Thụy Sỹ: Từ lính đánh thuê trở thành nước trung lập

Chủ Nhật, 20 Tháng Mười 20199:00 SA(Xem: 4223)
Thụy Sỹ: Từ lính đánh thuê trở thành nước trung lập
bbc.com

Thụy Sỹ: Từ lính đánh thuê trở thành nước trung lập

Billie Cohen BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tôi ngồi trong một hang động ở miền nam Thụy Sỹ, thưởng thức món cơm Ý risotto làm theo cách bản địa. Chỗ tôi đang ngồi xung quanh là đồi núi xanh ngát và nằm trên con đường đi từ khu làng đá hàng trăm năm tuổi mà đến bây giờ vẫn không chịu dùng điện.

Cả hai người bạn cùng ăn trưa với tôi đều là người Thụy Sỹ, mặc dù một người nói tiếng Ý và người còn thích nói tiếng Đức. Để tiện cho tôi, họ chuyển sang nói tiếng Anh. Tôi cười mãn nguyện; trong hành trình cả tháng trời đi khắp Thụy Sỹ, những lúc giao tiếp đa văn hóa như vậy thường xuyên xảy ra, và tôi nghĩ rằng tôi phải cám ơn danh tiếng về sự trung lập của đất nước này.

Không có chiến tranh

Ngôi làng cổ xưa này đã tồn tại qua được nhiều cuộc chiến ở châu Âu bởi vì không có cuộc chiến tranh nào ở đây cả. Đường biên giới của Thụy Sỹ lỗ chỗ và thân thiện cũng vì lý do này. Mọi người có thể băng qua biên giới dễ dàng như cái cách ngôn ngữ và món ăn du nhập vậy.


Đó là lý do tại sao mọi người ở dưới Ticino này nói tiếng Ý và tại sao tôi đang ăn một món ăn mà bạn cho là món Ý được chế biến từ một thứ mà bạn cho là rượu vang Ý.

Ngay cả cái cách mà đất nước này được cấu thành cũng dường như là một hình ảnh thu nhỏ của sự cùng chung sống hòa bình.

Về mặt chính trị đó là một nền dân chủ trực tiếp. Về mặt văn hóa đất nước này công nhận bốn ngôn ngữ. Khi bạn đi từ bang này qua bang khác, bạn sẽ có cảm giác như đi thăm bốn nước khác nhau vậy: Ý (ở Ticino), Đức (ở Zurich), Pháp (ở Geneva) và một cộng đồng là hậu duệ của Đế quốc La Mã (ở Grisons).

Nhưng khi tôi đưa một nĩa đầy thức ăn vào miệng giữa chừng, một trong những người cùng ngồi ăn với tôi nói một điều thực sự là cho tôi rơi từ trên mây: Thụy Sỹ - thành trì của sự trung lập và gìn giữ hòa bình - lúc đầu lại là nơi xuất khẩu lính đánh thuê.

Quá khứ đánh thuê

Bộ não tôi bắt đầu khởi động.

Hôm trước, tôi vừa đứng trên những bức tường lỗ chỗ lỗ châu mai của những tòa lâu đài nổi tiếng ở Bellinzona ở gần đó. Những toà lâu đài này có nhiều liên hệ với cuộc chiến giành đất thời Trung cổ giữa người Milan, người Pháp và liên bang Thụy Sỹ lúc đó còn non trẻ.

Bản quyền hình ảnh Billie Cohen

Những tòa thành bằng đá này, vốn là một cụm được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, gợi nhớ đến một thời kỳ dài khi mà các cộng đồng, các địa phương và quốc gia đều tìm cách kiểm soát vùng đất Ticino có tầm quan trọng về mặt chiến lược và là cánh cửa bước vào dãy núi Alps.


Do đó, Thụy Sỹ cũng có lịch sử quân sự và chắc chắn là ngày trước họ không trung lập. Điều nghịch lý là chính sách đối ngoại phản chiến hiện nay chính là lý do khiến du khách có thể cảm nhận lịch sử chiến tranh đó của Thụy Sỹ.

"Kết quả của sự trung lập có thể được nhìn thấy khắp nơi," ông Clive Church, giáo sư danh dự chuyên ngành Âu châu học tại Đại học Kent của Anh và là tác giả một số cuốn sách về lịch sử và chính trị của Thụy Sỹ, cho biết. "Anh thử nói cho tôi biết chỗ nào ở các thành phố của Thụy Sỹ từng bị bom đạn tàn phá?" ông nói thêm.

Câu trả lời là: không có nơi nào cả. "Bạn có thể đi đến bất kỳ thành phố nào của Thụy Sỹ và bạn có thể thấy mọi thứ y chang như nó đã từng hình thành và phát triển bởi vì đất nước này chưa từng bị xâm lược. Chính sự trung lập đã giúp chúng ta còn có thể nhìn thấy những thứ này bởi vì tất cả quá khứ đều được giữ lại."

Định nghĩa trung lập

Đi dọc các thành phố như trong truyện cổ tích của đất nước này, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những gì ông ấy nói thật đúng. Toàn bộ khu phố cổ của thủ đô Bern là một di sản văn hóa thế giới với những con đường có mái vòm lịch sử, những tòa nhà và đài phun nước bằng đá sa thạch cùng với một tháp đồng hồ nổi tiếng được dựng lên vào năm 1530.

Ở phía bên kia đất nước, Chur, đô thị lâu đời nhất Thụy Sỹ, đã gìn giữ được nguyên vẹn những phế tích từ thời La Mã. Còn ở Bellinzona, bạn có thể đi trên những tường thành có lỗ châu mai của những tòa lâu đài từ thời Trung cổ và vẫn còn đứng vững hay khám phá những ngôi làng bằng đá lịch sử.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn không thấy nhiều về sự trung lập của Thụy Sỹ ngày nay cũng như quá khứ chiến tranh của nó.


"Chúng tôi có hai dạng du khách," bà Lydia Muralt, nhà sử học đồng thời là hướng dẫn viên, nói. "Dạng thứ nhất là những người không biết Thụy Sỹ trung lập và dạng thứ hai là những người biết. Nhóm đầu tiên luôn ngạc nhiên khi biết rằng Thụy Sỹ là một nước trung lập và rằng do đó mà chúng tôi không bị chiến tranh tàn phá. Nhóm thứ hai thì cảm thấy khó hiểu lý do của sự trung lập đó: điều đó có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến phần còn lại của thế giới hay chúng tôi không có chủ kiến gì?"

Muralt nói cho tôi biết rằng thật ra còn có cả một định nghĩa về chính sách trung lập trên trang web của Chính phủ Thụy Sỹ, và tôi đã háo hức tìm hiểu về nó.

Bên cạnh tập trung vào xu hướng nhân đạo, định nghĩa này cũng nêu ra một số nguyên tắc: Thụy Sỹ phải kiềm chế để không tham chiến, không cho phép các quốc gia hiếu chiến sử dụng lãnh thổ và không cung cấp lính đánh thuê cho các quốc gia hung hăng.

Nghề hốt bạc

Vào thời Trung cổ, Thụy Sỹ rất giỏi chiến đấu. Họ giỏi đến mức có thể biến nó thành một ngành nghề hốt bạc. "Về cơ bản việc chúng tôi đi đánh thuê là vì lý do kinh tế," ông Laurent Goetschel, giáo sư chính trị tại Đại học Basel và là giám đốc của Viện nghiên cứu Swisspeace, cho biết.

"Liên bang Thụy Sỹ ngày trước là một nước rất nghèo với điều kiện không phù hợp để làm nông nghiệp ở quy mô lớn và chúng tôi cũng không có thuộc địa để khai thác tài nguyên và cũng không có đường ra biển. Do đó, làm lính đánh thuê chính là một cách để có thu nhập."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Lính Thụy Sỹ là những chiến binh đáng tin cậy. Do đó, đánh thuê tiếp tục là một nguồn thu nhập tốt cho đến khi họ bại trận. Đó là ở trận Marignano vào năm 1515 khi người Pháp và người Venice đưa quân đến cùng với vũ khí hạng nặng và kỵ binh thiết giáp trong khi lính Thụy Sỹ lại chiến đấu bằng giáo mác. Điều không may cho Thụy Sỹ là nước này đã tụt hậu về công nghệ.

"Sau thất bại đó, họ nhận ra rằng họ là những chiến binh cừ khôi theo cách của riêng họ nhưng giáo mác thì không thể chống lại đạn pháo," Church nói. "Do đó, họ lùi lại và không còn can dự vào những chuyện chính trị quan trọng của châu Âu nữa.

Thay vào đó, Thụy Sỹ gần như đi theo một mình nước Pháp. Điều này giúp họ không bị hứng chịu những mất mát cũng như tránh cho họ tình huống một đất nước bị xẻ ra ở hai bên chiến tuyến. "Điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng khi nó xảy ra thì đó là điều hết sức đáng lo ngại và do đó nó thúc đẩy chúng tôi tìm đến sự trung lập," Church giải thích.

Giải pháp cùng thắng

Trong suốt thời Trung cổ, Thụy Sỹ đã tham gia quá nhiều cuộc chiến ở quá nhiều phía nên khó có thể có một lựa chọn an toàn là đứng về một phía nhất định về lâu dài, nhất là khi các cường quốc lớn đều muốn Thụy Sỹ đứng về phía họ bởi vì vị trí chiến lược của đất nước này nằm án ngữ dãy Alps.

Do đó, khi Hội nghị Vienna diễn ra ở Áo vào năm 1814-1815 để tạo dựng hòa bình cho châu Âu sau cuộc chiến tranh cách mạng Pháp (trong cuộc chiến này Thụy Sỹ tiếp tục được thuê làm cấm vệ quân cho vương triều của Pháp, vua Louis XVI, vị hoàng đế cuối cùng) và chiến tranh Napoleon mà khi đó quân Pháp đã xâm lược Thụy Sỹ và phá vỡ liên bang, người Thụy Sỹ đã đề xuất một giải pháp giúp các bên cùng thắng trên toàn lục địa già: hãy để cho chúng tôi trung lập. Như Goetschel chỉ ra: "Sự trung lập chỉ có ý nghĩa khi các cường quốc thừa nhận."

Kể từ đó, Thụy Sỹ về cơ bản đã trở thành một quốc gia không đứng về bên nào mà tất cả chúng ta đều biết.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nếu lần tới bạn ghé Geneva thì hãy dừng chân tại bức tượng của Charles Pictet de Rochemont để nói lời cảm ơn vì chính ông chính là người chiến binh đồng thời là nhà ngoại giao mà đã đặt bút viết tuyên bố của Thụy Sỹ về sự trung lập. Tuyên bố này sau đó đã được Hội nghị Vienna phê chuẩn.

Hội Chữ Thập Đỏ

Khi bạn đến Geneva, hãy dành một buổi trưa để đi thăm Bảo tàng Chữ Thập đỏ. Ở đó bạn sẽ bắt đầu hiểu được bước phát triển lớn kế tiếp trong chính sách trung lập của Thụy Sỹ - họ cam kết hỗ trợ nhân đạo.

Tất cả bắt đầu vào những năm 1860 khi một doanh nhân người Geneva là ông Henry Dunant có một chuyến đi làm ăn ở Ý. Ông dự định sẽ giải quyết những vấn đề phức tạp của con đường giao thương nhưng khi ông chứng kiến sự đối xử tàn bạo đối với những người lính địa phương trên những chiến trường đẫm máu của Hoàng đế Napoleon Đệ Tam, ông đã chuyển hướng sang thành lập Hội Chữ Thập Đỏ.

Vào thời điểm này, mọi việc đang diễn ra rất tốt cho Thụy Sỹ. Sự thành lập Hội Chữ thập Đỏ càng tăng thêm uy tín của nước này, dẫn đến Công ước Geneva đầu tiên vào năm 1864, giúp họ giành được giải Nobel Hòa bình mở màn vào năm 1901 và nhờ đó mà Thụy Sỹ có được một thứ mà Church gọi là "quyền lực mềm" ở châu Âu.

Nhưng rồi Thế Chiến nổ ra và danh tiếng đó của Thụy Sỹ bị thử thách nghiêm trọng, đặc biệt trong Đệ nhị Thế chiến khi mà Thuỵ Sỹ đã có hành động gây tranh cãi là mua vàng của người Do Thái từ Đức Quốc xã và từ chối người Do Thái tỵ nạn. "Theo cách nhìn của người Thụy Sỹ thì họ vẫn được coi là trung lập miễn là họ không tham chiến," Goestchel giải thích. "Có rất nhiều tranh cãi về việc liệu Thụy Sỹ có thật sự trung lập, nhất là trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng nước này không tham gia vào các hoạt động chiến tranh."

Điều này dẫn đến một trong những điều khó hiểu nhất về Thụy Sỹ đối với người ngoài: quân đội của họ. Nếu họ thật sự trung lập thì tại sao họ lại cần quân đội? "Sự trung lập của Thụy Sỹ luôn phải cần có vũ trang," Church giải thích. "Một ngày nào đó rất có thể có nước nào đó xâm lược, do đó bạn phải có quân đội để có thể bảo vệ đất nước."

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn