Irak trong vòng kềm tỏa của Iran

Thứ Hai, 06 Tháng Giêng 20206:00 CH(Xem: 7329)
Irak trong vòng kềm tỏa của Iran
rfi.fr

Irak trong vòng kềm tỏa của Iran

Thanh Hà

Việc tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran, tướng Qassem Soleimani bị hạ sát gần thủ đô Bagdad là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Irak đang trong vòng kềm tỏa của Teheran. Iran từng bước củng cố ảnh hưởng với nước láng giềng sát cạnh và cũng là một nước cựu thù trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến quân sự hay kinh tế.

Trong bài viết mang tựa đề "Người Irak vùng lên chống lại ảnh hưởng của Iran", đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng Giêng 2020, nhà báo Feurat Alani phân tích : Ngoài những đòi hỏi về kinh tế và đời sống được cải thiện, khủng hoảng chính trị và xã hội tại Irak hiện nay bắt nguồn từ tinh thần bài Iran của một phần lớn công luận trên quê hương của Saddam Hussein.

Tính từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 12/2019, gần 450 người thiệt mạng, hơn 20.000 người bị thương trong các cuộc nổi dậy rải rác bùng lên khắp nơi. Từ quảng trường Tahrir, ngay giữa lòng thủ đô Bagdad, đến tận các thành phố ở miền nam, hàng ngàn người biểu tình đương đầu với chính quyền hay với các nhóm dân quân vũ trang. Phong trào phản kháng đòi thay đổi chế độ đã điều hành đất nước từ năm 2003 khi Hoa Kỳ và đồng minh can thiệp vào Irak lật đổ Saddam Hussein.

Phe Shia lên tuyến đầu

Tại Irak, cộng đồng Hồi Giáo theo hệ phái Shia chiếm đa số tương tự như Iran và chính quyền của thủ tướng từ nhiệm Adel Abdel Mahdi cũng thuộc hệ phái Shia. Trong đợt nổi dậy lần này do cộng đồng người Irak theo hệ phái Shia chủ xướng trong lúc thiểu số theo hệ phái Sunni rất thận trọng. Cho dù cùng một hệ phái Shia, nhưng đối thoại giữa đường phố và chính quyền trung ương ở Bagdad đã bị cắt đứt. Thêm một điều đáng chú ý khác là phe nổi dậy tại Irak đã trực tiếp tấn công vào các cơ sở của Iran trên lãnh thổ Irak.

Theo tác giả bài báo, Irak đang mở ra một trang sử mới và tất cả bắt đầu vào ngày 27/09/2019. Đó là thời điểm hai sự kiện quan trọng cùng xảy ra một lúc. Trước hết, cảnh sát đã đàn áp thô bạo một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp, có nhiều bằng cấp nhưng không tìm được việc làm, tập hợp trước văn phòng của thủ tướng. Cùng ngày, Bagdad cách chức một nhân vật có uy tín và được xem là công thần tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Trung tướng Abdel Wahab al Saadi, còn là người đứng đầu cơ quan chống khủng bố CTS và ông được xem là một nhân vật có lập trường thân Mỹ. Đối với lực lượng dân quân vũ trang Hachd Al Chaabi, thân Iran, tướng Abdel Wahab al Saadi là một "trở ngại".

Với công luận Irak, hai sự kiện nói trên là giọt nước làm tràn ly vì theo họ, Iran đã can thiệp ở hậu trường trong cả hai sự kiện vừa nêu.

Can thiệp về chính trị và quân sự của Iran

Trong bài viết, Feurat Alani nêu bật những khó khăn triền miên khiến công luận Irak bất mãn, nào là nạn tham nhũng, đến tình trạng 50 % dân số không có việc làm, hệ thống giáo dục không ngừng xuống cấp, đời sống đắt đỏ ... Tuy nhiên "ảnh hưởng của Iran" tại Irak là "củi lửa" hun đúc cuộc nổi dậy lần này.

Từ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ năm 2003, Irak lâm vào thế trên đe dưới búa : sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài, guồng máy Nhà nước bị suy yếu đã mở đường cho cả Mỹ lẫn Iran cùng biến đất nước của Saddam Hussein thành đấu trường.

Từ năm 2011 khi chính quyền Obama quyết định rút quân khỏi Irak, Teheran lại càng rộng đường hành động. Trung tuần tháng 11/2019 báo Mỹ New York Times và trang mạng The Intercept tiết lộ nhiều tài liệu mật cho thấy mức độ Teheran trực tiếp can thiệp vào Irak, từ nam chí bắc, từ đông sang tây. Thủ tướng Irak từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi có một mối "quan hệ đặc biệt" với Teheran. Vẫn theo điều tra này, chính vì Hoa Kỳ rút lui, mật vụ Iran đã tuyển dụng không ít những người từng cộng tác với tình báo Mỹ CIA tại Irak.

Về ảnh hưởng của tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran Al Qods tại Irak, trong một cuộc trả lời đài BBC năm 2013 cựu đại sứ Anh tại Irak và Afghanistan, Ryan Croker, từng xác nhận rằng, tướng Soleimani luôn là người có tiếng nói sau cùng trên hồ sơ Irak.

Chẳng vậy mà viên tướng đầy thế lực này của Iran thường xuyên hiện diện trên lãnh thổ Irak. Trong những tuần lễ gần đây, ông đã chủ trì các cuộc họp khi thì tại Bagdad lúc thì tại thành phố Najaf ở miền nam để thuyết phục các đảng phái chính trị Irak ủng hộ thủ tướng Adel Abdel Mahdi, có lập trường thân Teheran, trong lúc đường phố đòi ông này từ chức. Một khi thủ tướng Irak thông báo từ nhiệm, thì cũng tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran là người ở hậu trường thu xếp tìm kiếm người sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng thay thế ông Mahdi.

Khi hay tin tướng Soleimani thiệt mạng trên lãnh thổ Irak, tướng Mỹ, David Petraeus, cựu lãnh đạo tình báo Mỹ CIA và cũng là người từng đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ tại Bagdad kể lại, đầu năm 2008 ông từng nhận được bức điện với nội dung như sau : "Tướng Petraeus, ông cần biết rằng, chính sách của Iran về Irak, Liban, Gaza và Afghanistan đều trong tay tôi, Qassem Soleimani".

Về quân sự, Iran là đồng minh then chốt giúp Irak giành lại quyền kiểm soát các thành phố như Mossoul hay Falluhja, Tikrit ... từ tay quân thánh chiến Daech.

Ở hậu trường, sứ giả của Iran là tướng Soleimani vận động để Bagdad đuổi quân Mỹ ra khỏi bờ cõi. Feurat Alani trên báo Le Monde Diplomatique nhắc lại tháng 4/2019, nhóm dân biểu Quốc Hội thân Iran tại Bagdad đã đệ trình một dự luật đòi lính Mỹ nhanh chóng rời khỏi Irak. Đó cũng là thời điểm, thủ tướng Irak vừa công du Teheran, được tổng thống Iran và giáo chủ Khamenei tiếp đón còn tại Washington chính quyền Trump xếp Vệ Binh Cách Mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong đợt oanh kích đêm mồng 2 rạng sáng mồng 3 tháng Giêng 2020 khiến tướng Soleimani thiệt mạng, nhân vật số hai của tổ chức vũ trang mang tên Hachd Al Chaabi cũng đã bỏ mình. Tổ chức này được thành lập từ năm 2014 với mục đích đánh đuổi tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo tập hợp nhiều lực lượng dân quân vũ trang, với đa số theo hệ phái Hồi Giáo Shia. Hachd Al Chaabi được Iran hỗ trợ về mặt tài chính và được chính Vệ Binh Cách Mạng Iran đào tạo.

Đối tác giữa Iran và Irak còn bao gồm luôn cả vế kinh tế và thương mại. Mỹ gia tăng sức ép, trừng phạt kinh tế Iran, giúp trao đổi mậu dịch hai nước cựu thù là Iran và Irak tăng hơn 50 % trong vòng một năm. Tính đến tháng 4/2019, Iran xuất khẩu 9 tỷ đô la hàng hóa sang nước láng giềng sát cạnh và Teheran có tham vọng tăng tổng kim ngạch xuất khẩu với Irak lên thành 20 tỷ trước năm 2022.

Một nguồn tin trong chính quyền Bagdad cho hãng thông tấn Pháp, AFP biết, "Iran đã cử đại diện đến Bagdad để điều đình về việc chọn lựa người thay thế thủ tướng Mahdi nhằm vào bệ quyền lợi của Teheran tại Irak".

Iran và Irak, hai nước cựu thù

Ảnh hưởng gần như trên mọi mặt của Iran tại Irak khiến một phần công luận Irak phẫn nộ. Nhà quan sát và đấu tranh vì nhân quyền cho Irak Moubtadhar Nasser được Le Monde Diplomatique trích dẫn lưu ý rằng "trong suốt dòng lịch sử, người dân Irak luôn vùng lên chống quân ngoại xâm".

Không phải ngẫu nhiên mà làn sóng nổi dậy tại Irak từ mùa thu vừa qua đã tấn công vào một số cơ sở của Iran : ngày 04/11/2019 tòa lãnh sự Iran tại Kerbala bị đốt phá, hai tuần sau đó đến lượt văn phòng đại diện Iran tại Nadjaf, thánh địa của cộng đồng người Hồi Giáo Shia tại Irak trở thành mục tiêu tấn công. Trên toàn lãnh thổ Irak, người biểu tình hô to khẩu hiệu đuổi Iran ra khỏi đất nước. Moubtadhar Nasser phân tích : "Đây là thời khắc mà tất cả người dân Irak cùng mong đợi. Đất nước bị chia rẽ từ năm 2003. Bản sắc Irak bị chà đạp (...) Giờ đây giới trẻ Irak muốn trông thấy một Nhà nước Irak thực thụ được hình thành, và được công nhận là những công dân Irak, bất luận đó là người theo hệ phái Shia hay Sunni". Có điều, như ghi nhận của tác giả bài báo, cộng đồng người Sunni, vốn chiếm thiểu số tại Irak tới nay vẫn im lặng và không dám bước lên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh lần này, bởi số này rất sợ các tổ chức dân quân thân Iran, như Hachd Al Chaabi và vẫn ý thức được rằng, chính quyền Bagdad xem họ như kẻ thù.

Trả lời tuần báo L'Express hồi tháng 10/2019, nhà nghiên cứu Pháp về Trung Đông bà Myriam Benraad, cho rằng "dù theo hệ phái Shia hay Sunni, phần đông người Irak đấu tranh vì chủ quyền của đất nước, ngăn chận ảnh hưởng của Iran. Đừng quên rằng Iran và Irak là hai nước cựu thù, chiến tranh giữa hai nước đã nổ ra trong suốt thời gian từ 1980 đến 1988". Do vậy theo chuyên gia này, "Iran không có lợi ích gì để cho Irak ngóc đầu vươn lên. Teheran muốn giữ Bagdad trong thế yếu để không bao giờ Irak có thể trở thành một đối thủ trong khu vực".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn