Cuộc giải cứu quy mô và tốn kém nhất Chiến tranh Việt Nam – phi vụ “Gene” Hambleton

Thứ Tư, 13 Tháng Mười Một 20194:00 SA(Xem: 9124)
Cuộc giải cứu quy mô và tốn kém nhất Chiến tranh Việt Nam – phi vụ “Gene” Hambleton

Việt Lê

Nguyễn Văn Kiệt và Norris năm 1972. Ảnh: internet

Đúng là nhiều phi công Bắc Việt đạt đẳng cấp “ace” tức bắn rớt từ 5 máy bay đối phương trở lên. Nhưng phần lớn máy bay Mỹ bị bắn rơi bởi hỏa tiễn SAM (Surface to Air Missle – hỏa tiễn đất đối không) của Liên Xô viện trợ. Những phi đội B-52 cho dù bay ở độ cao 10 ngàn mét vẫn không thoát khỏi tầm bắn của SAM.

Một trong những đợt sortie B-52 vào tháng 4 năm 1972, giữa lúc trận “Mùa hè đỏ lửa” đang diễn ra, đã khơi mào cho cuộc tìm và giải cứu đường không quy mô nhất Chiến tranh Việt Nam của Mỹ.

Trung tá “Gene” Hambleton ngồi vị trí hoa tiêu trên một chiếc EB-66, áp tải 3 chiếc B-52 trong một phi vụ ném bom gần khu DMZ. Cần biết vào thời điểm đó, chiếc EB-66 mang rất nhiều kỹ thuật tối tân trong việc phá sóng radar, có thể khiến SAM bị vô dụng. Bản thân Hambleton là một sĩ quan cao cấp của Không quân Mỹ và là một chuyên gia nắm nhiều thông tin tối mật của quân đội Mỹ về kỹ thuật phá sóng – chống radar và hỏa tiễn. Nếu Hambleton rơi vào tay quân Bắc Việt, ông ta nói sau chiến tranh “chắc chắn tôi sẽ không được ra Hà Nội [thay vào đó bị đưa sang Liên Xô khai thác]”. Chuyện này cũng không có gì lạ, vì thật ra có nhiều tù binh Mỹ bị mật vụ Liên Xô sang tận Việt Nam tra khảo để truy thông tin tối mật về kỹ thuật quân sự Mỹ.

Một khi hỏa tiễn SAM của Liên Xô, ở đây là SA-2, được bắn ra thì không có cách nào ngăn chặn. Cách duy nhất là đợi khi hỏa tiễn bay đến gần rồi đổi hướng để tránh. Vào thời điểm đó, không ai trong phi đội có thể ngờ hỏa tiễn SAM đã có mặt sâu xuống phía Nam DMZ như thế. Trên chiếc EB-66 có một máy dự báo với 3 mức đèn, cho biết ngay khi SAM được khai hỏa. Do SAM được điều khiển bởi radar nên EB-66 có thể bắt được tín hiệu này. Tuy nhiên, xạ thủ SAM đã khôn ngoan khai hỏa bằng tay (manual), và đợi khi hỏa tiễn đạt đến một cao độ nhất định mới bật hệ thống radar dẫn đường. Kết quả là máy dự báo trên EB-66 bị bỏ qua 2 mức đèn đầu khiến cả tổ lái bất ngờ. Chiếc EB-66 bị bắn nổ tung trên bầu trời Quảng Trị vào ngày 2 tháng 4. Hambleton là người duy nhất nhảy dù thoát được. Vị Trung tá đã từng trải qua Chiến tranh thế giới thứ 2 và Chiến tranh Triều Tiên bị rơi về phía Bắc sông Cam Lộ, lúc này đã nằm hoàn toàn trong vòng kiểm soát của các sư đoàn Bắc Việt.

Một đơn vị tìm và giải cứu của quân đội Mỹ có biệt danh “Joker” phối hợp với Không đoàn 7 Mỹ vẽ ra một vùng phi hỏa lực (no fire zone) với bán kính 17 mile (khoảng 24km) lấy vị trí của Hambleton làm trung tâm. Vùng no fire này nhằm đảm bảo không có hỏa lực bạn bắn trúng những phi đội giải cứu.

Hài hước là các sĩ quan cấp cao của Joker ngồi ở Sài Gòn không hề hay biết đang có một cuộc tổng tấn công mới của quân Bắc Việt trên toàn miền Nam. 3 ngày trước, Easter Offensive theo cách gọi của Mỹ, hay Chiến dịch Xuân Hè 1972 theo cách gọi của Bắc Việt, đã nổ ra với cường độ dữ dội trên khắp các vùng chiến thuật. Lúc này, theo định hướng “Việt Nam hóa chiến tranh”, quân Mỹ đã rút gần hết khỏi miền Nam Việt Nam. Trách nhiệm phòng thủ và chiến đấu đã bàn giao hết cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch này Mỹ vẫn sẽ hỗ trợ tối đa bằng không quân.

Chỉ vài ngày trước đó, nhiều sư đoàn lính chính quy của Bắc Việt đã vượt DMZ và từ phía Lào đánh sang. Toàn bộ hệ thống căn cứ hỏa lực phòng thủ theo mô hình McNamara ở tuyến đầu của Vùng 1 Chiến thuật đã sụp đổ nhanh chóng. Sư đoàn 3 Bộ binh VNCH là sư đoàn tân lập, thiếu kinh nghiệm chiến đấu đã phải dần rút bỏ khỏi các vị trí phía Bắc Quảng Trị như Cồn Thiên, Gio Linh, Bagstone, v..v.. Đến lúc Hambleton bị bắn rơi, toàn bộ phía Bắc sông Cam Lộ, sách Mỹ gọi là Mieu Giang (?), đã thuộc về quân Bắc Việt. Sông Cam Lộ theo đường 9 từ Cam Lộ, qua Đông Hà, đổ ra Cửa Việt trở thành tiền tuyến mới của Quân đoàn 1 VNCH.

Trở lại, vùng no fire do Joker vẽ ra ngăn cấm bất cứ hỏa lực nào từ đại pháo, không yểm, đến pháo từ tàu chiến của Hạm đội 7 bắn lên. Quân lệnh vô lý này càng vô duyên đến chết người khi vùng no fire có bán kính đến 24km bao gồm cả Cam Lộ ở phía Nam, là nơi một trung đoàn của Sư đoàn 3 Bộ binh VNCH đang thoi thóp trước sức tấn công mãnh liệt của quân Bắc Việt, lần đầu tiên trong Chiến tranh Việt Nam tiến công có xe tăng hỗ trợ. Không có không tập và pháo binh, quân Bắc Việt rảnh tay triển khai bộ binh và xe răng tiến xuống phía Nam như chỗ không người.

Lệnh cấm bắn giữa thời khắc hiểm nghèo ấy làm nhiều cố vấn Mỹ đi theo các đơn vị VNCH không thể tin được. Nên nhớ, đơn vị bộ binh VNCH do sĩ quan VNCH chỉ huy, nhưng luôn có một đồng cấp là cố vấn Mỹ hỗ trợ. Và người cố vấn này nắm quyền điều khiển không yểm, cũng như pháo yểm từ Hạm đội 7. Chỉ huy Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến VNCH lúc đó đang ở Ái Tử, bộ chỉ huy Sư đoàn 3BB, khi nghe được về vùng no fire này đã sững sờ, giơ 1 ngón tay hỏi vị cố vấn Mỹ đồng cấp: “One man?” Phía Mỹ đã làm được một việc mà không ai có lý trí có thể ngờ được. Họ huy động hầu như toàn bộ nguồn lực không quân trong vùng, chặn hỏa lực không quân và pháo binh, mặc kệ sống còn của nhiều ngàn quân VNCH, để giải cứu cho 1 sĩ quan không quân Mỹ bị bắn rơi phía sau tuyến địch.

Kết quả của chiến dịch tìm và giải cứu (SAR – Search and Rescue) của Mỹ trong hơn 1 tuần đầu cũng đáng thất vọng như quyết định lập no fire zone. 11 người chết, 2 người bị bắt làm tù binh và 5 máy bay khác bị bắn rơi trong lúc giải cứu Hambleton.

Đã hơn 50 tuổi lúc đó, Trung tá Hambleton đào một hố nhỏ giữa bụi cây và nấp trong nhiều ngày liền, đồng thời dùng radio liên lạc với tiền sát không quân bay ở trên. Quân Bắc Việt biết sự có mặt của ông, đã lặng lẽ thiết lập một hệ thống phòng không chặt chẽ quanh vùng. Đó là lý do máy bay Mỹ tìm cách giải cứu bị bắn rơi liên tục. Bù lại, Hambleton quan sát được sự chuyển quân rầm rộ của đối phương chung quanh, và đã gọi không tập gây thiệt hại nặng cho các đoàn xe Bắc Việt đi qua tỉnh lộ 561 gần đó. Cuối cùng, Không quân Mỹ từ bỏ ý định dùng trực thăng giải cứu vì thương vong lên quá lớn.

Kế hoạch chuyển sang dùng biệt kích giải cứu. Hambleton được hướng dẫn chạy về phía bờ sông Cam Lộ. Phía Mỹ đã nghiên cứu kỹ background của Hambleton và quyết định dùng một kiểu mật mã với những chi tiết chỉ có Hambleton mới biết rõ để chỉ đường chạy cho ông ta. Vì sao? Dĩ nhiên là để tránh nghe lén radio từ phía đối phương. Joker đã dùng các tên gọi trong những sân golf mà Hambleton đã quen thuộc để thay cho hướng đi trên bản đồ. Ví dụ như hướng tây bắc là lỗ số 1 sân golf XYZ (vì lỗ này hướng về phía tây bắc).

Cuối cùng, đội biệt kích giải cứu xâm nhập sâu lên phía Bắc Cam Lộ, luồn lách qua hàng ngàn quân địch, đóng giả thường dân, và tìm được Hambleton. Lính biệt kích Norris được nhận huy chương Medal of Honor, là huy chương cao nhất của toàn Mỹ. Lính biệt kích người Việt là Nguyễn Văn Kiệt được trao Navy Cross, là huy chương cao nhất của Hải quân Mỹ. Ông Kiệt thuộc Liên đoàn Người Nhái của VNCH. Norris thuộc Navy SEAL đồng thời là thành viên của MACV SOG, hay gọi ngắn là SOG, tên gọi của đơn vị biệt kích – lực lượng đặc biệt – khét tiếng nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, chuyên nhảy toán ra Bắc Việt, Lào, Cambodia, và các vùng chiến sự khác trên khắp miền Nam. Đơn vị này hoàn toàn chìm trong bí mật cho đến tận giữa thập niên 1990 mới được giải mật.

Hambleton khi được phỏng vấn sau chiến tranh đã nói, nếu hàng xóm biết được bao nhiêu tiền thuế của dân Mỹ bị tiêu tốn cho việc giải cứu tôi, có thể họ sẽ bắn chết tôi ngay!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn