The Economist - Vùng ngoại vi bất ổn đang chống lại bàn tay sắt của Tập Cận Bình

Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Một 20198:00 SA(Xem: 4111)
The Economist - Vùng ngoại vi bất ổn đang chống lại bàn tay sắt của Tập Cận Bình
Hong-Kong-768x432
Vùng ngoại vi bất ổn đang chống lại bàn tay sắt của Tập Cận Bình
Cách đây vài ngày, hàng trăm thanh niên, bao gồm một số thiếu niên, đã biến khuôn viên có màu gạch đỏ của Đại học Bách khoa Hồng Kông thành một pháo đài. Mặc đồ đen, đeo mặt nạ đen, hầu hết họ vẫn giữ vững tinh thần kháng cự khi bị bao vây. Cảnh sát bắn đạn cao su và phun nước nhuộm màu xanh vào họ. Những người cố thủ trong khuôn viên sử dụng chai thủy tinh đổ đầy nhiên liệu và gắn kèm ngòi cháy để chế tạo bom xăng. Nhiều người đã hoan hô thông tin nói rằng một mũi tên bắn bởi một trong những cung thủ của họ đã trúng vào chân một cảnh sát. Sau hơn năm tháng bất ổn bởi biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông, rủi ro đang lên tới mức nguy hiểm chết người.
Lần này, nhiều người biểu tình kiệt sức đã đầu hàng cảnh sát, những người trẻ nhất trong số họ đã được cho qua an toàn. Đáng mừng thay khi tình trạng tắm máu cho đến nay đã không xảy ra. Nhưng Hồng Kông đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Khi số này của The Economist trên đường đến nhà in, một số người biểu tình vẫn từ chối rời khuôn viên nhà trường, và các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở các khu vực khác của thành phố. Họ không thể thu hút được số đông người tham gia như giai đoạn các cuộc tuần hành ban đầu, có lẽ là lên tới 2 triệu người hồi tháng Sáu. Thay vào đó họ tiến hành đập phá và sử dụng bom xăng.
Bất chấp bạo lực, sự ủng hộ của công chúng đối với những người biểu tình, bao gồm cả những người cực đoan ném bom xăng, vẫn còn mạnh mẽ. Người dân có thể sẽ đi bỏ phiếu đông đảo tại các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 24 tháng 11 tới, cuộc bầu cử vốn đã mang ý nghĩa mới như là một bài kiểm tra đối với ý chí của người dân và là một cơ hội để loại bỏ các ứng cử viên ủng hộ chính quyền. Một nhượng bộ của chính phủ – rút một dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm đến Trung Quốc đại lục để xét xử – đã không thể khôi phục lại sự bình yên. Người biểu tình nói rằng họ không muốn gì ngoài dân chủ. Họ không thể chọn trưởng đặc khu, và các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp Hồng Kông đang rất méo mó. Vì vậy, các cuộc biểu tình có thể tiếp tục.
Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh dường như không muốn đưa quân đội vào để chấm dứt bất ổn. Những người trong cuộc nói rằng đó là một khả năng khó xảy ra. Đây là một vấn đề mà đảng không muốn chuốc lấy; phí tổn kinh tế và chính trị của việc xả súng bắn vào đám đông tại một trung tâm tài chính toàn cầu sẽ rất lớn. Nhưng đảng thực sự đã gây ra vấn đề này. Sự mạnh tay của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, và sự phẫn nộ của công chúng đối với điều đó, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hỗn loạn. Ông Tập nói rằng ông muốn “đại phục hưng” đất nước mình. Nhưng cách tiếp cận tàn bạo, không khoan nhượng của ông đang gây ra sự tức giận không chỉ ở Hồng Kông mà còn ở khắp vùng ngoại vi Trung Quốc.
Khi lực lượng du kích của Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, họ đã không tiếp quản một quốc gia được xác định rõ ràng, chứ chưa nói tới một đất nước hoàn toàn sẵn lòng chấp nhận sự cai trị của họ. Hồng Kông được cai trị bởi người Anh, Macau gần đó là bởi người Bồ Đào Nha. Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Quốc Dân Đảng mà Mao vừa lật đổ. Vùng núi non Tây Tạng nằm dưới một chế độ thần quyền Phật giáo vốn không muốn bị kiểm soát từ Bắc Kinh. Quân đội cộng sản vẫn chưa tiến vào một khu vực rộng lớn khác ở phía tây xa xôi, Tân Cương, nơi các nhóm sắc tộc Hồi giáo không muốn bị cai trị từ xa.
Bảy mươi năm sau, cuộc đấu tranh của đảng nhằm hình thành một Trung Quốc như họ muốn vẫn còn lâu mới kết thúc. Đài Loan vẫn độc lập trên mọi phương diện trừ danh nghĩa. Vào tháng Giêng năm sau, đảng cầm quyền Đài Loan, vốn ủng hộ một sự tách biệt chính thức hơn, dự kiến ​​sẽ đạt kết quả tốt một lần nữa trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. “Ngày hôm nay là Hồng Kông, ngày mai là Đài Loan” là một khẩu hiệu phổ biến ở Hồng Kông vốn gây được tiếng vang với đối tượng mà nó muốn hướng tới, các cử tri Đài Loan. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, họ đã chứng kiến ông làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông và gửi máy bay chiến đấu đến thực hiện các chuyến bay đầy đe dọa xung quanh Đài Loan. Rất ít người trong số họ muốn hòn đảo dân chủ, giàu có của mình bị nuốt chửng bởi chế độ độc tài bên cạnh, ngay cả khi nhiều người trong số họ có hàng ngàn năm chia sẻ văn hóa với người đại lục.
Tây Tạng và Tân Cương vẫn im lặng, nhưng chỉ vì người dân ở đó đã bị khủng bố buộc phải im lặng. Sau khi bất ổn bùng phát trên diện rộng một thập niên trước, sự đàn áp đã gia tăng quá mức. Trong vài năm qua, chính quyền khu vực Tân Cương đã xây dựng một mạng lưới trại giam và bắt giữ khoảng 1 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, thường đơn giản chỉ vì họ là người Hồi giáo sùng đạo. Các tài liệu chính thức của Trung Quốc gần đây bị rò rỉ cho tờ New York Times đã xác nhận sự tàn bạo được tiến hành ở đó. Các quan chức nói rằng các “trung tâm dạy nghề”, cách miêu tả lạnh lùng của họ, là cần thiết để xóa bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Về lâu dài, nhiều khả năng điều này sẽ gây ra cơn thịnh nộ mà một ngày nào đó sẽ bùng nổ.
Khẩu hiệu ở Hồng Kông còn có một phần khác: “Ngày hôm nay là Tân Cương, ngày mai là Hồng Kông”. Ít ai trông đợi một kết cục tối tăm như vậy cho thuộc địa cũ của Anh. Nhưng người Hồng Kông có quyền nhìn Đảng với ánh mắt sợ hãi. Ngay cả khi ông Tập quyết định không sử dụng quân đội ở Hồng Kông, quan điểm của ông về những thách thức đối với thẩm quyền của đảng là rõ ràng. Ông nghĩ rằng các thách thức đó nên bị nghiền nát.
Tuần này Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật, với số phiếu gần như tuyệt đối, yêu cầu chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức phạm tội lạm dụng nhân quyền ở Hồng Kông. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng sẽ dựa nhiều hơn vào chính quyền Hồng Kông, để tìm hiểu xem liệu chính quyền ở đó có thể thông qua được một luật mới cứng rắn nhằm chống phản loạn hay không, và yêu cầu sinh viên phải chấp nhận “giáo dục yêu nước” (tức tuyên truyền của Đảng). Đảng muốn biết tên của những người chống đối họ, để có gây khó dễ cho cuộc sống của họ sau này.
Ông Tập nói rằng ông muốn Trung Quốc đạt được sự đại phục hưng vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày chiến thắng của Mao. Đến lúc đó, ông nói, đất nước sẽ “giàu mạnh, dân chủ, tiên tiến về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp”. Nhiều khả năng, nếu đảng vẫn nắm quyền lâu đến mức đó, công việc còn dang dở của Mao vẫn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Hàng triệu người sống ở các khu vực ngoại vi mà Mao đã đưa vào vòng kiểm soát của Đảng vẫn sẽ còn sôi sục.
Không phải tất cả giới tinh hoa Cộng sản đều đồng ý với cách tiếp cận nắm đấm thép của ông Tập, có lẽ đó chính là lý do tại sao một ai đó đã cho rò rỉ các tài liệu nội bộ về Tân Cương. Rắc rối ở vùng ngoại vi của một đế chế có thể nhanh chóng lan vào trung tâm. Điều này càng có thể xảy ra khi các khu vực ngoại vi cũng là nơi đế chế cọ xát với những người hàng xóm đang ngờ vực. Ấn Độ cảnh giác với việc quân sự hóa Tây Tạng của Trung Quốc. Các nước láng giềng Trung Quốc đang lo lắng theo dõi việc nước này xây dựng sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan. Một nỗi sợ lớn hơn là một cuộc tấn công vào Đài Loan có thể gây ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Đảng không thể giành được sự chấp thuận lâu dài đối với sự cai trị của mình chỉ bằng còn đường vũ lực.
Tại Hồng Kông, hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” sẽ chính thức hết hiệu lực vào năm 2047. Nếu tình hình hiện tại được duy trì, hệ thống của Hồng Kông lúc đó có thể sẽ giống như phần còn lại của Trung Quốc. Đó là lý do người biểu tình Hồng Kông rất tuyệt vọng, và tại sao sự hòa hợp mà ông Tập hào hứng muốn tạo ra ở Trung Quốc, sẽ lảng tránh ông.
Nguồn: “China’s unruly periphery resents the Communist Party’s heavy hand”, The Economist, 21/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

(Nghiên cứu Quốc tế)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn