Người Kurd đang ở đâu sau 100 năm?

Thứ Ba, 15 Tháng Mười 20196:00 CH(Xem: 5068)
  • Tác giả :
Người Kurd đang ở đâu sau 100 năm?

Người Kurd đang ở đâu sau 100 năm? - Ảnh 1.

Các chiến binh dự lễ tang của nhà lãnh đạo chính trị người Kurd Hevrin Khalaf thiệt mạng dưới tay các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria ngày 13-10 - Ảnh: AFP

Giờ đây, câu hỏi được quan tâm kế tiếp là tương lai người Kurd sẽ ra sao - một câu hỏi vốn không mới.

Một thế kỷ vì đất và bản sắc

Tại sao với khoảng 25 - 30 triệu người Kurd lại không có một quốc gia riêng nào nằm dưới sự quản lý của họ? Con số trên rõ ràng đông hơn dân số nhiều nước, nhưng người Kurd đang sống chật vật ở khu vực miền núi trải dài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Syria và Armenia. Họ là nhóm dân tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông.

Theo Đài BBC, người Kurd là một trong những dân tộc bản địa sống ở các đồng bằng và cao nguyên Lưỡng Hà - một trong 4 nền văn minh phát sinh dọc các con sông nổi tiếng trên thế giới - mà ngày nay là đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đông bắc Syria, bắc Iraq và tây nam Armenia.

Ngày nay, người Kurd hình thành nên một cộng đồng đặc biệt được gắn kết thông qua sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ mặc dù không có ngôn ngữ chuẩn. Hầu hết người Kurd theo đạo Hồi dòng Sunni.

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Kurd bắt đầu muốn tạo ra một vùng đất được gọi là "Kurdistan". Sau Thế chiến I và sự sụp đổ của đế quốc Ottoman, các đồng minh phương Tây đã đưa ra hứa hẹn về việc thành lập một nhà nước của người Kurd trong Hiệp ước Sèvres năm 1920.

Tuy nhiên, mọi hi vọng đã tiêu tan vào 3 năm sau đó khi Hiệp ước Lausanne - vốn phân định biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay - không đưa ra điều khoản thành lập một quốc gia của riêng người Kurd và người Kurd phải sống trong số phận thiểu số ở các quốc gia lân cận. Hơn 80 năm sau, bất kỳ động thái nào của người Kurd tiến tới thiết lập một nhà nước độc lập đều bị dập tắt.

Theo báo Washington Post, Iraq là quốc gia duy nhất trong khu vực thiết lập một vùng tự trị dành cho người Kurd bên trong biên giới nước này, được biết tới là "Kurdistan thuộc Iraq", với thủ phủ là Erbil.

Với việc không có "nhà riêng", người Kurd không thể có cuộc sống yên ổn nơi "xứ người", đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sinh sống của khoảng một nửa người Kurd. Giáo sư Omer Taspinar đến từ Viện Brookings cho biết trong nhiều thập niên, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện chính sách "đồng hóa người Kurd, bác bỏ bản sắc tộc người Kurd và phủ nhận các quyền ngôn ngữ của người Kurd".

Theo giáo sư Taspinar, người Kurd chỉ tự do trở thành người Kurd nếu họ thừa nhận họ là công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi người Kurd muốn giữ bản sắc của họ và mong muốn có một vùng đất riêng, họ càng đối mặt với nguy hiểm.

"Vòng tuần hoàn bội phản"

Người Kurd là một đồng minh đáng tin của Mỹ ở đông bắc Syria trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Năm 2015, với sự hỗ trợ của Washington, các lực lượng người Kurd thuộc Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã liên kết với các nhóm Ả Rập và tạo ra Các lực lượng dân chủ người Kurd (SDF).

Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia khác đã cung cấp vũ khí cho SDF. Kể từ đó, các chiến binh người Kurd đóng vai trò cốt yếu trong việc tiêu diệt IS.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Người Kurd thường nói rằng họ "không có bạn bè, mà chỉ có núi non", ám chỉ đến một lịch sử lâu dài bị "phản bội", theo báo Financial Times. Và điều này dường như đúng với mối quan hệ Mỹ - Kurd.

Sau khi Mỹ thông báo rút quân khỏi bắc Syria, SDF đã gọi động thái của Mỹ là "nhát dao đâm sau lưng". Bởi người Kurd không chỉ đơn độc trong cuộc chiến chống IS mà còn đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia muốn đẩy lùi người Kurd và thiết lập vùng an toàn dài 30km ở đông bắc Syria.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ quay lưng với người Kurd. Theo báo The Intercept, trong vòng 100 năm qua, Mỹ đã có tới 8 lần "phản bội" người Kurd, trong nhiều trường hợp, kể từ Hiệp ước Lausanne năm 1923.

Một ví dụ là sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh bật quân Iraq của ông Saddam Hussein khỏi Kuwait vào năm 1991, tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush đã kêu gọi quân và dân Iraq lật đổ ông Hussein. Tuy nhiên, khi người Kurd ở Iraq lớn mạnh và đối đầu với chính quyền Hussein, Mỹ lại không hỗ trợ và rất nhiều người Kurd đã thiệt mạng dưới tay quân đội Iraq.

Lịch sử đã cho thấy người Kurd nhiều lần bị đồng minh mạnh nhất của mình bỏ rơi. Đài CNN đã đặt ra câu hỏi phải chăng đó một "vòng tuần hoàn bội phản"?

Diễn biến mới

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở đông bắc Syria có diễn biến mới khi các chiến binh người Kurd và Chính phủ Syria đạt được thỏa thuận, mở đường cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 14-10 bắt đầu đưa lượng lớn quân tới đông bắc Syria lần đầu tiên trong nhiều năm để đẩy lùi Ankara. Động thái này coi như hất một xô nước lạnh về phía Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn