Đảo nhỏ Hy Lạp làm thay đổi cục diện Thế chiến II

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20191:00 SA(Xem: 4328)
Đảo nhỏ Hy Lạp làm thay đổi cục diện Thế chiến II
bbc.com

Đảo nhỏ Hy Lạp làm thay đổi cục diện Thế chiến II

Jessica Bateman BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chiếc xe chở chúng tôi tấp vào vệ đường đầy gió bụi kế bên lùm cây ô-liu.

Hướng dẫn viên của tôi, Stelios Tripalitakis, bước xuống xe và nhanh nhẹn đi qua những thân cây lồi lõm, cứ vài mét lại dừng lại xem xét những thứ mà anh thấy trên mặt đất. Tôi đi theo, khổ sở cố gắng bắt kịp anh trong cơn nóng khó chịu của đảo Crete.


"À, đó chỉ là mảnh của hàng rào thôi," anh nói, hơi thất vọng khi ngắm nghía một mảnh kim loại han gỉ.

Tripalitakis, 35 tuổi, là một trong rất nhiều người dân đảo Crete chuyên săn tìm kho báu thời chiến tranh, dành nhiều giờ trong đời quét qua hòn đảo này để tìm những phế tích quân sự còn sót lại khi quân phát xít xâm lược hòn đảo trong Thế chiến thứ Hai. Trong thập niên vừa rồi, anh đã tích lũy được bộ sưu tập hơn 40.000 hiện vật, biến phòng khách gia đình thành một bảo tàng tạm.

Khi chúng tôi săn tìm hiện vật để bổ sung vào bộ sưu tập của anh, Tripalitakis kể tôi nghe rằng có khoảng 70 lính nhảy dù Đức đã bị dân làng giết và chôn ở một mảnh đất nông trại đẹp tuyệt trần. Mặc dù thi thể của họ đã được chuyển giao cho nghĩa trang chính thức gần làng Malame vào thập niên 1960, rất nhiều hiện vật cá nhân, như mũ bảo hiểm hay dao bấm vẫn còn bị bỏ lại. "Mảnh đất này vừa được nông dân dọn dẹp," Tripalitakis giải thích. "Vì vậy có lẽ tôi sẽ tìm được thứ gì đó mới."

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Crete là hòn đảo nơi quá khứ ám ảnh hiện thực. Vị trí chiến lược của đảo trên Địa Trung Hải đã khiến nơi này gặp phải vô số đợt xâm lăng, từ quân Venice đến Đế chế Ottoman, cho tới gần đây nhất là phát xít Đức.


Quân đội của Hitler nhắm đến đảo Crete vào tháng 5/1941, sau khi đã tiến vào Hy Lạp trong tháng trước đó. Đức đã dùng tàu lượn và lính dù không kích. Dân đảo Crete tham gia cùng 40.000 lính Anh, Hy Lạp, Úc và New Zealand bảo vệ đảo, bắn hạ lính dù bằng súng trường.

Tuy nhiên, quân Đồng minh đã đánh giá sai cuộc tấn công - sau tám ngày tranh chấp, đảo Crete rơi vào tay quân Đức và quân Đồng minh rút lui.

Cảm thấy bị bỏ rơi, người dân đảo Crete - chỉ mới bốn thập niên trước vừa chiến đấu và giành độc lập sau 250 năm bị Đế chế Ottoman chiếm đóng - đã rời nhà và tiếp tục thách thức quân lực của Hitler bằng bất cứ vũ khí gì họ có trong tay.

Đó là lần đầu tiên quân Đức vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ cư dân bản địa.

Tờ báo The National Herald, một tờ báo Hy Lạp viết bằng tiếng Anh, gọi Lực lượng Kháng chiến đảo Crete là một trong những nguyên nhân khiến Đức phải trì hoãn tai hại việc tiến vào Liên Xô, đồng thời buộc phải giảm quân số trên các chiến trường Trung Đông và Châu Phi.

Mặc dù dân làng và cộng đồng địa phương liên tục bị quân phát xít tấn công, Lực lượng Kháng chiến đảo Crete vẫn hoạt động cho đến khi quân Đức đầu hàng bốn năm sau đó, vào năm 1945.

Thời điểm lịch sử này thực sự định hình rất nhiều tính cách cư dân đảo Crete, và thậm chí ngay cả những ngôi làng nhỏ cũng có bia tưởng niệm. "Crete luôn tự giành độc lập. Mọi người luôn luôn phải chiến đấu giành tự do," Tripalitakis nói với tôi.

Quê nhà Tripalitakis nằm ở Galatas, ngay bên ngoài thành phố chính tên là Chania, trên bờ biển tây bắc của hòn đảo. Nơi đây bị quân Đức chiếm vào ngày thứ sáu của cuộc giao tranh. "Khi tôi 12 tuổi, thị trấn Galatas xuất bản một tạp chí nhỏ về chiến trận và phát hành miễn phí đến trường tiểu học," anh nhớ lại. "Tôi rất hứng thú."


Niềm đam mê của anh cũng được vun đắp thêm nhờ vào những mảnh vụn, đồ quân trang quân dụng vẫn còn vương vãi trên đảo. "Mọi người đều có những kỷ vật từ thời chiến tranh. Dân đảo Crete không có nhiều tài sản vật chất, vì vậy họ sử dụng mọi thứ tìm được," anh nói.


Khi người dân Crete xây dựng lại nhà, hàng rào được dựng từ nòng súng trường, trần nhà làm bằng xác máy bay, và nón bảo hiểm được tận dụng làm chậu hoa hay đồ đựng thức ăn cho gia súc gia cầm. Những thứ như vậy giờ đây vẫn có thể thấy ở một số làng nhỏ xa xôi.

"Tôi nhận ra, từ khi tôi còn rất nhỏ, là tất cả những thứ đó nên được giữ gìn, vì qua thời gian chúng sẽ hư hỏng hoặc bị quăng đi," Tripalitakis nói. "Quan trọng là mọi người khi lớn lên đều được học về lịch sử quê mình. Nếu chúng tôi không giới thiệu cho họ xem những hiện vật này, họ sẽ chẳng học được gì."

Tripalitakis lần đầu thực hiện chuyến đi truy tầm hiện vật là vào năm 1999, thu thập các mảnh vỡ từ máy bay Đức trên đảo nhỏ ngoài biển Galatas. Từ đó trở đi, anh đã tìm kiếm khắp toàn đảo.

"Đôi khi tôi đi một hoặc hai lần một tuần, có lúc bốn lần," anh kể. "Đôi khi tôi chỉ tìm kiếm vài giờ. Nếu tôi đi lên núi, tôi mang theo túi ngủ, thức ăn và nước uống, để ở lại đó vài ngày." Anh thậm chí đã học lặn scuba. "Tuyệt vời lắm, như thể bạn đang bay trên cái xác máy bay vậy."

Vì đảo Crete có rất nhiều khu vực khảo cổ, nhà sưu tập phải xin giấy phép từ chính quyền để được dùng máy dò kim loại. Tuy nhiên, Tripalitakis thường thích tìm kiếm bằng mắt và tay hơn.

Tuy nhiên, hôm đó chúng tôi không gặp may - dù đã lùng sục hết rặng cây ô-liu, chúng tôi chẳng tìm được gì, vì vậy chúng tôi lái xe 10km về Galatas để xem bảo tàng của anh.

Tôi bước vào căn hộ mà anh sống cùng vị hôn thê và người cha. Bốn bức tường tràn đầy hiện vật mà ta có thể tưởng ra được, trưng khắp nơi từ nền nhà tới trần. Rất đa dạng, từ súng trường tới vật dụng nấu nướng, đến mấy con bù nhìn mà thợ may làm mặc quân phục của quân Đức và quân Anh. Nhiều mảnh vỡ của tàu lượn và các phần của súng trường bán tự động trải đầy khắp căn hộ tới hiên nhà và đường lái xe vào.

"Tôi có mọi thứ, nhưng tôi vẫn muốn có một số thứ, ví dụ như thêm xe máy nữa," Tripalitakis vừa nói vừa với tay lấy cái ấm sắt mà anh mua từ một nhà sưu tập hôm trước với giá 100 euro và bắt đầu cạo phần han rỉ trên đó.

Bản quyền hình ảnh Louiza Vradi

Chỉ riêng ở Chania đã có khoảng 50 nhà sưu tập, trong đó có 10 người đã biến bộ sưu tập thành các bảo tàng không chính thức. Các nhà sưu tập tư khác sống ở làng Askyfou ở vùng Sfakia, làng Somatas và Atispopoulo  phía nam Rethymno.

Mặc dù không có nhà sưu tập nào sống trong thời chiến, nhưng họ đã dành thời gian để bảo tồn câu chuyện của người sống sót, chuyện của cựu binh và những anh hùng trong Lực lượng Kháng chiến Đảo Crete.

"Đôi khi cũng có chút cạnh tranh, nhưng đa phần là chúng tôi hợp tác với nhau," Tripalitakis nói, và cho biết thêm anh còn được ngỏ lời làm cha đỡ đầu cho con một người bạn anh quen qua quá trình sưu tập. "Chúng tôi tổ chức triển lãm cùng nhau, hoặc đôi khi chúng tôi trao đổi hiện vật hoặc đi tìm hiện vật cùng nhau."

Hiện vật giá trị nhất của Tripalitakis là bánh lái hạ cánh từ chiếc máy bay Brewster Buffalo do người Mỹ sản xuất - chỉ có ba chiếc được phái tới Hy Lạp. "Tôi tìm thấy nó dưới biển, ở độ sâu 100m và chôn vùi dưới cát," anh kể. "Tôi mất năm ngày để trục vớt nó." Một nhà sưu tập khác đã đề nghị anh bán với giá 10.000 euro hiện vật này, nhưng anh từ chối.

Tất nhiên, một số khám phá làm bùng lên cảm xúc mạnh mẽ hơn những hiện vật khác.

"Tôi tìm thấy thi thể một quân nhân người New Zealand hồi tám năm về trước," Tripalitakis kể tôi nghe. "Máy dò kim loại của tôi báo động vì đạn vẫn còn trong cơ thể ông ấy. Tôi nghĩ ông ấy đã được đồng đội chôn ở một ngôi mộ nông. Lúc phát hiện ra, tôi rất sốc, nhưng thực sự thì tôi thấy vui là mình đã tìm ra ông ấy, bởi tôi biết giờ đây ông ấy đã được chôn cất tử tế trong ngôi mộ xứng đáng."

Tripalitakis gọi cảnh sát, và họ lấy mẫu DNA để làm xét nghiệm. Kể từ đó tới nay, Tripalitakis rất thiết cốt đi tìm kiếm, xác định danh tính của người lính đó. "Tôi đã tìm hiểu mọi lữ đoàn, thu hẹp phạm vi xuống còn 20 người vẫn đang mất tích," anh nói.

Tripalitakis ước tính số xăng dầu cho các chuyến đi của anh tốn đến 50.000 euro, và anh đã tốn khoảng 30.000 euro nữa cho việc mua hiện vật từ các bạn sưu tập.

Đam mê của anh đã thử thách sự kiên nhẫn của gia đình; anh thừa nhận rằng cha anh không thích khi anh chuyển đổi căn hộ. Nhưng Tripalitakis khẳng định rằng anh sẽ không bao giờ bán hiện vật đi, "thậm chí khi người ta có đề nghị cả gia tài". Thay vào đó, kế hoạch của anh là đảm bảo có được một nhà kho và chuyển bộ sưu tập thành bảo tàng chính thức.

"Chúng ta không thể để người ta lãng quên lịch sử," anh nói. "Ta giữ lịch sử sống sót qua những hiện vật này."

Một nhà sưu tập tư nhân khác sống tại làng Achlada, chỉ nằm ngay gần đường chính, phía tây Heraklion, gần Agia Pelagia. Nếu bạn đến làng, dân làng có thể chỉ đường cho bạn đến đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn