Tổng thống Thiệu năm 1969: Kiên định lập trường giữa thách thức bủa vây

Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một 20196:55 SA(Xem: 4457)
Tổng thống Thiệu năm 1969: Kiên định lập trường giữa thách thức bủa vây
voatiengviet.com

Tổng thống Thiệu năm 1969: Kiên định lập trường giữa thách thức bủa vây

Hoàng Long

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt đầu bài diễn văn của mình. Ông biết những điều ông sắp sửa trình bày sẽ khó chấp nhận đối với nhiều người. Nhưng tình hình cấp bách buộc ông phải đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm vực dậy đất nước. Rồi giọng ông nghẹn ngào và nước mắt rưng rưng.

Sự kiện này xảy ra 50 năm về trước và nó hé lộ một khía cạnh cảm xúc ít được biết tới của ông Thiệu. Nó cũng cho thấy phần nào tình thế mà ông đối diện vào thời điểm này của năm 1969, một năm bước ngoặt nhiều biến động trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Sử dụng những đoạn phim màu hiếm và nguồn tư liệu lịch sử đa chiều, VOA khắc họa lại chân dung một tổng thống bị bủa vây bởi những thách thức từ trong nước đến ngoài nước trong khi ông cố gắng bảo vệ một nền tự do mong manh mà ông tin đang bị chủ nghĩa cộng sản đe dọa.

Ngày 15 tháng 11 năm 1969, nước Mỹ chứng kiến cuộc biểu tình phản chiến được cho là lớn nhất trong lịch sử của mình. Tới nửa triệu người, phần đông là thanh niên, tụ tập ở thủ đô Washington đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Dù hàng ngàn quân nhân Mỹ vào thời điểm đó đang trên đường trở về nhà, công chúng ngày càng mất kiên nhẫn trước số lượng binh sĩ tử trận gia tăng và các cuộc đàm phán hòa bình bế tắc.

Cuộc tập hợp là sự biểu dương lực lượng hùng hậu của phong trào phản chiến ở Mỹ. Nó tạo ra một cú huých về tinh thần cho phe cộng sản đang chịu thất bại trên chiến trường, đồng thời tăng thêm áp lực lên Tổng thống Richard Nixon để thay đổi đường hướng chính sách ở Việt Nam.

Cách đó hàng ngàn dặm, áp lực cũng đè nặng lên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Vào thời điểm này 50 năm về trước, ông Thiệu đối mặt với hàng loạt những thách thức không chỉ đến từ phe cộng sản mà ông đang chiến đấu chống lại, mà còn từ chính ở nước mà ông lãnh đạo và nước đồng minh sát cánh cùng ông trong cuộc chiến.

Tình thế của ông cũng cho thấy sự tương phản với giới lãnh đạo Bắc Việt trong khi hai bên nỗ lực điều hành đất nước của mình và lèo lái các mối quan hệ quốc tế nhằm hỗ trợ tối đa cho cuộc chiến.

Đầu mùa hè năm 1969, một sự kiện hệ trọng diễn ra trên một hòn đảo heo hút giữa Thái Bình Dương mà sẽ thay đổi đường hướng của cuộc chiến ở Việt Nam.

Mỹ dịch chuyển chính sách

Sau một cuộc họp ở Midway vào tháng 6, Tổng thống Thiệu và Tổng thống Nixon loan báo 25.000 binh sĩ Mỹ sẽ được rút khỏi Việt Nam trước cuối tháng 8 và quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ đảm nhận thêm trách nhiệm trên chiến trường.

Quyết định được đưa ra sau khi số lượng binh sĩ Mỹ lên đến đỉnh điểm hơn 540.000 người vào tháng 4. Nó đánh dấu một giai đoạn mới cho cuộc chiến và một sự dịch chuyển chính sách quan trọng của Mỹ được biết tới rộng rãi với cái tên “Vietnamization” (Việt Nam hóa chiến tranh).

Chính quyền Thiệu từ trước hội nghị Midway đã nhận thức rằng những ngọn gió chính trị ở Mỹ đang đổi chiều và dư luận ngày càng bất mãn về cuộc chiến kéo dài. Với một tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền vào đầu năm 1969, Sài Gòn xác định họ cần phải chủ động trong cách tiếp cận đối với Washington nhằm định hình chính sách theo hướng phù hợp nhất với lợi ích của mình.

“Trước khi đi họp chính phía Việt Nam Cộng Hòa đưa ra đề nghị rút quân,” ông Hoàng Đức Nhã, tham vụ báo chí và bí thư của Tổng thống Thiệu năm 1967-1973, nói.

“Ông tổng thống tới nói, bây giờ Vùng 4 tôi có thể bình định, tôi có thể đảm nhận đánh nhau được rồi. Còn ở Vùng 1 tôi có nhảy dù, tôi có thủy quân lục chiến, mấy ông có thể bắt đầu rút quân”

Ông nói người Mỹ họ “rất ngạc nhiên” với đề xuất này nhưng ”vì họ muốn thể hiện cái đó như là ý kiến của riêng họ thành ra mới đặt ra cái chữ 'Việt Nam hóa.'”

Cuộc chiến trên bàn đàm phán

Trong khi Mỹ tiến hành triệt thoái quân đội, các nỗ lực ngoại giao tiếp tục tại bàn đàm phán để đưa tới một sự dàn xếp chính trị cho cuộc xung đột. Các cuộc hòa đàm - giữa bốn bên là Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thường được gọi tắt là Việt Cộng) - lâm vào bế tắc không lâu sau khi khởi động vào đầu năm 1969.

Trong một nỗ lực được mô tả là nhằm thúc đẩy các cuộc thương thuyết đình trệ, ông Thiệu đề xuất tổ chức các cuộc bầu cử tự do ở miền nam với sự tham gia của Việt Cộng dưới sự giám sát của quốc tế. Báo The New York Times nhận định đó là một trong những nhượng bộ mà Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đưa ra trước một hội nghị vào tháng 7 ở Paris.

Nhưng Việt Cộng thẳng thừng bác bỏ đề xuất đó.

Tờ Times dẫn lời các nhà ngoại giao trung lập nói rằng dù những nhượng bộ này lẽ ra đã cho hai nước đồng minh một lợi thế quan trọng, song Bắc Việt và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (một tổ chức chính trị do Việt Cộng lập ra để đối chọi chính quyền Sài Gòn tại bàn đàm phán) lại trông cậy vào áp lực của dư luận Mỹ nhằm buộc chính quyền Nixon nhượng bộ hơn nữa.

Nhận thấy các cuộc hội đàm công khai chẳng đi đến đâu, Tổng thống Nixon cử Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tiến hành các cuộc hội đàm bí mật đầu tiên tại Paris với các đại diện từ Hà Nội.

Thái độ phản chiến dâng cao

Như dự đoán của phe cộng sản, dù chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” vẫn được Quốc hộingười dân Mỹ ủng hộ, nó không xoa dịu được sự bất mãn ngày càng tăng ở Mỹ. Đến tháng 10, các cuộc biểu tình phản chiến trở nên rầm rộ với sự kiện Moratorium. Ước tính hai triệu người thuộc mọi tầng lớp tham gia biểu tình ở các thành thị lớn nhỏ khắp nước Mỹ.

Trong khi Bắc Việt và các đồng minh cộng sản ở miền Nam nhận được sự cảm thông và ủng hộ mà họ tìm kiếm, ông Thiệu đối diện với chỉ trích gay gắt ở Mỹ và thậm chí từ phe đối lập ở nước ông.

Thượng nghị sĩ Edward Kennedy tuyên bố ông Thiệu phải “chọn đối diện tương lai của ông ta một mình” nếu từ chối đưa ra những nhượng bộ cần thiết để đạt được hòa bình. Tại Việt Nam, những đối thủ của ông Thiệu - một tập hợp manh mún các tổ chức chính trị và tôn giáo khác nhau - cáo buộc ông không tích cực phá thế bế tắc ở Paris và không chịu mở rộng sự đại diện chính trị trong chính phủ.

Ông cũng bị giới báo chí Sài Gòn săm soi và chỉ trích dù chính quyền của ông đáp lại bằng cách đình bản một số tờ báo.

Vụ binh lính Mỹ thảm sát thường dân ở Mỹ Lai được phơi bày trước công chúng Mỹ vào tháng 11 khơi lên phẫn nộ và càng thổi bùng ngọn lửa phản chiến. Chính quyền Thiệu bị chỉ trích nặng nề về cách thức ứng phóvụ việc đó. Cũng trong tháng 11, một phụ tá của ông Thiệu bị tuyên án tù chung thân vìcáo buộc làm gián điệp cho Việt Cộng. Tổng cộng 43 người đối diện các cáo buộc trong vụ xét xử gián điệp được nói là lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa.

Những biến động ở miền Nam tương phản với sự yên tĩnh tương đối ở miền Bắc. Dưới quyền cai trị của Lê Duẩn, những tiếng nói phản đối chính sách mở rộng chiến tranh ở miền Nam bị gạt ra ngoài lề, trong đó có Hồ Chí Minh. Hàng loạt quan chức cao cấp bị gán mác theo “chủ nghĩa xét lại” và “chống Đảng” bị tống giam. Tự do báo chí gần như không tồn tại dưới chế độ cộng sản.

Về đối ngoại, Hà Nội khôn khéo đi dây giữa hai đồng minh cộng sản Liên Xô và Trung Quốc - khi đó đang đối đầu vì chia rẽ ý thức hệ trầm trọng - để giành được viện trợ tối đa trong khi đồng thời duy trì được sự độc lập của mình. Cái chết của Hồ Chí Minh cho phép Hà Nội gây sức ép để hai cường quốc này gác lại lợi ích riêng của mỗi nước trong việc hợp tác với Mỹ.

Lời kêu gọi khẩn thiết

Nếu ông Thiệu có nỗi ưu phẫn về tình thế mà ông đối diện, dường như ông không biểu lộ một cách trực tiếp hay công khai. Nhưng một bài diễn văn nhân dịp lễ Quốc khánh Việt Nam Cộng Hòa vào đầu tháng 11 hé lộ phần nào tâm tư của ông.

Phát biểu trên radio và truyền hình, tổng thống tha thiết kêu gọi người dân tích cực tiết kiệm và hi sinh trong bối cảnh thâm hụt quốc gia tăng vọt và các biện pháp tăng thuế của ông khơi lên một làn sóng phản đối.

“Chúng ta không thể để cho kẻ thù Cộng sản mạnh hơn bằng cách khai thác sự yếu hèn của ta và sự nản chí của Đồng minh,” ông được dẫn lời nói.

Báo The Washington Post tường thuật ông kết thúc bài diễn văn “với giọng nghẹn ngào và nước mắt rưng rưng,” nói rằng ông sẽ từ chức nếu một ngày nào đó ông cảm thấy mình phải làm chuyện đúng đắn cho quốc gia nhưng bị người dân phản đối.

Kháng cự những đòi hỏi đưa ra thêm nhượng bộ tại bàn đàm phán, Tổng thống Thiệu có lẽ nhận thức vai trò của ông như một thành trì chống lại sự bành trướng của cộng sản, những người mà ông coi là mối đe dọa sống còn cho tự do ở miền Nam.

Đó một phần là vì ông đã chứng kiến sự tàn bạo của họ đối với thường dân.

“Lần đầu tiên tổng thống khóc, mắt đỏ và chảy nước mắt xuống, là sau Tết Mậu Thân khi chứng kiến mộ tập thể ở ngoài Huế,” ông Nhã kể lại. “Gần 4000 người bị Việt Cộng giết và chôn tập thể. Cảnh đó không thể tưởng tượng được.”

Lời nhắc nhở đẫm máu

Dù cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 thất bại và phe cộng sản bị đánh bật trên chiến trường, hàng ngàn bộ đội Bắc Việt vẫn xâm nhập miền Nam trong khi Việt Cộng tiếp tục pháo kích và đánh bom ở Sài Gòn và ở các tỉnh thành khác suốt năm 1969.

Các cơ sở quân sự thường bị nhắm mục tiêu nhưng thường dân cũng gánh chịu thương vong to lớn trong những vụ tấn công bừa bãi nhắm vào các khu dân cư, chợ búa, bưu điện và những nơi khác. Báo chí đương thời gọi đó là những vụ tấn công khủng bố.

Như một lời nhắc nhở ông Thiệu về sự hiện hữu dai dẳng và đẫm máu của mình, Việt Cộng hạ sát ba viên chức cấp thấp làm việc trong văn phòng của ông vào cuối tháng 11, Reuters đưa tin.

Cảnh sát nói họ bị bắn chết trong một chuyến đi câu cá cuối tuần ở vùng ngoại ô Bình Chánh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn