Câu chuyện về vị hiền nhân người Việt đánh bại trạng cờ Trung Hoa

Chủ Nhật, 27 Tháng Mười 20199:00 CH(Xem: 4239)
Câu chuyện về vị hiền nhân người Việt đánh bại trạng cờ Trung Hoa

Mạc Đĩnh Chi là là nhân tài hiếm có của đất Việt, ông từng hai lần đi sứ sang nhà Nguyên. Tài năng của ông khiến nhà Nguyên phải nể phục, Nguyên Thành Tổ đã cảm khái phong cho ông là “lưỡng quốc trạng nguyên”.

Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi. (Sách “Mạc Đĩnh Chi” của NXB Kim Đồng – Ảnh từ violet.vn)

ADVERTISEMENT

Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Đông (tỉnh Hải Dương hiện nay). Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh, ông đỗ Trạng nguyên. Ông thông minh hơn người, chỉ hiềm nỗi tướng mạo xấu xí.

Mới đầu bị vua Anh Tông chê xấu, ông đã làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn:

Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường

Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

Sau này, Mạc Đĩnh Chi “làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần”, nên càng được hậu đãi. Ông tham dự triều chính qua 3 đời vua Trần tiếp theo là Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông.

Mạc Đĩnh Chi
Ông là một vị quan cương trực dám nói thẳng. (Ảnh từ Violet.vn)

Những giai thoại nổi tiếng nhất của ông đều xoay quanh việc ông đi sứ nhà Nguyên. Dù lúc đó chỉ mới 20 năm sau khi quân Nguyên đại bại lần thứ 3 trên đất Việt, nhưng ông đã xuất sắc vượt qua mọi thử thách, khiến vua quan nhà Nguyên nể phục. Nguyên Thành Tổ đã cảm khái phong ông là “lưỡng quốc trạng nguyên”.

Bên cạnh tài năng ứng đối, Mạc Đĩnh Chi còn thông tỏ cả cầm, kỳ, thi, họa. Có một câu chuyện về tài chơi cờ của ông thế này:

Năm 1322, Mạc Đĩnh Chi được đi sứ sang nhà Nguyên lần thứ 2. Một lần cưỡi ngựa dạo phố, ông đi qua một ngôi nhà trước có đề bảng “trạng cờ xứ Hoa”. Vốn cũng là người mê cờ, Mạc Đĩnh Chi liền bước vào nhà thưa rằng là khách độ đường nên vào xin hớp chè để uống. Ông lân la hỏi thăm chủ nhà, khiến câu chuyện chuyển sang những lời bàn về cờ. Người chủ cũng khoe bộ cờ bằng ngà voi rất đẹp.

Chủ nhà đương nhiên rất am hiểu về cờ nên nói chuyện vô cùng tâm đắc với Mạc Đĩnh Chi. Hóa ra ông ta vốn là tiến sĩ nhà Tống, khi quân Nguyên diệt nhà Tống, ông ta không muốn ra làm quan mà chỉ ngồi nhà thơ phú và chơi cờ.

Lúc này Mạc Đĩnh Chi ngỏ ý muốn đánh một ván cờ. Chủ nhà biết khách muốn thử tài mình, liền mang bộ cờ bằng sừng ra tiếp. Nhưng khách lại muốn chơi bộ cờ bằng ngà voi. Chủ nhà bèn nói: “Bộ quân bằng ngà chỉ để tiếp vua mà thôi. Ngoài ra cũng chỉ tiếp những người hơn cờ tôi thôi. Nếu mang ra đánh, ngài thua cờ tôi thì sao?”

Mạc Đĩnh Chi bèn hứng thú nói: “Nếu tôi thua thì xin gửi lại ngài cái đầu, còn nếu tôi thắng thì chỉ xin ngài cái bảng treo chữ trạng cờ và bộ quân bằng ngà này”.

Hai người cùng đánh cờ, nhưng do tài nghệ đều siêu quần nên ván cờ kéo dài đến 3 ngày. Tối ngày thứ 3, Mạc Đĩnh Chi thấy cờ của mình núng thế, cũng đã tới giờ nghỉ nên ông xin ngừng ván cờ để sáng hôm sau đánh tiếp.

Mạc Đĩnh Chi
Đánh cờ thời xưa. (Ảnh từ artsy.net)

Đêm đó, Mạc Đĩnh Chi miên man suy nghĩ để tìm cách thoát khỏi thế khó. Ông dựng lại bàn cờ trong óc và cuối cùng chợt phát hiện ra nước thí xe đánh tốt quyết định. Sáng hôm sau, ông đi nước cờ quyết định, khiến chủ nhà thốt lên rằng: “Đúng là nước cờ thần, xin chịu thua ngài”.

Chủ nhà lấy bộ quân cờ bằng ngà voi và cái biển “trạng cờ xứ Hoa” trao lại Mạc Đĩnh Chi, nhưng ông từ chối không nhận, mà chỉ khuyên chủ nhà từ nay nên cất bảng trạng cờ kia đi.

den-tho-mac-dinh-chi-1
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại quê ông. (Ảnh từ wikipedia.org)

Có lẽ người chủ nhà cũng không thể biết rằng kẻ đánh bại mình là “lưỡng quốc trạng nguyên” đất Việt. Câu chuyện này được gia phả họ Mạc ghi chép lại và vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn