Trận thủy chiến Bạch Đằng: Những mảnh ghép

Thứ Tư, 26 Tháng Hai 20205:00 SA(Xem: 4183)
Trận thủy chiến Bạch Đằng: Những mảnh ghép

Thương hải tang điền, ngót nghét bảy thế kỷ từ khi Trương Hán Siêu cảm khái thành lời bài phú nổi tiếng, khung cảnh núi rừng hoang vu nơi cửa biển của thế kỷ 13 dù không còn dấu vết nhưng đây đó vẫn có nhiều nhà nghiên cứu đang cố gắng đưa từng di vật của quá khứ - từng mảnh ghép về một trận thủy chiến danh tiếng trong lịch sử - ra ngoài ánh sáng.

bachdang-1
Sa bàn minh họa trận Bạch Đằng 1288, đặt tại Đền thờ Trần Hưng Đạo, Q.3, TP.HCM, do họa sĩ Nguyễn Trung Tín và cộng sự thực hiện. Nguồn: Thanh Niên.


Sông Bạch Đằng, nơi mà chiều rộng và chiều sâu con nước trở thành con đường thủy lý tưởng nhất đi vào trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cũng là nơi đã chứng kiến nhiều hơn ba trận đánh quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại. Trong số đó, chiến thắng năm 1288 thời Trần có lẽ là một trong những sự kiện lịch sử Việt Nam được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất hiện nay.


Chiến trường từ trang sách

 

Tại Việt Nam, nỗ lực có hệ thống để hiểu về Bạch Đằng hay toàn bộ lịch sử ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nói chung chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 1950-1960. Trong đó, công trình Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII được coi kinh điển của GS. Hà Văn Tấn và PGS. Phạm Thị Tâm (xuất bản lần đầu năm 1968) mô tả lại toàn bộ diễn biến của ba cuộc chiến chống quân Nguyên Mông đã trở thành bản lề cho các hiểu biết ngày nay về cuộc chiến.

 

Theo nghiên cứu này, các cuộc xâm lược thất bại vào năm 1257-1258, nối tiếp sau đó là thất bại năm 1284-1285 khiến Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) âm mưu phục thù. Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyên này đình chỉ kế hoạch xâm lược Nhật Bản để dồn sức cho cuộc xâm lược lần thứ ba vào cuối năm 1287. Chiến lược mới được xây dựng: ngoài bộ binh, có thêm cánh quân thủy gồm 500 chiến thuyền cùng 70 thuyền lương theo đường biển từ Vân Đồn ngược sông Bạch Đằng đến chiếm giữ Vạn Kiếp, vừa để đảm bảo lương thực, vừa bổ sung lực lượng cho hai cánh quân bộ.

 

Quân Nguyên một lần nữa chiếm được Thăng Long, nhưng rơi vào cảnh thiếu lương thực mà vẫn không thể nào bắt được hai vua Trần hay phá được chủ lực quân Đại Việt. Bị đánh phá liên tục, nhất là sau khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị Trần Khánh Dư phá tan ở cửa biển Vân Đồn, cuối tháng 2/1288, chỉ huy quân Nguyên là hoàng tử Thoát Hoan (Togan) buộc phải rút lui theo hai đường thủy bộ. Đoán được kế hoạch này, Trần Hưng Đạo đã tổ chức cho quân Trần đánh chặn dọc theo con đường rút quân của quân Nguyên từ Vạn Kiếp, xuôi theo sông Lục Đầu, Kinh Thầy, vào sông Đá Bạch để dồn quân Nguyên vào vùng cửa sông Bạch Đằng. Nhờ dựa vào chế độ thủy triều, một trận chiến kịch tính diễn ra từ sáng sớm đến chiều ngày 9/4/1288 đã tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền chiến 500 chiếc, bắt sống nhiều tướng Nguyên như Ô Mã Nhi (Omar) và Phàn Tiếp. Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

 

"Tiếp kình ba ư vô tế, trám diêu vĩ chi tương mâu.
Thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu.
Chữ địch ngạn lô, sắt sắt sâu sâu.
Chiết kích trầm giang, khô cốt doanh khâu.”
(Lớp lớp sóng kình muôn dặm: xanh xanh đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc phong cảnh ba thu,
Bờ lau xào xạc bến lách đìu hiu.
Sông chìm giáo gẫy: gò đầy xương khô) …

(Trương Hán Siêu, “Bạch Đằng Giang Phú” (Thơ văn Lý-Trần tập II, Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên dịch).

“Cho đến nay, giới sử học Việt Nam nói chung đều cho rằng công trình nghiên cứu này là một kiệt tác chưa có ai vượt qua được,” PGS.TS. Đặng Hồng Sơn (Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN) khẳng định.

 

Chỉ riêng việc tập hợp số lượng lớn tư liệu thành văn (sách sử, ghi chép hay bia ký) từ Việt Nam và Trung Quốc đã là thành công lớn của hai tác giả, bởi vì “Trận Bạch Đằng là một trận rất lớn nhưng các sử liệu cũ cho ta biết rất ít về chiến thắng oanh liệt này” - như hai tác giả từng nhận xét. Ngoài ra, một phần không nhỏ mô tả lịch sử phải được xây dựng bổ sung tư liệu từ truyền thuyết dân gian, khảo cổ học hay địa chất-thủy văn. Trong đó, việc sử dụng tư liệu từ khảo cổ học – một nguồn tư liệu sử ngày đó vẫn còn rất mới mẻ - đã đóng một vai trò rất quan trọng.

 

Đến công trường khai quật

 

“Để nghiên cứu trận địa Bạch Đằng đảm bảo tính chất khoa học và giá trị lịch sử có tính chân xác thì phải dựa vào các tài liệu khai quật khảo cổ học”, PGS. Sơn giải thích: “Trong đó, những cuộc khai quật đầu tiên tìm ra hệ thống các bãi cọc có giá trị nhất.”

 

 

bach%20dang%20anh%203%20-%20thay
 

Bản đồ vị trí đã phát hiện và có báo cáo phát hiện bãi cọc ở hai bờ sông Bạch Đằng, kèm chú thích tên địa danh. Dựa trên bản đồ của Randall Sasaki và bản đồ địa hình của Cục Bản đồ Quốc phòng Hoa Kỳ vẽ khu vực Quảng Yên (MS 6350 I) năm 1983. 

Bước ngoặt nghiên cứu bắt đầu từ năm 1953, khi người dân phát hiện nhiều cọc gỗ cổ dưới lòng đất trong quá trình đắp đê sông Chanh. Thông tin về số cọc đến hàng nghìn chiếc được đào lên trên cánh đồng xã Yên Giang, Quảng Yên khi đó đã đưa đến cuộc khai quật đầu tiên vào năm 1958 bởi các chuyên gia từ Vụ Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hóa. Công việc được tiếp tục trong các năm 1965, 1969, 1976, 1984, và đặc biệt là đợt nghiên cứu liên ngành năm 1988, với sự tham gia của các nhà sử học, Hán Nôm học, địa chất và khảo cổ học. Đến năm 2005, các chuyên gia tiếp tục khai quật bãi cọc thứ hai ở đồng Vạn Muối trên đảo Hà Nam (bên hữu sông Chanh, phía nam bãi Yên Giang), trên vị trí vốn là dòng cũ bị lấp của sông Kênh [xem bản đồ]. Những kết quả này giúp củng cố nhận định lịch sử rằng chiến trường cọc gỗ có tồn tại và được phân bố trên các sông nhánh bên tả ngạn Bạch Đằng.1

 

Tuy vậy, trong suốt thời gian dài, việc xác định niên đại chính xác của các cọc gỗ cũng như giải thích rõ ràng liên hệ giữa bãi cọc với trận chiến 1288 là câu hỏi hóc búa với các nhà nghiên cứu trong nước. Thực tế, nỗ lực đầu tiên nhằm xác định niên đại các cọc gỗ Yên Giang vào cuối những năm 1980, được thực hiện tại CHDC Đức cũ không thật sự thuyết phục.

 

Vào năm 2009, TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) – người chủ trì khai quật tại Bạch Đằng từ năm 2005 – cùng GS. Staniforth (ĐH Flinder, Australia), TS. Randal Sasaki (ĐH Texas A&M), và TS. Jun Kimura (ĐH Tokai, Nhật Bản) và nhiều chuyên gia khác đã hợp tác xây dựng một nhóm Nghiên cứu chiến trường Bạch Đằng, sau này phát triển thành Dự án Khảo cổ học Hàng hải Việt Nam (VMAP). Họ đã tiến hành nghiên cứu khảo sát địa hình và khai quật một bãi cọc mới tại Đồng Má Ngựa, cách Đồng Vạn Muối 1,5km về phía đông nam. “Những bãi cọc mà chúng tôi xác định, kể cả cọc còn lộ thiên trên đồng ruộng mà người dân đang cày cấy, phải dài đến hàng trăm mét”, TS. Liên nói với chúng tôi, “Phải nói rằng đó là một chiến trường rất rộng lớn.”

 

Tại ba bãi cọc, người ta phát hiện những cây cọc lớn có đường kính từ 20-30 cm và chiều dài còn lại trên dưới 2m, đẽo nhọn một đầu 40-50cm và được cắm vào lớp cát trong lòng các nhánh sông. Trong khi đó, các cọc nhỏ được bố trí thành các cụm ở ven bờ hay bãi triều theo nhiều hướng khác nhau – thường là ngược hướng dòng chảy. Sự bố trí cọc có thể thành lớp dày đặc như ở Đồng Má Ngựa, hoặc bố trí hình zigzag (chữ chi) như ở Đồng Vạn Muối. Để đóng cọc, phương pháp “dộng lắc” được sử dụng sao cho chân cọc đâm lún xuống lớp cát đáy sông. Kỹ thuật này vẫn phổ biến khi nó “vốn được các ngư dân áp dụng để đóng các cọc đáy lưới đánh bắt cá”, nhóm nghiên cứu giải thích.2

Cọc gỗ tại Đồng Má Ngựa cũng được cho giám định với kết quả 4 mẫu đều cho niên đại từ 1280 đến năm 1400 – có thể xem là trùng với thời điểm trận Bạch Đằng 1288. Một phân tích khác do Đại học Lâm Nghiệp thực hiện năm 2010 chỉ ra các loại gỗ được sử dụng bao gồm lim, chỏ chỉ, giẻ đỏ, chò nâu, chẹo tía… được lấy từ các cánh rừng quanh khu vực Quảng Yên.3

 

Việc thám sát địa hình bằng ra-đa xuyên đất và nghiên cứu mũi khoan trầm tích cho thấy bức tranh vùng cửa sông Bạch Đằng cổ phức tạp hơn những gì chúng ta nhìn thấy ngày nay: những doi đất cao hay gò cát lớn nhỏ ở ven sông Chanh hay đảo Hà Nam chia cắt tạo thành rất nhiều đường nước nhỏ mà kết hợp cùng các ghềnh đá (Ghềnh Cốc hay Ghềnh Chanh), chúng mở rộng hay thu hẹp theo nước triều lên xuống, tạo ra địa thế rộng lớn và hiểm trở.

 

Những dòng chảy lớn hơn có thể trở thành đường di chuyển cho tàu chiến. Tuy nhiên, cọc gỗ không bố trí để chặn ngang dòng, nơi đáy sông cổ có thể sâu nhất tới 15-16m. “Chúng tôi nhận ra là dòng chảy quá sâu và quá khó [để có thể đóng cọc]”, GS. Staniforth nhận xét trên tạp chí Archaeology năm 2016. Cách bố trí cọc do đó sẽ hướng đến việc làm thu hẹp các dòng chảy, phối hợp với các ghềnh đá tạo vật cản cho thuyền lớn. Các cọc nhỏ được cắm vào các bãi lầy xen giữa các gò đất cao (như ở Đồng Vạn Muối) giúp ngăn không cho quân Nguyên đổ bộ lên bờ, vị trí nơi cung thủ nhà Trần có thể chốt giữ. “Các cách đóng cọc khác nhau do đó thể hiện những chiến lược khác nhau ở từng địa thế khác nhau,” TS. Liên nói.


bachdang-2-b_dongmangua
 

Khai quật bãi cọc Đồng Má Ngựa. Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh.

Trên một chiến trường rộng lớn kéo dài 5km từ núi U Bò (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đến Ghềnh Cốc và các lạch nước triều, quân Nguyên thực sự đã rơi vào một cái bẫy lớn. Một vòng vây khép kín tạo ra bởi quân bộ hai bên bờ, phối hợp với hỏa công và thủy quân dồn quân Nguyên vào bãi cọc dần lộ ra khi nước triều rút. Những dãy cọc lớn đánh đắm hoặc cản đường thoát của tàu chiến, trong khi các bãi cọc nhỏ làm chướng ngại đã đẩy quân Nguyên vào chỗ tử địa – hàng nghìn quân tướng bị chết đuối, tiêu diệt hay bắt sống.

 

Bãi cọc có thể là nơi chứng kiến giai đoạn quyết liệt để kết thúc trận đánh

 

Những dấu tích phát hiện trên đảo Hà Nam cũng cho thấy đây là nơi diễn ra của trận quyết chiến cuối cùng trên bờ. Bãi cọc Đồng Má Ngựa “có thể là nơi chứng kiến giai đoạn quyết liệt nhằm kết thúc trận đánh”, theo nhóm nghiên cứu.

 

Ở độ sâu từ 2m đến 2,3m, một lớp than tre và vụn than mỏng đã được phát hiện có thể là vết tích của thuyền nan hay bè tre sử dụng làm hỏa công trong trận chiến còn lại đến ngày nay. Cũng cùng lớp bùn cát với chân cọc, nhiều mảnh sành sứ, “trong đó có cả một mảnh sứ thời Nguyên, giống hệt kiểu bát sứ của quân Nguyên phát hiện được tại chiến trường Takashima (vịnh Imari, phía Bắc đảo Kyushu, Nhật Bản).” Các nhà khảo cổ cũng kỳ vọng có thể tìm được cả vũ khí quân Nguyên sử dụng – như là loại lựu đạn chứa các mảnh sứ từng được phát hiện tại di chỉ Takashima thuộc về cuộc xâm lược khác của nhà Nguyên vào Nhật Bản năm 1281.

 

Việc phát hiện xác tàu chiến cũng sẽ là một bước ngoặt. Đây cũng là hi vọng lớn nhất của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài từng tham gia phát hiện một tàu chiến thời Nguyên dưới lòng vịnh Imari. Cơ hội xuất hiện vào năm 2012 khi họ làm khảo sát từ trường tại cánh đồng Lòng Thong, nơi có các dòng chảy cổ gần bãi cọc Đồng Má Ngựa. Dấu hiệu nhận biết xác tàu tại đây dựa vào tín hiệu của máy đo từ trường, TS. Liên kể lại, vì nghiên cứu thuyền thời Nguyên cho thấy việc người ta đã sử dụng rất nhiều đinh sắt.

 

Nhóm bắt đầu đào thám sát tại địa điểm nói trên. Ở độ sâu trên 2m, xuyên qua một lớp hàu rất dày, họ tìm được một mảnh gỗ vuông vức. “Mọi người đều rất xúc động,” TS. Liên kể lại. “Thế nhưng đến năm sau, khi mở cuộc khai quật lớn hơn thì chủ ruộng không cho đào. Mà khi hố đào đặt lệch đi, dấu tích cũng không thấy nữa.” Việc tìm kiếm vì thế mà phải tạm ngừng.

 

Nhưng các nỗ lực nghiên cứu khác vẫn tiếp tục bên ngoài các bãi cọc Quảng Yên. Tháng 12 năm 2019, TS. Lê Thị Liên cùng đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ và Bảo tàng Hải Phòng lại vừa công bố phát hiện một bãi cọc tại Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), 18 km ngược dòng Bạch Đằng về phía Tây Bắc. 27 cọc gỗ được phát hiện trên 3 hố đào với diện tích 950m2 khiến dư luận xã hội rất quan tâm.

 

“Bây giờ khi phát hiện ra Cao Quỳ thì ta càng thấy đây là một chuỗi chiến trường chứ không phải một,” TS. Liên nhận định. Thực ra quan điểm này đã được các nhà nghiên cứu đưa ra từ trước đây nhưng trong nhiều năm qua chưa có điều kiện kiểm chứng trên thực địa. Trong số đó có cả giả thiết về việc có một đại bản doanh của Trần Hưng Đạo đặt trong dãy núi Dương Nham, hay việc có một trận chiến Trúc Động trên dòng sông Giá, nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm chứng bằng tư liệu khảo cổ.

 

Trong khi đó, việc phát hiện các cọc gỗ tại Cao Quỳ, có kích thước lớn và được đóng cách xa nhau đến 3-4 mét, đưa đến một gợi ý: Liệu đây có thể là một trận địa nằm trong nỗ lực đánh chặn, dồn tàu địch đi theo sông Đá Bạch? Và như vậy, câu hỏi còn được đặt ra về vị trí thực của các trận chiến tại Trúc Động vào hai thời điểm khác nhau được sử liệu nhắc tới, TS. Liên nói thêm.

 

Không gian nghiên cứu vẫn tiếp tục được mở rộng. Ngay bờ kia sông nơi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, một nhóm nghiên cứu khác của TS. Nguyễn Văn Anh (ĐH KHXH&NV, Hà Nội) vừa bắt đầu khai quật di tích Thiên Long Uyển bên núi Phượng Hoàng (Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh). Cùng lúc đó, nhóm TS. Trần Anh Dũng (Viện Khảo cổ học) lại đang quan tâm đến một nhóm di tích và di vật mới phát hiện ở núi Dương Nham (Kinh Môn, Hải Dương). Cùng nghiên cứu các địa điểm có liên hệ đến thời Trần, hai nhóm nghiên cứu đang có cùng hi vọng tìm được liên hệ giữa chúng với một hay nhiều căn cứ của hai vua Trần trong trận chiến Bạch Đằng. “Những địa hình và dấu tích còn lại ở hang Son, núi Phượng Hoàng đặt ra khả năng đã được chọn làm vị trí tham chiến của quân dân nhà Trần”, TS. Liên nói.

 

***

Liệu điều này có nghĩa là việc khai quật toàn diện chiến trường Bạch Đằng là bất khả thi?

 

Địa hình sông nước với mạng lưới dòng chảy phức tạp, khả năng đổi dòng khôn lường cùng với sự phân bố rất rộng của nhiều di tích thời Trần làm các nỗ lực khảo sát đầy đủ càng khó khăn: “Chúng ta có thể thấy là từ Hải Dương, Quảng Ninh, bên Quảng Yên và từ Đông Triều đến Hải Phòng – một không gian rất rộng lớn như vậy thì những phát hiện lẻ tẻ ở Quảng Yên hay ở Hải Phòng chưa thể là toàn vẹn cho một trận địa [như Bạch Đằng] được,” TS. Sơn nhận xét. “Chính bởi vì vậy mà những nghiên cứu trước đây và đến tận bây giờ chủ yếu vẫn là một sự kết hợp giữa thư tịch và điều tra môi trường, đi kèm với các tư liệu dã sử.” □

 

-------

Chú thích: 

1 Cho đến nay vẫn chưa có bãi cọc nào được phát hiện ở hữu ngạn sông Bạch Đằng. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng địa hình núi đá Tràng Kênh ở hữu ngạn không phù hợp để đóng cọc, trong khi đó lại là một vị trí tốt để giấu quân mai phục. (Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1970), tr.285-286)

2Kỹ thuật này được chỉ ra trong các cuộc khai quật tại Bãi cọc Yên Giang vào năm 1987 và năm 2014 và lần nữa tại  Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2010, TS. Lê Thị Liên cho biết.

3Theo báo cáo, một số đuôi cọc còn có lỗ đục thủng hình vuông để buộc dây cho voi hay trâu kéo ra nơi đóng cọc.

4An Nam Chí Lược cũng nhắc đến việc Phàn Tiếp đã chỉ huy quân cố gắng lên bờ “chiếm thế núi cao làm ứng”, trong khi đó Nguyên sử chép thêm “thuyền giặc [chỉ quân ta] tập trung đông, tên bắn như mưa.” (Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1970), tr. 287)

 

--------

Tài liệu tham khảo:

Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1968. (tái bản 1970, 1972, 1975; NXB Quân đội Nhân dân tái bản 2005; NXB Hồng Đức & DtBooks tái bản 2019).

Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chi. Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân, 1975. (tái bản 2005; NXB Hồng Đức & DtBooks tái bản 2019).

Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc. Chiến thắng Bạch Đằng 938 và 1288. Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân, 1988.

Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng. Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm. Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân, 2012.

Lê Thị Liên, Mark Staniforth, Jun Kimura, “Vai trò của các bãi cọc ở chiến trường Bạch Đằng Nhận thức mới từ những kết quả khảo cổ học gần đây.” Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ XIII. Hạ Long, 2018.

Đặng Hồng Sơn, Kiều Đình Sơn, “Cuộc xâm lược của Mông – Nguyên ở Việt Nam qua một số tư liệu khảo cổ học thời Trần”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ XIII. Hạ Long, 2018.

Phát hiện tại Cao Quỳ và sự quan tâm của chính quyền địa phương đang được kỳ vọng sẽ là chìa khóa mới mở ra các nghiên cứu toàn diện hơn về chiến trường Bạch Đằng trong tương lai. “Không gian nghiên cứu là rất rộng”, TS. Liên nhận xét, “nhưng khả năng nghiên cứu đến đâu thì mình cũng phải căn cứ vào thực tế”. Bởi vì các nghiên cứu quy mô lớn cần tới lực lượng nghiên cứu liên ngành, với nhiều nhóm nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với đó là nguồn lực tài chính cũng như cơ chế phối hợp.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn