Mối quan hệ giữa cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn với phong trào Yên Thế

Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 20172:04 CH(Xem: 7307)
Mối quan hệ giữa cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn với phong trào Yên Thế

tong-kien-tonkin-chef-de-bandes-de-hoa-binh-attentat-du-2-aout-1908

Khổng Đức Thiêm

Phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Thế do Đề Nắm lãnh đạo bùng nổ ngày 16-3-1884 ngay khi kẻ thù vừa chiếm hạ xong thành Tỉnh Đạo (Nhã Nam) trên đường hành quân tiến lên chiếm đánh tỉnh thành Thái Nguyên. Cuối năm 1885, nhận được Dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, các thủ lĩnh Bá Phức, Đề Thám liền rời căn cứ của Cai Kinh ở Hữu Lũng, trở lại quê hương chiêu mộ nghĩa binh, phát động phong trào giúp vua đánh giặc cứu nước tại Quân thứ Song Yên – còn gọi là Bắc thứ, được lập ra trên địa bàn hai huyện Yên Thế và Yên Dũng thuộc phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Ninh. Sau mấy năm cùng sát cánh chiến đấu, tháng 8-1888, lực lượng của Đề Nắm chính thức gia nhập Quân thứ Song Yên rồi thông qua Đại hội Dĩnh Thép để hợp thành lực lượng Cần Vương duy nhất trong vùng do Bá Phức làm Chánh tướng Tổng thống Quân vụ, Đề Nắm là Phó tướng Tả dực tướng quân, Đề Thám là Phó tướng Hữu dực tướng quân. Kể từ đây cho tới cuối năm 1892, Quân thứ Song Yên đã đối địch với hàng chục cuộc càn quét, tấn công quy mô nhiều trận lên tới vài ba ngàn quân, có đại bác và pháo thuyền yểm trợ, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Godin (10-1890 và 12-1890), Đại tá Frey (1-1891), Thiếu tướng Voyron (2-1892) tại Dương Sặt, Cao Thương, Luộc Hạ, Hố Chuối và Chiến tuyến sông Sỏi, lập nên nhiều chiến công vang xa đến tận nước Pháp, khiến cho Quân thứ Song Yên khi ấy trở thành một biểu tượng bất diệt trong phong trào Cần Vương. Và một lần nữa, vào ngày 28 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ 8 (21-7-1892), Tán tướng Quân vụ Bắc Kỳ Tống Duy Tân tiếp tục ban cấp cho Tán vương Quân vụ Bắc thứ Thân Bá Phức những chức vụ cao quý của phong trào cho ông nhờ năm vừa rồi tại Quân thứ Song Yên do ông chỉ huy đã đánh và gây cho giặc nhiều thiệt hại, đương sự chỉ kiên trì bảo thủ, một lòng tuân theo mệnh lệnh của triều đình[1].

Sau khi Đề Nắm hy sinh, Bá Phức hưu chiến, Quân thứ Song Yên chấm dứt sứ mệnh Cần Vương. Lúc này, Đề Thám chính thức trở thành lãnh tụ tối cao của nhân dân Yên Thế, tiếp tục giương cao ngọn cờ chống Pháp nhưng do đơn độc và chưa tìm được đường lối và phương lược đấu tranh thích hợp nên buộc phải chấp nhận giảng hòa. Sau nhiều năm lao tâm khổ tứ, từ năm 1905, Đề Thám bắt đầu quán triệt và kiên trì tư tưởng bạo lực để khôi phục và chỉ đạo cuộc đấu tranh chống ách ngoại xâm diễn ra khắp cả khu vực nông thôn rừng núi và đồng bằng thành thị. Ông đã cử Hoàng Điển Ân – nhà nho và mưu sĩ lão luyện, từng tiếp cận tân thư và sách báo mới từ Trung Quốc, Nhật Bản chuyển đến Phồn Xương phụ trách việc xây dựng Đảng Nghĩa Hưng tại Hà Nội và các hội phường tại các tỉnh. Sau một thời gian, ông đã cùng với Đinh Siêu Quần – còn gọi là Đồ Dơm, Hà Triều Nguyệt lập được phường đánh Pháp của người Mường ở Gia Khánh (Ninh Bình); và Thường Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Đình Cố – tức Lãnh Nghiêm lập Trung châu ứng nghĩa đạo ở Văn Giang, Thuận Thành, Từ Sơn (Bắc Ninh), Văn Lâm (Hưng Yên); Mền Vĩ lập Hoành Sơn hội ở Sơn Tây. Ngoài ra, tại Hòa Bình ông có Quách Hợp, Nguyễn Kiêm là đầu mối phát động người Mường vùng sông Đà và Hưng Hóa sẵn sàng nổi dậy. Bên cạnh đó, Đề Thám còn cử Ông Ích Bình – còn gọi là Ấm Bình, con trai Ông Ích Khiêm xây dựng lực lượng ở Lương Sơn, Lương Thủy (Hòa Bình); Đỗ Tư, Nguyễn Đạt ở Kim Bảng (Hà Nam); Nguyễn Xuân Sơn ở Từ Sơn (Bắc Ninh).

Theo Đồ Đảm trong bản khai ngày 12-11-1908 tại Hội đồng Đề hình thì:

“Vào tháng 7 năm ngoái, một viên Quan Lang là Hà Triều Nguyệt (Thanh Hóa) đã cử một đại diện đến gặp Đề Thám để thông báo cho biết rằng người Mường đang có cả nghìn khẩu súng và một ngôi nhà 3 gian chứa đầy vàng bạc và sách. Đề Thám đang khẩn trương gửi Điển Ấn và Hai Cán là những thủ hạ thân tín đến nhà Hà Triều Nguyệt xác minh tính chính xác của các thông tin này. Khi trở về Bắc Kỳ, Hai Cán và 4 đồ đệ bị bắt giữ. Điển Ấn đã trốn thoát, có thể đã quay trở lại với Hà Triều Nguyệt, cải trang thành người đi ăn xin để kích động dân chúng đòi trả tự do cho những người bị bắt.

Đề Thám rất quan tâm đến Điển Ấn và Hai Cán. Điển Ấn phụ trách việc đi lại các tỉnh Bắc Kỳ để mang mệnh lệnh của ông chủ. Tên này sống cùng gia đình ở Ngô Khê[2]. Đề Thám cũng đã cử Ấm Bình tới các vùng Lương Sơn và Lương Thủy[3] tỉnh Hòa Bình để tuyển mộ lính Mường. Tên này tìm cách lập một nơi cư trú cho những kẻ nổi loạn tại một vùng núi rừng có tên là Rừng Ngang hoặc Hoành Lâm”.

Paul Chack trong Hoang Tham pirate (Giặc Hoàng Thám) đã mô tả phiên họp đầu tiên giữa Đề Thám và thủ lĩnh các vùng tại Đền Thể – Phồn Xương hồi tháng 7-1907. Trong lời tuyên đọc của Đề Thám có đoạn: “Đây là mệnh lệnh của Kỳ Ngoại hầu sẽ từ Nhật Bản về nước và sẽ trị vì xứ An Nam một khi bọn Pháp bị tổng cổ ra khỏi nước ta. Phải thúc đẩy cuộc khởi nghĩa trong tứ dân, trong dân quê tứ hạng và trong tất cả anh em binh lính cùng nòi giống với ta hiện đang đứng dưới lá cờ nước Pháp. Nhà ngươi, Hà Triều Nguyệt, từ Thanh Hóa ra đây, ngươi hãy về nói chuyện với người Mường trong tỉnh Hòa Bình. Nhà ngươi, đầu xứ và ngươi nữa, Quách Hợp[4]. Các ngươi hãy phát động người Mường vùng sông Đà và dân Thổ vùng Hưng Hóa”.

Nguyễn Văn Thiệp kể lại trong bản khai ngày 10-11-1908 tại Hội đồng Đề hình cho biết thêm:

“Tháng 9 năm ngoái tôi có quen biết Đỗ Tư ở làng Cốc Thôn tỉnh Hà Nam[5]. Đến tháng 10 năm ngoái, hai người lên Phồn Xương gặp Đề Thám… Đề Thám giao cho Đỗ Tư độ 40 tờ hịch mang đi rải ở Thanh Hóa, Hà Đông, Hà Nội. Đỗ Tư cũng mang những tờ hịch này đến Hà Triều Nguyệt kêu gọi người Thổ và người Mường hưởng ứng. Đề Thám còn nói đến việc chiếm Hà Nội không thành công thì Đề Thám sẽ đến vùng Hà Triều Nguyệt để ẩn náu vì nơi đây Điển Ấn đã đi lại nhiều lần để chiêu mộ nghĩa quân”.

Những dẫn chứng trên đây chỉ ra rằng, bằng sự chuyển đổi tự thân trong nhận thức, Đề Thám đã bắt đầu cảm thấy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc thông qua việc lập ra tổ chức Đảng Nghĩa Hưng và các phường hội để tập hợp lực lượng chĩa mũi nhọn vào kẻ thù. Không chỉ có vậy, nhờ tạo lập được các hình thức thu hút quần chúng như thế nên khi Quân thứ Song Yên bắt đầu cáo chung, mục tiêu Cần Vương đi vào con đường bế tắc, phải chấp nhận hòa hoãn để chờ thời thì sang đầu thế kỷ XX, Đề Thám đã đưa phong trào Yên Thế tiệm cận với con đường đấu tranh võ trang mang tính giải phóng dân tộc – trước hết bằng cách thoát ra khỏi thế thủ hiểm chỉ cậy nhờ vào rừng thẳm núi cao để tỏa xuống đồng bằng bao quanh Hà Nội, tạo thêm thế đứng chân tại các tỉnh bán sơn địa Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Mùa hè năm 1908, chủ trương khởi nghĩa Hà Nội của Đề Thám chỉ đạt được mục tiêu của một vụ Hà thành đầu độc gây ra nhiều hệ lụy khiến cho mặt trận đoàn kết dân tộc của Đề Thám dày công xây dựng bị phá vỡ một mảng lớn. Vì vậy, mùa xuân năm 1909, khi kẻ thù tấn công vào Yên Thế, Đề Thám và nghĩa quân phải chiến đấu đơn độc trong hàng tháng trời, mãi sau mới được Vĩnh Yên, Phúc Yên và Hòa Bình chia lửa.

Một câu hỏi đặt ra, nói Hòa Bình chia lửa – tức là nói tới sự xuất hiện của lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của Tổng Kiêm – Đốc Bang tại Mông Hóa, châu Kỳ Sơn. Vậy đây là cuộc nổi dậy bởi những nhân tố nội tại – cụ thể là mâu thuẫn trong vấn đề tranh chấp, cướp đoạt ruộng đất hay đây là lực lượng “chìm”, một nhánh vũ trang của phong trào Yên Thế?

Bản thảo lịch sử các xã Dân Hạ, Dân Hòa, Phúc Tiến – vốn xưa là các Giáp Hạ, Giáp Thượng, Giáp Sét của tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn[6] đều thống nhất viết: “Sau khi Đinh Công Uy bị đày ra Côn Đảo, Đinh Công Nhung – Tuần phủ Hòa Bình về Mông Hóa chiếm đất Đồng Giang, Đễnh, Đồng Mỏ và bắt dân làm xâu nõ cho hắn. Tổng Kiêm (tên thật là Nguyễn Văn Kiêm – Phó tổng Mông Hóa) và Đốc Bang (tên thật là Nguyễn Đình Nguyên – Lý trưởng Giáp Trung) đã vận động nhân dân xóm Đễnh đệ đơn lên Tòa Công sứ và cả Phủ Thống sứ, Phủ Toàn quyền ở Hà Nội để kiện Nhung. Vụ kiện dây dưa kéo dài ngót 2 năm trời. Được viên Công sứ và Phó sứ Hòa Bình che chở, Đinh Công Nhung đã thắng. Sau khi được kiện, Nhung tìm cách trả thù, ra lệnh bắt Tổng Kiêm và Đốc Bang nhưng hai ông đã trốn thoát. Nhung bèn bắt cha của Đốc Bang trói vào bè thả trôi sông cho chết. Hành động man rợ của Nhung làm bùng lên ngọn lửa căm thù ở Tổng Kiêm và Đốc Bang, thúc đẩy hai ông nhanh chóng đi vào con đường khởi nghĩa chống Pháp, trừ bọn Quan Lang tham ác tay sai.   

Ngày 15-4-1909, Tổng Kiêm và Đốc Bang làm lễ tế cờ ở núi Viên Nam xã Mông Hóa, phát động cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở vùng rừng núi Kỳ Sơn, Lương Sơn với khẩu hiệu Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa bình Tây, độc lập Chính phủ (Khởi nghĩa chống Pháp ở núi Viên Nam – Vua Bà, xây dựng Chính phủ của mình).

Những người bị mất đất, mất ruộng, những nạn nhân của chế độ thực dân và phong kiến Lang Đạo tay sai, hợp lại với nhau tìm đến dưới cờ khởi nghĩa của Tổng Kiêm và Đốc Bang”.

Pierre Grossin trong Tỉnh Mường Hòa Bình cho biết như sau:

“Tháng 3-1907, ông Quách Cao được thăng Án sát, thay thế viên Án sát đã chết. Ngày 5-6, viên Chánh Quan Lang về hưu Đinh Công Nhung được gọi ra làm việc, kế tục ông Đinh Công Xuân đã chết. Vào tháng 6-1907, dân chúng ở Mường Hoa yêu cầu bãi miễn viên Quan Lang của họ. Ông Công sứ thấy rằng lời đề nghị đó là một sự thăm dò. Cuối cùng, sự thăm dò đó không đi đến đâu, nó chỉ là câu chuyện cũ về một viên Quan Lang đã bị kết án: đó là Đinh Công Uy, tục gọi là Chánh Huy, mà người kế tục Chánh Huy qua cuộc bầu cử là Đinh Công Nhung chứ không phải con trai cả của Chánh Huy. Lời đề nghị đó là do sự xúi giục của Nghiêm, đứa cháu trai đã bị chú gạt bỏ, nhằm gây ra những khó khăn cho viên Chánh Quan Lang và cũng để thăm dò ông Công sứ. Đó là cuộc tranh giành đang diễn ra giữa 2 phe. Chính Tổng Kiêm đã chiếm đoạt 8 mẫu ruộng phân phong của các Quan Lang kế nghiệp, và khi được cử làm Phó tổng thì càng ngày càng có nhiều tham vọng.

Tháng 3-1909, lời than phiền của các chức sắc ở Mông Hóa đối với Quan Lang của họ là Đinh Công Nhung chẳng đem lại kết quả gì ở Hòa Bình, đã được trình lên Phủ Toàn quyền.

Đối với ai đã nghiên cứu các phong tục thì đều biết quyền lực của các Quan Lang đối với cấp dưới của họ. Những đơn thỉnh cầu kia nhắc đi nhắc lại một cách khẩn khoản cũng có thể đáng cho người ta phải chú ý nhiều, đôi khi dẫn tới một quyết định mạnh mẽ. Tổng Kiêm đứng danh nghĩa một phe đang nắm quyền mà thỉnh cầu và sự việc đã lôi cuốn ông ta. Vì không muốn trả lại những đất đai đã chiếm đoạt nên Tổng Kiêm bị cách chức. Kiêm chứa chấp những tên cướp đã bị bắt và bị tống ngục, trốn theo chúng và muốn giải thoát cho chúng. Viên Đề đốc ở Hòa Bình, họ hàng của Đinh Công Uy, đã bí mật khuyến khích Tổng Kiêm”[7].

Lịch sử Việt Nam , tập 7 (1897-1918) do Tạ Thị Thúy chủ biên lại cho rằng:

“Năm 1904, Quan Lang xã Mông Hóa (châu Kỳ Sơn) tên là Đinh Công Oai cậy quyền cậy thế chiếm hết ruộng đất tốt trong xã, bắt dân làm xâu, làm nõ quanh năm. Nhân dân Mông Hóa đã phát đơn kiện Đinh Công Oai, buộc bọn cầm quyền Pháp ở Hòa Bình phải cách chức, kết án tù 20 năm tên này và trả lại ruộng đất cho dân. Theo lệ thế tập, Quan Lang mới của Mông Hóa phải là người trong con cháu dòng họ Đinh Công Oai. Thế nhưng, Đinh Công Nhung, Quan Lang xã Vĩnh Đồng đã dựa vào thế lực của thực dân Pháp để tranh chức Lang xã Mông Hóa. Sau đó, hắn còn được Pháp cất nhắc lên chức Chánh Lang Quan ở Hòa Bình (tương đương chức Tuần phủ dưới xuôi). Năm 1908, Đinh Công Nhung trắng trợn cướp 8 mẫu ruộng của nông dân Mông Hóa. Dân làng đệ đơn kiện lên tỉnh, lên tận Thống sứ Bắc Kỳ, rồi lên tận Toàn quyền Đông Dương nhưng đã bị xử thua. Những người lãnh đạo phong trào như nguyên Phó Tổng đốc Bang (tức Nguyễn Đinh), Tổng Kiêm (Nguyễn Văn Kiêm) đều là người Mông Hóa bị khủng bố phải trốn tránh lên rừng. Đinh Công Nhung bắt bố Đốc Bang đóng cũi thả trôi sông cho đến chết để buộc Tổng đốc Bang ra hàng và uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân.

Hành động tàn bạo của Đinh Công Nhung làm cháy bùng lòng căm phẫn của nhân dân Mường Mông Hóa. Đốc Bang, Tổng Kiêm đã vận động nhân dân nổi dậy chống lại ách áp bức thống trị của kẻ thù. Vào khoảng tháng 4-1909, hai ông đã vận động được 30 nghĩa sĩ. Ngày 15-4, lễ tế cờ được tổ chức tại núi Viên Nam xã Mông Hóa. Tổng Kiêm giữ chức Chánh Thống tướng, Đốc Bang làm Phó Thống tướng, đặt tên nghĩa quân là quân đội Bình Tây, quân kỳ màu đỏ có hai chữ “Bình Tây”. Đến đầu tháng 8, số người tham gia đã lên đến 41 người. Vũ khí chỉ có gậy gộc, dao rừng, một khẩu súng hỏa mai và một chiếc thuyền độc mộc.   

Đầu tháng 8-1909, viên Công sứ Hòa Bình là Regnier đi dưỡng bệnh, Phó Công sứ Patrict bận việc đi thanh tra các đồn điền, Chánh Lang quan Đinh Công Nhung ở bên chợ Phương Lâm hữu ngạn sông Đà, tại tỉnh lỵ Hòa Bình giờ chỉ còn lại viên Án sát và viên Đề đốc. Đề đốc Đinh Công Nghiêm là con cháu của Đinh Công Uy nên sẵn mối hiềm khích với Đinh Công Nhung, lại được vận động nên ngả theo nghĩa quân. Trước đó ít ngày, địch bắt được một tướng chỉ huy của nghĩa quân tên Bảo nhốt giam tại nhà lao tỉnh lỵ nên càng thôi thúc Đốc Bang, Tổng Kiêm nổi dậy. Nhận thấy thời cơ thuận lợi đã tới, chiều ngày 2-8-1909, nghĩa quân làm lễ xuất quân tại núi Hang Cá bên cạnh làng Dụ thuộc xã Mông Hóa, quyết đánh chiếm thị xã. Nghĩa quân được phân thành nhiều toán nhỏ, lặng lẽ xâm nhập tỉnh lỵ ngay sau buổi tế cờ, đến sẩm tối đã hội quân tại địa điểm bí mật chờ giờ hành động”[8].

Lưu Thị Ngọc Tuyết trong bài Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm ở Hòa Bình năm 1909 qua một số tư liệu mới cho biết như sau:

“Đầu thế kỷ XX, dưới sự thống trị của thực dân Pháp và ách áp bức của giai cấp phong kiến Lang Đạo người Mường, đời sống nhân dân Mường ở Hòa Bình hết sức cơ cực. Nhân dân là tôi con của nhà Lang, ruộng đất bị bao chiếm… Điển hình như ở châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, năm 1904, Đinh Công Nhung được thực dân Pháp dựng lên làm Quan Lang, tay sai cho Pháp. Nhờ sự hậu thuẫn của Pháp, Quan Lang Đinh Công Nhung đã ức hiếp nhân dân, gây nhiều sự khổ hại hơn các Quan Lang trước[9]. Năm 1908, Đinh Công Nhung cướp 8 mẫu đất của nhân dân. Trong bức thư đề ngày 18 tháng 8 năm 1909 của Tổng Kiêm gửi Quan Hai Pháp, đã tố cáo như sau: “Tại ông Chánh Lang Đinh Công Nhung ăn hết đất chúng tôi, mà lại nhũng nhiễu dân tình lắm lắm, chúng tôi thiết tưởng công việc nhà nước đã nhiều, lại công việc nhà ông ấy, thời dân sự chúng tôi có một cổ hai chòng, nên chúng tôi phải giả ông ấy lại nhà nước”[10]. Bất bình trước việc làm sai trái của Đinh Công Nhung, dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm, nhân dân Mông Hóa làm đơn kiện lên Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và Phủ Toàn quyền. Đinh Công Nhung đã mua chuộc thực dân Pháp nên được xử thắng kiện. Sau đó, Đinh Công Nhung cho người bắt Tổng Kiêm và những người liên quan đến vụ kiện “bắt cả người nhà, đầy tớ, trâu ngựa”[11] của những người đi kiện và buộc họ phải trốn vào rừng. Không còn cách nào khác, nhân dân phải đứng lên khởi nghĩa để giải phóng cho mình: “Chúng tôi về Hà Nội làm đơn kêu với quan Thống sứ, thời ông ấy nhiều tiền bạc, lễ quan Chánh sứ mấy thầy Phán Quế, cứ bẩm sự tốt cho ông ấy, thời chúng tôi thế ức không biết kêu vào đâu được nên chúng tôi phải mang đầy tớ lên đánh lấy người nhà về…”[12]. Sự bóc lột tàn bạo của Quan Lang Đinh Công Nhung đã làm bùng lên nỗi căm hờn trong đồng bào Mường ở Mông Hóa. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tổng Kiêm, một cuộc khởi nghĩa đã manh nha khởi phát […].

Trước sự bao chiếm ruộng đất của Quan Lang Đinh Công Nhung, Tổng Kiêm đã vận động nhân dân đứng lên chống lại bọn Quan Lang và thực dân Pháp. Tháng 4-1909, nghĩa quân tổ chức lễ tế cờ tại núi Viên Nam, xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn). Nghĩa quân mang tên là Quân đội Bình Tây. Sau lễ tế cờ, lực lượng nghĩa quân tiếp tục được tăng cường. Tổng Kiêm được nghĩa quân suy tôn làm Chánh Thống tướng, Đốc Bang làm Phó Thống tướng, ngoài ra, nghĩa quân còn có Đinh Công Nghiêm (thổ hào ở Lương Sơn, giúp việc cho quân Pháp) hậu thuẫn. Vũ khí của nghĩa quân rất thô sơ chỉ gồm súng Thổ và một vài thanh mã tấu”[13].

Nhìn chung, về nguyên nhân khiến cho cuộc khởi nghĩa bùng nổ gần như thống nhất quy về vấn đề tranh giành ruộng đất và quyền lực. Tuy nhiên, trong phần diễn tả của Lịch sử Việt Nam, tập 7 (1897-198) do Tạ Thị Thúy chủ biên có phần cẩu thả và thiếu sự nghiêm túc dù đây là công trình của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (như cùng một nhân vật, chỗ viết Đinh Công Oai, nơi viết Đinh Công Uy; Lý trưởng Nguyễn Đình Nguyên tức Đốc Bang viết thành Phó Tổng đốc Bang tức Nguyễn Đình; nghĩa quân tế cờ từ 15-4-1909 nhưng tới ngày 2-8-1909 nghĩa quân vẫn được phân thành nhiều toán nhỏ, lặng lẽ xâm nhập tỉnh lý ngay sau buổi tế cờ; Mông Hóa khi đó là một xã của tổng Hòa Bình, châu Kỳ Sơn gồm có Giáp Trung, Giáp Sét, Giáp Hạ và Giáp Thượng; dưới các giáp là các xóm; làng Dụ được nhắc tới đúng ra là xóm Dụ thuộc Giáp Thượng xã Mông Hóa. Chánh Quan Lang thì viết thành Chánh Lang Quan…). Riêng phần viết của Pierre Grossin đã hé lộ rằng, khi còn đương chức, Tổng Kiêm đã có mối liên hệ với các hoạt động với các lực lượng chống đối lại nhà nước – mà sau này ta mới biết đó là những người của Đề Thám.

Điều đặc biệt ở đây là, tuy các tác giả đều thống nhất cho rằng sự tranh đoạt ruộng đất, quyền lực là nguyên nhân bùng nổ sự phản kháng nhưng nhìn vào khẩu hiệu đấu tranh thì mục tiêu lại là đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Rõ ràng, đây mới là cái đích của phong trào vươn tới. Để làm rõ mối liên hệ và sự ảnh hưởng giữa cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn do Tổng Kiêm. Đốc Bang lãnh đạo với phong trào Yên Thế dưới sự chỉ huy của Đề Thám trong năm 1909, tác giả dẫn lại mấy lời Tự bạch được viết bằng chữ Hán trong Tuyết thư do chính tay Khâm sai Đại thần Lê Hoan viết ngày 21 tháng Ba năm Duy Tân thứ 4 (30-4-1910) gửi Nhà nước Bảo hộ cùng các Tòa báo nước Nam[14]:

“Lại nói, Hoàng Thám trái mệnh, lại thông đồng với kẻ xấu ngầm mưu tà lệch, phạm tội đầu độc quan nhân quý quốc[15] và nhũng nhiễu dân địa phương. Quốc gia ắt phải dẹp trừ để tiêu diệt bè đảng phản nghịch mà cứu dân lành. Vì thế vào năm 1909, ngày 29 tháng giêng, trước tiên điều 200 lính khố xanh tiến công Hoàng Thám. Tiếp đó sai quan năm Bataille kéo quân đánh vào hang ổ. Hoàng Thám chạy trốn vào rừng núi, một phen giao chiến với Cả Dinh ở Đồng Vương, một phen giao chiến ở Rừng Phe, thảy đều là nơi hiểm yếu nhất, giặc thấy được quan quân nhưng quan quân không phát hiện được giặc. Nếu không phải người làm tướng trí dũng, giỏi tính mưu đốc chiến, dẫn binh sĩ xung phong phá địch thì không tránh khỏi tổn tướng hao quân như ở trận ngoài khe núi Sơn Quả. [Thế mà] trong hai lần giao chiến nơi rừng thẳm này đã đánh đuổi được giặc, khiến Cả Trọng tử thương. Lại bắt được đồng đảng, vợ con của Hoàng Thám. Bọn ra đầu thú cũng nhiều. Hoàng Thám thấy tình cảnh bại vong như thế kinh sợ trốn biệt. Bèn hạ lệnh cho quan năm Bataille đắc thắng trở về.

Ngờ đâu Hoàng Thám đã cho người vợ ba là Đặng Thị Nhu cùng Cả Huỳnh đi trước tới huyện Kim Anh hợp cùng Ba Biều, sẵn sàng lương thực, tập hợp đồng đảng tính chuyện về sau. Hoàng Thám dẫn lực lượng tới đất Phúc Yên hợp cùng Ba Biều.

Khi ấy kể từ lúc người con ruột là Cả Trọng bị giết chết, Hoàng Thám ẩn nấu tại Lương Sơn là nơi rất hiểm trở, binh quyền giao hết cho người con nuôi là Cả Dinh giữ chức Phó tướng. Người này vô cùng dũng cảm lại am hiểu việc quân. Dựa vào thế đất hiểm yếu này thì có thể dùng kế mà thẳng chứ không thể lấy sức thắng được. Lúc ấy trinh thám cho biết Hoàng Thám muốn cử Cả Dinh đi tìm gặp Nguyễn Kiêm để họp mặt tại núi Ba Vì để gây danh tiếng dỗ dụ tù trưởng trợ giúp lương thực.”

Do có sự can thiêp nên Đề Thám buộc phải rờiLương Sơn quay về Phúc Yên để hội với đại quân tại Vệ Linh( 2-6-1909).Đồng thời giới quân sự Pháp cũng đề nghị triều đình Huế cho Lê Hoan lãnh chức Khâm sai Đại thần đem binh lính đến Phúc Yên phối hợp.Theo Lê Hoan thì:|”Được hai nhà nước tin giao trọng trách, tôi được nắm đại quyền Khâm sai. Từ đó tôi vâng mệnh ra quân. Chưa đầy mười ngày mà báo giới đã tới tấp chỉ trích dèm pha, kẻ thù đã nhiều phen đố kỵ. Nghe nói có người tới kể rằng một đại viên chức hồi hưu đã dụng tâm hại nhau vu cáo hối lộ. Tôi vốn có biết việc này, nhưng khi đó một mặt Hoàng Thám hoành hành, một mặt bọn Nguyễn Đạt ở Hà Nam tụ tập quân tướng tính ứng hợp với Nguyễn Kiêm tấn công tỉnh Hòa Bình, thu hết pháo đạn. Còn Nguyễn Xuân Sơn ở Bắc Ninh tụ tập lực lượng thành bè đảng ứng viện. Việc đã đại nguy, cho nên không dám phí lời suông mà bỏ bê việc nước. Bèn chia lập đồn tại các nơi trọng yếu mà cắt lối của Hoàng Thám. Đồng thời tư cho các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh bắt Nguyễn Đạt, Nguyễn Xuân Sơn để chặt vây cánh của Hoàng Thám, Nguyễn Kiêm. Một trận giao chiến diễn ra ở Bạch Đa, rồi trận thứ hai ở Đường An. Bọn ngụy Biều chấp nhận đầu thú, bè đảng tan rã. Từ đó ngụy Trưng, ngụy Huân dẫn bè đảng gồm cả 11 cây pháo ra hàng. Bọn Nguyễn Đạt, Nguyễn Xuân Sơn bị bắt hết về chịu án. Ở Hòa Bình, Nguyễn Kiêm thế trơ trọi. Hoàng Thám thì trốn chạy xa.

Trong hàng ngũ quân binh của quan tư Chofflet, biết Nguyễn Đình Chú quy hàng mà có ý sàm bậy hai lòng, khiến quan chức nhà nước bất hòa, sợ là ảnh hưởng tới việc lớn. Bèn lệnh cho quan tư Bonifacy thay cho Chofflet cầm quân, chuyển Nguyễn Đình Chú lên làm chân sai phái ở tỉnh Cao Bằng. Từ đó các tòa báo phần nhiều xúm vào chỉ trích việc quân. Tôi biết rằng tương lai nhất định trở nên vô cùng gai góc. Nhưng thị phi đã có nước nhà thấu hiểu, không phải bận tâm. Ngày 15 tháng Tám tin mật báo Hoàng Thám trốn ở Lương Sơn, cùng với Nguyễn Kiêm ở Hòa Bình kết bè đảng. Tôi tâu hết hiện trạng lên bề trên đồng thời tư cho Đại thần Thống sứ [Bắc Kỳ] thẩm xét. Ngày 19 kéo quân tới đồn Liễn Sơn thuộc Vĩnh Yên sắp đặt việc quân, dùng kế trước dụ hàng sau tấn công.

Tôi một mặt chia quân đánh du kích, cắt lối phòng thủ hiểm yếu, một mặt phái tàu tuần tiễu trên sông Thao, một mặt truyền thư dụ hàng, một mặt thực thi kế phản gián khiến Thám ngờ Dinh, khiến Dinh rời xa Thám. Tính toán ổn thỏa, bèn giao cho Tổng đốc Trần Đình Lượng, Đô thống Đỗ Đình Thuật biết Hoàng Thám nghi Cả Dinh đã thể hiện ra lời. Dinh sợ bị Hoàng Thám giết nên sinh lòng lìa bỏ, ra đóng ở đồn khác. Trinh thám biết rõ địch tình cùng địa thế hiểm yếu, vẽ thành sơ đồ. Lập tức ra lệnh cho quan tư hội đại quân ở Quế Trạo, sớm ngày 22 tháng Tám chia binh tiến đánh. Giao chiến từ 11 giờ đến 7 giờ tối, phá nát hang ổ giặc. Tù trưởng của Hoàng Thám là bọn Chu Văn Cát chống cự nơi tiền đồn, bị quan quân phá tan nhất loạt. Hoàng Thám đóng ở hậu đồn Hố Võng cùng vợ ba là Đặng Thị Nhu chạy thoát. Cả Dinh ngờ sợ không theo, dắt đồ đảng 12 tên cùng pháo trở lại Liễn Sơn đầu thú. Hoàng Thám đem theo tàn quân chạy đến Tam Đảo. Nguyễn Kiêm thế cô, không dám tung tác”.

Sở dĩ Lê Hoan phải viết bản Tự bạch (Tuyết thư) gửi tới giới chức và báo chí bởi lẽ vào ngày 1-3-1909, Toàn quyền Đông Dương lâm thời Picquie ra lệnh chấm dứt quyền hành đặc biệt, mở cuộc điều tra về hành vi nhận hối lộ của Khâm sai. Do vậy, Lê Hoan vừa phải trình bày, vừa nhấn mạnh mình mới là người có công lớn nhất trong cuộc chiến truy lùng Đề Thám, đánh dẹp Tổng Kiêm nhằm xóa đi hoặc chí ít cũng làm lu mờ định kiến của người Pháp từ lâu đã nhận thấy ông ta hoàn toàn làm những việc ngược lại, luôn tạo điều kiện để thủ lĩnh vùng Yên Thế thoát khỏi mọi cuộc bao vây của quân Pháp. Mối nghi ngờ của người Pháp xuất hiện từ những năm 1892 khi ông làm Tuần phủ Hưng Hoá đã từng có mối quan hệ qua lại với Đề Kiều – Đốc Ngữ, rồi sau này khi về làm Tổng đốc Bắc Ninh đã biến sự đầu hàng giả của Bá Phức thành cái thất bại thật của quân Pháp tại Hố Chuối tháng 5-1894. Ngay trước khi được cử cầm quân đến Phúc Yên – Vĩnh Yên, từ tháng 3-1909, Công sứ Lạng Sơn đã tập trung đầy đủ bằng chứng về việc Lê Hoan tham gia với Đề Thám trong vai trò chủ mưu gây nên vụ Hà thành đầu độc kinh hoàng và sau đó là việc để lọt Đề Thám ở trận núi Sáng ngày 3-10-1909. Chính vì vậy, ta không lấy gì làm ngạc nhiên ở cuối bản Tự bạch, ông đã phải nhấn mạnh đến những “công lao” của mình – trong đó có việc làm ly gián, giãn cách mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang của Tổng Kiêm với nghĩa quân Yên Thế – điều chỉ có quan lại bản xứ giàu kinh nghiệm đánh dẹp như ông ta mới làm được nhưng cũng không quên đưa đám Toàn quyền Đông Dương lên tận mây xanh:

“Những điều tự thuật trên đây không phải tôi dùng lời hoa mỹ che giấu sai trái. Bởi vì có thể nói ra những gì là sự thực, mà không thể nói cho hết được. Chỉ là đại lược mấy điều cốt yếu để tỏ rõ tâm sự mà thôi. Kẻ thù kia cố tình xiên xẹo khiến tôi bị dồn ép đến mức có lỗi với bề trên. Bọn chúng dụng tâm đến vậy, quá là giảo trá. Há đâu vô cớ mà đặt điều bất hảo về quan chức nhà nước bảo hộ!

Tôi từ khi vào quan trường tới nay đã nhiều phen hầu việc với ngài Toàn quyền, luôn luôn tận tâm báo quốc. Tấm lòng này đến nay không đổi dời. Việc lần này cũng như họa bất ngờ, cũng không dám đổ lỗi cho cựu Toàn quyền Klobukowski, bởi vì quý ngài ấy dốc lòng vì nước, theo việc mà đặt chức quan. Cũng không dám oán Tân toàn quyền Picquié, bởi quý ngài ấy bị kẻ sàm tấu che mắt. Cũng không nói người Tây không am hiểu việc bằng tôi hiểu việc. Ấy là nói về việc Nguyễn Kiêm đầu thú.

Đáng trách là những kẻ tham lợi, mượn việc công mưu việc riêng, muốn tôi không thành toàn trọng trách. Từ khi tôi cầm quân, bọn sàm nịnh nhiều phần dậy dồn toan tính ác độc không kể xiết. Nhưng tướng sĩ tòng chinh vì nước quên mình, có người hy sinh, có người ốm bệnh, thân từng trải gian lao, lòng ngậm ngùi cay đắng mà linh hồn chưa được an ủi, danh tiếng chưa được vẻ vang. Một thân tôi cũng không dám kể lể nhiều”.

Như vậy là qua rất nhiều dẫn chứng có phần dài dòng nhưng rất cụ thể kể trên đến lúc này, chúng ta đã có thể an tâm khẳng định sự xuất hiện của lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của Tổng Kiêm – Đốc Bang tại Mông Hóa, châu Kỳ Sơn chính là để nhằm lôi kéo sự chú ý, chia sẻ lực lượng, khiến cho mũi nhọn của kẻ địch đi chệch hướng nhằm chia lửa với chiến trường Yên Thế. Cuộc nổi dậy này nằm trong một sự trù hoạch đã có từ trước, hoàn toàn không đơn độc bởi cùng lúc với sự xuất hiện lực lượng vũ trang do Nguyễn Đạt ở Hà Nam, Nguyễn Xuân Sơn ở Bắc Ninh, Ba Biều và Cả Dinh ở Phúc Yên và Đề Thám rời Yên Thế đang có mặt Lương Sơn.

Mâu thuẫn về tranh giành ruộng đất và quyền lực chỉ là nguyên cớ. Ngay trong khẩu hiệu – tức là mục tiêu Nam Sơn Hoang Bà, khởi nghĩa bình Tây, độc lập Chính phủ đã khẳng định rõ cái đích cuối cùng của phong trào là đấu tranh võ trang và giải phóng dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm chứ không hề đề cập tới việc giành lại các quyền lợi nhỏ nhoi xảy ra ở địa phương. Và, quan trọng hơn cả, suốt trong thời gian cuộc khởi nghĩa tồn tại, đối tượng chính đều là lực lượng quân sự của kẻ thù. Không thấy có cuộc trả thù nào xảy ra trong nội bộ dân chúng cũng như quan lại người bản địa ở địa phương.

Do đã làm rõ được mối quan hệ khăng khít giữa cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn với phong trào Yên Thế, để có một nhận thức đầy đủ và toàn diện về các thủ lĩnh lãnh đạo phong trào, gạt bỏ những sai sót được trình bày trong các công trình khảo cứu gần đây – trong đó có cả Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, Địa chí Hòa Bình cũng của cơ quan này biên soạn, xuất bản năm 2005, tác giả bài viết này có đôi dòng kiến giải lại về cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn do Tổng Kiêm – Đốc Bang lãnh đạo như sau:

Tổng Kiêm, tên thật là Nguyễn Văn Kiêm hoặc Nguyễn Kiêm, người xóm Đễnh[16] thuộc Giáp Thượng, xã Mông Hóa, tổng Hòa Bình, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, từng giữ chức Lãnh binh trong cuộc khởi nghĩa sông Đà do Đốc Ngữ lãnh đạo. Khi cuộc khởi nghĩa sông Đà tan rã, Lãnh Kiêm trở lại quê hương, lần lượt được cử làm Lý trưởng Mông Hóa rồi Phó tổng Hòa Bình[17]. Vào khoảng năm 1907 ông và Quách Hợp, Đinh Công Nghiêm gia nhập phường hội do Đinh Siêu Quần tổ chức, được Ông Ích Bình – còn gọi là Ấm Bình giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng nghĩa binh trong đồng bào Mường tại các châu Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn để sẵn sàng phối hợp với Yên Thế khi đại sự nổ ra, phối hợp với Đinh Công Nghiêm lập ở vùng Rừng Ngang (Hoành lâm) một cơ sở hậu cần và trú quân.

Đúng vào lúc đó, tại Mông Hóa xảy ra sự kiện viên Quan Lang Đinh Công Nhung trắng trợn cướp 8 mẫu đất công và ra sức nhũng nhiễu dân chúng. Tháng 6-1907, Đinh Công Nghiêm đã hướng dẫn dân làng kéo lên Tòa Công sứ Hòa Bình yêu cầu bãi miễn viên Quan Lang này nhưng không đem lại kết quả. Đến tháng 3-1907, Nguyễn Văn Kiêm đứng đơn gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương tố cáo sự cướp đoạt trắng trợn của Đinh Công Nhung và tuyên bố không thừa nhận địa vị của hắn bằng những lời lẽ đanh thép: “Tại ông Chánh Quan Lang Đinh Công Nhung ăn hết đất của chúng tôi, mà lại nhũng nhiễu dân tình lắm lắm, chúng tôi thiết tưởng công việc nhà nước đã nhiều, lại công việc nhà ông ấy, thời dân sự chúng tôi một cổ hai chòng, nên chúng tôi phải giả ông ấy lại cho nhà nước”[18].

Được nhà cầm quyền Pháp che chở, không xử phạt nên Đinh Công Nhung cang ngạo nghễ và hung hăng quay lại khủng bố dân làng, tìm bắt Phó tổng Nguyễn Kiêm, Nguyễn Đình Nguyên – lúc này đang là lý trưởng Mông Hóa, người luôn sát cánh với dân làng. Không bắt được hai người, viên Chánh Quan Lang sai “bắt người nhà, đày tớ, trâu ngựa”[19] của họ, trong đó có cả phụ thân của Lý trưởng Mông Hóa trói vào bè cho trôi sông đến chết.

Sự khủng bố trả thù của Đinh Công Nhung đã thổi bùng ngọn lửa căm giận đối với nhân dân địa phương. Đúng vào lúc ấy, căn cứ Yên Thế bị quân Pháp tấn công dữ dội đang cần các nơi chia lửa. Cả Huỳnh, Cả Dinh được lệnh mở mặt trận mới ở Phúc Yên. Trước tình hình đó, ngày 15-4-1909, Nguyễn Kiêm – thường được dân chúng gọi là Tổng Kiêm cùng với Nguyễn Đình Nguyên tức Đốc Bang quyết định phát động dân chúng đứng dậy khởi nghĩa tại núi Viên Nam, giương cao cờ nghĩa mang dòng chữ Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa bình Tây, độc lập Chính phủ, ai lễ tế cờ, với tư cách là Chánh Thống tướng và Phó Thống tướng, Tổng Kiêm – Đốc Bang tìm cách móc nối với thủ lĩnh Nguyễn Đạt ở Hà Nam, thủ lĩnh Nguyễn Xuân Sơn ở Bắc Ninh phô trương thanh thế để hướng sự chú ý của kẻ thù ra khỏi Yên Thế, tạo thời cơ cho Đề Thám thoát khỏi thế bao vây.

Theo lời Tự bạch trong Tuyết thư do Nguyễn Bắc Kỳ Khâm sai Đại thần Lê Hoan viết bằng chữ Hán gửi Nhà nước Bảo hộ cùng các tòa báo nước Nam, diễn tiến của các sự kiện tiếp theo như sau:

“Khi ấy kể từ lúc người con ruột là Cả Trọng bị giết chết, Hoàng Thám ẩn náu tại Lương Sơn là nơi rất hiểm trở, binh quyền giao hết cho người con nuôi là Cả Dinh giữ chức Phó tướng. Người này vô cùng dũng cảm lại am hiểu việc quân. Dựa vào thế đất hiểm yếu này thì có thể dùng kế mà thắng chứ không thể lấy sức thắng được. Lúc ấy trinh thám cho biết Hoàng Thám muốn cử Cả Dinh đi tìm gặp Nguyễn Kiêm để họp mặt tại núi Ba Vì để gây danh tiếng dụ dỗ tù trưởng trợ giúp lương thực. Tôi một mặt chia quân đánh du kích, cắt lối phòng thủ hiểm yếu, một mặt phái tàu tuần tiễu trên sông Thao, một mặt truyền thư dụ hàng, một mặt thực thi kế phản gián khiếm Thám ngờ Dinh,khiến Dinh rời xa Thám. Tính toán ổn thỏa, bèn giao cho Tổng đốc Trần Đình Lượng, Đô thống Đỗ Đình Thuật dẫn 300 quân thẳng tới Lương Sơn, giả dụ hàng mà vây chặt.”

Không tiếp cận được với Tổng Kiêm Đề Thám quay lại Phúc Yên.Đồng thời, Lê Hoan cũng được cử làm Khâm sai Đại thần đem quân truy tìm Đề Thám như lời ông ta kể:” Được hai nhà nước tin giao trọng trách, tôi được nắm đại quyền Khâm sai. Từ đó tôi vâng mệnh ra quân. Chưa đầy mười ngày mà báo giới đã tới tấp chỉ trích gièm pha, kẻ thù đã nhiều phen đố kỵ. Nghe nói có người tới kể rằng một đại viên chức hồi hưu đã dụng tâm hại nhau vu cáo hối lộ. Tôi vốn có biết việc này, nhưng khi đó một mặt Hoàng Thám hoành hành, một mặt bọn Nguyễn Đạt ở Hà Nam tụ tập quân tướng tính ứng hợp với Nguyễn Kiêm tấn công tỉnh Hòa Bình, thu hết pháo đạn. Còn Nguyễn Xuân Sơn ở Bắc Ninh tụ tập lực lượng thành bè đảng ứng viện. Việc đã đại nguy, cho nên không dám phí lời suông mà bỏ bê việc nước. Bèn chia lập đồn tại các nơi trọng yếu mà cắt lối của Hoàng Thám. Đồng thời tự cho các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh bắt Nguyễn Đạt, Nguyễn Xuân Sơn để chặt vây cánh của Hoàng Thám, Nguyễn Kiêm. Một trận giao chiến diễn ra ở Bạch Đa, rồi trận thứ hai ở Đường An. Bọn ngụy Biều chấp nhận đầu thú, bè đảng tan rã. Từ đó ngụy Trưng, ngụy Huân dẫn bè đảng gồm cả 11 cây pháo ra hàng. Bọn Nguyễn Đạt, Nguyễn Xuân Sơn bị bắt hết về chịu án. Ở Hòa Bình, Nguyễn Kiêm thế trơ trọi. Hoàng Thám thì trốn chạy xa”.

Nhìn thấy tình thế ngày càng bất lợi với Đề Thám, một lần nữa Tổng Kiêm – Đốc Bang đưa ra mọt quyết định khá táo bạo: tổ chức đánh chiếm tỉnh lỵ, cướp vũ khí gây tiếng vang để kéo địch về hướng Hòa Bình vì theo mật báo của Đinh Công Nghiêm, Công sứ Regnier về Hà Nội dưỡng bệnh, Phó Công sứ Patrict đang đi thanh tra các đồn điền, Chánh Quan Lang Đinh CôngNhung về Phương Lám. Các viên Quản đốc Giao thông công chính, Chủ sự Thương chính cũng vắng mặt, chỉ còn viên Giám binh và vài ba nhân viên người Pháp ở lại.

Thực hiện kế hoạch vừa được vạch ra, rạng sáng ngày 3-8-1909, Tổng Kiêm – Đốc Bang đem một lực lượng gồm 27 người trong đội quân bình Tây qua đò Bến Ngọc[20] tiến vào thị xã, thẳng đến trại lính khố xanh, nhanh chóng làm chủ tình thế sau khi tiêu diệt viên Giám binh Chaigneau cùng 5 khố xanh, bắn bị thương 16 tên khác, giải thoát 40 tù thường phạm, đánh phá Kho bạc và Sở Thương chính, thu 150 súng trường kiểu 1874 và mousqueton kiểu 1892 và 35.000 viên đạn[21], làm chủ tỉnh lỵ Hòa Bình. Một số lính khố xanh xin được gia nhập nghĩa quân, đưa số lượng quân đội bình Tây lên tới 70 người[22].

Nhận được tin qua điện báo của nhân viên Sở Dây thép[23], ngày 4-9-1909, Quyền Thống sứ Bắc Kỳ Miribèle lên tận vùng ngoại vi tỉnh lỵ Hòa Bình thị sát. Trở lại Hà Nội, Miribèle yêu cầu Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Kỳ cho điều động lực lượng quân Pháp tiến lên Hòa Bình (trong ngày 4-8-1909, lực lượng của Đại úy Mathieu gồm toàn lính lê dương rời Việt Trì, Trung úy Léonard đưa 50 khố xanh từ Hà Nội đến Hà Đông để đề phòng một cuộc đánh chiếm tỉnh lỵ; ngày 10-8-1909 lại có thêm 50 khố đỏ dưới sự chỉ huy của Trung úy Des Garets kéo đến Yên Lệ).

Trong khi đó, tại mặt trận Phúc Yên, sau trận đánh tại làng Hiền Lương vào cuối tháng 7-1909, quân Pháp không lần ra tung tích Đề Thám. Chúng không thể ngờ được rằng, với tài xuất quỷ nhập thần, người thủ lĩnh của phong trào Yên Thế một lần nữa trở lại Lương Sơn. Hay tin, Tổng Kiêm – Đốc Bang ngay trong ngày 14-8-1909 ra lệnh cho nghĩa quân rút khỏi tỉnh lỵ “xuôi theo đò bến Ngọc, sang bên kia sông đóng ở làng Trung Minh, sau đó kéo về làng Mông Hóa”[24], chia thành 4 toán nhỏ, đại bản doanh đóng ở sau xóm Dụ, khi có việc thì kéo về Viên Nam – Vua Bà. Được tin nghĩa quân đã rời tỉnh lỵ, quân Pháp tập hợp các phân đội của Đại úy Mathieu, các Trung úy Léonard và De Garets với quân số 115 lê dương, 100 khố xanh và một trung đội khố đỏ truy kích mạnh mẽ vào Mông Hóa.

Căn cứ vào lời Tự bạch do Lê Hoan viết trong Tuyết thư thì ngày 15-8-1909, ông ta nhận được “tin mật báo Hoàng Thám trốn ở Lương Sơn cùng với Nguyễn Kiêm ở Hòa Bình kết bè đảng. Tôi tâu hết hiện trạng lên bề trên,đồng thời tự cho Đại thần Thống sứ [Bắc Kỳ] thẩm xét. Ngày 19 [-8-1909, tôi] kéo quân tới đồn Liễn Sơn thuộc Vĩnh Yên sắp đặt việc quân, dùng kế trước dụ hàng sau tấn công”.

Về phía nhà cầm quyền Pháp, lo ngại về khối liên minh giữa lực lượng của Tổng Kiêm – Đốc Bang với Đề Thám trở thành hiện thực và sẽ gây cho quân đội những khó khăn không thể lường trước, ngày 23-8-1909 Toàn quyền Đông Dương Klobukovski rời Hà Nội lên Hòa Bình. Ngoài việc giao nhiệm vụ cho quân đội, ông ta gặp gỡ Hội đồng Quan Lang đề nghị phải vào cuộc ngay trong việc tiêu diệt nghĩa quân, truy đuổi Đề Thám.

Thực hiện những điều mà Toàn quyền Đông Dương đặt ra, từ cuối tháng 8-1909, ngoài việc tăng cường binh lực, địch còn cho lập hệ thống đồn binh tại Hòa Bình, Đồng Bến, Yên Lệ, Hòa Lạc, Hòa Mục với hy vọng “làm cho dân chúng phải kiêng dè, làm trở ngại cho việc tiếp tế cho bọn giặc và để khêu gợi sự quy thuận của những kẻ đã đi theo đám giặc do bị tên Kiêm đe dọa… Dân chúng ở đây đã ngả theo bọn giặc có lẽ còn hơn ở Phúc Yên do bởi mối quan hệ phong kiến gắn liền người Mường với những đầu lĩnh của họ. Còn các đội lính dõng đáng ra phải giúp đỡ công việc cho chúng ta thì ngược lại đã làm trở ngại cho chúng ta nếu không nói là họ cũng đồng lõa với giặc. Bọn chúng được họ báo trước những cuộc điều quân của chúng ta và được họ tiếp tế cho”[25].

Nhận thấy Hòa Bình không thể là đất đứng chân của Đề Thám, ngày 27-8-1909 Tổng Kiêm lựa chọn những nghĩa binh khỏe mạnh, thông thạo địa hình tấn công đồn Hòa Lạc để đánh thông đường đưa Đề Thám sang Vĩnh Yên. Trong trận đánh này, nghĩa quân tiêu diệt 9 tên địch và mở được đường máu để thủ lĩnh phong trào Yên Thế và những người cùng đi về được Tam Đảo an toàn trước khi lực lượng các đồn binh Đồng Song, Cổ Rùa, Yên Lệ đến tiếp ứng. Khi hay tin có Đề Thám xuất hiện ở địa bàn, địch huy động một lực lượng đông tới 3.000 quân truy đuổi, chặn đường rút lui. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa quân phải vượt sông Đà sang đất Thanh Thủy (Phú Thọ) tạm lánh một thời gian.

Cuối tháng 10-1909, Tổng Kiêm đem toàn bộ lực lượng của mình để vượt sông Hồng, sông Lô tìm cách hội quân với Đề Thám nhưng họ bị địch dùng tới 3 Tiểu đoàn chốt chặn ở Tu Vũ đánh bật trở lại[26]. Lực lượng nghĩa quân bị tách làm đôi: bộ phận do Tổng Kiêm chỉ huy bị dồn về chân núi Ba Vì còn bộ phận của Đốc Bang dạt về Mông Hóa. Mãi sau mới tụ được về Viên Nam.

Ngày 10-1-1910, quân địch tấn công vào Mông Hóa, nghĩa quân bị thiệt hại nặng, Đốc Bang phải ra hàng. Ngày 13-1-1910, Tổng Kiêm rời căn cứ về Sơn Tây quy thuận Lê Hoan[27]. Cuộc khởi nghĩa Kỳ Sơn với ngọn cờ Bình Tây chấm dứt nhưng đã trở thành một minh chứng hùng hồn về tinh thần bất khuất, kiên cường của người Mường Hòa Bình trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm – Đốc Bang chính là cánh tay nối dài của phong trào Yên Thế nhằm tiến tới thực hiện khát vọng tống cổ lũ quỷ phương Tây ra khỏi Bắc Kỳ của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám hồi đầu thế kỷ XX. Hoài bão tuy không trở thành hiện thực, nhưng tấm gương vì nghiệp lớn sẵn sàng xả thân của Tổng Kiêm – Đốc Bang và đội quân Bình Tây vẫn muôn đời tỏa sáng.


Chú thích:

[1] Những chữ in nghiêng trích nguyên văn trong đạo văn bằng do Tống Duy Tân cấp cho Thân Bá Phức kể trên.

[2] Đúng ra là Ngô Xá thuộc tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế, nay thuộc xã Cao Xá, huyện Tân Yên. tỉnh Bắc Giang.

[3] Có lẽ là Kỳ Sơn hoặc Lạc Sơn thì đúng hơn.

[4] Quách Hợp bị Lang Xeo đầu độc ngày 22-5-1908 tại Hà Nội.

[5] Khi đó thuộc tổng Khả Phong, nay thuộc trị trấn Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam)

[6] Đúng ra là thuộc xã Mông Hóa, tổng Hòa Bình, châu Kỳ Sơn.

[7] Pierre Grossin. Tỉnh Mường Hòa Bình, Nxb. Lao động, H.1994, tr.67-69.

[8] Tạ Thị Thúy (Chủ biên). Lịch sử Việt Nam, tập 7 (1897-1918), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.441-443.

[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (TTLTQG1). Phòng Tòa sứ Hòa Bình (RHB), Hồ sơ số 18, tờ số 25.

[10] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 1, tờ 82.

[11] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 1, tờ 82.

[12] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 1, tờ 82.

[13] Lưu Thị Ngọc Tuyết. Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm ở Hòa Bình năm 1909 qua một số tư liệu mới. Tạp chí Khoa học (Khoa học xã hội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 3/2015, tr.111-112.

[14] Cao Việt Anh sưu tầm, dịch nghĩa. Blog Yêu Hán Nôm (9-2015).

[15] Chỉ vụ Hà thành đầu độc.

[16] Lưu Thị Ngọc Tuyết căn cứ vào Hồ sơ số 18, tờ 134 (TTLTQG1, RHB) cho rằng ông là thổ lang ở xóm Đảnh, làng Mông Hóa. Vũ Minh Hương và các tác giả Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (Nxb. VHTT, 1999) thì phiên là xóm Đĩnh, Giáp Thượng, Mông Hóa.

[17] Dương Kinh Quốc trong Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Nxb. GD, H.1999 cho rằng Thủ lĩnh Kiêm lúc đó là xã trưởng.

[18] Dẫn theo Lưu Thị Ngọc Tuyết.

[19] Dẫn theo Lưu Thị Ngọc Tuyết.

[20] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 19-01, tờ số 60.

[21] Lịch sử quân sự Đông Dương, Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2, Ban NCVSĐ xuất bản, 1955 đều cung cấp số liệu như trên. Riêng Lịch sử Việt Nam, tập 7 cung cấp số liệu 172 khẩu súng.

[22] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 18, tờ số 59.

[23] Theo Picrre Grossin. Tỉnh Mường Hòa Bình còn theo Lịch sử Việt Nam, tập 7 thì tới 3 giờ chiều, Phó Công sứ Patrict được cai lục bộ Sournia báo tin.

[24] TTLTQG1. RHB, Hồ sơ số 18, tờ số 134.

[25] Lịch sử quân sự Đông Dương.

[26] Lúc này, Đề Thám mới từ Lương Sơn thoát về núi Sáng – Tam Đảo chứ không phải “dưới chân Tam Đảo khi ấy, Đề Thám đang chống giặc càn quét sau vụ Hà Thành đầu độc, Tổng Kiêm định đưa nghĩa quân vượt sông Hồng sang Vĩnh Yên hội quân với Đề Thám” như Lịch sử Việt Nam, tập 7, tr.445 đã viết.

[27] Chúng tôi theo Pierrc Grossin, Sđd, tr.70. Dương Kinh Quốc, Sđd, tr.321 cho rằng đêm 29 rạng ngày 30-12-1909 thủ lĩnh Kiêm hy sinh trong một trận phục kích của địch. Lịch sử Việt Nam, tập 7, tr.446 cho rằng ông ra hàng vào ngày 10-1-1909 còn Lưu Thị Ngọc Tuyết, Bài đã dẫn, thì cho rằng cuộc đầu hàng đó diễn ra vào ngày 20-1-1909. Riêng Lịch sử các xã thuộc Mông Hóa cũ đều thống nhất thời điểm 10-4-1910.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn