Nguyên soái Jozef Pilsudski đã bảo vệ độc lập Ba Lan ra sao?

Chủ Nhật, 05 Tháng Giêng 20207:00 CH(Xem: 4490)
Nguyên soái Jozef Pilsudski đã bảo vệ độc lập Ba Lan ra sao?
bbc.com

Chân dung Nguyên soái Ba Lan Jozef Pilsudski

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com

p07wxp7z

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Nguyên soái Jozef Pilsudski, cha đẻ của nền độc lập Ba Lan

Nói đến lịch sử Ba Lan thế kỷ 20 không thể không nói đến Nguyên soái Jozef Pilsudski, người anh hùng đem lại độc lập cho người Ba Lan năm 1918, sau hơn 120 năm mất nước.

Nhân 30 năm Ba Lan chuyển sang thể chế dân chủ, tách khỏi quỹ đạo của Liên Xô và ý thức hệ đại Slavơ mà Nga luôn chủ trương, tôi có dịp về thăm lại Warsaw và làm phóng sự cho BBC.

Thăm tượng Pilsudski ở Warsaw tôi thấy có cả một cuộc triển lãm về cuộc đời ông, người được Ba Lan tôn là anh hùng dân tộc.

Nhưng tư tưởng của Pilsudski là gì? Ông có phải là người chỉ theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan bảo thủ? Vai trò quốc tế của ông có gì không và chiến thắng năm 1920 chống Nga của ông có tác động gì bên ngoài châu Âu không?


Cuộc triển lãm tôi xem tháng 10/2019 ở Warsaw không đem lại nhiều câu trả lời, nhưng tìm hiểu các tài liệu lịch sử ta sẽ thấy một Jozef Pilsudski (1867-1935) có viễn kiến quốc tế hơn là hình ảnh một lãnh đạo quân sự Ba Lan.

Đồng chí với anh trai Lenin

Sinh ra trong gia đình quý tộc gốc Lithuania tại Zulow khi Ba Lan thuộc Đế chế Nga (1795-1918), ông là thần dân của vua Nga.

Ngay từ hồi còn học trường y ở Kharkov, Jozef Pilsudski đã tham gia hoạt động chống chính quyền.

Bị đuổi học năm 1886, ông tham gia nhóm thanh niên của đảng Xã hội Nga và can dự vào âm mưu giết vua cùng nhóm Ý dân của Alexander Ulyanov, anh trai của Vladimir (Lenin).


Năm 1887, họ tổ chức ám sát Nga hoàng Alexander II ở Đại lộ Nevsky, St Petersburg nhưng thành và bị bắt.

Chính quyền xử tử Alexander Ulyanov và đầy Jozef cùng anh trai Bronislaw đi Siberia.

Bronislaw Pilsudski sau thành nhà nghiên cứu tộc Ainu ở Nhật, lấy vợ địa phương và để lại một dòng họ gốc Ba Lan ở Nhật Bản.

Jozef Pilsudski trốn tù từ Siberia về châu Âu, lập ra đảng Xã hội chủ nghĩa Ba Lan và Lithuania (1892).

Ra tờ báo 'Robotnik' (Người công nhân), ông hô hào mở cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đánh vào chế độ phong kiến Nga, Áo, Đức.

Sau khi vượt ngục lần hai ở St Peterburg (1901), ông đã sang Nhật Bản để cầu viện (1904).

Quan điểm của ông khá giống Lenin là để làm cách mạng thắng lợi thì cần hợp tác với bất cứ ai.

Nhưng Nhật Bản, đối thủ của Đế quốc Nga, không giúp Pilsudski trong kế hoạch quân sự của ông nhằm phục hồi độc lập cho Ba Lan.

Năm 1905, Pilsudski bỏ đảng Xã hội Nga vì đảng này không ủng hộ Ba Lan độc lập trong tương lai.

Năm 1908, Pilsudski lập ra một hội đoàn hoạt động quân sự, chờ thời phục quốc.

Năm 1910 ông vận động đế quốc Áo-Hung giúp đỡ để nhóm này biến thành Hội Xạ thủ Ba Lan (Union of Riflemen).

Đây là trường quân chính nhằm đào tạo các sỹ quan cho quân đội Ba Lan độc lập trong tương lai.

Ba Lan bị Đức, Nga, và Áo-Hung chia ba nên hục hặc giữa các nước chiếm đóng là cơ hội để người Ba Lan giành độc lập.

Năm 1914 tại Paris, Jozef Pilsudski dự báo rằng Thế chiến sẽ nổ ra và trật tự cũ: các đế quốc Nga, Đức, Áo-Hung sẽ đến thời cáo chung.

Lời tiên tri của ông thành sự thật, đem lại cho Pilsudski uy tín lớn ở châu Âu.

Lúc Thế chiến I bùng nổ, Pilsudski đã có ba trung đoàn Ba Lan để chiến đấu chống Nga dưới cờ Áo-Hung.

Năm 1916, hoàng đế Đức Wilhelm II và Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I tuyên bố cho Ba Lan độc lập.

Nhưng Pilsudski coi đó là độc lập giả hiệu nhằm lôi cuốn người Ba Lan giúp hai đế quốc nói tiếng Đức.

Chính quyền Đức bắt giam Pilsudski vào ngục ở Magdeburg năm 1917.

Các nhóm vũ trang Ba Lan mà Pilsudski lập bị tước vũ khí, hoặc phải chiến đấu đơn lẻ, đối mặt với cả Đức, Áo-Hung, hoặc Nga.

Ở Tây Âu, người Ba Lan sống tại Pháp, Ý lập các đơn vị vũ trang vì độc lập.

Chính phủ Cộng hòa Pháp đã hỗ trợ họ lập quân đội áo xanh Ba Lan (Polish Blue Army).

Năm 1918, vấn đề Ba Lan được Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đưa vào thương thảo đình chiến, buộc châu Âu công nhận độc lập cho Ba Lan.

Tháng 11/1918, sau khi Thế chiến kết thúc, Pilsudski về nước, được chào đón như người anh hùng.

Ông làm quốc trưởng và tổng tư lệnh quân đội Ba Lan trong Nền Cộng hòa II.

Thua ở Ba Lan năm 1920, Nga chuyển lửa sang châu Á

Sang năm 1919, nước Nga Bolshevik và Ba Lan đã giao tranh giành quyền kiểm soát thành phố Vilnius sau khi quân Đức rút đi.

Bản quyền hình ảnh TASS/Getty Images
Image caption Nguyên soái Hồng quân Nga Mikhail Tukhachevsky duyệt hàng quân trước khi tấn công Ba Lan năm 1920. Chiến dịch này thất bại, khiến Moscow chuyển hướng thổi lửa cách mạng cộng sản sang châu Á

Sau khi lực lượng của dân Ba Lan trong thành phố thất bại, Vilnius bị quân Nga chiếm.

Nguyên soái Pilsudski đã mở cuộc tập kích ngoại mục giải vây thắng lợi cho Vilnius.

Ngay sau đó, ông chọn giải pháp giúp phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine của tướng Symon Petlyura chống lại Hồng quân Nga.

Thù trong giặc ngoài khiến ban lãnh đạo Nga muốn phá thế bị bao vây.

Một hướng tiến công là nhắm vào Ba Lan, "cây cầu đỏ" (red bridge) để chuyển ngọn lửa cách mạng sang châu Âu.

Như lời tư lệnh Hồng quân Leon Trotsky nói, "hoặc cách mạng Nga tạo ra phong trào cách mạng châu Âu, hoặc bị các thế lực châu Âu xóa sổ" (either the Russian Revolution will create a revolutionary movement in Europe, or the European powers will destroy the Russian Revolution).

Lenin tin rằng nền đệ nhị cộng hòa Ba Lan (1918-1939) là chế độ của giới quý tộc, tư sản sắp bị công nông vùng lên lật đổ.

Hơn 200 nghìn quân, gồm kỵ binh Konarmiya của Mikhail Tukhachevsky và các sư đoàn hùng hậu của Semyon Budyonny nhằm Warsaw thẳng tiến.

Nhưng không hề có cuộc khởi nghĩa của giai cấp công nhân nào nổ ra ở Ba Lan.

Trái lại, uy tín của Pilsudski, cựu lãnh tụ đảng Xã hội chủ nghĩa, đã thu hút công nhân Ba Lan vào quân đội bảo vệ tổ quốc.

Ba Lan, với sự hỗ trợ của Pháp, Mỹ, đánh bại quân Nga năm 1920-21.

Pilsudski đồng ý ký với Lenin Hòa ước Riga, chia lại biên giới và đảm bảo hòa bình trong nhiều năm sau.

Cùng lúc, một 'vành đai vệ sinh (cordon sanitaire) được lập ra ở châu Âu để chặn chủ nghĩa cộng sản lan sang.

Đây là lý do khiến Lenin quay sang phía Đông, đưa chủ nghĩa Bolshevik tới Trung Quốc.

Con đường sang Trung Hoa

Quốc tế Cộng sản, theo lời Leon Trotsky, sẽ "mở ra con đường đến Paris, London" qua ngả Afghanistan, Punjab, Bengal và Trung Hoa.

Mikhail Borodin, đại diện của Quốc tế Cộng sản được cử tới Quảng Châu để giúp chính phủ Tôn Trung Sơn.

Liên Xô trang bị vũ khí cho 300 nghìn quân Quốc Dân Đảng ở Quảng Đông để chinh phục Trung Quốc.

Từ đó, chúng ta thấy xuất hiện một loạt các nhân vật nổi tiếng sau này ở châu Á như Tưởng Giới Thạch, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh.

Pilsudski không phải là nhà tư tưởng nhưng đã để lại nhiều quan sát có giá trị về chủ nghĩa dân tộc và vấn đề giai cấp.

Năm 1919, trả lời phỏng vấn Journal de Geneve, Pilsudski nói công nhân Ba Lan "theo chủ nghĩa xã hội, nhưng trước hết họ là những người Ba Lan yêu nước, xa lạ với chủ nghĩa Bolshevik".

Theo ông, chủ nghĩa Bolshevik mang tính "báo thù giai cấp" nên chỉ có đất dụng võ ở vùng sâu, lạc hậu, nghèo khổ nhất của nước Nga.

Sang đến vùng biển Baltic và Đông Âu, nó không còn tính hấp dẫn với người dân.

Jozef Pilsudski qua đời năm 1935, sau khi bác bỏ đề nghị liên minh với Đức mà Hitler rất muốn, để chống lại Liên Xô.

Ông từng gọi Hitler là "tên côn đồ nguy hiểm" và đề xuất cùng Pháp tấn công Đức.

Thế nhưng ý tưởng đó bị Paris bác bỏ, khiến châu Âu mất cơ hội xóa chủ nghĩa phát-xít từ sớm.

Ngày nay nhìn lại, ông Pilsudski cũng bị phê phán về phong cách lãnh đạo độc đoán vì cho quân đội làm đảo chính năm 1926.

Ngoài ra, ông đã tập trung nhiều vào quân sự mà không kịp đầu tư vào công nghệ và kinh tế.

Hậu quả là nước Ba Lan nghèo, lạc hậu hơn các quốc gia trong vùng, kể cả về vũ khí, nên phải dựa vào đồng minh Pháp, Anh.

Cuối cùng, Ba Lan bị Stalin cùng Hitler tiến chiếm, chia cắt năm 1939.

Tuy thế, Pilsudski cũng đã tiên đoán Ba Lan sẽ bị cả Hitler và Stalin tấn công từ hai phía.

Vị nguyên soái nói với người Ba Lan ngay từ đầu những năm 1930:

"Chúng sẽ đánh, và tôi chỉ tạm giữ được bánh xe lịch sử một chốc lát."

Năm 1939, Ba Lan một lần nữa xóa tên khỏi bản đồ và sau 1945 thì rơi vào quỹ đạo của Liên Xô.

Phải đến 1989, nước này mới giành lại độc lập tự chủ toàn bộ.

Năm 1995, Warsaw dựng tượng Pilsudski ở Quảng trường mang tên ông.

Hàng ngày, Pilsudski nhìn xuống đài tưởng niệm Chiến sỹ vô danh, nơi có ngọn lửa không bao giờ tắt.

Chính trị Ba Lan ngày nay lại thiên về phía hữu và các nhóm chính khách đua nhau nhận là "người kế tục" của vị nguyên soái.

Nhưng tầm nhìn và phạm vi ảnh hưởng của họ xem ra hạn hẹp hơn nhiều so với Pilsudski 100 năm về trước.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn