở, dân khí cương cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển, là vùng trọng yếu không xứ nào hơn.

Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm trời mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo vệ, để làm một bức bình phong vững chắc.

… Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, là một người trầm tĩnh, cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng khoan dung, giản dị. Vậy xin bổ ông làm trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc ở miền Bắc kéo vào; và lại cùng Trấn Quận Công [Bùi Tá Hán] ở xứ Quảng Nam, cùng làm thế cứu viện lẫn nhau. Hết thảy các việc to nhỏ ở địa phương ấy, xin đều để ông tùy nghi định đoạt, lại xin ủy cho ông thu các sắc thuế, nộp về triều đình đúng kỳ hạn, để thêm vào sự chi tiêu trong nước.

Như vậy, thì một vùng Ô Châu, khỏi phải để ý lo tới, hạ thần sẽ khỏi phải phân tâm, mà chỉ dốc hết ý chí về việc đông chinh: bắt đầu kinh lý ở xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây rồi thứ đến khôi phục kinh đô cũ, tiểu trừ thoán nghịch. Nghiệp trung hưng sẽ có thể sớm thành công”

Vua Anh Tông thi hành theo ý kiến này, từ đấy Mạc Phúc Nguyên không dám dòm ngó tới hai xứ Thuận Quảng (7).

Nếu mục đích chỉ đẩy ông em vợ đi vào chỗ hiểm nguy, Trịnh Kiểm không nhọc công trình bày với vua là một kế hoạch toàn diện và lâu dài như thế. Kế hoạch đo trên thực tế cho thấy người kế nhiệm Trịnh Kiểm đã thực hiện thành công.

Nêu những đức tính của Nguyễn Hoàng và cho Nguyễn Hoàng được tùy nghi định đoạt mọi việc lớn nhỏ ở Thuận Hóa, Trịnh Kiểm tỏ ra không phải là một người nhỏ nhen, biết xếp đặt công việc để Nam Triều thêm vững chắc và thực hiện công việc chống Mạc thành công.

Tất nhiên việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa làm cho Trịnh Kiểm yên tâm, không phải lo “lịch sử năm 1545 lặp lại”. Chuyến đi của Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa không phải là chuyến đi của một người cùng đường tìm chỗ dung thân. Trịnh Kiểm đã cho phép cả một đoàn tháp tùng vị tân trấn thủ:

“Hương khúc huyện Tống Sơn và nghĩa dõng Thanh Hoa…, một số quan quân hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An cũng tình nguyện theo vào. Các ông Nguyễn Ư Kỷ,… Mạc Cảnh Huống đều đem con em và gia quyến vào Nam với Đoan Quận công” (8)

Tổng số những người vào Thuận Hóa cùng với Nguyễn Hoàng lên đến cả ngàn người. Đây là lực lượng nòng cốt của Nguyễn Hoàng. Chẳng những thế, Tống Phước Trị (Luân Quận Công) đang là trấn thủ Thuận Hóa cùng nhân sự tam ty đều ở lại theo giúp Nguyễn Hoàng.

Việc Nguyễn Hoàng trở ra Tây Đô năm 1569 cùng làm cho ta tin rằng Nguyễn Uông chết không phải là do Trịnh Kiểm trừ khử. Lần này, Nguyễn Hoàng sau khi yết kiến vua Lê ở cung An Trường, đã “đến phủ Thượng tướng lạy mừng, giải bày tình cảm anh em, rất thương yêu quý mến nhau” (9)

Tuy nhiên, lần hội ngộ sau 11 năm anh em xa cách này lại làm cho Trịnh Kiểm lo ngại.

Trịnh Kiểm vào lúc này đã 66 tuổi, trải qua 36 năm xông pha chiến trường trong cuộc xung đột Nam Bắc triều. Trịnh Kiểm biết vận số của mình sắp hết và nếu chẳng may khi buông tay từ bỏ quyền binh mà Nguyễn Hoàng còn hiện diện ở Thanh Hoa thì lịch sử 25 trước sẽ lặp lại: Nguyễn Hoàng sẽ là người thừa kế thực tế và hợp lý. Nguyễn Hoàng 45 tuổi trong khi Trịnh Cối, Trịnh Tùng ở vào trạc tuổi Nguyễn Hoàng lúc Nguyễn Kim mất.

Phải đưa Nguyễn Hoàng mau trở về Thuận Hóa. Muốn vậy, Trịnh Kiểm đã tâu vua Lê cho Nguyễn Hoàng kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam (rút Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An) Nguyễn Hoàng được thêm đất lại cởi bỏ được sự kiềm chế ở phía Nam. Vị tổng trấn vui vẻ mà trở về Thuận Quảng và Trịnh Kiểm yên tâm nhắm mắt.

Nguyễn Hoàng ra Thanh Hoa vào tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1569), trở về tháng giêng năm Canh Ngọ với chiếc ấn Tổng trấn tướng quân.

Ngày 18 tháng 02 năm Canh Ngọ (1570) Trịnh Kiểm mất.

2. Tờ thị của Tổng Trấn Thuận Quảng năm 1597.

AnhNguyenHoang

tượng thờ Nguyễn Hoàng

Chính quyết định cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm chức thấn trủ Quảng Nam của Trịnh Kiểm đã làm cho sự nghiệp của Nguyễn Hoàng thêm rạng rỡ, tạo điều kiện cho Nguyễn Hoàng mở mang thêm vùng biên viễn từ đèo Hải Vân cho đến tận Đèo Cả sau khi đã xây dựng Thuận Hóa thành một vùng đất hứa:

“Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhận mến đức, dời đổi phong tục, chợ không hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đền đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp.” (10)

Trấn Quảng Nam bấy giờ như tên gọi là vùng đất phía nam sông Thu Bồn trải dài đến tận Đại Lãnh, gồm 3 phủ, 9 huyện.

Phủ Thăng Hoa lãnh ba huyện : Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang.

Phủ Tư Nghĩa lãnh ba huyện : Bồng Sơn, Phù Ty, Tuy Viễn.

Huyện Tuy Viễn không phải chỉ là phần lãnh thổ tận cùng phía nam, giới hạn bởi đèo Cù Mông như nhiều nhà nghiên cứu nhận định mà trải dài đến tận đèo Đại Lãnh là phần lãnh thổ mà Lê Thánh Tông trong cuộc nam chinh năm 1471 chiếm được và đặt tên là thừa tuyên Quảng Nam.

“Núi Thạch Bi [núi Đá bia] ở phù Phú Yên là chỗ tiên triều phân định địa giới Chiêm Thành, núi đến rất xa, từ đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn các núi khác Thánh Tông đánh được Chiêm Thành [1471], lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất tự núi ấy trở về phía tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía bắc, mặt về phía nam…” (11)

Năm 1592, Trịnh Tùng thu phục được Đông Kinh trong tay nhà Mạc. Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ lúc bấy giờ đã 68 tuổi vẫn nối chí cha, hết lòng ủng hộ việc khôi phục nhà Lê, đem tướng sĩ, voi ngựa, binh thuyền đến kinh đô mừng vua Lê. Ông này cũng nạp sổ sách binh lương, của cải, vàng bạc, châu báu và kho tàng hai trấn Thuận, Quảng. Vua Lê phủ ủy:“Ông trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy lớn lắm”, rồi tấn phong làm Trung quân đô đốc phủ đô đốc, chưởng phủ sự, Thái Uûy Đoan Quốc công” (12)

Nguyễn Hoàng đã giúp Trịnh Tùng đánh quân Mạc ở Sơn Nam, Hải Dương, miền Bắc thì đánh Thái Nguyên, miền Tây thì đánh Tuyên Quang, hộ giá rước vua đến Nam Quan ở Lạng Sơn đó giảng hòa với quan tam ty nước Đại Minh đều có công. (13)

Trong thời gian bị Trịnh Tùng lưu lại ở Thăng Long không muốn cho về, lúc nào ông cũng nghĩ đến Thuận Quảng nơi ông đã bỏ công sức gầy dựng. Năm 1597, ông sai Lương Văn Chánh trở lại nhiệm sở cũ là huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Tư Nghĩa trấn Quảng Nam để đưa lưu dân vào khai thác phần đất huyện Tuy Viễn bên kia đèo Cù Mông.

Tờ thị ấy hiện nay còn được lưu giữ ở Đền thờ Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, Phú Yên.

img916.jpg

Nội dung tờ thị như sau:

Phiên âm:

Thị Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:

Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ, nhưng suất thủ chiết biệt khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu đẳng xứ, thượng chí nguồn đầu, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang điều nhàn thổ để thục nạp thuế như lệ. Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội.

Tự thị.

Quang Hưng, nhị thập niên, nhị nguyệt sơ lục nhật

Ấn: TỔNG TRẤN TƯỚNG QUÂN CHI ẤN

Dịch nghĩa:

Dạy Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn an Biên rằng:

Hãy liệu đem số người trục vào dân của làng Ba Thê và các thôn phường khách hộ tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số dân khách hộ đưa đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Bà Niểu, trên từ đầu nguồn dưới tới cửa biển, kết lập địa phận gia cư khai canh ruộng đất bỏ hoang tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường. Nếu lo việc mà nhiễu dân, khám ra sẽ bị xử tội.

Nay dạy(2).

Quang Hưng, năm thứ hai mươi, ngày mồng sáu tháng hai [1597]

Ấn: TỔNG TRẤN TƯỚNG QUÂN CHI ẤN

Hình thức và nội dung tờ thị trên cho chúng ta hiểu thêm nhiều điều.

  1. Lương Văn Chánh cùng ra Thăng Long với Nguyễn Hoàng năm 1593, lập nhiều công trạng trong việc đánh Mạc nên đã được phong Phụ Quốc Thượng Tướng quân Tham đốc Thần Vũ tứ vệ, tước Phù Nghĩa hầu (14)Trong tờ thị ,Nguyễn Hoàng không dùng chức tước mới của mình và của Lương Văn Chánh. Phải chăng chức tước mới chỉ là chiếc lồng son muốn cầm giữ Nguyễn Hoàng và các bộ tướng nên Nguyễn Hoàng muốn từ khước?

Với chức vụ trước năm 1593, Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng đã ra lệnh cho thuộc cấp cũ của mình là Lương Văn Chánh, quyền huyện Tuy Viễn trở lại nhiệm sở cũ để đốc xuất quân vào khai phá ruộng hoang đất nhân ở bên kia đèo Cà Mông đến đèo Đại Lãnh, thiết lập làng mạc.

  1. Cũng cần chú ý ấn Tổng Trấn tướng quân được đóng ngay dưới niên hiệu như cách đóng ấn của nhà vua. Nếu cách thức đóng ấn triệu dưới triều Lê cũng tương tự như dưới triều Nguyễn sau này, thì Nguyễn Hoàng đã tự xem mình đứng đầu một cõi như các chúa Nguyễn về sau.(3)
  2. Theo lệnh sai phái này Lương Văn Chánh đã trở lại Tuy Viễn vào khoảng mùa xuân năm Quang Hưng thứ 20 (1597). Như vậy việc đưa dân vào khai canh hoang điền nhàn thổ đã bắt đầu vào giữa năm 1597.
  3. Tình trạng dân cư trong vùng phía Nam đèo Cù Mông cho đến Thạch Bi Sơn Đại Lãnh như thế nào?

Trước hết lệnh của Nguyễn Hoàng cho Lương Văn Chánh cho thấy vùng đất tỉnh Phú Yên ngày nay, trước năm 1597 là vùng đất của Đại Việt. Chẳng những thế, tình hình rất ổn định. Đại Nam Nhất thống chí cũng cho rằng vùng đất phía Bắc Thạch Bi Sơn đã là lãnh thổ Đại Việt kể từ năm 1471. Tuy nhiên, “…từ Cù Mông về phía Nam còn thuộc về người Man người Lạo”(4). Lương Văn Chánh đưa dân vào canh tác trên phần đất của huyện Tuy Viễn chưa thiết lập làng mạc, dân cư còn thưa thớt nên một số ruộng vườn của người Chăm trước đây còn bỏ hoang. Số ruộng, vườn mà văn bản gọi là hoang điền nhàn thổ chắc chắn không phải là đa phần diện tích của vùng này, được phân bố rải rác khắp nơi từ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu …và từ đầu nguồn xuống đến hải khẩu.

Tờ thị cũng cho thấy số dân huy động vào canh tác không nhiều. Điều đó cho thấy, trước năm 1597, dân cư trên phần đất Tuy Viễn chưa thiết lập làng mạc này cũng khá đông. Họ là người Chăm ở lại và là người Việt di dân vào. Có thể suy đoán là đất rộng người thưa, họ chọn lựa những nơi canh tác thuận lợi về nguồn nước, về giao thông và đất đai tương đối màu mở. Đó là một quá trình quần tụ dân cư, canh tác đất đai, từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16.

Đến những năm cuối thế kỷ 16, tình hình đã chín muồi để di dân tăng thêm nguồn nhân lực canh tác đất đai còn thừa để đi đến việc thiết lập làng mạc. Thời gian di dân, khai thác ruộng đất bỏ hoang chỉ chưa đầy một thế hệ vì đến năm 1611, mười bốn năm sau lệnh cho Lương Văn Chánh, Nguyễn Hoàng đã cho thiết lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

  1. Lệnh còn nghiêm cấm”không được nhiễu dân, nếu khám ra sẽ bị xử tội“. Người dân mới vào được canh tác trên các hoang điền, nhàn thổ và không được xâm phạm đất đai của những người đang canh tác cũng như không được làm xáo trộn đời sống nhân dân đã định cư trước đdó. Chính sách mở mang kinh tế nông nghiệp trên phần đất mới phải phù hợp với châm ngôn mà Nguyễn Hoàng đã đặt ra đểdung thân muôn đời” là thu phục nhân tâm, chiêu hiền đãi sĩ.

Một công việc quan trọng như thế được giao trách nhiệm cho Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh trong một tình thế rất đặc biệt: Vị Tổng trấn đang bị Trịnh Tùng giữ lại ở Thăng Long chưa biết được ngày nào “hổ lại về rừng”. Năm 1600 là năm mà Trịnh Tùng bắt đầu xưng vương, cha truyền con nối cũng là năm Nguyễn Hoàng bằng mưu lược đã thoát được về Thuận Hóa.

Tờ thị đã cách chúng ta 416 năm, nhưng chiếc ấn “Tổng trấn tướng quân chi ấn” đóng trên tờ thị cách chúng ta đến 443 năm, gần nửa thiên niên kỷ.

img927

Sắc phong của vua Lê năm 1596 cho Lương văn Chánh

Tháng 06 năm 2013


Chú thích:

(1) – Hội đồng trị sự Nguyễn Phú Tộc, Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Vĩnh Cao, Vĩnh Dũng, Tôn Thất Hanh, Vĩnh Khánh Tôn Thất Lộc, Vĩnh Quả, Vĩnh Thần biên soạn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1955, Trang 105.

(2) – Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, trang 281.

(3) – Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, trang 281.

(4) – Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long, tập III, Nhà xuất bản XHXH, Hà nội, 1993, trang 124.

(5) – Nguyễn Phúc Lộc thế phả,Stđ, trang 108.

(6) – Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Đào Duy Anh hiệu đính, Nhà xuất bản KHXH, Hà nội, 1977, trang 49.

(7) – Đại Việt thông sử, sđd, trang 305 – 306.

(8) – Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài 1970, trang 135.

(9) – Toàn thư, Sđd, trang 137.

(10) – Phủ biên tạp lục, sđd, trang 50.

(11)  – Phủ biên lạp lục, Sđd, trang 121.

(12) – Việt sử xứ Đàng Trong, Sđd, hàng 149-150.

(13) – Phủ biên tạp lục, Sđd, trang 51.

(14) – Sắc phong này còn nguyên vẹn (H.1) hiện lưu giữ tại Đền Thờ Lương Văn Chánh, Tuy Hòa, Phú Yên

Nguồn bài đăng

Advertisements
Report this ad
Report this ad

One thought on “Nguyễn Hoàng – Bốn trăm năm nhìn lại

Trả lời

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn