Kuala Lumpur: 'Kinh đô ẩm thực châu Á'

Thứ Hai, 27 Tháng Giêng 20205:00 SA(Xem: 5278)
Kuala Lumpur: 'Kinh đô ẩm thực châu Á'
bbc.com

Kuala Lumpur: 'Kinh đô ẩm thực châu Á'

Lindsey Galloway BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Với sự pha trộn đặc trưng các nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo, Kuala Lumpur thường được người dân địa phương mô tả là 'một nồi lẩu thập cẩm lớn', nơi các truyền thống khác nhau được tôn vinh và thưởng thức rộng rãi khắp nơi.

Hương vị đặc trưng rất riêng

Hình ảnh 'nồi lẩu thập cẩm' này cũng thường được dùng theo ý nghĩa đen hơn là nghĩa bóng ở thành phố lớn nhất và là thủ đô của Malaysia.


"Ẩm thực luôn là con đường nhanh nhất để làm quen với một nền văn hóa, và điều mà ẩm thực ở Malaysia cho chúng ta biết là hỗn hợp đa sắc tộc của người Hoa, người Ấn và người Mã Lai thật sự hòa nhập với nhau rất tốt," ông Jeff Ramsey, một đầu bếp có sao Michelin ở nhà hàng Babe ở Kuala Lumpur nói.

Tuy nhiên, ẩm thực ở đây có một hương vị đặc trưng rất riêng mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. "Chẳng hạn như khi thử qua rất nhiều món ăn Trung Hoa đa dạng ở đây, bạn sẽ không thấy được nhiều hương vị mà bạn có thể tìm thấy ở trên chính Trung Quốc," ông giải thích.

Bên cạnh sự đa dạng về ẩm thực, người dân địa phương cũng có sự pha trộn của những biểu tượng hiện đại như tòa tháp đôi Petronas cao 452 mét sừng sững trên bầu trời và những kiến trúc thời thuộc địa lấy cảm hứng Moorish ở những nơi như Ga xe lửa Kuala Lumpur.

"Tôi yêu thích việc nó đem đến một sự pha trộn thú vị giữa cái cũ và cái mới - khiến cho ta cảm thấy rất hứng thú để khám phá nơi này," cô Emily Yeap, người Kuala Lumpur và hiện đang sống ở Mỹ, nói. "Thành phố hết sức sống động. Lúc nào cũng có điều gì đó đang diễn ra và cái gì đó để làm."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nền văn hóa ẩm thực của Kuala Lumpur có sức hấp dẫn lớn, và chỉ được trải nghiệm trọn vẹn sau khi trời tối, từ khoảng 19:00h trở đi khi mọi người gặp gỡ bạn bè và jalan jalan cari makan (đi ra ngoài tìm đồ ăn).

"Những người bán hàng dựng gian hàng tại pasar malams (chợ đêm), mở một lần trong tuần tại từng khu hay quận, cô Zuzanna Chmielewska, người chuyển đến sống ở Malaysia từ Ba Lan năm 2012 và đã viết về đất nước này trên trang blog 'Zu ở châu Á' của cô, nói.


"Các món ăn đường phố bao gồm nhiều loại cà ri, bánh bao và cơm chiên cũng như những món nhập khẩu rất thời thượng, như bánh nướng nhân cầu vồng hay kem kỳ lân."

Kiểu giao tiếp bạn bè như thế này diễn ra đến tận đêm khuya, theo cô Chmielewska, và những căn tin mở cửa suốt 24 tiếng được gọi là mamaks vẫn còn tấp nập cho đến sáng sớm hôm sau.

Truyền thống 'Mở cửa'

Tuy nhiên, ăn uống chưa dừng ở đó. "Để ăn sáng sau một đêm đi ra ngoài, thì một bữa bak kut teh ngon là hay nhất," Ramsey nói. Món thịt lợn này được hầm trong nồi nước dùng với quế, đinh hương, cánh hồi, thìa là và dùng một loại nước chấm được pha từ tỏi băm, nước tương và ớt hiểm xanh xắt lát.

"Bia là đồ uống thích hợp đi kèm, cho nên nhớ là chỉ ăn uống món này vào những hôm bạn không phải làm việc nhiều lắm trong ngày."

Với quá nhiều nền văn hóa hội tụ ở đây, những vị khách mới đến lúc nào cũng cảm nhận được cảm giác khám phá.

"Tôi thích đi bộ quanh KL và khám phá những bí mật ẩn giấu của nó, từ một quầy hàng nhỏ bán cà ri thịt kỳ đà cho đến các màn biểu diễn nghệ thuật đường phố trong Tháng Xá tội Vong nhân theo tập tục của người Hoa," Chmielewska nói.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Thật ra, có nhiều lịch tôn giáo khác nhau, và điều đó có nghĩa là mỗi tháng đều có ít nhất một đôi lần có lễ lạt.

Những lễ lạt này thường mở ra cho tất cả mọi người theo đúng nghĩa đen.


"Có một truyền thống là 'Mở cửa' (Open House), theo đó vào một dịp đặc biệt được lựa chọn, một gia đình đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn và trang trí nhà cửa rồi sau đó để cho bất cứ ai tham gia," Chmielewska cho biết. "Chủ yếu là bạn bè và họ hàng, nhưng cửa nhà để mở theo đúng nghĩa đen để cho bất cứ ai cũng có thể bước vào và tham gia chung vui."

Những người mới đến đều cảm thấy dễ dàng nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng sở tại, với Chmielewska giải thích rằng 'mọi người đều quen với việc có nhiều người ngoại quốc đến từ khắp nơi trên thế giới, cho nên hòa nhập là không thành vấn đề."

Kẹt xe và cướp giật

Thành phố này nóng bức, mưa nhiều và thường có giông bão vốn gây ra rất nhiều vụ kẹt xe. "Đường sá của KL phức tạp đến nỗi mọi người ai cũng phải mở GPS để lái xe, thậm chí những người đã sống ở thành phố từ khi họ sinh ra," Chmielewska nói.

Giao thông đông đúc cũng có nghĩa là nhiều người chọn sử dụng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và đa phần là xe điện. Khi bạn không thể đi phương tiện công cộng thì người ngoại quốc đề nghị nên dùng các ứng dụng gọi xe biết giá tiền trước, chẳng hạn như Grab, thay vì đi taxi vốn đôi khi lấy người nước ngoài mức giá khác.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Đa số người ngoại quốc sống ở Mont Kiara (nằm cách trung tâm thành phố 11km về hướng tây bắc) vì từ đó dễ dàng đi đến các trường quốc tế và các khu mua sắm, nhưng đối với những người ngoại quốc muốn có trải nghiệm sâu hơn về cuộc sống địa phương thì họ có thể đến sống ở một trong những quận có nét văn hóa đặc trưng, bao gồm Cheras (người Hoa), Kampung Baru (người Mã Lai) hay Brickfields (người Ấn).

Mặc dù một số khu vực trong thành phố cách biệt về mặt sắc tộc hơn những khu khác, người ngoại quốc có thể sống ở bất cứ khu vực nào.

Tội phạm vặt trên đường phố là chuyện xảy ra hàng ngày ở đây - không may là những vụ cướp giật ở máy ATM hay giật giỏ xách ở gần những hàng ăn ngoài đường thường xảy ra - do đó mà người dân ở đây khuyên nên đem theo càng ít tiền mặt càng tốt và tránh đi ra đường một mình vào ban đêm.

Chi phí sinh hoạt tăng cao

Mặc dù Kuala Lumpur có mức sống dễ thở hơn những thành phố lớn ở phương Tây và những nước châu Á như Nhật Bản và Singapore, chi phí sinh hoạt đang tăng cao. "Những thứ như là nhà ở, đi lại và đi ăn ngoài đang trở nên đắt đỏ hơn," Yeap cho biết.

Do sự đa dạng của thành phố, những người mới đến không nên nghĩ rằng kinh nghiệm của những người ngoại quốc khác sẽ giống với những gì họ trải nghiệm.

"Chỉ vì bạn của bạn đã làm việc ở KL không có nghĩa là bạn sẽ có trải nghiệm tương tự," Chmielewska nói.

"Bạn có thể cuối cùng làm việc với một nhóm đa số người Malaysia gốc Hoa trong khi bạn của bạn làm việc với người Malaysia gốc Mã. Sẽ có khác biệt rất lớn trong văn hóa làm việc, thời gian nghỉ giữa giờ… Hãy để mọi việc cuốn bạn đến đâu thì đến và hãy đón nhận những trải nghiệm mới. Hãy tôn trọng nền văn hóa và những người khác cũng sẽ làm như vậy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn