Lịch sử tha hương của người Garifuna gốc Phi ở Caribbe

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20195:00 SA(Xem: 4129)
Lịch sử tha hương của người Garifuna gốc Phi ở Caribbe
bbc.com

Lịch sử tha hương của người Garifuna gốc Phi

Heide Brandes BBC Travel

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Vào lúc bình minh, những con thuyền đến dọc theo bãi biển của thị trấn Dangriga nằm trên bờ biển Belize, một quốc gia Trung Mỹ.

Trên thuyền, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em ăn mặc rực rỡ cầm cờ tự làm và vẫy những chiếc lá cọ dừa màu xanh khi thuyền sắp cập bến.


Trên bờ, đám đông đứng đợi, sẵn sàng hoan hô khi những đôi chân bước ra khỏi thuyền và chạm xuống bờ cát.

Truyền thuyết định cư

Vào một buổi sáng tương tự vào năm 1832, những người Garifuna, hậu duệ của người Carib, Arawak và Tây Phi - cũng có hành trình như thế từ Đảo St Vincent ở biển Caribbe tới đây. Cuối cùng, họ cũng được phép định cư ở Belize sau khi bị chính phủ Anh xua đuổi ba lần.

Mỗi năm vào ngày 19/11, người Garifuna sẽ ăn mừng Ngày Định cư để đánh dấu sự kiện họ tới Belize (lúc đó là thuộc địa của Anh) và những đóng góp của họ cho Belize.

Với việc tái hiện hình ảnh thuyền cập bến cũng như những câu chuyện lịch sử truyền miệng được những người già cả trong làng ngâm lên cùng những điệu nhảy và những màn ăn uống, ngày quốc lễ này đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và ở Belize tới đây.

Nếu ta hỏi hầu hết người dân và sử gia Garifuna về sự ra đời của dân tộc Garifuna thì sẽ được nghe kể rằng những người Tây Phi đang trên đường bị đưa đến chợ nô lệ ở Tân Thế giới đã trốn thoát sau khi hai con tàu bị đắm vào năm 1635.

Trong số hàng trăm nô lệ, những người sống sót được đã bơi đến hòn đảo St Vincent của vùng biển Caribbe nơi họ được người Carib và người Arawak chào đón, và họ đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và ngôn ngữ đặc trưng.

Tuy nhiên, Viện Di sản người Mỹ gốc Garifuna ở Los Angeles cho rằng những người châu Phi của Đế quốc Mali có thể đã đến hòn đảo này vào khoảng những năm 1200, và vụ đắm tàu chỉ càng làm tăng thêm dân số cho họ.

Những sử gia khác thì cho rằng câu chuyện đắm tàu là kết quả của hàng thế kỷ kể chuyện truyền miệng và rằng đảo St Vincent thậm chí còn không gần bất cứ con đường buôn bán nô lệ thông thường nào.

Cho dù sự thật là gì đi nữa, niềm tin vào câu chuyện đắm tàu vẫn là lịch sử 'được chấp nhận' đối với số đông người Garifuna.

Lịch sử chính thống

"Chúng tôi chưa bao giờ bị bắt làm nô lệ," ông H Gilbert Swaso, cựu thị trưởng Dangriga và là nhà sử học về văn hóa Garifuna, nói. "Đó là điểm tự hào đối với người dân Garifuna."

Hiệp định hòa bình với người Anh vào năm 1660 trao quyền sở hữu vĩnh viễn đảo St Vincent cho dân tộc Garifuna, nhưng chưa đến 10 năm sau Anh đã xé bỏ hiệp ước và đòi lấy lại hòn đảo.

Bản quyền hình ảnh Alamy

Vào năm 1796, sau nhiều năm tấn công và phục kích người Anh, người Garifuna - vốn vào lúc đó là sắc dân áp đảo trên đảo sau nhiều thế hệ kết hôn với dân đảo - bị đánh bại, sau đó bị trục xuất và bỏ lại trên đảo Roatán của Honduras khi đó thuộc sở hữu của Tây Ban Nha.


Mặc dù bị bỏ lại trên một hòn đảo lạ, một lần nữa họ lại lớn mạnh, và một lần nữa họ bị phân biệt đối xử.

Sau một cuộc nổi dậy ở Honduras vào năm 1821, Garifuna một lần nữa phải ra đi, và vào năm 1832, họ đến bờ biển Belize. Họ chấp nhận nơi ở mới này với thái độ lạc quan.

"Người Garifuna yêu cầu được cư trú ở Belize và bị từ chối ba lần," Swaso nói. "Có những lúc, chính phủ chấp nhận cho người Garifuna đến Belize, nhưng họ phải tránh xa các thành thị lớn, và nếu họ đi vào thành thị, họ cần có thẻ thông hành. Do đó, người Garifuna định cư ở phía nam, và một trong những khu định cư lớn nhất của họ là ở Dangriga và sau đó là Punta Gorda."

Cuộc đấu tranh của họ để nền văn hóa Garifuna được Chính phủ Belize chính thức công nhận không hề dễ dàng.

Mặc dù được nhận vào quốc gia này, nhưng người Garifuna bị kỳ thị và phải tranh đấu để giữ gìn di sản của cha ông họ.

Ngôn ngữ Garifuna, vốn phát xuất từ tiếng Arawak và Carib của tổ tiên của họ vốn sống trên đảo, không được khuyến khích ở trường học và đời sống tâm linh của họ bị các nhà thờ lên án.

Luôn luôn thích ứng

"Khi người Garifuna bị Giáo hội Công giáo La Mã (khi đó là tôn giáo áp đảo ở Belize) kỳ thị về tôn giáo, chúng tôi đã du nhập một số vị thánh của họ vào tôn giáo của chúng tôi và do đó chúng tôi vượt qua được," Swaso nói.

"Khi chúng tôi bị cấm bước chân vào thành phố, chúng tôi đã xây dựng thành phố của riêng mình. Khi chúng tôi bị kỳ thị ở trường học, chúng tôi đã trở thành giáo viên, luật sư và bác sỹ. Chúng tôi sẽ thích ứng và thay đổi những gì cần thiết để cho phép chúng tôi sống còn mà không phải hy sinh nền văn hóa của mình."

Ngày nay, dân số người Garifuna trên toàn cầu là khoảng 300.000 với nhiều người trong số này sống ở Belize và Honduras cũng như một số nơi ở Guatemala and Nicaragua.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2010 được Viện Thống kê Belize công bố thì trong tổng số dân của đất nước là 324.500, ước tính có 6,1% là người Garifuna.

Ngày nay, người Garifuna đã được chấp nhận và được tôn vinh ở Belize và tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống. Họ làm giáo viên, bác sỹ, viên chức chính phủ và chủ doanh nghiệp.

Ngày ăn mừng chính thức đầu tiên Lễ Định cư là vào năm 1941 ở quận Stann Creek, Swaso cho biết. Hai năm sau, vào năm 1943, Punta Gorda, nằm cách đó 167 km về phía nam, cũng được cho phép tổ chức ngày lễ này.

Và vào năm 1977, ngày Lễ Định cư Garifuna chính thức trở thành ngày lễ quốc gia trên khắp Belize. Honduras cũng có buổi lễ ăn mừng tương tự vào ngày 12/4, là ngày mà người Garifuna được an trí trên đảo Roatán.

Vào ngày này ở Belize, Swaso giải thích rằng sau màn tái hiện cảnh thuyền cập bến và một buổi lễ cầu nguyện đặc biệt mà chỉ có người Garifuna và các quan chức chính phủ cấp cao mới được tham dự.

Tiệc tùng và nhảy múa

Sau đó, tiệc tùng bắt đầu.

Bản quyền hình ảnh Belize Tourism Board

Các nhạc công đập trống và lắc mông theo nhịp điệu dồn dập - một sự pha trộn giữa nhịp Caribbe và châu Phi - trong khi các quầy hàng ăn phục vụ những món ăn truyền thống như súp chân bò và món hudut (chuối và các loại rau củ như đậu bắp được đập và hầm với nước cốt dừa).


"Chúng tôi là một dân tộc rất chuộng hình ảnh, và chúng tôi có những chiếc xe diễu hành mô tả nền văn hóa với tiếng trống và âm nhạc," Swaso nói với tôi.

"Một khi diễu hành xong, các đường phố trở thành nơi lễ hội với thức ăn, đồ thủ công, các loại đồ uống khác nhau và những thứ đại loại như thế. Có rất nhiều âm nhạc, nhảy múa và vui chơi."

Các trang phục đầy màu sắc và các điệu múa truyền thống đã biến ngày Lễ Định cư thành một 'Rio thu nhỏ', và các phần vui chơi thường kéo dài sang cả ngày hôm sau.

Hàng ngàn người từ khắp các địa phương của Belize và khắp nơi trên thế giới tràn ngập các thị trấn của Garifuna, khiến lễ hội này trở thành một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất đất nước.

Đó cũng là thời điểm hoàn hảo để nếm thử những món ăn chỉ có trong nền văn hóa Garifuna, vốn cũng có sức hấp dẫn như màn diễu hành.

"Nền ẩm thực của chúng tôi rất khác với phần còn lại của Belize," Swaso nói. "Thực phẩm của tôi là hữu cơ và sạch. Hudut là một trong những món ăn chính của chúng tôi, được chế biến với những nguyên liệu hữu cơ như chuối chín hay chuối xanh được luộc chín và sau đó được giã ra và trộn lại với nhau. Chúng tôi bào dừa tươi để làm nước sốt, và nó được nêm nếm với rau quế, rau kinh giới và đậu bắp. Mọi thứ được lấy từ đất liền và từ biển - nhìn chung đó là cách mà người Garifuna ăn."

Giữ gìn di sản

Ông giải thích rằng người Garifuna vẫn sử dụng những phương thức đánh cá và trồng trọt truyền thống mà tổ tiên họ đã dùng, như dùng dây câu hay lặn để bắt tôm hùm đá (chỉ bắt những con đã trưởng thành). Chuối vẫn được giã bằng tay và bánh khoai mì vẫn được chế biến giống như cách mà các phụ nữ Garifuna đã làm hàng trăm trước đây.

Đối với Swaso, sự đơn giản đó và sự tôn trọng đối với tự nhiên đã đem đến cho nền ẩm thực của dân tộc ông - vốn lấy nguyên liệu từ những mùa vụ tại chỗ như khoai mì và chuối - hương vị và tính chất đặc trưng.

Swaso, cũng giống như nhiều người khác, có một sứ mạng cá nhân là truyền lại nền văn hóa Garifuna cho con cháu cũng như người ngoài.

Để giữ được di sản này sống mãi, ông đã tổ chức những lớp học về âm nhạc và khiêu vũ văn hóa, diễn thuyết về lịch sử của dân tộc và thúc đẩy tiếng Garifuna được giảng dạy ở trường học.

Nhưng Swaso cũng lo lắng rằng ngôn ngữ Garifuna, cũng như rất nhiều ngôn ngữ của sắc tộc thiểu số khác, sẽ biến mất.

Cho dù Unesco đã vinh danh nó (cũng như âm nhạc và điệu múa Garifuna) là Kiệt tác của Di sản truyền miệng và Phi vật thể của Nhân loại hồi năm 2001, đa số những người trẻ không nói ngôn ngữ này nữa.

"Mặc dù có vẻ như là chúng tôi đang đánh mất nền văn hóa của mình, những khía cạnh khác của nền văn hóa chúng tôi vẫn tồn tại," Swaso nói.

"Sẽ không có chuyện chấm dứt cái gì hết. Chúng tôi tiến hóa. Điều đó cho phép chúng tôi vẫn tiếp tục sống theo cách sống truyền thống."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn