Ngày Này Năm Xưa: 27/12/1918: Ba Lan chống lại Đức ở Poznan

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20175:23 SA(Xem: 4689)
Ngày Này Năm Xưa: 27/12/1918: Ba Lan chống lại Đức ở Poznan

27

Nguồn: Poles take up arms against German troops in Poznan, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, sau thất bại của người Đức, các thành viên Cảnh vệ Nhân dân (People’s Guard), tổ chức quân đội của người Ba Lan, đã cùng với các tình nguyện viên – nhiều người trong số họ là cựu chiến binh trong Thế chiến I – đã chiến đấu chống lại quân Đức đang chiếm đóng tại thành phố công nghiệp chủ chốt của nước họ, Poznan.

Vào đầu Thế chiến I, gần 3/4 Ba Lan nằm dưới sự kiểm soát của Nga; phần còn lại của đất nước do Đức và Áo-Hung thống trị. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến giữa Nga và Liên minh Trung tâm, người Ba Lan đã chiến đấu cho cả hai phía. Khi Đế quốc Nga sụp đổ vào tháng 03/1917, phe Bolshevik đã công nhận quyền tự trị của Ba Lan (khi đó đang bị Nga chiếm đóng) và một chính phủ lâm thời được thành lập ở Paris. Tuy nhiên, cuối năm đó, Đức đã hoàn toàn kiểm soát được đất nước này.

Sau khi Liên minh Trung tâm thất bại, đường đi đến độc lập của nhà nước Ba Lan dường như càng trở nên rõ ràng. Một nước cộng hòa Ba Lan đã được tuyên bố thành lập ngay sau hiệp ước đình chiến, nhưng ranh giới của nhà nước mới đã không được Hiệp ước Versailles thiết lập. Người Đức đã không nhượng bộ bất kỳ lãnh thổ nào dù thất bại, và vẫn cho rằng phần lớn đất nước, kể cả Poznan và các khu vực xung quanh, là tài sản của họ.

Một bài phát biểu mang tính khiêu khích của nhà soạn nhạc và chính trị gia nổi tiếng người Ba Lan, Ignacy Paderewski, và những phản ứng tiếp theo của quân đội Đức đang chiếm đóng có thể đã khởi nguồn cho cuộc nổi dậy vào ngày 27/12/1918. Đến ngày 15/01, quân nổi dậy đã kiểm soát được thành phố, lợi dụng tình trạng suy yếu của quân đội Đức, giống như toàn bộ nước Đức, bị mất mặt vì thất bại và bị phân tâm bởi sự xung đột nội bộ đang gia tăng. Ngày 16/02, như là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Đức và phe Đồng Minh Hiệp ước, Pháp buộc Đức phải công nhận quân đội Ba Lan như là một lực lượng thuộc phe Hiệp ước. Bộ chỉ huy cấp cao tại Poznan sau đó chấp nhận quyền kiểm soát của chính phủ Ba Lan mới, có trụ sở tại Warsaw.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn