Cách mạng Văn hóa và món nợ sự thật lịch sử

Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20186:00 SA(Xem: 6210)
Cách mạng Văn hóa và món nợ sự thật lịch sử

_63290681_glizhensheng

Nguồn: Liu Xiaobo, “The Cultural Revolution at 40”, Project Syndicate, 26/05/2006.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng đến tháng này (5/2006) là  tròn 40 năm, nhưng dù cho đã qua 20 năm tự do hóa kinh tế, vết thương của nó vẫn còn là chủ đề cấm kị. Nhà cầm quyền ngày nay vẫn chưa dám đối mặt với quá khứ cũng như trách nhiệm đạo đức của mình. Do đó, ba mươi năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, cuộc tự đánh giá cần thiết ở cấp độ quốc gia về sự kiện này vẫn chưa bắt đầu.

Tất nhiên, Đảng Cộng sản đã coi cuộc Cách mạng Văn hóa là một “thảm họa”, một đánh giá được ủng hộ bởi quan điểm chính thống. Nhưng chính quyền Trung Quốc chỉ cho phép thảo luận về cuộc Cách mạng Văn hóa trong khuôn khổ chính thống này, đàn áp mọi sự phê phán không chính thức khác. Các nhận định chính thức nói chung, và việc sử dụng Lâm Bưu (từng là Phó Chủ tịch và là người được chọn kế vị Mao Trạch Đông, nhưng sau này đã nổi dậy chống lại ông) và “Tứ nhân bang” như kẻ chịu trách nhiệm chính, đang che lấp đi lỗi lầm của Mao và Đảng, cũng như các khiếm khuyết cố hữu của hệ thống.

Nhân vật chính của Cách mạng Văn hóa, những người đã thực hiện quá nhiều hành động bạo lực một cách thiếu suy xét, vì thế đã giữ im lặng hoặc đưa ra những lời bào chữa không trung thực. Hầu hết các nạn nhân cũng sử dụng các lý do khác nhau để kìm nén kí ức của họ. Cả những người đi bức hại và bị bức hại đều chỉ sẵn sàng nói về việc họ đều là những nạn nhân.

Ví như Phong trào Hồng vệ binh cuồng tín đã nuốt chửng hầu hết thanh thiếu niên ở độ tuổi tốt đẹp nhất của đời họ. Mặc dù vậy, một vài cựu Hồng vệ binh vẫn giữ im lặng, cho rằng, “việc này không đáng để nhớ đến”. Trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa, Phong trào Liên minh (Allied Movement) tại Bắc Kinh, được hình thành bởi con của các cán bộ cao cấp trong Đảng, đã thực hiện các hành vi bạo lực khủng bố, hoạt động với khẩu hiệu, “Nếu cha là anh hùng con sẽ là hảo hán, nếu cha là phản động con sẽ là trứng thối.”

Nhưng các hồi ký của đội quân tiên phong nổi loạn về những năm tháng đó chỉ nêu rõ sự đam mê và chủ nghĩa lý tưởng thuần khiết của tuổi trẻ, hay đau khổ của bản thân và của cha mẹ họ. Họ không hề đề cập đến các cuộc tấn công dã man, phá hoại và cướp bóc hoặc những phiên tòa xét xử không luật lệ của mình. Những người từng tham gia cuộc cách mạng từ chối thảo luận về sự kiêu ngạo kiểu “Đỏ bẩm sinh” của họ hoặc đề cập đến việc họ đã nổi loạn vì muốn có quyền lực. Tồi tệ hơn, họ không thể hiện sự hối hận gì đối với những nạn nhân của mình.

Cách mạng Văn hóa đã càn quét khắp Trung Quốc. Có quá nhiều người phải chịu đựng đến nỗi khó mà thống kê được chính xác con số nạn nhân. Điều này càng đúng hơn đối với những kẻ tham gia bức hại. Tuy nhiên cũng có một số ít người sám hối và xin lỗi. Sự khủng bố của Hồng vệ binh, những cuộc đấu tranh vũ trang giữa các bên nổi loạn, các đội hình được thiết lập để “thanh lọc” các giai cấp xã hội, và tất cả các vụ thảm sát đẫm máu đơn giản đã bị để cho lãng quên trong ký ức của người Trung Quốc. Đúng là lệnh cấm chính thức đang ngăn chặn việc nhìn nhận lại sự kiện này, nhưng chính sự yếu đuối của con người và lợi ích ích kỷ của những kẻ tham vọng sự nghiệp trong số những người tham gia Cách mạng Văn hóa đã làm bệ đỡ cho những lệnh cấm đó.

Hãy xem trường hợp của Diệp Hướng Chân (Ye Xiangzhen), con gái Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, người từng thảo luận các trải nghiệm thời Cách mạng Văn hóa của gia đình mình trên truyền hình. Trong giai đoạn đầu của Cách mạng Văn hóa, bà đóng vai trò kép: con gái của một nguyên soái Trung Quốc và thủ lĩnh phong trào nổi loạn tại Trường Đại học Nghệ thuật ở thủ đô. Bà phàn nàn rằng bà đã “quá nổi tiếng”, “quá tích cực”, và “quá căng thẳng” vào thời điểm đó, và bà kể lại những chi tiết cụ thể về cách mà vợ của Mao là Giang Thanh đã bức hại gia đình ông Diệp và những đứa con họ Diệp đã phải vào tù như thế nào. Tuy nhiên bà chỉ có 58 từ nói về vai trò thủ lĩnh Hồng vệ binh của mình – không có chi tiết hay lời giải thích về việc bà gia nhập như thế nào, các hoạt động mà bà tham gia, hay bà có liên quan đến các “tra tấn thể xác” hay bức hại những người khác hay không.

Việc kêu gọi những người sử dụng bạo lực và bức hại người khác xem xét bản thân và ăn năn không phải nhằm mục đích thực thi nghĩa vụ pháp lý và phán xét đạo đức. Nhưng ít nhất nó sẽ khôi phục sự thật về Đại Cách mạng Văn hóa, tổng kết các bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm. Tích cực hơn, việc phục hồi sự thật sẽ chống lại bản năng truyền thống của Trung Quốc là đổ nguyên nhân thảm họa cho các thế lực bên ngoài, và có thể dẫn tới sự khai sáng tinh thần cho một dân tộc đang đấu tranh tìm kiếm giá trị trong một đất nước Trung Quốc mới đang nổi lên.

Tất nhiên, người có trách nhiệm lớn nhất trong thảm họa Cách mạng Văn hóa là Mao, nhưng ông vẫn là “vị cứu tinh” của Trung Quốc. Những đứa con của các cán bộ cao cấp dưới thời Mao, những người hưởng ánh hào quang lớn nhất trong Cách mạng Văn hóa, giờ đây lại là những người hưởng lợi nhiều nhất từ cải cách kinh tế ngày nay.

Nhưng sự im lặng kéo dài của những người từng phạm phải sai trái này chỉ mang đến thiệt hại cho toàn thể xã hội, với việc cuộc sống của người Trung Quốc bị bóp méo bởi sức nặng của những dối trá và sự lảng tránh. Vì các thế hệ nối tiếp nhau sống mà phủ nhận thực tế, những lời nói dối sẽ làm lệch lạc tất cả những gì họ chạm vào. Người Trung Quốc sẽ không biết đến sự trung thực cá nhân hay sự thật lịch sử, và họ sẽ lại liên tục lạm dụng, bỏ qua hoặc từ bỏ các cơ hội lịch sử

Một khi cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nó sẽ không bao giờ kết thúc. Nếu sự thật lịch sử không được khôi phục, người ta sẽ không thu được bài học nào cả. Không của cải vật chất nào có thể khiến Trung Quốc trở thành một xã hội lành mạnh nếu thiếu đi sự phán xét cần thiết này đối với quá khứ.

Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) là nhà phê bình văn học và chính trị, đồng thời là Chủ tịch của Trung tâm Văn bút quốc tế Trung Quốc (PEN).

Hình: Một vụ xét xử thời Cách mạng văn hóa. Nguồn:  Li Zhensheng và BBC.

Copyright: Project Syndicate 2006 – The Cultural Revolution at 40
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn