Ngày Này Năm Xưa: 01/11/1765: Nghị viện Anh ban hành Đạo luật Tem thuế

Thứ Tư, 01 Tháng Mười Một 20175:23 SA(Xem: 6579)
Ngày Này Năm Xưa: 01/11/1765: Nghị viện Anh ban hành Đạo luật Tem thuế

Nguồn: Parliament enacts the Stamp Act, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1765, trước sự phản đối rộng rãi ở các thuộc địa Bắc Mỹ, Nghị viện Anh vẫn cho ban hành Đạo luật Tem thuế (Stamp Act), một biện pháp đánh thuế nhằm tăng nguồn thu cho các hoạt động quân sự của Anh tại Mỹ.

Việc bảo vệ các thuộc địa Bắc Mỹ trong Chiến tranh với Pháp và người da đỏ (1754-1763) và Cuộc nổi dậy Pontiac (1763-1764) gây nhiều tốn kém cho Anh Quốc, và Thủ tướng George Grenville hy vọng sẽ thu hồi lại một phần chi phí này bằng cách đánh thuế người dân thuộc địa.

Năm 1764, Đạo luật Đường (Sugar Act) đã được ban hành, áp một mức thuế cao hơn cho sản phẩm đường tinh luyện. Mặc dù gặp phải sự phẫn nộ, thuế theo Đạo luật Đường vẫn được “che giấu” bằng cách tính vào thuế nhập khẩu, và đa số người dân thuộc địa phải chấp nhận nó. Tuy nhiên, Đạo luật Tem thuế áp một khoản thuế trực tiếp lên người dân thuộc địa và đã dẫn tới một cuộc nổi dậy ở Mỹ về vấn đề mà sau này chính là nguyên nhân của Cách mạng Mỹ: phải đóng thuế mà không có đại diện (trong nghị viện Anh) (taxation without representation).

Được thông qua mà không có cuộc tranh luận nào tại Nghị viện vào tháng 03/1765, Đạo luật Tem thuế được thiết kế nhằm bắt buộc các thuộc địa phải sử dụng giấy có đóng dấu đặc biệt trong việc in ấn báo chí, sổ sách, lịch và thẻ bài, và đóng dấu tem nổi lên tất cả các giấy tờ liên quan đến thương mại và pháp lý. Con tem này có hình Đóa hồng nhà Tudor được viền quanh là từ America và cụm từ tiếng Pháp Honi soit qui mal y pense – “Hổ thẹn thay cho kẻ có ý nghĩ xấu xa.”

Làn sóng tức giận nổ ra ngay lập tức. Chính trị gia Samuel Adams đã thành lập tổ chức bí mật Đứa con của Tự do (Son of Liberty) để lên kế hoạch phản đối đạo luật, cơ quan lập pháp Virginia và các thuộc địa khác cũng đã thông qua các nghị quyết chống lại đạo luật này. Vào tháng 10, chín thuộc địa đã gửi các đại diện đến New York tham dự Đại hội Đạo luật Tem thuế (Stamp Act Congress), nơi mà các nghị quyết về “quyền và nỗi bất bình” đã được soạn thảo và gửi tới Nghị viện Anh và Vua George III. Bất chấp sự phản đối này, Đạo luật Tem thuế đã được ban hành vào ngày 01/11/1765.

Các thuộc địa đã đáp trả sự xuất hiện của Tem thuế bằng bạo lực và trả đũa về kinh tế. Một cuộc tẩy chay mọi hàng hoá của Anh bắt đầu và Đứa con của Tự do đã tổ chức các đợt tấn công vào các sở hải quan và nhà ở của các nhân viên thu thuế ở Boston. Sau nhiều tháng phản đối và bất ổn về kinh tế, cùng với bản kháng nghị của Benjamin Franklin trước Hạ viện Anh, Nghị viện đã bỏ phiếu bãi bỏ Đạo luật Tem thuế vào tháng 03/1766. Tuy nhiên, trong cùng ngày, Nghị viện đã thông qua Đạo luật Quyền Thu thuế (Declaratory Acts), khẳng định rằng chính phủ Anh có toàn quyền lập pháp đối với các thuộc địa (trong đó có quyền thu thuế như ở Anh – NBT).

Nghị viện một lần nữa sẽ cố gắng áp đặt các biện pháp đánh thuế không được lòng dân lên các thuộc địa Mỹ vào cuối những năm 1760, dẫn đến sự suy thoái liên tục trong quan hệ Anh – Mỹ, và kết thúc là việc bùng nổ Cách mạng Mỹ vào năm 1775.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn