Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I

Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một 20193:00 SA(Xem: 4489)
Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I

Những người lính Việt Nam “Hy sinh vì nước Pháp” trong Thế Chiến I

Thu Hằng RFI

Đông Dương gửi sang Mẫu quốc khoảng 43.000 lính tập và 49.000 lính thợ trong Thế Chiến I và rất nhiều người đã “Hy sinh vì nước Pháp”. Ngay từ tháng 12/1917, Hội Ký ức Đông Dương được thành lập để chăm sóc phần mộ của 814 liệt sĩ ở Marseille và 230 liệt sĩ ở Fréjus, miền nam nước Pháp.

Năm 1966, khi nghĩa trang quốc gia Luynes (Nécropole nationale de Luynes), ở ngoại ô thành phố Aix-en-Provence, được quy hoạch, toàn bộ phần mộ lính Việt Nam ở Fréjus được đưa về yên nghỉ tại khu B của nghĩa trang, nằm trong số 11.424 quân nhân hy sinh vì nước Pháp trong hai cuộc Thế Chiến. Mười hai mộ khác ở nghĩa trang Saint-Pierre, thành phố Aix-en-Provence, cũng được đưa về nghĩa trang Luynes nhưng bị phân tán trong hai khu C và D.

Bà Brigitte Sabattini, chuyên gia về di sản, giảng viên đại học Aix-Marseille, đã dẫn phóng viên RFI Tiếng Việt thăm những ngôi mộ nhỏ, sơn trắng, đều thẳng tắp trên bãi cỏ xanh rì. Trong suốt một thế kỷ, họ vẫn là những người lính vô danh, dù họ tên và ngày mất được ghi trên bia.

PV. Sabattini - Lính Đông Dương 08/11/2019 Nghe

RFI : Bà có thể giới thiệu về khu mộ những người lính Việt Nam ở nghĩa trang Luynes, cũng như đài tưởng niệm công lao của họ ở nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence ?

Brigitte Sabattini : Ở nghĩa trang Luynes có rất nhiều mộ của lính tập Đông Dương hy sinh tại Fréjus (trước được an táng ở nghĩa trang của trại Gallieni, gần chùa Hồng Hiên) trong Thế Chiến I. Cần biết là cùng với 43.000 lính tập, còn có 48.000 lính thợ Đông Dương đến Pháp làm việc. Và Ủy ban Ký ức Đông Dương cũng được thành lập nhằm bảo vệ, chăm sóc những phần mộ những người lính “Hy sinh vì nước Pháp”. Họ chết trong những nhà máy, ngay tại nơi làm việc, trong giai đoạn Thế Chiến I.

Còn về đài tưởng niệm liệt sĩ Đông Dương tại nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence, người ta ghi họ tên của những người chết trong các nhà máy ở hai vùng Bouches-du-Rhône và Vaucluse trong Thế Chiến I.

Trên bốn mặt của đài tưởng niệm ghi tên 89 liệt sĩ Đông Dương. Ở mỗi mặt, tên của họ được ghi thành hai cột. Ở mặt thứ nhất là những người lính thợ từng làm việc tại nhà máy thuốc súng Saint-Chamas. Mặt tiếp theo ghi tên những liệt sĩ từng làm việc ở Trung tâm Không quân Istres. Và cuối cùng là một số người chết ở Aix do vào tháng 04/1919, ở trại quân y, có lệnh tập trung lính thợ Đông Dương chờ hồi hương, một nửa trong số họ đến từ Saint-Chamas, nửa còn lại từ Salers-sur-Saône, ở thung lũng sông Rhône và những người này đã mang bệnh cúm đến. Tổng cộng có 13 lính thợ chờ hồi hương nhưng cuối cùng bị chết vì cúm ở bệnh viện Aix từ cuối năm 1918 đến đầu năm 1919.

RFI : Vậy lính thợ Đông Dương làm những nhiệm vụ gì ở vùng Bouches-du-Rhône ?

Brigitte Sabattini : Đa số lính thợ Đông Dương làm việc trong các nhà máy thuốc súng trên khắp nước Pháp. Còn tại vùng Bouches-du-Rhône, họ làm việc chủ yếu trong các nhà máy thuốc súng ở Saint-Chamas, Salin-de-Giraud và Sorgues. Song song đó, họ cũng làm việc trong những xưởng sản xuất thuốc nổ để gửi ra chiến trường.

Ngược lại, ở trường không quân Istres, lính thợ Đông Dương làm việc chủ yếu trong các xưởng sửa chữa máy bay. Những người lính thợ Đông Dương đầu tiên đến Pháp được giao làm thợ sơn, đơn giản là trong không quân, họ cần đến thợ chuyên môn, sơn cánh và vỏ máy bay. Và hiện còn nhiều tài liệu về chủ đề này. Bên cạnh những ngôi mộ lính thợ ở Istres là mộ những người lính ở Salin-de-Giraud.

Ở khu thứ ba là những người chết ở Avignon vì ở đó có bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân từ Sorgues. Ngoài ra, còn có những người lính thợ làm việc trong lĩnh vực xây dựng và trong số họ, một số người chết vì tai nạn đường sắt, bị xe goòng nghiền, nhưng đa số bị chết vì các bệnh về đường hô hấp.

Tôi từng giới thiệu trong một bài nói chuyện riêng về trường hợp của Phan Van Loi, đang yên nghỉ ở nghĩa trang Luynes. Ông Phan Van Loi xấu số này làm việc ở xưởng thuốc súng Sorgues, và bị một nhóm thanh niên từ Marseille giết chết chỉ để cướp ví tiền mà bên trong có mỗi 10 franc.

RFI : Trong Thế Chiến thứ nhất, có khoảng bao nhiêu lính thợ Đông Dương hy sinh trong vùng ?

Brigitte Sabattini : Cả một cơ quan đặc trách được thành lập để kiểm soát lính tập và lính thợ Đông Dương. Vào năm 1919, khi bộ Thuộc Địa được yêu cầu cung cấp số người chết, cơ quan quản lý lính thợ Đông Dương cho biết thiệt hại về người rất thấp, chiếm khoảng 3,6% trên tổng số hơn 48.000 lính thợ Đông Dương đến Pháp, có nghĩa là gần 2.000 người chết. Và theo tài liệu còn được lưu lại, tỉ lệ thấp đó cho thấy cơ quan thanh tra đã cố duy trì điều kiện sống tốt nhất có thể cho lính thợ Đông Dương.

RFI : Số lính tập và lính thợ Đông Dương đến Pháp trong Thế Chiến I có phải là những người tình nguyện ?

Brigitte Sabattini : Tất cả những tài liệu mà chúng tôi tìm được, đặc biệt là những sắc lệnh từ đầu giai đoạn đó, đều nhấn mạnh đến việc đó là những lính tập và lính thợ tình nguyện. Tất cả đều được ghi rõ trong các sắc lệnh, từ lệnh đầu tiên được ký vào cuối năm 1915. Cũng cần lưu ý là nếu như nhiều thành viên hoàng tộc An Nam tham gia tiểu đoàn lính tập 16 hoặc trong những tiểu đoàn khác, đó là vì họ muốn làm gương để thu hút tình nguyện viên.

Do đó, trái với những lính thợ và nhân công trong Thế Chiến II, lực lượng lính tập, lính thợ và trợ lý y tế Đông Dương đều tình nguyện đến Pháp trong Thế Chiến I. Nhân tiện, tôi muốn nói về những trợ lý y tế và bác sĩ Đông Dương, họ rất được coi trọng, làm việc trong hầu hết các bệnh viện ở hậu phương. Họ làm tròn bổn phận của lương y. Điều này được thấy qua việc trong số những người chết năm 1919, có rất nhiều y sĩ, bác sĩ Đông Dương bị mắc bệnh lao khi điều trị cho bệnh nhân.

RFI : Có một số lỗi chính tả về tên của các liệt sĩ Đông Dương được ghi trên mộ. Làm thế nào bà và nhóm nghiên cứu có thể xác định được thân thế của những liệt sĩ này ?

Brigitte Sabattini : Về công trình này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra về thân thế và sự nghiệp của mỗi người và dĩ nhiên chúng tôi gặp một số vấn đề về tên tuổi. Chúng tôi đã ghi lại điểm khác biệt giữa những gì được ghi trên bia mộ và thông tin tìm được trên những tấm thẻ về mỗi người - hiện có thể truy cập được trên trang Mémoire des Hommes của bộ Quốc Phòng, cũng như từ sổ khai tử.

Trước tiên, chúng tôi tìm tên của những liệt sĩ Đông Dương trên trang Mémoire des Hommes. Sau đó, vì có địa điểm họ qua đời nên chúng tôi nghĩ rằng, đơn giản hơn là nên tìm thông tin ở sổ khai tử, nơi lưu lại tất các thông tin về người quá cố. Và trong sổ khai tử đó, tên tuổi của người chết được ít nhiều ghi đúng chính tả.

Đặc biệt, chúng tôi còn tìm được những thông tin liên quan, như người quá cố còn họ hàng thân thích hay không. Vì bộ phận khai tử phải gửi đến tất cả các bệnh viện hoặc nơi chịu trách nhiệm mai táng những chỉ thị liên quan đến truyền thống, nghi lễ tổ chức đám tang cần được tôn trọng vì nguyên quán của mỗi người quá cố có nghi thức tang lễ khác nhau.

Có một điểm đáng chú ý, đó là trong một số văn bản liên quan đến quy trình kiểm soát lính Đông Dương, đội ngũ thanh tra nhận thấy nhiều chỉ thị về tang lễ đã không được tuân thủ. Chúng tôi tìm thấy một số báo cáo liên quan đến Marseille, cho thấy một số bệnh viện không được thông báo về những thông tin cần được ghi trên mộ của liệt sĩ Đông Dương. Vì thế, tại nghĩa trang Luynes, chúng ta có thể thấy nhiều mộ lính Đông Dương được đánh dấu Công Giáo, thậm chí là Hồi Giáo.

Điều chắc chắn, đó là chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu lại và sẽ thông báo về tất cả những thông tin mới, phát hiện mới về điểm này, mà tôi hy vọng sẽ đạt được trong tương lai gần.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Brigitte Sabattini, chuyên gia về di sản, giảng viên đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU).

img_4274Đài tưởng niệm công lao những người lính Đông Dương, nghĩa trang Saint-Pierre, Aix-en-Provence.RFI / Tiếng Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn