Gặp người đã thấy Sài Gòn thời “đàng cựu”

Thứ Tư, 29 Tháng Giêng 20203:00 CH(Xem: 5063)
Gặp người đã thấy Sài Gòn thời “đàng cựu”

Chúng ta hiếm khi đọc được chuyện kể về cuộc sống người dân bình thường ở Sài Gòn thế kỷ 19, giai đoạn trước khi người Pháp đến áp đặt chế độ thuộc địa, ngoại trừ trong một ít bài viết của người nước ngoài đến thám hiểm hay truyền đạo. Nhưng trong một tờ báo Xuân năm 1957, tôi đọc được một bài phỏng vấn thú vị, hỏi chuyện một nhân chứng đã thấy được Sài Gòn xưa từ nửa đầu thế kỷ 19 thời vua Thiệu Trị, lúc Sài Gòn còn gọi tên là Bến Nghé, với những chi tiết thú vị về thành phố này thuở ban sơ.

ADVERTISEMENT

Người kể lại những gì mình thấy ở vùng Bến Nghé xưa là cụ bà Lê Thị Huê, nhà ở số 547A ở con đường lớn xóm Bàn Cờ, nay thuộc quận 3. Lúc kể chuyện, cụ đã 115 tuổi. Đó là lý do bà được ký giả Thanh Hùng phỏng vấn vào năm 1957 để chuẩn bị viết báo Tết. Lúc tiếp xúc với ông ký giả, cụ bà còn tỉnh táo, có thể nói chuyện ràng mạch, xứng đáng là nhân chứng sống rất quý hiếm về một quá khứ tuy chưa xa nhưng không mấy ai còn sống để mô tả về thời buổi xa xưa đó.

Ký giả Thanh Hùng kể: Trên đường tìm đến nhà cụ để phỏng vấn, ông thấy người ta bày sạp hàng buôn bán lặt vặt trước nhà nên lối đi khá chen chúc. Nhà cụ Huê trước có tấm bảng hiệu kẻ hai chữ “Hải Hoài”.

Khách đến khi cụ Huê đang ngồi lẩm nhẩm như đọc kinh. Gần nơi cụ ngồi, có một ông già khoảng 70 tuổi hom hem nằm ngủ trên bộ ván kê gần chỗ cụ ngồi. Sau mới biết ông già đó là con trai của cụ.

Sau khi được ông con trai kê sát vào tai cho biết có nhà báo đến thăm, cụ Huê đồng ý tiếp khách. Nhìn bề ngoài, tóc của cụ còn chỗ đen chỗ trắng, da mồi. Mắt cụ còn tinh, cử chỉ còn khỏe mạnh, nói chuyện còn rành rẽ nhưng tai nghe không còn tốt, đôi lúc người con phải kề vào tai mà nhắc lại lời nhà báo. Người con trai tên là Trần Văn Mạnh, 67 tuổi, không có gia đình, đạp xích lô nuôi mẹ. Ông Mạnh là con thứ sáu trong nhà, còn người em thứ bảy ở Cầu Muối cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Nhà cụ Huê trên mảnh đất vuông vắn, mái lợp tôn, vách ván. Trước kia, cụ ở Cầu Muối nhưng nhà bị cháy nên được chính quyền Ngô Đình Diệm cấp cho căn này. Vì khó khăn, cụ phải cho thuê nửa căn nhà, lấy mỗi tháng 400 đồng. Ngoài khoản thu trên, thỉnh thoảng cụ được lối xóm và bạn hàng trong chợ Bàn Cờ biếu cho miếng bánh, con cá hay mớ rau. Chưa kể nguồn thu kiếm được từ chiếc xe xích lô.

Cụ Huê kể về thân thế của mình: Hồi xưa, nhà ba má bà là một căn nhà lá lụp xụp cất trên bờ sát khu vực ngã ba sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé, đúng ngay địa điểm sau này người Pháp dựng cột cờ Thủ Ngữ (nay là khu vực bến Bạch Đằng nhìn ra bến Nhà Rồng).

Mùa xuân năm 1842, lúc vua Thiệu Trị mới lên ngôi một năm, cô bé Huê ra đời dưới mái nhà tranh này. Là con đầu lòng, khi lên ba tuổi, Huê có đứa em gái, rồi lại thêm đứa em gái thứ hai. Vài năm sau, Huê lên 11 tuổi, song thân thay nhau mất, để lại cho Huê hai đứa em 9 tuổi và 7 tuổi. Huê ra đời sớm, lo nuôi em khi tuổi còn thơ. Lúc đó, Sài Gòn còn lơ thơ những ngôi nhà lá, nhiều đồng ruộng. Cô bé Huê lấy nghề cấy lúa, bắt cá ngoài đồng làm kế sinh nhai cho cả nhà. Đến năm Huê được 18 tuổi (1862), hai em gái của cô được bà cô và bà dì mang về nuôi, còn cô kết duyên với ông Trần Văn Thú.

Lấy nhau một thời gian, ông Thú đầu quân vào lính, dần dà lên chức Đội Sáu. Cuộc sống của cô, đã là bà Huê, nhờ vậy đỡ hơn trước nhưng bà vẫn giữ nếp sống tiện tặn. Hằng ngày, ông Thú tay súng vai gươm vào đồn, vợ ra đồng cầy cấy, bắt cá. Cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc, bà Huê sinh cho ông tất cả 13 người con trai. Đến năm 1936 hay 1937 không nhớ chính xác, ông Thú từ trần. Đám con cái chỉ có ba người ở lại với bà, mười người còn lại đi theo người Pháp từ khi lớn lên. Trong ba người con ở lại, người thứ ba thọ 80 tuổi mới chết năm qua, còn lại hai người như đã nói ở trên.

Một câu hỏi thường được đặt ra đối với người sống đại thọ, là bí quyết để được như vậy. Cụ Huê cho biết khi về già, thường ăn cháo thay cơm, thỉnh thoảng mới ăn cơm. Món bà ưa thích là trái cây, cháo trắng và sữa. Lúc trẻ bà có gì ăn nấy, cơm rau mắm ngày hai bữa. Từ trẻ đến lúc đó, bà bệnh nặng ba lần, còn thỉnh thoảng nhức đầu chóng mặt uống vài viên thuốc là hết. Nhà báo Thanh Hùng cho đây là nhờ sự thanh đạm trong ăn uống của bà.

Tuy nhiên, có điều đặc biệt là trong nhà bà, vừa có khám thờ bày ảnh chúa Giê-su, bên cạnh lại có một bàn thờ để bát hương, bài vị và ảnh Đức Phật Thích Ca. Bà cụ giải thích: “Trước kia các cụ tôi theo đạo Phật và chồng tôi cũng thờ Phật. Sau tôi suy nghĩ nước ta có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chuá giáo, hai đạo cùng khuyên người ta làm điều lành, tránh điều dữ. Vì thế, tôi thờ cả Chúa cả Phật. Ngày chủ nhật tôi cầu kinh, ngày Rằm và mùng Một tôi niệm Phật. Phật và Chúa phù hộ cho tôi sống lâu, cũng có lẽ phải!”. Cụ nói điều đó và cười, phô hàm không còn chiếc răng nào, chỉ còn lợi đỏ nhẵn thín.

Nhà báo Thanh Hùng muốn có quà tặng bạn đọc của báo nên nhờ bà kể về những cái Tết ở Sài Gòn của 100 năm trước, tức là là gần 160 năm trước đây. Bà nhận lời và kể như sau:

“Sài Gòn thời gian đó, hơn 100 năm trước có tên là Bến Nghé. Đồng lúa và đất hoang cỏ mọc chiếm hai phần ba diện tích. Đêm Giao thừa, người Bến Nghé thức dậy thắp nhang đón giao thừa trong tiếng ếch kêu, cóc nghiến răng, muỗi vo ve, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp nhưng thật ra là… ghê rợn. Ngày đó, dân Bến Nghé truyền miệng rằng nếu đêm Giao thừa ai ra đường lúc đêm khuya sẽ bị ma bắt đưa xuống rạch Bến Nghé nên ai nấy không dám ra khỏi nhà sau 9 giờ tối. Ngoài đường lộ giờ đó chỉ có bầy đom đóm và họa hoằn lắm mới có một nhóm lính đi tuần mang theo hai, ba bó đuốc lớn, vừa soi đường vừa khỏi sợ ma nhát rồi dẫn xuống rạch.

Qua đêm Giao thừa, sau 5 giờ sáng dân chúng mới lục tục ra đường rồi đi chúc Tết. Thời đó, dân chúng ai cũng nghèo khổ, đến ngày Tết cũng thiếu ăn đến nỗi buổi trưa mùng Một phải ra ruộng mò cua, bắt cá để có cái ăn Tết cùng với vài ngọn rau dưa bứt ngoài vườn. Mừng xuân trong cảnh thanh bần như vậy đã quen thuộc nên cảm thấy bình thường. Không khí Tết thời ấy không rộn ràng như sau này, không pháo, không cờ bạc, chỉ có rượu đế và tiếng chiêng là mang những đặc điểm của ngày Tết.”

Cụ chỉ cho khách xem bức tranh sơn thủy đặt trên bàn thờ tổ tiên, mua trong cái Tết thời Tây mới đến. Vợ chồng cụ lúc đó vẫn sống trong mái tranh nghèo gần rạch Bến Nghé. Mùng một Tết năm ấy, chồng cụ rảnh rỗi việc binh nên đi chơi, thấy bức tranh đẹp nên mua về thờ. Đó là tranh do một người thợ vẽ người Tàu, màu sắc còn đẹp và bền, giữ mãi tới giờ. Qua bao lần tản cư, nhà cháy… cụ vẫn giữ được bức tranh của chồng để lại. Đêm Giao thừa năm đó, lính Tây từ trong đồn bắn súng ầm ầm chào xuân, tấp nập ồn ào hơn hẳn. Đến sáng hôm sau, cờ xí trưng đầy, dân chúng lũ lượt ra xem. Tây trong thành cũng kéo ra đứng xem cái người Việt ăn Tết. Tuy nhộn nhịp như vậy, cụ không dám ở nhà, phải chạy tuốt vô Chợ Lớn ở nhờ nhà ông Đốc phủ Hương, vì chồng trước đi lính cho nhà Nguyễn, chống Tây nên sợ họ bắt đi.

Gặp người đã thấy Sài Gòn thời "đàng cựu"
Rước rồng ở Sài Gòn năm 1865
Trước khi ra về, cụ Huê nói với nhà báo rằng mình rất sung sướng được sống trong cảnh thái bình. “Tết năm nay ắt là vui lắm. Tôi cầu Phật, lạy Chúa cho dân mạnh nước giàu”.

Trên đây là bài viết lược lại từ bài báo “Ngày xuân đi thăm cụ già nhất nước Việt Nam” có kèm một ảnh chân dung in không rõ. Tác giả không cho biết căn cứ để chứng minh tuổi chính xác của bà cụ, nhưng có thể đúng như bà cụ nói căn cứ vào những chuyện bà đã trải qua, qua từng mốc thời gian. Không có tài liệu nào khác cho biết bà mất khi nào, nhưng rõ ràng ký giả Thanh Hùng đã “có nghề” khi phát hiện được cụ Huê, khai thác được những hồi ức đáng quý này. Một mảnh nhỏ của cuộc sống đời thường Sài Gòn quá khứ trước khi người Pháp đến sao mà hiếm có, và chúng ta đã có được ít nhiều chuyện đáng được biết nhờ bài báo này.

Phạm Công Luận

Trích “Chuyện Đời Của Phố”
Bài đã đăng trên báo Người Đô Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn